Banner trang chủ
Thứ Năm, ngày 23/01/2025

Chính phủ cần xem xét đề ra mục tiêu tăng tốc độ hoàn thành các chỉ tiêu môi trường

07/11/2017

     Tại Phiên thảo luận về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2017 của Quốc hội diễn ra vào ngày 31/10/2017, vấn đề được các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đặc biệt quan tâm là chỉ tiêu về môi trường đã đề ra khó có thể “cán đích”, nếu không có động thái quyết liệt từ Chính phủ, mà bắt đầu là từ sự minh bạch chỉ tiêu, số liệu báo cáo.

     Cụ thể, theo Báo cáo kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của Chính phủ, tỷ lệ khu công nghiệp (KCN), khu chế xuất đang hoạt động có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn môi trường là 86% (vượt chỉ tiêu đề ra). Song, không ít ĐBQH băn khoăn về tính xác thực, độ tin cậy của số liệu này. Bởi trong báo cáo gửi ĐBQH về kết quả thực hiện trả lời chất vấn, Bộ TN&MT nêu rõ, tính đến tháng 9/2017, cả nước có thêm 4 KCN, nâng tổng số KCN đang hoạt động đã hoàn thành việc xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung lên 216/283 KCN, đạt tỷ lệ 76%. Vậy, con số nào mới thực sự chính xác?

     Có người lý giải, những chỉ tiêu về môi trường có sự khác nhau trong các báo cáo không phải vấn đề mới, do sự phân công về BVMT giữa các Bộ, ngành không rõ ràng, đôi khi còn chồng chéo trong một số lĩnh vực. Đơn cử việc theo dõi, đánh giá và quản lý chất thải rắn được giao cho các Bộ: Xây dựng, Y tế, Công Thương, TN&MT hay việc quản lý môi trường công nghiệp thuộc trách nhiệm của các: Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Công Thương, TN&MT. Điều này dẫn tới, các số liệu báo cáo thường phân tán, không thống nhất. Chưa kể, hệ thống chỉ tiêu có nhiều vấn đề không thống nhất, gây khó khăn cho các cấp quản lý trong việc phân biệt cũng như thực hiện báo cáo đối với từng hệ thống…

 

Toàn cảnh Phiên họp

 

     Tuy nhiên, cần xem xét lại việc đưa ra số liệu khác nhau hoặc chưa xác thực, thậm chí “vênh” tới 10% trong các báo cáo bởi điều đó sẽ dẫn tới sự chủ quan, đánh giá cao thành tích đạt được, từ đó khó có thể tìm được giải pháp hữu hiệu, giải quyết tốt vấn đề tồn tại. Điều Chính phủ cần làm là kiểm tra lại và báo cáo cụ thể, chính xác với Quốc hội về chỉ tiêu môi trường.

     Quả thực, những chỉ tiêu về môi trường đã đề ra sẽ khó có thể đạt được nếu không có động thái quyết liệt từ Chính phủ. Đơn cử, trong Chiến lược BVMT quốc gia đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1216/QĐ-TTg ngày 5/9/2012 đã xác định đến năm 2020, ít nhất 95% tỷ lệ KCN, khu chế xuất đang hoạt động có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn môi trường. Song, theo kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2018, Chính phủ lại đề ra tỷ lệ là 88%, chỉ tăng 1% so với năm 2017, vì vậy rất khó bảo đảm mục tiêu như Chiến lược đã đề ra cho lộ trình đến năm 2020. 

     Không những thế, việc xử lý chất thải rắn, chất thải thông thường, chất thải nguy hại và chất thải y tế cũng khó đạt mục tiêu. Thực tế, tỷ lệ xử lý chất thải rắn thông thường cũng không đạt được 100% lượng được thu gom; Tỷ lệ xử lý chất thải nguy hại, thu gom chất thải y tế còn khá thấp. Bên cạnh đó, tỷ lệ xử lý các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng phải đạt 100% cũng khó bảo đảm. Việc thực hiện các chỉ tiêu này sẽ khó “cán đích” nếu chúng ta không xử lý dứt điểm những tồn tại, hạn chế như chưa xác định rõ trách nhiệm thực hiện các chỉ tiêu môi trường đối với các Bộ, ngành, địa phương có liên quan hay chưa đủ chế tài và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.

     Thế nhưng, quan trọng hơn cả vẫn là động thái từ phía Chính phủ trong việc xem xét đề ra mục tiêu để tăng tốc độ hoàn thành các chỉ tiêu môi trường hàng năm ở mức cao hơn. Mặt khác, cần đánh giá toàn diện về mức độ giải quyết các vấn đề môi trường ở khu đô thị, làng nghề, khu vực nông thôn trong giai đoạn hiện nay.  ​

 

Bảo Bình (Theo daibieunhandan.vn)

Ý kiến của bạn