Banner trang chủ
Thứ Sáu, ngày 24/01/2025

Hà Nội: Tăng cường thực hiện các giải pháp góp phần cải thiện chất lượng môi trường

06/02/2020

     Trước nguy cơ ô nhiễm không khí ngày càng cao, TP. Hà Nội đã yêu cầu cơ quan chức năng công bố chỉ số chất lượng không khí 2 lần/ngày trên cổng thông tin cũng như các phương tiện truyền thông. Cùng với đó, đưa ra những khuyến cáo để người dân chủ động phòng, ngừa nguy cơ mắc bệnh hô hấp. Đáng chú ý, tại Chỉ thị số 19/CT-UBND ngày 25/12/2019, UBND TP. Hà Nội yêu cầu các đơn vị, tổ chức và cá nhân thực hiện một số giải pháp nhằm khắc phục hạn chế ô nhiễm không khí. Trong trường hợp ô nhiễm không khí chạm mức nguy hại, chỉ số AQI >300, Sở TN&MT có trách nhiệm thông báo tới Sở Giáo dục và Đào tạo để chỉ đạo các trường mầm non, tiểu học sắp xếp lịch học phù hợp, bảo đảm sức khỏe cho học sinh.

     Trước đó, ngày 30/10/2019, UBND TP. Hà Nội cũng đã ban hành Chỉ thị số 15/CT-UBND, trong đó đề ra lộ trình thực hiện xóa bếp than tổ ong. Chỉ thị nêu rõ, đến ngày 1/1/2021 sẽ tiến hành xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi sử dụng than tổ ong theo thẩm quyền, theo quy định của pháp luật. Mới đây, UBND TP. Hà Nội đã đồng ý với các đề xuất của cơ quan chức năng về việc tiếp tục thực hiện công tác tưới nước rửa đường trên địa bàn. Việc tưới rửa đường sẽ do các quận, huyện, thị xã chủ động xây dựng phương án, tập trung tại các khu vực trung tâm, các tuyến đường chính, trọng điểm, khu vực thường xuyên tổ chức sự kiện, lễ kỷ niệm, với tần suất, thời gian duy trì phù hợp, đúng quy trình, bảo đảm hiệu quả, tránh lãng phí, không chồng lấn với hoạt động của xe quét hút, không tưới nước rửa đường trong ngày mưa.

 

Phối cảnh tổng thể Dự án Nhà máy điện rác Sóc Sơn

 

     Về rác thải, cùng với những biện pháp thực hiện giảm thiểu rác thải nhựa, Hà Nội đang tập trung thực hiện các dự án nhằm giảm thiểu ô nhiễm, như xây dựng Nhà máy điện rác Sóc Sơn. Đến thời điểm này, sau 6 tháng thi công, Dự án đã hoàn thành được 37% khối lượng công việc, gồm hệ thống bể rác, lò đốt và đang triển khai lắp đặt thiết bị phục vụ việc sản xuất; phấn đấu hoàn thành xây dựng cơ bản vào tháng 8/2020 và đưa vào vận hành thử trong tháng 10/2020. Dự kiến, khi hoàn thành, Nhà máy có công suất tiêu thụ 4.000 tấn rác/ngày,đêm. Lượng rác này sẽ được đốt để tạo ra 75 mW điện/giờ. Đáng chú ý, nhà máy sẽ lắp đặt hệ thống cảm biến, thường xuyên quan trắc các số liệu liên quan; kết nối với Sở Xây dựng và thông báo công khai trên các bảng điện tử cho người dân khu vực chung quanh biết.

     Theo lãnh đạo UBND TP, Hà Nội đang thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp để giải quyết tình trạng ô nhiễm môi trường. Từ việc thực hiện đổi mới nội dung, hình thức tuyên truyền đến người dân, tiếp tục ban hành văn bản chỉ đạo kết hợp nhiều việc làm cụ thể; tích cực đầu tư trạm quan trắc môi trường, xây dựng các dự án xử lý rác thải, hiện đại hóa hệ thống thu gom rác thải; kiểm tra, giám sát, xử phạt hành vi vứt rác thải bừa bãi. Nhưng để Hà Nội thật sự sáng, xanh, sạch, đẹp không chỉ có những nỗ lực của các cấp chính quyền, mà quan trọng nhất chính là sự đồng lòng, chung sức của chính người dân trong việc tự nâng cao ý thức, hành động BVMT.

 

Phạm Văn Ngọc

Ý kiến của bạn