Banner trang chủ
Thứ Năm, ngày 23/01/2025

Bộ Tài nguyên và Môi trường: Đề xuất xây dựng Nghị định về bảo tồn và sử dụng bền vững đất ngập nước

16/05/2017

     Bộ TN&MT đang soạn thảo hồ sơ đề nghị xây dựng Nghị định về bảo tồn và sử dụng bền vững đất ngập nước (ĐNN).

     Việt Nam có khoảng hơn 12 triệu ha ĐNN, phân bố rộng khắp các vùng sinh thái, trong đó, nhiều vùng ĐNN được xác định có giá trị bảo tồn cao (nằm trong khu bảo tồn thiên nhiên và đã được công nhận là khu Ramsar), cung cấp các dịch vụ sinh thái thiết yếu cho phát triển kinh tế - xã hội và BVMT. Việt Nam cũng đã trở thành thành viên thứ 50 của Công ước Ramsar về các vùng ĐNN có tầm quan trọng quốc tế (năm 1989).

     Để quản lý ĐNN, đồng thời thực hiện nghĩa vụ của nước thành viên đối với Công ước Ramsar, ngày 23/9/2003, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 109/2003/NĐ-CP về bảo tồn và phát triển bền vững các vùng ĐNN. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, Nghị định số 109/2003/NĐ-CP và các văn bản liên quan còn một số tồn tại, hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu của việc bảo tồn, phát triển bền vững các vùng ĐNN, bảo tồn đa dạng sinh học và duy trì các dịch vụ hệ sinh thái ĐNN.

 

Ảnh minh họa

 

     Nguyên nhân là do các văn bản quản lý ĐNN được ban hành trước thời điểm Luật Đa dạng sinh học có hiệu lực; Sự thiếu thống nhất trong hệ thống chính sách, pháp luật về quản lý ĐNN và các đối tượng liên quan đến ĐNN. Bên cạnh đó, Nghị định số 109/2003/NĐ-CP còn nhiều bất cập như: Thiếu cơ chế chia sẻ lợi ích và sự phối hợp giữa các Bộ, ngành, địa phương trong các hoạt động liên quan đến ĐNN; Thiếu các chế tài để thi hành, huy động sự tham gia của cộng đồng trong bảo tồn, sử dụng tài nguyên ĐNN. Các điều khoản quy định pháp lý về ĐNN chưa bao quát toàn diện các vấn đề đặt ra đối với công tác quản lý, bảo tồn ĐNN trong bối cảnh hiện nay, đặc biệt, thiếu các quy định về bảo tồn các hệ sinh thái ĐNN và sử dụng khôn khéo ĐNN. Ngoài ra, áp lực của các hoạt động phát triển và tự nhiên (biến đổi khí hậu) đã gây ra sự suy giảm đa dạng sinh học và đe dọa đến an ninh lương thực, suy giảm giá trị dịch vụ hệ sinh thái của các vùng ĐNN.

     Vì vậy, việc xây dựng Nghị định mới thay thế Nghị định số 109/2003/NĐ-CP là cần thiết, nhằm giải quyết các vấn đề bất cập hiện nay trong quản lý ĐNN, góp phần kiện toàn văn bản quản lý về ĐNN, nâng cao năng lực bảo tồn, sử dụng tài nguyên ĐNN và chia sẻ lợi ích của ĐNN trong xã hội, đáp ứng mục tiêu phát triển bền vững đất nước, thực hiện hiệu quả cam kết quốc tế về bảo tồn, sử dụng khôn khéo các vùng ĐNN ở Việt Nam.

 

Phạm Đình

Ý kiến của bạn