Banner trang chủ
Thứ Năm, ngày 23/01/2025

Hà Nội: Cần phải phục hồi bầu không khí trong lành vốn có

03/07/2017

   Cách đây khoảng 50 năm, Hà Nội là một thành phố (TP) nhỏ bé, xinh đẹp, với các đường phố tràn ngập cây xanh, nhiều ao hồ, sông ngòi trong xanh. Nhưng ngày nay, TP. Hà Nội đã phát triển rất nhanh chóng, diện tích cũng như dân số nội thành gấp 10 lần trước đây. Các hoạt động sản xuất công nghiệp, xây dựng ngày càng gia tăng và đường phố tràn ngập các xe ô tô, xe máy. Vì thế, bầu không khí Hà Nội đã bị ô nhiễm ngày càng nặng nề, đặc biệt là ô nhiễm bụi và mùi từ các cống rãnh, ao, hồ và sông ngòi bị ô nhiễm, gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe con người, các hệ sinh thái và làm giảm sức hút du lịch của TP.

Môi trường không khí Hà Nội đang bị ô nhiễm ngày càng nặng nề

   Chất lượng không khí có giá trị rất lớn đối với phát triển con người, kinh tế - xã hội

   Con người phải hít thở trực tiếp không khí bị ô nhiễm, là nguyên nhân gây ra các bệnh về hô hấp (viêm mũi, viêm họng, viêm phế quản, viêm phổi, lao phổi, hen xuyễn…), bệnh về tim mạch và thần kinh, bệnh ngoài da. Do đó, ô nhiễm không khí rất có hại đối với sức khỏe con người, gây thiệt hại cho nền kinh tế và làm giảm sức hút du lịch.

   Theo kết quả điều tra khảo sát của Cục Y tế Giao thông Vận tải (Bộ Giao thông Vận tải) năm 2011, tổng chi phí khám, chữa các bệnh về đường hô hấp, cũng như thiệt hại thu nhập do nghỉ ốm và nghỉ việc để chăm sóc người già, trẻ em bị mắc các bệnh này. Tính bình quân đối với dân cư nội thành Hà Nội mỗi ngày lên tới 1.538 đồng/người. Từ đó, có thể ước tính tổng thiệt hại kinh tế do người dân TP mắc các bệnh đường hô hấp ở Hà Nội (tính với khoảng 3 triệu dân nội thành) là khoảng 80,19 triệu USD/năm. Theo Báo cáo của Tổng cục Du lịch, khách du lịch quốc tế rất thích đi tham quan các làng nghề truyền thống của TP, nhưng họ đều không muốn trở lại lần thứ 2 vì sợ ô nhiễm môi trường.

   Chỉ số đánh giá chất lượng không khí (AQI) và quan điểm đánh giá AQI khác nhau giữa các nước

   Để đánh giá mức độ ô nhiễm không khí (ÔNKK) các quốc gia thường dùng AQI. Chỉ số AQI được phân thành 2 loại: Chỉ số AQI đơn lẻ, dùng để đánh giá mức độ ô nhiễm đối với từng chất ÔNKK, ký hiệu là AQIi; Chỉ số AQI0, dùng để đánh giá chung về chất lượng không khí của địa phương, là trị số trung bình cộng của các AQIi đơn lẻ.

   Mức độ ÔNKK thường được chia thành 5 mức: tốt (AQI = 0 - 50), không bị ô nhiễm (AQI = 51 - 100), ô nhiễm nhẹ (AQI = 101 - 200), ô nhiễm nặng (AQI = 201 - 300), ô nhiễm rất nặng (AQI > 300).

   Hiện nay, việc đánh giá về mức độ ô nhiễm đối với từng chất ÔNKK ở tất cả các nước trên thế giới là giống nhau. Nhưng từ năm 2000 đến nay, đánh giá chung mức độ ÔNKK của một địa phương hay 1 TP, các nước có 2 quan điểm đánh giá khác nhau: Một số nước vẫn theo quan niệm kinh điển: dùng trị số AQI0 tổng quát = trị số trung bình cộng của các chỉ số AQIi đơn lẻ để đánh giá mức độ ô nhiễm chung đối với môi trường không khí, như Mêhycô, nhiều nước ở châu Âu, Hồng Kông, Singapo, Malaixia, Ấn Độ…; Theo quan điểm của Cục BVMT Mỹ (US EPA, sau năm 2000) đã dùng cách đánh giá mới: “Coi trị số AQIi đơn lẻ của bất kỳ thông số ô nhiễm nào mà nó có giá trị cực đại nhất sẽ là chỉ số AQI0 để đánh giá chung, đại diện mức độ ô nhiễm của môi trường không khí ở địa phương đó, các nước hiện nay đang sử dụng cách đánh giá này là Mỹ, Canada, Trung Quốc, Anh, Thái Lan và Việt Nam…

   Đánh giá thực chất ÔNKK của Hà Nội

   Ô nhiễm bụi

   Số liệu quan trắc bụi PM10 của một số trạm quan trắc không khí tự động tại các đô thị của Việt Nam trong giai đoạn 2011 - 2015 cho thấy, nồng độ bụi PM10 ở Hà Nội năm 2011 là lớn nhất, các năm tiếp theo có xu hướng giảm, như vậy chất lượng không khí tại Hà Nội đã được cải thiện đôi chút.

   Chỉ số AQI đối với bụi PM10 ở Hà Nội là lớn nhất so với các TP: Đà Nẵng, Việt Trì, Hạ Long, Huế, Nha Trang, năm 2011, Hà Nội có AQI bụi, năm = 116/50 x 100 = 232, là năm có ô nhiễm bụi lớn nhất, ở mức “ô nhiễm nặng”, nhưng năm 2015, AQI bụi, năm = 73/50 x 100 = 146, ô nhiễm bụi ở mức ô nhiễm nhẹ. Trong các TP nêu trên, không khí TP. Đà Nẵng thuộc loại không bị ô nhiễm và trong sạch nhất.

   Ô nhiễm các khí CO, SO2, NO2, O3

   Số liệu quan trắc chất lượng không khí tự động liên tục ở khu vực đô thị Việt Nam trong các năm từ 2012 - 2016 cho thấy, nguồn gốc phát sinh các loại khí ô nhiễm NO2, SO2 và CO chủ yếu từ động cơ của các phương tiện giao thông vận tải, SO2 phát sinh từ đốt các nguồn nhiên liệu chứa lưu huỳnh và đốt than. Vì vậy, trong các đô thị thì khu vực giao thông là nơi có nồng độ các khí ô nhiễm cao nhất.

   Thông số NO2 đã có dấu hiệu bị ô nhiễm nhẹ ở một số đô thị lớn như TP. Hà Nội, Hải Phòng, TP. Hồ Chí Minh và Hạ Long, còn ở các TP trung bình và nhỏ thì hầu như chưa bị ô nhiễm khí NO2.

   Đối với các khí khác như SO2, CO các giá trị quan trắc thu được vẫn thấp hơn giới hạn quy định trong QCVN 05:2013. Tuy nhiên, đối với thông số CO, nồng độ tăng lên cao trong giờ cao điểm giao thông tại các trục đường giao thông.

   O3 là chất ô nhiễm thứ cấp, được sinh ra do tương tác giữa các chất khí ô nhiễm như NOx, HC, VOC với bức xạ tử ngoại của mặt trời. Tại các trạm quan trắc tự động gần đường giao thông lớn, nồng độ O3 đã vượt quá giới hạn của QCVN trong khá nhiều ngày trong năm.

   Như vậy, đánh giá thực chất mức độ ÔNKK của Hà Nội hiện nay cho thấy, môi trường không khí Hà Nội đã bị ô nhiễm rất nặng về bụi lơ lửng TPS và bụi mịn PM10, còn nồng độ các chất khí ô nhiễm CO, SO2, NO2, O3 về cơ bản vẫn còn ở dưới, hoặc xấp xỉ trị số tiêu chuẩn cho phép (chưa bị ô nhiễm). Nhưng theo công bố của Đại học Yale và Columbia (Mỹ), Hà Nội nằm trong top 10 TP có môi trường không khí bị ô nhiễm nhất trên thế giới. Tuy vậy, đây chỉ là đánh giá theo quan điểm của Cục BVMT Mỹ, coi mức độ ô nhiễm bụi là mức độ ô nhiễm chung của không khí Hà Nội. Ngày 3/3/2016, Đại sứ quán Mỹ ở Hà Nội đã công bố trị số quan trắc bụi PM5.0, PM2,5 của TP vào giờ cao điểm (8 - 9 giờ sáng) là 383µg/m3; số liệu đo lường của trạm quan trắc tự động Nguyễn Văn Cừ của Tổng cục Môi trường cũng cho thấy, xuất hiện trị số PM10 đột xuất lớn nhất vào thời điểm 8 - 9 giờ buổi sáng hôm đó bằng khoảng 270 µg/m3, từ đó trên các phương tiện thông tin đại chúng đã đưa tin ÔNKK của Hà Nội là rất trầm trọng, giống như ÔNKK ở TP. Bắc Kinh, Trung Quốc. Đây là một thông tin đánh giá ÔNKK ở Hà Nội chưa chính xác. Bởi vì trị số nồng độ bụi PM5.0, PM2,5 đo được chỉ là trị số cực hạn đột xuất ở thời điểm bất thường, ví dụ lúc đó có cơn gió thổi tức thời mang theo nồng độ bụi lớn đi qua thiết bị đo, không phải là trị số trung bình ngày (trung bình 24 giờ) nên không thể được xem là trị số đại diện của ngày hôm đó để đánh giá mức độ ÔNKK ở Hà Nội. Thông lệ trên thế giới cũng như ở nước ta, để đánh giá mức độ ô nhiễm của một địa phương vào một ngày cụ thể nào đó thì phải lấy trị số trung bình đo của 24 giờ liên tục ngày đó làm đại diện; để đánh giá mức độ ô nhiễm trong năm thì phải căn cứ vào trị số trung bình đo của cả năm liên tục (365 ngày x 24 giờ đo) làm trị số đại diện, không thể lấy trị số đo tức thời bất thường ở một thời điểm nào đó làm trị số đại diện để đánh giá mức độ ô nhiễm không khí trong cả ngày cho toàn thành phố được. Thậm chí, giả thiết rằng, trị số PM5.0, PM2,5 đo được của Đại sứ quán Mỹ đó là trị số trung bình ngày chẳng hạn, thì trị số AQI trung bình ngày hôm đó cũng chỉ = 383µg/m3:150µg/m3 x 100 = 255, thì ô nhiễm bụi ở Hà Nội cũng chỉ ở mức độ “ô nhiễm nặng” chứ không phải ở mức độ “ô nhiễm rất nặng, ô nhiễm nguy hiểm” như ở TP. Bắc Kinh. Trong khi đó trị số AQI bụi của Bắc Kinh lên tới hơn 300 và 500, ở mức ô nhiễm rất nặng, nguy hiểm. Vào các ngày ô nhiễm như vậy, chính quyền Bắc Kinh phải áp dụng biện pháp giảm bớt lượng ô tô hoạt động trong TP và tạm đình chỉ hoạt động của một số nhà máy có nguồn thải ÔNKK lớn, đồng thời khuyến nghị người dân có nhạy cảm với ÔNKK thì không nên ra khỏi nhà. Ngoài ra, các chất ô nhiễm môi trường không khí ở Bắc Kinh có tính chất độc hại hơn so với ở Hà Nội, theo kết quả phân tích thành phần bụi không khí của Hà Nội cho thấy, khoảng trên 50% bụi Hà Nội là thành phần bụi đất đá, còn thành phần bụi các - bon đen, được sản sinh ra từ quá trình đốt nhiên liệu hóa thạch, có thể gây ra bệnh ung thư phổi, thì chỉ chiếm dưới 50%. Ngược lại, ở Bắc Kinh, ÔNKK không những phát sinh từ hoạt động giao thông và công nghiệp mà còn phát sinh từ rất nhiều lò đốt đun nước nóng dân dụng đốt than để sưởi ấm trong mùa đông, nên tỷ lệ thành phần bụi các bon đen cao hơn. Mặt khác, ở Bắc Kinh môi trường không khí còn bị ô nhiễm nặng cả về khí SO2.

   Một số giải pháp nhằm phục hồi chất lượng môi trường không khí của Hà Nội

   Trước hết, cần phải xác định các nguồn gây ÔNKK ở Hà Nội là khí thải từ các phương tiện giao thông (xe máy, mô tô); cơ sở sản xuất công nghiệp, thủ công nghiệp, hoạt động xây dựng; bụi phát sinh từ sự rơi vãi, phát tán từ các hoạt động vận chuyển nguyên vật liệu, đất cát... Ô nhiễm mùi hôi là do các khí mê tan, H2S, NH3, VOC chứa methan bốc lên từ các miệng hố gas, cống rãnh, từ nước sông, hồ bị ô nhiễm, các chất hữu cơ thối rữa bay lên.

   Vì vậy, có thể đề xuất một số giải pháp, có tính cấp bách nhằm giảm thiểu ÔNKK, phục hồi căn bản chất lượng không khí trong lành của TP. Hà Nội như sau:

   Một là, tăng cường năng lực quản lý môi trường không khí (QLMTKK) Hà Nội như thành lập phòng QLMTKK, bổ sung cán bộ chuyên môn được đào tạo đúng chuyên ngành môi trường không khí cho Hà Nội; tổ chức tập huấn kiến thức nhằm nâng cao trình độ chuyên môn cho các cán bộ về QLMTKK;

   Hai là, đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến và hướng dẫn thực hiện các quy định BVMT không khí; huy động sự tham gia tích cực của cộng đồng, người dân, cơ sở sản xuất, tổ chức xã hội trong công tác BVMT không khí nói riêng và BVMT TP nói chung, làm cho người dân Hà Nội tự giác, chủ động giữ gìn vệ sinh môi trường, đấu tranh với các hành động gây ô nhiễm môi trường không khí;

   Ba là, tập trung kiểm soát, kiểm tra và xử lý nghiêm ngặt các nguồn thải ô nhiễm bụi phát sinh từ các hoạt động xây dựng và sửa chữa nhà cửa, đường xá, cầu cống...

   Bốn là, tăng cường kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ các nguồn thải bụi phát sinh từ chuyên chở nguyên vật liệu, đặc biệt là về ban đêm;

   Năm là, tiến hành kiểm tra định kỳ theo quy định của quy chuẩn môi trường về khí thải (EURO 2, EURO 3, EURO 4) đối với tất cả các phương tiện giao thông cơ giới (các loại xe ô tô, đặc biệt là các loại xe buýt, xe tải, ô tô chạy dầu, mô tô, xe máy), cấm lưu hành đối với các xe không đáp ứng yêu cầu BVMT theo các quy chuẩn kỹ thuật quốc gia đã quy định;

   Sáu là, thực hiện thu gom, vận chuyển và xử lý đúng kỹ thuật vệ sinh 100% rác thải đô thị; thường xuyên quét dọn đường xá và vỉa hè, bảo đảm đường phố luôn sạch sẽ; Tiến hành phun nước rửa đường vào các ngày trời nắng hanh khô;

   Bảy là, phát triển hệ thống giao thông công cộng, đảm bảo thuận lợi phục vụ người dân đi lại, giảm thiểu số lượng xe máy và ô tô cá nhân hoạt động trên đường phố;

   Tám là, áp dụng các biện pháp kỹ thuật xử lý bụi và khí thải phát sinh từ sản xuất công nghiệp và thủ công nghiệp; Khuyến khích các hộ gia đình và cửa hàng ăn uống từ bỏ đun nấu bằng than tổ ong, phát triển đun nấu bằng khí gas, hoặc bằng các viên nhiên liệu mùn cưa hay sinh khối; Xử lý triệt để tình trạng ô nhiễm môi trường nước mặt ở tất cả các sông, hồ nội thành của Hà Nội; Ưu tiên đầu tư hoàn thiện hệ thống quan trắc môi trường không khí, đặc biệt là hệ thống quan trắc không khí tự động cố định;

   Chín là, phát triển trồng, chăm sóc và bảo vệ cây xanh công cộng trong TP, khuyến khích phát triển các loại cây xanh bên trong các công trình (cây xanh ban công, hành lang, mặt tường, mặt mái các công trình).

   Ô nhiễm môi trường không khí Hà Nội đã tác động tiêu cực đối với sức khỏe cộng đồng, gây ra thiệt hại kinh tế, làm giảm vị thế của TP trên trường quốc tế và làm giảm súc hút du lịch của TP.

   Để phát triển con người và du lịch Thủ đô bền vững, cần phải phục hồi bầu không khí trong lành vốn có của Hà Nội. Việc phục hồi bầu không khí trong lành của Hà Nội là một việc rất khó, nhưng không phải là việc bất khả thi, nếu có sự quyết tâm của lãnh đạo TP, sự đồng lòng ủng hộ của cộng đồng dân cư và sự tham gia của các nhà khoa học thì môi trường không khí của Hà Nội sẽ trong xanh trở lại.

GS.TSKH Phạm Ngọc Đăng

Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường số 6/2017

Ý kiến của bạn