Banner trang chủ
Thứ Năm, ngày 23/01/2025

Diễn biến chất lượng môi trường nước trên các lưu vực sông khu vực phía Bắc (3 đợt năm 2020)

16/07/2020

   Theo Quyết định số 1309/QĐ-BTNMT ngày 26/4/2018 của Bộ TN&MT, Trung tâm Quan trắc môi trường miền Bắc có chức năng thực hiện các chương trình quan trắc và đánh giá chất lượng môi trường quốc gia, chương trình quan trắc mang tính liên vùng, liên tỉnh, xuyên biên giới, tại các điểm nóng, đặc thù, nhạy cảm về môi trường trên phạm vi địa bàn các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương gồm: Lào Cai, Yên Bái, Điện Biên, Hòa Bình, Lai Châu, Sơn La, Hà Giang, Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Tuyên Quang, Thái Nguyên, Phú Thọ, Bắc Giang, Quảng Ninh, Bắc Ninh, Hà Nam, Hà Nội, Hải Dương, Hải Phòng, Hưng Yên, Nam Định, Ninh Bình, Thái Bình, Vĩnh Phúc, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh (các tỉnh miền Bắc).

    Trên phạm vi các tỉnh miền Bắc, chương trình thực hiện quan trắc trên 5 lưu vực sông (LVS): Cầu, Nhuệ - Đáy, Mã - Chu, Hồng - Thái Bình và LVS Lam, sông La; Từ năm 2006, chương trình quan trắc môi trường trên các LVS được Trung tâm Quan trắc môi trường (nay là Trung tâm Quan trắc môi trường miền Bắc), Tổng cục Môi trường triển khai thực hiện thường xuyên, hàng năm và vị trí các điểm được quan trắc không đổi theo không gian và thời gian. Hiện nay, Trung tâm Quan trắc môi trường miền Bắc đã triển khai thực hiện 3 đợt quan trắc (đợt 1: tháng 2/2020; đợt 2: tháng 3/2020 và đợt 3: tháng 4/2020).   

   Trong bài viết, chất lượng môi trường nước được đánh giá dựa theo chỉ số chất lượng nước (VN_WQI) do Tổng cục Môi trường xây dựng và ban hành tại Quyết định số 1460/QĐ-TCMT. Các thông số sử dụng để tính toán chỉ số chất lượng nước gồm: Nhiệt độ; pH; DO; COD; BOD5, các thông số kim loại gồm: Pb; Cd; As và Hg. Riêng đối với nhóm hợp chất chứa nitơ, lựa chọn thông số NH4 đại diện để tính toán chỉ số VN_WQI. 

 

Khung 1. Chỉ số VN_WQI

    Chỉ số chất lượng nước được tính theo thang điểm (khoảng giá trị WQI) tương ứng với biểu tượng và các màu sắc để đánh giá chất lượng nước đáp ứng cho nhu cầu sử dụng, cụ thể như sau:

Khoảng
giá trị
 WQI

Chất lượng nước

Phù hợp với mục đích sử dụng

91 - 100

Rất tốt

Sử dụng tốt cho mục đích cấp nước sinh hoạt

76 - 90

Tốt

Sử dụng cho mục đích cấp nước sinh hoạt nhưng cần các biện pháp xử lý phù hợp

51 - 75

Trung bình

Sử dụng cho mục đích tưới tiêu và các mục đích tương đương khác

26 - 50

Kém

Sử dụng cho giao thông thủy và các mục đích tương đương khác

10 - 25

Ô nhiễm nặng

Nước ô nhiễm nặng, cần các biện pháp xử lý trong tương lai

< 10

Ô nhiễm rất nặng

Nước nhiễm độc, cần có biện pháp khắc phục, xử lý

 

             

    Kết quả quan trắc 3 đợt đầu năm 2020 trên các LVS khu vực phía Bắc cho thấy, có trên 70% các điểm quan trắc có giá trị VN_WQI đạt mức tốt đến rất tốt. Các điểm quan trắc ghi nhận ở mức kém chiếm 11%, điểm bị ô nhiễm chiếm 6% (VN_WQI: 10-25), tập trung trên các điểm nóng về ô nhiễm môi trường (LVS Nhuệ - sông Đáy: Đoạn sông Nhuệ chảy qua địa phận Hà Nội, các sông nội thành Hà Nội; LVS Cầu: Đoạn sông Ngũ Huyện Khuê; đoạn suối Loàng, cầu Bóng Tối) do tiếp nhận nước thải sinh hoạt của TP. Hà Nội , TP. Thái Nguyên và nước thải làng nghề (tỉnh Bắc Ninh) chưa qua xử lý, xả thải ra LVS. Các điểm quan trắc còn lại có chất lượng môi trường nước sông ở mức trung bình, nước sông chỉ có thể sử dụng được cho mục đích giao thông thủy và các mục đích tương đương khác.

 

Biểu đồ 1. Chất lượng môi trường nước theo chỉ số VN_ WQI trên các LVS phía Bắc

 

 Lưu vực sông Cầu

    Trên dòng chính sông Cầu, đoạn thượng nguồn chảy qua địa phận các tỉnh Bắc Kạn, Thái Nguyên, nước sông khá sạch, có thể sử dụng được cho mục đích cấp nước sinh hoạt và các mục đích tương đương khác. Môi trường nước sông Cầu bị suy giảm khi chảy qua địa phận tỉnh Bắc Ninh – Bắc Giang, từ điểm Vạn Phúc về phía hạ lưu do tiếp nhận nước ô nhiễm từ sông Ngũ Huyện Khê (điểm Hòa Long), chất lượng nước sông chỉ ở mức trung bình, giá trị VN_WQI dao động từ 51 - 75, nước sông sử dụng được cho mục đích tưới tiêu và các mục đích tương đương khác.

 

Biểu đồ 2. Diễn biến chất lượng môi trường nước trên sông Cầu 3 đợt năm 2020

 

    Trên phụ lưu sông Cầu (sông Công, Nghinh Tường, sông Đu, suối Phượng Hoàng, suối Cam Giá), môi trường nước sông ở mức tốt, sử dụng được cho mục đích cấp nước sinh hoạt, nuôi trồng thủy sản và các mục đích tương đương khác.

    Các điểm nóng ô nhiễm trên LVS Cầu (điểm Đào Xá trên sông Ngũ Huyện Khê; điểm cầu Bóng Tối trên suối Bóng Tối), nước sông vẫn tiếp tục bị ô nhiễm nặng, cần biện pháp xử lý (VN_WQI: 10-25). Do ảnh hưởng nước thải chưa qua xử lý của làng giấy Phong Khê (Bắc Ninh) và nước thải sinh hoạt của TP. Thái Nguyên.

 

Biểu đồ 3. Diễn biến chất lượng môi trường nước trên sông Công và các sông khác 3 đợt năm 2020

 

Lưu vực sông Nhuệ - sông Đáy

    LVS Nhuệ - sông Đáy là LVS bị ô nhiễm nặng nhất trong số các LVS khu vực phía Bắc, nước sông Nhuệ - sông Đáy bị ô nhiễm tại nhiều đoạn chảy qua khu dân cư, làng nghề, cơ sở sản xuất công nghiệp. Các sông nội thành Hà Nội (điểm nóng ô nhiễm trên LVS Nhuệ - sông Đáy) tiếp tục bị ô nhiễm nặng, chưa có dấu hiệu cải thiện.

 

Biểu đồ 4. Diễn biến chất lượng nước trên các sông nội thành Hà Nội 3 đợt năm 2020

 

    Sông Nhuệ, đoạn chảy qua nội thành Hà Nội (từ Cầu Tó đến điểm Cự Đà), nước sông bị ô nhiễm nặng kéo dài nhiều năm chưa được cải thiện WQI:12-15 do tiếp nhận nước ô nhiễm của sông Tô Lịch và nước thải các làng nghề Hà Nội, tại các đoạn sông Nhuệ chảy qua khu vực ven đô Hà Nội và địa phận tỉnh Hà Nam, môi trường nước được cải thiện hơn, nước sông có thể sử dụng được cho hoạt động nuôi trồng thủy sản, giao thông thủy và các mục đích tương đương khác (WQI: 26-57). 

 

Biểu đồ 5. Diễn biến chất lượng môi trường nước trên sông Nhuệ 3 đợt năm 2020

 

    Chất lượng môi trường nước sông Đáy tốt hơn so với sông Nhuệ, tuy nhiên do tiếp nhận một phần nước ô nhiễm từ sông Nhuệ, chất lượng nước sông Đáy và phụ lưu sông Đáy tại Hà Nội, Hà Nam (điểm quan trắc Cầu Hồng Phú, Đầm Tái - sông Châu Giang) bị suy giảm so với khu vực hạ lưu. Nước sông chỉ ở mức trung bình (VN_WQI:25-50), nước sông chỉ sử dụng được cho mục đích giao thông thủy và các mục đích tương đương khác, tuy nhiên khi chảy qua địa phận Hà Nam, Ninh Bình, nước sông đã có thể sử dụng được cho mục đích tưới tiêu, nuôi trồng thủy sản và mục đích cấp nước sinh hoạt (VN­_WQI: 51-92).

 Lưu vực sông Hồng - Thái Bình

    Kết quả quan trắc 3 đợt đầu năm 2020 trên LVS Hồng - Thái Bình khá tốt, sử dụng được cho mục đích nuôi trồng thủy sản, tưới tiêu và các mục đích tương đương khác, nhiều điểm nước sông sử dụng tốt cho mục đích cấp nước sinh hoạt, đặc biệt thời điểm quan trắc (tháng 3/2020, tháng 4/2020), 100% các điểm quan trắc trên LVS Hồng, Thái Bình có giá trị WQI đạt ở mức tốt đến rất tốt (WQI: 84-97). 

   Trên sông Đà, sông Lô, sông Thái Bình, chất lượng môi trường nước sông vẫn duy trì trạng thái sạch và chưa có dấu hiệu bị ô nhiễm.

 

Biểu đồ 6. Diễn biến chất lượng môi trường nước trên sông Hồng 3 đợt năm 2020

 

Chất lượng nước LVS Mã - Chu

    Chất lượng môi trường nước sông duy trì mức tốt đến rất tốt, 100% điểm quan trắc tại cả 3 đợt quan trắc đầu năm 2020 có giá trị VN_WQI dao động trong khoảng 76-100, nước sông sử dụng tốt cho mục đích tưới tiêu, cấp nước sinh hoạt và các mục đích tương đương khác. 

 

Biểu đồ 7. Diễn biến chất lượng môi trường nước trên LVS Mã - Chu 3 đợt năm 2020

 

    Phụ lưu (sông Chu), chất lượng nước sông tốt hơn dòng chính sông Mã, nước sông sử dụng tốt cho mục đích nuôi trồng thủy sản và cấp nước sinh hoạt. 

 Sông Lam, sông La và các sông phụ lưu

    Trên thượng nguồn sông Lam, môi trường nước sông khá tốt, chất lượng môi trường nước sông giảm dần về phía hạ lưu (từ cầu Bến Thủy đến điểm sông Vinh tại cầu Bến Thủy 2), nước sông chỉ có thể sử dụng được cho mục đích tưới tiêu, nuôi trồng thủy sản và các mục đích tương đương khác do tiếp nhận nước thải sinh hoạt của TP. Vinh và dân cư dọc hai bên sông. Các điểm quan trắc còn lại trên sông Lam có chất lượng môi trường tốt, VN_WQI: 82-96, nước sông sử dụng tốt cho mục đích cấp nước sinh hoạt nhưng cần biện pháp xử lý.

 

 

    Trên sông La và các sông nhánh (Ngàn Tươi, Ngàn Phố) môi trường nước sông chưa có dấu hiệu bị ô nhiễm, nước sông sử dụng tốt cho mục đích cấp nước sinh hoạt, nuôi trồng thủy sản và các mục đích tương đương khác, giá trị VN_WQI >88.

    Nhìn chung, chất lượng môi trường nước mặt trên các LVS khu vực phía Bắc đầu năm 2020 khá tốt, tuy nhiên tại các điểm nóng về ô nhiễm môi trường nước sông khu vực phía Bắc như: Điểm cầu Đào Xá trên sông Ngũ Huyện Khê, khu vực suối Loàng, suối Bóng Tối, suối Cam Giá trên LVS Cầu; từ Nghĩa Đô đến điểm Cầu Sét trên các sông nội thành Hà Nội trên LVS Nhuệ - sông Đáy, ô nhiễm vẫn tiếp diễn và chưa có dấu hiệu cải thiện, đặc biệt có thời điểm ghi nhận (tháng 3/2020), mức độ ô nhiễm gia tăng như đoạn sông Cầu qua Bắc Ninh - Bắc Giang.

 

TS. Trần Thị Minh Hương, ThS. Nguyễn Hữu Thắng
Trung tâm Quan trắc môi trường miền Bắc, Tổng cục Môi trường

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường số 6/2020)

Ý kiến của bạn