Banner trang chủ
Thứ Năm, ngày 23/01/2025

Diễn biến chất lượng môi trường nước các lưu vực sông năm 2016

08/12/2016

   Việt Nam hiện có 108 lưu vực (LV) sông, với 3.450 sông, suối, tổng lượng trung bình hàng năm khoảng 830 tỷ m3. Từ năm 2006, Trung tâm Quan trắc Môi trường (QTMT), Tổng cục Môi trường triển khai 7 chương trình QTMT nước các LV sông theo không gian và thời gian, bao gồm: LV sông Nhuệ - sông Đáy (5 đợt); LV sông Cầu (5 đợt); LV sông Đồng Nai- sông Sài Gòn (4 đợt); LV sông Mã - sông Chu (3 đợt); LV sông Hồng- sông Thái Bình (3 đợt); LV sông Vu Gia - sông Thu Bồn (3 đợt) và nước các sông vùng Tây Nam Bộ (3 đợt). Bài viết đề cập chỉ số chất lượng nước (CLN) được tính toán từ kết quả quan trắc các LV sông trong thời gian từ tháng 5-7/2016.

   Chất lượng môi trường nước các LV sông được đánh giá thông qua chỉ số CLN (WQI), tính toán theo “Quyết định số 879/QĐ-TCMT ngày 1/7/2011 của Tổng cục Môi trường về việc ban hành sổ tay hướng dẫn tính toán chỉ số CLN” và Quyết định số 711/QĐ-TCMT ngày 29/5/2015 về việc ban hành bộ trọng số trong công thức tính toán chỉ số WQI đối với LV sông Cầu và sông Nhuệ - sông Đáy. Chỉ số WQI được tính từ các thông số quan trắc CLN, dùng để mô tả định lượng về CLN và khả năng sử dụng của nguồn nước và được biểu diễn qua các thang điểm (Bảng).

   Theo kết quả tính toán giá trị WQI các LV sông cho thấy, phần lớn chất lượng môi trường nước mặt ở thượng nguồn các LV sông còn khá tốt.... Tuy nhiên, đã có một số khu vực đầu nguồn có dấu hiệu ô nhiễm tại các thời điểm. Ô nhiễm và suy thoái tập trung ở vùng trung lưu và hạ lưu (đặc biệt là các đoạn chảy qua khu vực đô thị, khu công nghiệp, làng nghề), nhiều khu vực ô nhiễm ở mức nghiêm trọng như đoạn các sông chảy qua nội thành trên LV sông Nhuệ - sông Đáy, lưu vực hệ thống sông Đồng Nai... chỉ có thể sử dụng được cho mục đích giao thông thủy, tưới tiêu và thậm chí có đoạn bị ô nhiễm nặng.

   Chất lượng môi trường nước LV sông Cầu còn tương đối tốt, nước sông có thể sử dụng cho mục đích nuôi trồng thủy sản, tưới tiêu và cấp nước sinh hoạt. Tại thượng nguồn sông Cầu, khu vực chảy qua tỉnh Bắc Cạn, chất lượng môi trường nước sông khá sạch, có thể sử dụng cho mục đích cấp nước sinh hoạt. Tuy nhiên đến đoạn sông Cầu chảy qua địa phận của tỉnh Bắc Giang và Bắc Ninh, CLN sông có phần suy giảm, giá trị WQI trong khoảng 50-76, cho thấy nước sông chỉ có thể sử dụng cho mục đích tưới tiêu, nuôi trồng thủy sản và các mục đích tương đương khác.

Giá trị WQI

Mức đánh giá CLN

91-100

Sử dụng tốt cho mục đích cấp nước sinh hoạt

76-90

Sử dụng cho mục đích cấp nước sinh hoạt nhưng cần các biện pháp xử lý phù hợp

51-75

Sử dụng cho mục đích tưới tiêu và các mục đích tương đương khác

26-50

Sử dụng cho giao thông thủy và các mục đích tương đương khác

0-25

Nước ô nhiễm nặng, cần các biện pháp xử lý trong tương lai

   So với cùng thời kỳ quan trắc năm 2015, chất lượng môi trường nước sông Cầu được cải thiện hơn, đặc biệt tại các điểm Hòa Bình, Sơn Cầm trên địa phận tỉnh Bắc Cạn; Cầu Trà Vườn, Cầu Mây ở TP. Thái Nguyên, môi trường nước đã thoát khỏi tình trạng bị ô nhiễm nặng, nước sông đã có thể sử dụng cho mục đích nuôi trồng thủy sản, tưới tiêu và các mục đích tương đương khác.

Biểu đồ 1. Giá trị WQI trên sông Cầu tháng 7/2015 và tháng 7/2016

   Trên các sông khác thuộc LV sông Cầu như sông Công, sông Ngũ Huyện Khê (giá trị WQI nằm trong khoảng 51-98) cho thấy, nước sông sử dụng được cho mục đích tưới tiêu, nuôi trồng thủy sản và cấp nước sinh hoạt. Tuy nhiên so với chất lượng môi trường nước trên các sông vào cùng thời kỳ năm 2015, môi trường nước sông Công và sông Ngũ Huyện Khê bị suy giảm, đặc biệt tại điểm quan trắc Phú Cường, Cầu Huy Ngạc, Cầu Đa Phúc và Cầu Lộc Hà năm 2015 nước sông có thể sử dụng được cho mục đích cấp nước sinh hoạt, năm 2016 nước sông chỉ có thể sử dụng cho mục đích nuôi trồng thủy sản và các mục đích tương đương khác. 

Biểu đồ 2. Giá trị WQI trên sông Nhuệ tháng 7/2015 và tháng 7/2016

Biểu đồ 3. Giá trị WQI trên sông Hồng tháng 5/2015 và tháng 5/2016

   Môi trường nước trên LV sông Nhuệ - sông Đáy tiếp tục bị ô nhiễm tại nhiều khu vực đi qua khu dân cư, làng nghề, cơ sở sản xuất công nghiệp. Nước sông Nhuệ (đoạn từ đoạn từ cống Liên Mạc đến Đồng Quan) và các sông nội thành vẫn đang bị ô nhiễm. Nước sông Đáy và các nhánh sông khác ở mức tương đối ổn định và có thể sử dụng cho mục đích tưới tiêu, giao thông thủy và các mục đích tương đương khác.

   Kết quả tính giá trị WQI tại thời điểm quan trắc trên sông Nhuệ, đoạn chảy qua địa phận Hà Nội (từ điểm Cống Liên Mạc đến Đồng Quan) có giá trị dao động trong khoảng 31-67, phản ánh nước sông có thể sử dụng cho mục đích tưới tiêu, giao thông thủy và các mục đích tương đương khác. Tuy nhiên, cũng trên sông Nhuệ, đoạn chảy qua địa phận tỉnh Hà Nam (từ điểm Cống Thần đến Đò Kiều), CLN bị suy giảm mạnh, giá trị WQI nằm trong khoảng 0-25, do giá trị TSS vượt QCVN 08-MT:2015/BTNMT loại B1 nhiều lần, vấn đề này đang tiếp tục theo dõi diễn biến trong thời gian tiếp theo. So với cùng thời kỳ năm 2015, môi trường nước sông Nhuệ đoạn chảy qua địa phận Hà Nội ít có sự biến động, CLN vẫn duy trì trạng thái ổn định, ngoại trừ điểm Đồng Quan, nước sông được cải thiện hơn, có thể sử dụng cho mục đích nuôi trồng thủy sản, tưới tiêu và các mục đích tương đương khác.

Nguồn nước sông Nhuệ bị ô nhiễm nặng tại các điểm Cầu Tó, Phúc La, Cự Đà

   Kết quả tính toán giá trị WQI trên sông Đáy cho thấy, CLN sông ít có sự biến động, giá trị WQI tại phần lớn các điểm quan trắc nằm trong khoảng 51-76, phản ánh môi trường nước sông có thể sử dụng cho mục đích tưới tiêu, giao thông thủy và các mục đích tương đương khác, ngoại trừ điểm Cầu Mai Lĩnh, môi trường nước sông bị suy giảm mạnh, nước sông bị ô nhiễm nặng, do giá trị thông số TSS vượt quá QCVN 08-MT:2015/BTNMT loại B1 nhiều lần.

   Trên các nhánh sông khác, CLN tương đối tốt, chưa có dấu hiệu bị ô nhiễm, phần lớn các điểm có giá trị WQI nằm trong khoảng 50-75, nước sông có thể sử dụng cho mục đích tưới tiêu và nuôi trồng thủy sản. Đặc biệt, tại điểm quan trắc Nho Quan nguồn nước có thể được sử dụng cho mục đích sinh hoạt, giá trị WQI nằm trong khoảng 76-90.

   CLN trên LV sông Hồng khá tốt và ít có sự biến động qua các năm, theo kết quả tính giá trị WQI trên sông Hồng cho thấy, tất cả các điểm quan trắc đều có thể sử dụng cho tưới tiêu, cấp nước sinh hoạt và mục đích tương đương khác.

   Trên các sông khác như sông Đà, sông Lô và sông Thái Bình nhìn chung chất lượng môi trường nước sông khá sạch, chưa có dấu hiệu ô nhiễm, nước sông sử dụng được cho mục đích cấp nước sinh hoạt.

   CLN LV sông Mã - sông Chu được đánh giá khá tốt. Đoạn sông Mã chảy qua tỉnh Điện Biên và Thanh Hóa có giá trị WQI nằm trong khoảng 79 - 99, nước sông sử dụng được cho mục đích cấp nước sinh hoạt, tuy nhiên cũng trên sông Mã đoạn chảy qua tỉnh Sơn La, chất lượng môi trường nước sông bị suy giảm, nước sông sử dụng được cho mục đích tưới tiêu, nuôi trồng thủy sản và các mục đích tương đương khác. So với cùng thời kỳ quan trắc năm 2015, đoạn chảy qua tỉnh Điện Biên và Thanh Hóa, CLN được cải thiện hơn, tuy nhiên, đoạn chảy qua địa phận tỉnh Sơn La, chất lượng nước suy giảm nhẹ.

   Tại các sông nhánh khác như sông Chu và sông Bưởi, CLN sông tốt hơn dòng chính sông Mã. So sánh với cùng kỳ năm 2015, chất lượng nước 2 sông này có sự cải thiện đáng kể, đặc biệt là tại điểm Cầu Công và cầu Khe Ngang.

   Chất lượng môi trường nước LV sông Vu Gia - sông Thu Bồn khá sạch, chưa có dấu hiệu bị ô nhiễm, giá trị WQI nằm trong khoảng 66-83, phản ánh nước sông có thể sử dụng cho mục đích tưới tiêu, nuôi trồng thủy sản và cấp nước sinh hoạt. Tuy nhiên, so sánh với kết quả quan trắc cùng kỳ năm 2015, CLN trên sông Vu Gia và sông Thu Bồn bị suy giảm nhẹ.

ThS. Mạc Thị Minh Trà

ThS. Phạm Thị Thùy

Trung tâm Quan trắc Môi trường, Tổng cục Môi trường

Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường số 11/2016

Ý kiến của bạn