Banner trang chủ
Thứ Năm, ngày 23/01/2025

Cần cẩn trọng trong quá trình cải tạo môi trường hồ Hoàn Kiếm

03/04/2017

   Hồ Hoàn Kiếm là hồ nước ngọt tự nhiên của TP. Hà Nội có diện tích 12 ha. Hồ không chỉ gắn liền với đời sống, văn hóa, tâm linh của người dân thủ đô mà còn là một biểu tượng văn hóa của đất nước. Không chỉ vậy, hồ còn là một hệ sinh thái đặc trưng với hơn 100 loài tảo và nhiều loài thủy sinh vật khác, đặc biệt từng là nơi sinh sống của “Cụ rùa”.

   Giá trị đa dạng sinh học hồ Hoàn Kiếm

   Hồ Hoàn Kiếm có mối liên hệ nguyên thủy với hệ thống sông Hồng với giá trị đa dạng sinh học (ĐDSH) cao, điển hình cho các hồ, đầm của đồng bằng Bắc bộ, trong đó, thành phần thực vật phù du rất phong phú với sự xuất hiện của trên 60 loài thuộc 4 ngành tảo: tảo lam, tảo lục, tảo silic và tảo mắt. Trong khu hệ tảo của hồ có một số loài được coi là đặc hữu như một số loài thuộc chi Scenedesmus.

   Theo kết quả nghiên cứu về hồ Hoàn Kiếm của Viện Công nghệ Môi trường (Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam) vào năm 2009 đã xác định được 20 loài động vật nổi thuộc 8 họ của các nhóm giáp xác chân chèo gồm 4 loài (chiếm 20% tổng số loài), giáp xác râu ngành 7 loài (chiếm 35%), trùng bánh xe 5 loài (chiếm 25%) và các nhóm khác chiếm 20%; 21 loài động vật đáy thuộc 15 họ, trong đó chiếm ưu thế là nhóm thân mềm có 12 loài (chiếm 57%), tiếp đến là nhóm côn trùng có 4 loài (chiếm 19%), nhóm giáp xác có 3 loài (chiếm 14%) và cuối cùng là nhóm giun có 2 loài (chiếm 10%). Trong thành phần loài động vật đáy thu được đáng chú ý là sự xuất hiện của các loài như ấu trùng muỗi lắc và giun ít tơ, đây là nhóm sinh vật chỉ thị cho môi trường bị ô nhiễm hữu cơ nặng.

Cải tạo môi trường hồ Hoàn Kiếm cần thận trọng để đảm bảo những giá trị ĐDSH của hồ

   ĐDSH của hồ còn được nói đến là loài rùa quý hiếm hay còn được gọi là “Cụ rùa”. Đây là loài rùa mai mềm nước ngọt lớn và là loài đặc hữu ở Việt Nam và Trung Quốc, được liệt kê ở cấp cực kỳ nguy cấp trong Sách đỏ của IUCN năm 2006... Theo các nhà khoa học, trên thế giới chỉ còn 4 cá thể rùa giống như rùa hồ Hoàn Kiếm, trong đó một cá thể sống ở hồ Hoàn Kiếm (hiện đã bị chết) và một cá thể sống tại hồ Đồng Mô (Sơn Tây, Hà Nội), hai cá thể còn lại được nuôi nhốt tại Trung Quốc. Ngoài ra, hồ còn có 21 loài cá thuộc 9 họ và 4 bộ, trong đó họ cá chép có số loài chiếm ưu thế nhất và 37 loài thực vật bậc cao, chủ yếu là tập đoàn cây cảnh, hoa, cây xanh bóng mát như tường vi, lộc vừng, trôm, liễu, đại phong tử, gạo, vông, tếch, phượng, si, sấu... Như vậy, có thể khẳng định, với những giá trị ĐDSH tiêu biểu, hồ Hoàn Kiếm cần được bảo vệ và quản lý ở mức cao nhất.

   Cần cẩn trọng trong quá trình cải tạo hồ Hoàn Kiếm

   Hồ Hoàn Kiếm lâu nay vẫn được biết đến như trái tim, biểu tượng lịch sử, văn hóa của Thủ đô Hà Nội. Ngoài những giá trị về tâm linh, văn hóa, hồ còn giữ chức năng điều hòa vi khí hậu cho khu vực, trữ nước mưa. Hồ có diện tích 12 ha được kè đá xung quanh và tách hoàn toàn khỏi nước thải sinh hoạt, sản xuất từ khu vực xung quanh. Hồ có độ sâu mực nước trung bình là 1,2 m. Mực nước hồ dao động theo mùa, vào mùa mưa, nước hồ đầy; mùa khô thì cạn, nên phải bổ sung nước để cấp cho hồ.

   Hiện nay, nước hồ đang có dấu hiệu chuyển dần sang màu đỏ do mật độ tảo lớn, xuất hiện nhiều tảo độc; phạm vi nền đáy từ chân kè ra ngoài 5 m là nền cứng với nhiều gạch, đá; ngoài phạm vi trên là bùn nhão. Kết quả phân tích chất lượng nước hồ Hoàn Kiếm do Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội thực hiện vào tháng 8/2016 cho thấy, chất lượng nước hồ ngày càng suy giảm, độ pH ở mức cao từ 9,05 - 9,46; cặn lơ lửng trong hồ cao với TSS cao hơn tiêu chuẩn cho phép; hồ đang bị ô nhiễm hữu cơ với BOD, COD gấp 2 lần so với quy chuẩn cho phép…

   Do vậy, việc cải tạo môi trường hồ Hoàn Hiếm là cần thiết và cấp bách. Gần đây, Hà Nội đã đưa ra một phương án tổng thể làm sạch lòng hồ và xử lý ô nhiễm nước. Phương án do Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội xây dựng và đưa ra tham vấn ý kiến của các nhà khoa học gồm 3 giải pháp chính là nạo vét bùn, thanh thải phế liệu dưới đáy hồ; bổ sung nguồn nước, xả đáy định kỳ để đảm bảo môi trường nước trong sạch, nâng cao khả năng tự làm sạch của hồ; sử dụng chất Redoxy-3C xử lý ô nhiễm nước.

   Tuy nhiên, trong quá trình cải tạo cần phải thực hiện “bài bản”, thận trọng và có sự giám sát chặt chẽ để vẫn giữ được những giá trị ĐDSH của hồ Hoàn Kiếm. Do vậy, trước khi thực hiện việc cải tạo môi trường hồ Hoàn Kiếm cần phân tích chất lượng nước và điều tra, xây dựng dữ liệu về ĐDSH để xem xét có những loài sinh vật nào hiện đang sinh sống và loài nào cần bảo tồn để có biện pháp can thiệp. Quá trình nạo vét cần thực hiện từ từ, từng bước để không gây ảnh hưởng lớn đến ĐDSH vốn có của hồ.

Đỗ Xuân Đức

Đại học Quốc gia Hà Nội

Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường số 3/2017

Ý kiến của bạn