Banner trang chủ
Thứ Năm, ngày 23/01/2025

Giải quyết tranh chấp môi trường thông qua hòa giải: Áp dụng thử nghiệm ở Ðà Nẵng

03/07/2017

   Hiện nay, tại Việt Nam, tình hình tranh chấp môi trường (TCMT) đã và đang diễn biến theo chiều hướng đáng lo ngại, với số vụ việc, tính phức tạp ngày càng tăng. Việc xử lý TCMT hiện chủ yếu vẫn được thực hiện theo phương thức hành chính, với sự chồng chéo trách nhiệm của các cơ quan quản lý; sự quá tải và phối hợp thiếu chặt chẽ, hợp lý giữa các bên đã dẫn đến tranh chấp chậm được giải quyết, gây bức xúc cho nhân dân. Để cải thiện tình trạng này, cần xây dựng và triển khai áp dụng cơ chế giải quyết TCMT thông qua hòa giải phù hợp với điều kiện nước ta.

   Quy trình giải quyết TCMT thông qua hòa giải

   Năm 2013, với sự hỗ trợ của Quỹ châu Á, Viện Chiến lược, Chính sách TN&MT (CLCSTNMT) đã nghiên cứu, đề xuất cơ chế giải quyết TCMT thông qua hòa giải. Qua đó, Viện CLCSTNMT đã xuất bản Tài liệu hướng dẫn giải quyết TCMT thông qua hòa giải (Tài liệu).

   Theo Tài liệu, quy trình giải quyết một vụ TCMT thông qua hòa giải bao gồm 6 bước: Tiếp nhận vụ việc, thiết lập các điều kiện cần thiết cho việc giải quyết TCMT; Tổ chức đối thoại giữa các bên gây hại và bị hại; Điều tra, khảo sát vụ việc; Xây dựng các phương án hòa giải; Tổ chức thương lượng, đạt được phương án hòa giải; Tổ chức thực hiện phương án hòa giải. Theo đó, khi có TCMT xảy ra, UBND cấp xã là cơ quan hành chính đầu tiên sẽ nhận các khiếu nại, tố cáo của công dân, cộng đồng (bên bị hại). Cán bộ UBND xã, phường xem xét vụ việc tranh chấp từ đó báo cáo lãnh đạo UBND xã, phường để phân loại. Nếu vụ việc ở quy mô nhỏ, trách nhiệm hòa giải thuộc về UBND xã, phường theo quy định của Luật BVMT năm 2014 và pháp luật về hòa giải ở cấp cơ sở. Còn nếu vụ việc xảy ra ở quy mô lớn hơn, vượt thẩm quyền giải quyết của UBND xã, thì báo cáo lên UBND cấp cao hơn.

   UBND cấp huyện hoặc cấp tỉnh sau khi nhận được thông tin từ UBND cấp xã, nơi xảy ra tranh chấp cần xác định sơ bộ vấn đề, nội dung tranh chấp, mong muốn của các bên liên quan. Trên cơ sở thông tin ban đầu có được, tiến hành thăm dò khả năng áp dụng phương pháp hòa giải trong giải quyết tranh chấp. Nếu cả 2 bên tranh chấp cùng chấp thuận giải quyết thông qua hòa giải, UBND sẽ thành lập Tổ công tác giải quyết TCMT thông qua hòa giải (Tổ hòa giải). Dựa vào các thông tin đã được thu thập, Tổ hòa giải sẽ xây dựng Kế hoạch giải quyết TCMT thông qua hòa giải.

Buổi hòa giải vụ TCMT tại Hố Rái với sự tham gia của đại diện các doanh nghiệp và người dân ngày 4/3/2016

   Sau khi Tổ trưởng phê duyệt Kế hoạch, thành viên Tổ hòa giải liên hệ và tổ chức đối thoại với các bên tranh chấp. Sau đó, Tổ tiến hành điều tra, xác định các nguyên nhân gây tranh chấp, thiệt hại của cộng đồng dân cư do ô nhiễm, suy thoái môi trường gây ra. Trên cơ sở kết quả điều tra, khảo sát, đánh giá mức độ thiệt hại của người dân, Tổ hòa giải sẽ xây dựng phương án hòa giải, đảm bảo giải quyết các lợi ích, cũng như mối quan tâm của các bên. Trong quá trình xây dựng và lựa chọn các phương án giải quyết, Tổ hòa giải tiến hành tham vấn các bên, tổ chức thương lượng để đạt được sự nhất trí, đồng thuận của các bên tranh chấp, sau đó, tiến hành giám sát việc thực hiện nghĩa vụ của các bên tranh chấp. Tuy nhiên, trong quá trình giải quyết tranh chấp tại địa phương, tùy vào từng vụ việc cụ thể có thể linh hoạt vận dụng các bước giải quyết, sao cho đảm bảo hòa giải thành công vụ việc TCMT.

   Giải quyết TCMT thông qua hòa giải tại khu vực Hố Rái

   Từ nhiều năm qua, người dân sống trong khu vực Hố Rái (thôn Phước Thuận, xã Hòa Nhơn, huyện Hòa Vang, TP. Đà Nẵng) bị bao vây bởi bụi, tiếng nổ mìn phá đá và các đoàn xe ben chở đất đá mỗi ngày từ 12 mỏ đất đá tại đây. Trong quá trình khai thác, các doanh nghiệp chưa thực hiện đúng báo cáo đánh giá tác động môi trường được phê duyệt, những xe vận chuyển đất, đá thường chở quá tải, làm rơi vãi đất ra đường, gây ô nhiễm môi trường. Mặt khác, các doanh nghiệp không thường xuyên tưới nước trên đoạn đường vận chuyển, làm phát sinh bụi, nhất là đoạn từ các mỏ đến tiếp giáp với đường nhựa (tuyến đường vào mỏ đá Hòa Nhơn). Trong 12 mỏ đất đá đang khai thác ở thôn Phước Thuận, có 9 mỏ lấy đường liên thôn làm đường vận chuyển, gây bụi mù mịt. Do đó, người dân buộc phải thay đổi nếp sinh hoạt, ban ngày phải đóng kín cửa, chủ yếu sinh hoạt ban đêm khi xe chở đất đá của các mỏ dừng hoạt động. Ngoài ra, do độ chênh cao giữa các mỏ đất với khu vực Hố Rái lớn nên khi trời mưa đã rửa trôi đất trực tiếp xuống khu vực gây bồi lấp, làm mất đất sản xuất của người dân. Trong khi đó, việc thực hiện cam kết môi trường và chi trả, đền bù thiệt hại vụ mùa của các doanh nghiệp khai thác chưa phù hợp với yêu cầu và nguyện vọng của người dân. Bức xúc trước tình trạng trên, nhiều lần người dân tụ tập, chắn đường không cho xe chạy, nhưng sau đó, hoạt động khai thác vẫn được tiếp tục.

   Trước tình hình đó, năm 2016, Viện CLCSTNMT đã phối hợp với Sở TN&MT Đà Nẵng tiến hành thử nghiệm áp dụng cơ chế giải quyết TCMT thông qua hòa giải. Việc thử nghiệm cơ chế giải quyết TCMT thông qua hòa giải được thực hiện theo đúng quy trình các bước trong Tài liệu hướng dẫn. Theo đó, Tổ hòa giải cấp xã và Tổ hòa giải cấp Sở đã được thành lập. Để giải quyết vụ việc, Tổ hòa giải cấp Sở đã phối hợp với Tổ hòa giải cấp xã tiến hành xác định lại quy mô, tính chất của vụ việc và xây dựng Báo cáo thiệt hại, giải quyết TCMT ở Hố Rái. Qua tìm hiểu cho thấy, việc bồi lấp đất lên khu ruộng của dân có quy mô lớn (2,85 ha) và kéo dài từ năm 2011 - 2016 mà chưa được giải quyết triệt để. Việc giải quyết tranh chấp trước đây của xã Hòa Nhơn chỉ mới dừng ở xác định mức độ thiệt hại cây trồng và trao đổi với các doanh nghiệp để thống nhất số tiền đền bù, hỗ trợ thiệt hại lúa, thời gian hỗ trợ. Trên cơ sở đó, 2 Tổ đã xây dựng Kế hoạch hòa giải TCMT, nghiên cứu các quy định hiện hành về bồi thường, tính toán mức độ thiệt hại và đề xuất biện pháp giải quyết triệt để 3 vấn đề chính gồm thiếu nước tưới, bồi lấp đất và hoàn trả đất ruộng cho người dân. Đồng thời, tổ chức các buổi làm việc với doanh nghiệp và người dân để tìm hiểu nguyện vọng của các bên đối với việc giải quyết TCMT tại Hố Rái. Sau đó, 2 Tổ hòa giải đã xây dựng các giải pháp giải quyết ô nhiễm, suy thoái TN&MT.

   Với sự hỗ trợ của Tổ hòa giải, Sở TN&MT và chuyên gia luật, ngày 4/3/2016, Tổ hòa giải xã Hòa Nhơn đã tổ chức buổi hòa giải đầu tiên với sự tham gia của cả 2 bên tranh chấp (gồm đại diện 17 hộ dân và 3 doanh nghiệp) nhằm giải quyết vụ tranh chấp tại Hố Rái. Buổi hòa giải đã đạt được thành công khi có sự thống nhất giữa doanh nghiệp với các hộ dân về thiệt hại môi trường, cũng như đưa ra được giải pháp phù hợp và có tính khả thi. Qua đó, các hộ dân và doanh nghiệp đều nhất trí với báo cáo thực trạng các vấn đề TCMT ở Hố Rái mà 2 Tổ hòa giải đã thực hiện. Cụ thể, vấn đề mất đất trồng lúa do bồi lấp đất và thiếu nước tưới được giải quyết thông qua các giải pháp chuyển đổi đất lúa thành đất trồng keo lá tràm, ngăn chặn dòng chảy lớn gây rửa trôi đất. Việc xác định vị trí và cách thực hiện từng giải pháp cũng được 2 bên thống nhất ở các buổi hòa giải diễn ra sau đó.

   Như vậy, việc thực hiện áp dụng thí điểm cơ chế giải quyết TCMT thông qua hòa giải tại khu vực Hố Rái đã đạt được những kết quả theo đúng mục tiêu đề ra; 2 bên đã thống nhất được phương án giải quyết tranh chấp, đồng thời, kiến thức và kỹ năng của các cán bộ giải quyết TCMT ở cấp xã cũng được nâng lên.

   Khó khăn, thách thức và một số đề xuất để giải quyết TCMT thông qua hòa giải tại Hố Rái

   Trong quá trình thực hiện hòa giải TCMT tại khu vực Hố Rái, các bên đã gặp nhiều khó khăn, thách thức như việc giải quyết TCMT thông qua hòa giải kéo dài thời gian giải quyết vụ việc; hầu hết các cán bộ hòa giải chưa được đào tạo, tập huấn về kỹ năng hòa giải nói chung, hòa giải môi trường nói riêng; chưa có sự phân định rõ ràng trách nhiệm của tổ chức và các thành viên trong Tổ hòa giải cấp xã. Vì thế, khi áp dụng thử nghiệm, Tổ hòa giải cấp xã còn lúng túng và gặp nhiều khó khăn. Trong khi đó, việc thu thập thông tin, chứng cứ, xác minh vấn đề, cũng như đánh giá thiệt hại và xây dựng giải pháp hòa giải không đơn giản, chưa có hướng dẫn chi tiết việc đánh giá thiệt hại của người dân; văn bản hòa giải thiếu tính pháp lý. Mặt khác, việc giải quyết tranh chấp vẫn còn phụ thuộc vào thiện chí của doanh nghiệp. Thực tế cho thấy, nếu doanh nghiệp chỉ thực hiện đền bù các thiệt hại mà không giải quyết dứt điểm tình trạng gây ô nhiễm, suy thoái môi trường thì việc khiếu nại có thể sẽ tiếp tục kéo dài.

   Việc thí điểm giải quyết TCMT thông qua hòa giải ở Hố Rái đã cho thấy, những thành công bước đầu của phương thức hòa giải trong giải quyết TCMT nhưng cũng bộc lộ những vướng mắc. Vì vậy, để hoàn thiện quy trình hòa giải TCMT, cần phải nhân rộng thí điểm cho các địa phương khác, từ đó, có thể ban hành chính thức quy trình và phương pháp giải quyết TCMT, giúp các cơ quan quản lý địa phương có thể áp dụng. Bên cạnh đó, cần xây dựng tài liệu hướng dẫn kỹ năng hòa giải, thu thập thông tin, chứng cứ, phương pháp xác minh vấn đề cốt lõi của tranh chấp, hướng dẫn đánh giá thiệt hại và xây dựng giải pháp hòa giải.

Dương Thị Phương Anh, Nguyễn Trung Thắng, Hoàng Hồng Hạnh, Hoàng Thị Hiền

Viện Chiến lược, Chính sách TN&MT

Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường số 6/2017

Ý kiến của bạn