Banner trang chủ
Thứ Năm, ngày 23/01/2025

Bảo vệ môi trường: Thước đo của sự tăng trưởng

08/06/2016

     Nền kinh tế Việt Nam đang dần phục hồi tốc độ tăng trưởng, kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định. Tuy nhiên, song song với sự phát triển kinh tế là sự gia tăng áp lực của các hoạt động phát triển kinh tế – xã hội lên môi trường. Điều đó đòi hỏi công tác quản lý nhà nước trong vấn đề BVMT cần có những thay đổi căn bản.

 

 

     Nguy cơ Việt Nam trở thành bãi thải công nghệ của thế giới vẫn còn rất lớn, trong khi đó việc chôn lấp chất thải rắn không đúng quy định, yêu cầu kỹ thuật về BVMT đang hình thành nên nhiều điểm gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Nước thải sinh hoạt không được xử lý làm cho hầu hết các hồ, ao, kênh, mương, sông chảy qua các đô thị, khu dân cư bị ô nhiễm, có nơi nghiêm trọng, ảnh hưởng xấu đến đời sống và sức khỏe của nhân dân… Trong bối cảnh đó, năng lực quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường còn nhiều hạn chế, bất cập, chưa theo kịp với sự phát triển nhanh, tính chất phức tạp của các vấn đề môi trường, chưa thay đổi được cơ bản nhận thức, hành vi của người dân, cộng đồng về bảo vệ môi trường. Nguồn lực đầu tư cho BVMT hạn chế, chỉ đáp ứng một phần rất nhỏ nhu cầu thực tế. Việc phối hợp giữa Trung ương và địa phương còn nhiều bất cập, thiếu sự điều phối hiệu quả, thống nhất trên phạm vi cả nước làm giảm hiệu lực, hiệu quả của công tác quản lý nhà nước về BVMT.

     3 nhóm giải pháp cơ bản

     Để giải quyết cốt lõi các vấn đề nêu trên, trong năm 2016 tới đây, công tác quản lý nhà nước về BVMT cần tập trung vào 03 nhóm giải pháp cơ bản sau:

     Thứ nhất, nâng cao nhận thức, chuyển đổi hành vi của cộng đồng, người dân về quyền và trách nhiệm đối với công tác bảo vệ môi trường; nâng cao chất lượng và đổi mới hình thức tuyên truyền, giáo dục, phổ biến pháp luật về BVMT; đưa chương trình giáo dục về BVMT vào chương trình phổ thông; xây dựng cơ chế phối hợp hiệu quả giữa Trung ương và địa phương trong tổ chức các sự kiện, ngày lễ lớn về môi trường.

     Thứ hai, tăng cường nâng cao hiệu lực, hiệu quả các công cụ, biện pháp quản lý nhà nước về BVMT như: nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong việc thực hiện đánh giá môi trường chiến lược, đánh giá tác động môi trường;đẩy mạnh hoạt động thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về BVMT, đấu tranh phòng chống tội phạm về môi trường; thực hiện nghiêm các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn việc đưa công nghệ, máy móc, phương tiện, thiết bị cũ, lạc hậu gây ô nhiễm môi trường vào sử dụng; tăng cường các biện pháp kiểm soát nguồn phát sinh, việc lưu giữ, vận chuyển, xử lý và thải bỏ chất thải, đặc biệt là chất thải nguy hại; xây dựng và triển khai dự án đầu tư hoàn thiện hệ thống các trạm quan trắc môi trường quốc gia; xây dựng năng lực dự báo, cảnh báo, chủ động phòng, tránh và giảm nhẹ thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu; tích cực tham gia đánh giá các tác động đến môi trường và đa dạng sinh học; xây dựng và thực hiện lộ trình chuyển đổi cơ cấu kinh tế theo hướng hạn chế, hướng tới loại bỏ các loại hình sản xuất có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.

   Thứ ba, có cơ chế hiệu quả huy động nguồn vốn trong xã hội đầu tư cho BVMT. Tăng cường và đa dạng hóa nguồn lực tài chính cho BVMT, trong đó tập trung đầu tư xây dựng các khu xử lý chất thải rắn tập trung, nước thải sinh hoạt tập trung; khắc phục, cải tạo hồ, ao, kênh, mương, sông chảy qua các đô thị, khu dân cư bị ô nhiễm, khu vực bị nhiễm độc hóa chất, thuốc bảo vệ thực vật, dioxin trong chiến tranh. Chú trọng việc hoàn thiện cơ chế, chính sách huy động nguồn lực từ các thành phần kinh tế, xã hội hóa hoạt động BVMT. Quán triệt, vận dụng có hiệu quả và cụ thể hoá các nguyên tắc: người gây ô nhiễm phải trả chi phí để xử lý, khắc phục hậu quả, cải tạo và phục hồi môi trường; người được hưởng lợi từ tài nguyên, môi trường phải có nghĩa vụ đóng góp để đầu tư trở lại cho quản lý tài nguyên và BVMT.

     Đưa môi trường trở thành thước đo chất lượng của sự tăng trưởng, là tiêu chí để đánh giá sự phát triển kinh tế – xã hội của một địa phương.

     Mở rộng hành lang pháp lý

     Bên cạnh việc tập trung giải quyết các vấn đề còn tồn tại, để tăng cường một bước hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về BVMT, trong năm 2016, ngành môi trường cần tập trung thực hiện các giải pháp nhằm tăng cường hơn nữa sự phối, kết nối giữa Trung ương và địa phương trong công tác BVMT. Đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, cơ bản cần tập trung thực hiện thông qua việc triển khai tích cực các nhóm giải pháp sau:

     Thứ nhất, tăng cường hiệu lực, hiệu quả của hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về BVMT, đáp ứng yêu cầu phát triển và hội nhập quốc tế, trước mắt tập trung xây dựng và ban hành các văn bản hướng dẫn thi hành Luật BVMT năm 2014; rà soát, xây dựng các định mức kinh tế, kỹ thuật trong lĩnh vực BVMT; từng bước hoàn thiện cơ chế, chính sách thúc đẩy xã hội hoá hoạt động BVMT, phát triển dịch vụ môi trường; nhanh chóng triển khai trong thực tế các công cụ kinh tế trong quản lý môi trường.

     Thứ hai, tăng cường hiệu lực, hiệu quả các nguồn lực đầu tư cho công tác BVMT; trong đó thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ cho địa phương trong triển khai các chương trình, dự án về BVMT; thực hiện tốt chính sách khuyến khích, ưu đãi, hỗ trợ DN và người dân tham gia hoạt động BVMT.

     Thứ ba, tăng cường hiệu lực, hiệu quả các công cụ, biện pháp quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường thông qua việc tăng cường phối hợp giữa Tổng cục Môi trường với các Sở TN&MT trong công tác thanh tra, kiểm tra, hậu kiểm; kết nối trong việc tổng hợp số liệu báo cáo môi trường, chia sẻ thông tin, dữ liệu số liệu về môi trường; kết nối về hệ thống quan trắc môi trường.

     Năm 2016, năm có ý nghĩa bản lề, quyết định sự thành công đối với việc hoàn thành các mục tiêu đã đề ra cho giai đoạn 2016 – 2020, cần phải tiếp tục có sự chung sức, chung lòng của các cấp, các ngành, cùng nhau quyết tâm, nỗ lực và sáng tạo trong triển khai các nhiệm vụ, giải pháp để đạt được các mục tiêu quan trọng đã đề ra. Trong thời gian tới, Tổng cục Môi trường sẽ có những kiến nghị cụ thể với Chính phủ về các giải pháp nhằm gắn kết chặt chẽ hơn vấn đề BVMT trong các hoạt động phát triển kinh tế – xã hội, khai thác tài nguyên; phải đưa môi trường trở thành thước đo chất lượng của sự tăng trưởng, là tiêu chí để đánh giá sự phát triển kinh tế – xã hội của một địa phương.

 

TS Nguyễn Văn Tài
Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường

(Theo Diễn đàn Doanh nghiệp)

Ý kiến của bạn