Banner trang chủ
Thứ Năm, ngày 23/01/2025

Cơ hội cuối của Formosa

08/07/2016

     Trong quá trình thi công vận hành thử nghiệm, tổ hợp Formosa là nguyên nhân gây ô nhiễm môi trường biển nghiêm trọng làm hải sản chết bất thường. Thông tin chính thức được Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng công bố trong cuộc họp báo Chính phủ chuyên đề chiều ngày 30/6/2016, có lẽ đã giải tỏa được những băn khoăn, lo lắng và cả bất an của hàng triệu người dân suốt 2 tháng qua.

     Chính phủ và nhân dân Việt Nam không mong muốn gì hơn khi quyết định mở cửa, thu hút các nhà đầu tư nước ngoài đến đầu tư tại Việt Nam. 500 triệu USD là khoản bồi thường lớn nhất một doanh nghiệp đền bù cho một sự cố môi trường tại Việt Nam từ trước đến nay. Tuy nhiên, vẫn là quá nhỏ so với những thiệt hại về kinh tế, những tổn thương tâm lý và hệ lụy đối với môi trường biển… mà doanh nghiệp này gây ra. Vì thế, điều quan trọng nhất không phải là đền bù bao nhiêu tiền mà là phải chuyển đổi công nghệ và thực hiện nghiêm việc xử lý ô nhiễm môi trường. Với việc chấp nhận 5 nội dung cam kết của Formosa, Chính phủ Việt Nam đã mở “một lối đi” cho doanh nghiệp này. Nhưng có lẽ, đó cũng là cơ hội cuối cùng của Formosa Hà Tĩnh. Bởi theo Bộ trưởng Mai Tiến Dũng, việc có khởi tố hình sự đối với Formosa hay không còn phụ thuộc vào hành động cụ thể của doanh nghiệp này trong thời gian tới. 

 

Nguồn: vitalk.vn

 

     Có thể, sẽ vẫn còn những băn khoăn, nghi ngại rằng, chúng ta có đang “nhẹ tay” trước một thảm họa môi trường lớn như thế không? Sự “khoan dung” hôm nay của Chính phủ Việt Nam liệu có tạo tiền lệ xấu cho những vi phạm của các doanh nghiệp khác trong tương lai? Ngay tại cuộc họp báo, trước đông đảo các cơ quan báo chí quốc tế và trong nước, thay mặt Chính phủ, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng đã một lần nữa khẳng định rõ thái độ của Việt Nam: cởi mở, thông thoáng và nhất quán không có nghĩa là chấp nhận đánh đổi môi trường, đánh đổi cuộc sống an toàn, yên lành của người dân để thu hút đầu tư bằng mọi giá. Nếu các nhà đầu tư cam kết thực hiện đúng pháp luật Việt Nam thì Việt Nam cũng tạo điều kiện để các nhà đầu tư hoạt động hiệu quả.

     Dù thế nào, thảm họa cá chết hàng loạt tại 4 tỉnh miền Trung cũng là bài học đắt giá, đòi hỏi Việt Nam phải xem xét lại toàn bộ quy trình thẩm định, phê duyệt dự án đầu tư và rà soát lại toàn bộ các tiêu chuẩn, quy chuẩn về môi trường. Và một việc quan trọng nữa, “tiên trách kỷ, hậu trách nhân”, để Formosa Hà Tĩnh có thể vi phạm nghiêm trọng như vậy phải có trách nhiệm của các cá nhân liên quan đến toàn bộ quy trình thẩm định, phê duyệt, cấp phép dự án và kiểm tra, giám sát hoạt động của Công ty này. Sau cuộc họp báo, cán bộ, công chức nào có liên quan đến vụ việc, dù ở cấp độ nào cũng sẽ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật theo đúng mức độ sai phạm của mình – tuyên bố khép lại cuộc họp báo dài hơn 1 tiếng rưỡi đồng hồ của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Trương Minh Tuấn cũng là khúc vỹ thanh cho hơn 2 tháng làm việc cẩn trọng, khoa học, khách quan, bài bản và chính xác của các cơ quan bộ, ngành, Trung ương và hàng trăm nhà khoa học trong nước và quốc tế…

     Những cam kết được đưa ra tại cuộc họp báo hôm qua sẽ được thực hiện như thế nào? Câu trả lời vẫn còn ở phía trước. Những tổn hại về môi trường luôn để lại hậu quả lâu dài và khó lường với sự phát triển đất nước. Vì thế, trong thu hút đầu tư ở các địa phương, phải tuyệt đối tránh tư duy “châm chước” các chỉ tiêu về môi trường. Phải có chế tài đủ mạnh ngay từ đầu, kiên quyết không để xảy ra một “Formosa” nào nữa trong tương lai!

 

 Theo Nguyễn Bình (daibieunhandan.vn)

Ý kiến của bạn