Banner trang chủ
Thứ Năm, ngày 23/01/2025

Các thảm họa xả thải gây ô nhiễm nguồn nước trên thế giới

08/07/2016

     Các vụ xả thải hóa chất ra sông ngòi và đại dương hay tràn dầu ở biển gây ra hậu quả lâu dài tới con người cũng như môi trường sống của nhiều loài thủy sinh vật.

     Nhật Bản

     Năm 1932 - 1968, một thảm họa nước biển nhiễm độc xảy ra tại Nhật Bản do nhà máy hóa chất Chisso xả trực tiếp nước thải chứa thủy ngân chưa qua xử lý ra vịnh Minamata và biển Shiranui.

     Theo Med.org.jp, chất thải đã tích tụ sinh học trong hải sản ở khu vực biển này, khiến người dân và súc vật địa phương ăn vào bị nhiễm độc thủy ngân. Chứng bệnh do nhiễm độc thủy ngân ở đây được gọi là bệnh Minamata.

 


Nhà máy hóa chất Chisso của Nhật Bản trực tiếp xả nước thải chứa thủy ngân ra biển (Ảnh: MED)

 

     Vụ nhiễm độc đầu tiên được phát hiện năm 1956 nhưng phải đến năm 1968, chính quyền mới chính thức kết luận nguyên nhân bệnh Minamata là do nhà máy Chisso xả thải gây ô nhiễm.

     Hậu quả của nó kéo dài suốt 36 năm sau. Người nhiễm độc bị co giật, chân tay co quắp, không nói năng được. Thai nhi đẻ ra bị dị dạng. Gần 2.000 người chết, 10.000 người bị ảnh hưởng. Chó, mèo bị nhiễm độc cũng phát điên rồi chết. Cá biển chết dạt đầy bờ, phủ kín mặt biển.

     Đến năm 2004, tập đoàn Chisso đã trả 86 triệu USD tiền bồi thường cho các nạn nhân và bị yêu cầu phải làm sạch khu vực biển bị ô nhiễm. Căn bệnh Minamata vẫn là một trong 4 căn bệnh nghiêm trọng nhất do ô nhiễm môi trường gây ra tại Nhật.

     Hậu quả của nó vẫn kéo dài tới ngày nay, khi các nạn nhân đã ngoài 40-50 tuổi, chỉ có thể ở trong nhà, tách biệt với cộng đồng và nhờ gia đình chăm sóc. Các vụ kiện Chisso và chính quyền khu vực vẫn đang được tiếp tục.

     Một vụ nước nhiễm độc thủy ngân tương tự Nhật bản cũng xảy ra ở Trung Quốc. Theo một nghiên cứu năm 2010 của Học viện Môi trường, Đại học Đồng Tế ở Thượng Hải, công ty hóa chất công nghiệp Cát Lâm, nay là Công ty dầu khí Cát Lâm, đã thải 114 tấn thủy ngân và 5,4 tấn methylmercury vào sông Tùng Hoa bắt đầu từ năm 1958 đến 1982.

     Những ca bệnh thần kinh nghi do nhiễm độc thủy ngân đầu tiên xuất hiện năm 1965. Năm 1973, hàm lượng thủy ngân đo được trong tóc ngư dân ở vùng thượng lưu thành phố Cát Lâm là 52,5 mg/kg. Tháng 7/1973, chính quyền Cát Lâm mở cuộc điều tra ô nhiễm sông Tùng Hoa. Mức thủy ngân trong tóc người được cho phép tối đa là 1,8 mg/kg, theo chuẩn của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO)

     Đến năm 1976, chính quyền Trung Quốc mới thừa nhận có người nhiễm bệnh Minamata. Sau sự kiện này, nhà máy chỉ giảm lượng xả thủy ngân, chứ không ngừng hoàn toàn. Lúc này, nhà máy mới bắt đầu xử lý nước. Dọc 100km ở hạ lưu sông chảy qua địa phận thành phố Cát Lâm không xuất hiện tôm cá.

 


Sông Tùng Hoa, Trung Quốc (Ảnh: China Daily)

 

      Năm 1978, chính phủ yêu cầu nhà máy hóa chất Cát Lâm phải làm sạch ô nhiễm trong vòng ba năm. Việc làm sạch sông bắt đầu vào tháng 3/1979 và hoàn thành cuối năm 1980, tổng cộng xử lý 192.000 tấn nước. Năm 1979 - 1988, chính quyền bồi thường cho ngư dân vùng bị ô nhiễm gần 4 triệu NDT (khoảng 2,56 triệu USD theo tỷ giá năm 1979).

     Tuy nhiên, Trung Quốc vẫn không công bố số liệu cụ thể về số người nhiễm bệnh Minamata ở khu vực sông Tùng Hoa. Theo một nghiên cứu của Thư viện Y khoa Mỹ (PMC) vào tháng 9/2010, mặc dù nồng độ thủy ngân trong nước sông đã giảm, nhưng phải mất vài thập kỷ hoặc 100 năm nữa nồng độ thủy ngân trong nước sông mới trở về ban đầu. Nồng độ thủy ngân trong cá tuy giảm hơn 90% so với năm 1975, nhưng vẫn cao hơn mức bình thường 2-7 lần và dự kiến ít nhất 10 năm nữa mới khôi phục về mức độ bình thường.

     Mỹ

     Năm 2010, sự cố nổ giàn khoan của hãng dầu khí BP, ngoài khơi bờ biển Louisiana, Mỹ, gây ra vụ tràn dầu Deepwater Horizon, theo New York Times.

     Thảm họa xảy ra khi giàn khoan di động nước sâu Horizon khoan dầu thô ở độ sâu 1.500 m tại khu vực mỏ dầu khí Macondo Prospect. Khí thoát ra từ giếng dầu có áp suất rất cao, phát nổ khiến 11 người chết và 17 người khác bị thương.

     Giàn khoan bốc cháy và chìm xuống biển, gần 5 triệu thùng dầu tràn vào khu vực rộng lớn của vịnh Mexico, phá hủy các hệ sinh thái, ảnh hưởng đến ngành ngư nghiệp và du lịch của các quốc gia trong vùng. Đây là sự cố môi trường lớn nhất trong lịch sử nước Mỹ.

     Vụ tràn dầu gây ảnh hưởng tới hơn 400 loài sinh vật sống tại vùng biển này. 5 năm sau thảm họa, theo Cơ quan Khí tượng Thủy văn Mỹ (NOAA), nồng độ dầu thô đo trong cá ở vùng Vịnh vẫn cao hơn mức bình thường, gây dị tật tim bẩm sinh ở cá, khiến chúng chết sớm.

     Theo NOAA, tác động lâu dài của vụ tràn dầu tới môi trường "nhiều hơn chúng ta tưởng". "Trong số 32 con cá heo được quan sát, nhiều con nhẹ cân, thiếu máu, mắc bệnh phổi và bệnh gan. Nồng độ hormone giúp giảm căng thẳng và điều tiết trao đổi chất cũng giảm một nửa".

 


Vụ tràn dầu có thể quan sát từ không qua qua ảnh chụp vệ tinh của NASA năm 2010 (Ảnh: ​NASA)

 

     Sông White, Mỹ

     Theo Herald Bulletin, tháng 12/1999, một vụ ô nhiễm xảy ra trên sông White, bang Indiana, Mỹ hủy hại đời sống thủy sinh kéo dài hơn 90km và giết chết 4,6 triệu con cá, tương đương 187 tấn. Ngày 28/12, cơ quan môi trường địa phương cho biết họ truy ra nguồn gây ô nhiễm là nhà máy sản xuất đèn ôtô của tập đoàn Guide tại Anderson.

     Ngày 11/1/2000, Thống đốc bang Indiana Frank O'Bannon yêu cầu FBI, Cơ quan Bảo vệ Môi trường Mỹ và Bộ Tư pháp Mỹ điều tra vụ việc.

     Ngày 18/6/2001, Thống đốc bang O'Bannon thông báo tập đoàn Guide đã nhận tội và phải trả hơn 13,9 triệu USD gồm tiền phạt, chi phí pháp lý và chi phí xử lý môi trường, trong đó 6,25 triệu USD được dùng để khôi phục sông.

     Kết quả điều tra cho thấy công ty này đã thải khoảng 1,6 triệu gallon (hơn 6 triệu lít) nước thải có chứa nồng độ độc hại chất dimethyldithiocarbamate, các thành phần hoạt chất của hợp chất xử lý nước thải HMP-2000, cũng như các sản phẩm phân hủy như carbon disulfide. Những chất này sau đó gây ra bọt trên sông White.

     Các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng sau một thời gian, chất độc gây ô nhiễm sông đã trôi đi hết chứ không tích tụ lại. Nhiều loài động vật sống dưới bùn không bị chịu tác động từ hóa chất. Tháng 3/2000, một số loài cá tự quay trở lại khu vực bị ảnh hưởng.

 


Cá chết trên sông White (Ảnh: HB)

 

     Sở Tài nguyên Thiên nhiên Indiana tháng 4/2000 tiến hành chương trình thả cá để hồi sinh hệ thủy sinh. Thành phố Anderson năm 2002 công bố họ đầu tư hàng triệu USD để cải tiến hệ thống xử lý nước thải. 10 năm sau vụ cá chết hàng loạt, các quan chức môi trường nói rằng sông White ở trong tình trạng còn tốt hơn so với trước khi thảm họa môi trường xảy ra. Tuy nhiên, đá dọc theo bờ sông vẫn bị tẩy trắng, như một lời nhắc nhở đến vụ thải hóa chất độc hại.

 

Theo VnExpress

 

Ý kiến của bạn