Banner trang chủ
Thứ Năm, ngày 23/01/2025

Các vụ vi phạm môi trường xảy ra liên tiếp không liên quan với nhau

14/09/2016

     Thời gian gần đây liên tiếp xảy ra những sự việc như hiện tượng cá chết trên vùng biển Nghi Sơn (huyện Tĩnh Gia, tỉnh Thanh Hóa), trong đó có 300kg cá tự nhiên chết ở khu vực xã Tĩnh Hải và Hải Yến (huyện Tĩnh Gia) và gần 50 tấn cá lồng đặc sản gồm cá mú, cá hồng, cá vược... của các hộ dân xã đảo Nghi Sơn; Công ty CP môi trường Nghi Sơn ký hợp đồng xử lý 400 tấn chất thải nguy hại của Công ty TNHH Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh và việc tàu xả bùn thải xuống khu vực vùng biển Thanh Hóa - Nghệ An bị Bộ đội biên phòng Nghệ An bắt giữ… đã khiến dư luận đặt ra câu hỏi liệu có sự liên quan của 3 vụ việc trên khiến cá chết hàng loạt hay không?

     Ngày 13/9/2016, trao đổi với phóng viên TTXVN, ông Nguyễn Văn Thi - Trưởng Ban Quản lý Khu kinh tế Nghi Sơn và các khu công nghiệp tỉnh Thanh Hóa cho biết, 3 vụ việc nói trên là hoàn toàn tách biệt.

     Theo ông Nguyễn Văn Thi, Khu kinh tế Nghi Sơn chưa nhận bất kỳ khối lượng chất thải độc hại nào từ nơi khác về, Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn cũng chưa thực hiện xả thải từ việc súc rửa đường ống dẫn dầu nên việc cá chết bất thường không phải do ảnh hưởng của chất thải độc hại.

     Qua xác minh mẫu nước tại khu có cá lồng bị chết tại xã đảo Nghi Sơn, các lực lượng chức năng phát hiện có loài tảo Hairoi - Creratium furca nở hoa gây nên hiện tượng thủy triều đỏ với mật độ đạt khoảng 8 triệu tế bào/lít nước biển. Mẫu nước lấy tại khu vực Cảng của Nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn cũng phát hiện loài tảo Creratium furca chiếm ưu thế, mật độ khoảng 500 nghìn tế bào/lít nước biển. Hiện UBND tỉnh đã có báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ về nguyên nhân cá chết được xác định là do hiện tượng tảo nở hoa.

 

Ngư dân thu vớt cá lồng bị chết (Ảnh: Trịnh Duy Hưng/TTXVN)


     Liên quan đến việc Công ty CP môi trường Nghi Sơn ký hợp đồng xử lý 400 tấn chất thải nguy hại của Formosa (Hà Tĩnh), Trưởng Ban Quản lý Khu kinh tế Nghi Sơn Nguyễn Văn Thi cho biết, trong ngày 13/9, Ban Quản lý Khu kinh tế Nghi Sơn và các khu công nghiệp tỉnh Thanh Hóa mới nhận được văn bản của Công ty CP môi trường Nghi Sơn về việc hủy hợp đồng nguyên tắc xử lý chất thải độc hại. Văn bản nêu rõ, tính đến thời điểm ngày 5/9, Công ty vẫn chưa tiến hành thu gom, vận chuyển, xử lý đối với 400 tấn bùn thải nói trên, do lượng bùn thải này đang là tang vật của vụ án bàn giao trái phép chất thải và hiện chưa có kết luận chính thức của cơ quan Công an tỉnh Hà Tĩnh về vụ án. Ông Thi cũng khẳng định, đến thời điểm hiện tại, Công ty CP môi trường Nghi Sơn chưa vận chuyển bất kỳ kg chất bùn thải độc hại nào từ Hà Tĩnh vào Nghi Sơn.

     Về việc Bộ đội biên phòng Nghệ An phát hiện tàu Hiệp Thành 2 LA 03266 của Công ty TNHH Hiệp Thành xả chất thải xuống vùng biển giáp ranh Nghệ An - Thanh Hóa vào ngày 8/9, trên tàu vẫn còn chứa chất thải chưa xả hết. Được biết, Công ty này ký kết hợp đồng vận chuyển bùn thải từ việc nạo vét luồng hàng hải trong khu vực bến cảng tổng hợp quốc tế gang thép Nghi Sơn (xã Hải Hà, huyện Tĩnh Gia, Thanh Hóa) với Công ty CP gang thép Nghi Sơn. Việc đổ bùn thải từ nạo vét luồng hàng hải đã được UBND tỉnh Thanh Hóa chấp thuận cho đổ ở khu vực giáp ranh giữa tỉnh Thanh Hóa và Nghệ An (cách Cảng tổng hợp quốc tế gang thép Nghi Sơn 18 km).

     Ngoài việc xây dựng Cảng tổng hợp quốc tế gang thép Nghi Sơn, Công ty CP gang thép Nghi Sơn còn được UBND tỉnh cấp phép xây dựng 4 bến cảng container và sử dụng bùn thải từ việc nạo vét luồng hàng hải ở khu vực bến cảng quốc tế gang thép Nghi Sơn để đổ phần nền 4 bến cảng để tiết kiệm chi phí. Tuy nhiên, UBND tỉnh Thanh Hóa cũng yêu cầu Công ty CP gang thép Nghi Sơn trong quá trình thi công phải nghiêm túc thực hiện đổ thải đúng vị trí như quy định; Thực hiện đầy đủ các biện pháp, công trình BVMT đã được phê duyệt tại báo cáo đánh giá tác động môi trường và không để xảy ra ô nhiễm môi trường biển khu vực xung quanh dự án.

     Ngày 8/9 là ngày đầu tiên Công ty CP gang thép Nghi Sơn tiến hành nạo vét khu luồng vào Cảng tổng hợp quốc tế gang thép Nghi Sơn và cũng là chuyến đổ thải đầu tiên do Công ty TNHH Hiệp Thành thực hiện. Tuy nhiên Công ty TNHH Hiệp Thành đã đổ thải không đúng vị trí và bị Bộ đội biên phòng Nghệ An bắt giữ.


Trần Hương (Theo vietnamplus.vn)

Ý kiến của bạn