Banner trang chủ
Thứ Năm, ngày 23/01/2025

Bảo vệ loài rùa biển trước nguy cơ buôn bán và săn bắt trái phép

06/11/2017

   Mặc dù được pháp luật bảo vệ, nhưng các loài rùa biển ở Côn Đảo hiện đang bị đe dọa nghiêm trọng bởi nạn buôn bán và săn bắt trái phép. Do vậy, việc truy cứu trách nhiệm hình sự, cũng như đưa ra xét xử các đối tượng buôn bán, vận chuyển rùa biển và trứng của rùa biển là một trong những biện pháp hiệu quả để răn đe, phòng ngừa vi phạm, cũng như khẳng định tính nghiêm minh của pháp luật.

   Bản án cho những kẻ buôn bán trái phép loài rùa biển

   Ngày 6/4/2017, lực lượng kiểm lâm cơ động Vườn Quốc gia (VQG) Côn Đảo phối hợp với Công an huyện Côn Đảo tuần tra phát hiện bắt quả tang đối tượng Lâm Trường Xuân (thường trú tại TP. Hồ Chí Minh), Đặng Hoàng Đức (nguyên quán Bến Tre) và Thái Thành Tài (nguyên quán Sóc Trăng) có hành vi vận chuyển 30 trứng rùa biển hay còn gọi là vích (Chelonia mydas), một loài động vật nguy cấp, quý hiếm được ưu tiên bảo vệ. Vụ việc đã được Công an huyện Côn Đảo lập biên bản và tạm giữ tang vật, phương tiện vi phạm để phối hợp điều tra. Ngày 27/9/2017, Tòa án nhân dân huyện Côn Đảo đã đưa ra xét xử đối tượng Lâm Trường Xuân và đồng bọn về tội vi phạm các quy định về bảo vệ loài nguy cấp, quý hiếm được ưu tiên bảo vệ. Các đối tượng đã bị truy cứu trách nhiệm hình sự sau khi bị phát hiện có hành vi mua bán, vận chuyển 30 trứng vích. Kết thúc phiên tòa sơ thẩm, đối tượng Lâm Trường Xuân lĩnh án phạt 50 triệu đồng, đối tượng Đặng Hoàng Đức và Thái Thành Tài bị kết án cải tạo không giam giữ lần lượt 9 và 12 tháng.

Bị cáo Phạm Văn Tân tại phiên tòa sơ thẩm ngày 18/9/2017

   Trước đó, ngày 17/6/2016, lực lượng kiểm lâm VQG Côn Đảo bắt quả tang Phạm Văn Tân (tạm trú tại huyện Côn Đảo, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) đang vận chuyển 116 quả trứng rùa biển. Theo hồ sơ của kiểm lâm VQG Côn Đảo, đối tượng Phạm Văn Tân từng bị lập biên bản nhiều lần về hành vi trộm trứng, xẻ thịt vích nhưng chưa bị xử lý. Ngày 18/9/2017, Tòa án nhân dân huyện Côn Đảo đã tổ chức phiên tòa xét xử sơ thẩm đối tượng Phạm Văn Tân với hành vi vận chuyển 116 trứng rùa biển. Tại phiên tòa sơ thẩm, sau khi xem xét các tình tiết vụ án, Tòa án nhân dân huyện Côn Đảo đã trả hồ sơ điều tra bổ sung để làm rõ vai trò, trách nhiệm của một số đối tượng khác liên quan, cũng như xác định lại tội danh đối với bị cáo. Đây là vụ án từng rất “nóng” trên công luận về tranh luận liệu trứng rùa biển có phải là sản phẩm của rùa biển. Tuy nhiên, vấn đề này sau đó đã được cơ quan chức năng làm rõ với kết luận việc buôn bán, vận chuyển trái phép trứng rùa biển và các sản phẩm khác từ rùa biển là hành vi vi phạm pháp luật hình sự, là căn cứ để truy cứu trách nhiệm hình sự đối với đối tượng Phạm Văn Tân.

   Theo Nghị định số 160/2013/NĐ-CP của Chính phủ, các loài rùa biển, trong đó có vích đã được đưa vào Danh mục loài nguy cấp, quý hiếm được ưu tiên bảo vệ. Theo đó, các hành vi săn, bắt, giết, vận chuyển, buôn bán, nuôi nhốt rùa biển, hoặc vận chuyển, buôn bán sản phẩm (trứng), bộ phận rùa biển (thịt) phải bị xử lý hình sự bất kể số lượng, khối lượng, giá trị tang vật. Mặc dù vậy, từ đó đến nay, các vi phạm liên quan đến rùa biển thường chỉ bị xử phạt vi phạm hành chính, hoặc tịch thu tang vật. Việc truy cứu trách nhiệm hình sự, cũng như đưa ra xét xử các đối tượng buôn bán, vận chuyển trứng rùa biển diễn ra lần đầu tiên tại Côn Đảo thời gian qua là “điểm sáng” tích cực, thể hiện sự quan tâm của chính quyền tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, huyện Côn Đảo và những nỗ lực của các cơ quan điều tra, tư pháp trong công tác bảo vệ các loài rùa biển khỏi nguy cơ tuyệt chủng. Côn Đảo là địa phương đầu tiên trong cả nước tiến hành xử lý hình sự đối với các hành vi vi phạm liên quan đến trứng rùa biển. Đây là bước ngoặt tiên phong, mở đường cho các địa phương khác noi theo để chung tay bảo vệ loài rùa biển, cũng như khẳng định tính nghiêm minh của pháp luật, sự minh bạch công tâm của các cơ quan tiến hành tố tụng.

   Bảo vệ loài rùa biển trước nguy cơ buôn bán và săn bắt trái phép

   Tại Việt Nam, có 5 loài rùa biển phân bố, bao gồm vích, quản đồng, đồi mồi dứa, đồi mồi, rùa da, trong đó, vích là loài có số lượng cá thể nhiều nhất, kể cả quần thể kiếm ăn và sinh sản. Các loài rùa biển đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì sự ổn định của hệ sinh thái, có giá trị khoa học cao, đem lại nguồn lợi cho cộng đồng từ các hoạt động du lịch. Như một dấu hiệu chỉ thị, nơi nào có sự xuất hiện của rùa biển thì nơi đó sẽ có một hệ sinh thái khỏe mạnh.

   Hiện nay, tại VQG Côn Đảo có 14 bãi biển có rùa lên đẻ trứng với tổng diện tích các bãi đẻ trên 20.000 m2 và mô hình du lịch sinh thái thăm, xem rùa biển đã thu được những kết quả khả quan. Hàng năm, có trên 400 rùa mẹ lên làm tổ và hơn 120.000 rùa con được cứu hộ và thả về biển. Trong mỗi đợt sinh sản, rùa có thể lên bãi đẻ từ 2 - 10 lượt, cách nhau tầm 10 - 14 ngày, tỷ lệ trứng nở thành công đạt đến 87%. Từ năm 1994, Ban quản lý VQG Côn Đảo đã tiến hành công tác bảo vệ sinh cảnh làm tổ cho rùa biển, di dời ổ trứng về trạm ấp an toàn, kiểm tra và thả rùa con về biển; đồng thời, nghiên cứu đặc tính sinh học thông qua việc đo đạc, bấm thẻ để theo dõi số lượng rùa vào bãi.

Trứng vích vừa được vích mẹ đẻ trên Hòn Bảy Cạnh (Côn Đảo)

   Mùa rùa đẻ nhiều nhất thường bắt đầu từ tháng 5 đến tháng 9, tập trung tại một số nơi ở Côn Đảo như bãi cát lớn đảo Bảy Cạnh, bãi cát lớn Hòn Cau, bãi cát lớn Hòn Tre Lớn, bãi cát Hòn Tài, bãi Dương Hòn Bảy Cạnh… Dù công tác bảo tồn rùa biển hiện đã được quan tâm, nhưng lực lượng kiểm lâm vẫn còn mỏng, trong khi tình trạng săn bắt rùa và trộm trứng ngày càng diễn biến phức tạp.

   Các sản phẩm từ rùa, trong đó có trứng rùa là những mặt hàng cấm lưu hành, nhưng vẫn bị săn bắt trái phép do lợi ích kinh tế cao. Do đó, công tác bảo tồn nơi đây không đơn giản. Trên thực tế, trứng rùa không bổ dưỡng như mọi người vẫn lầm tưởng bởi thành phần cholesterol trong trứng rùa cao gấp 20 lần so với trứng gà vịt, là nguyên nhân gây bệnh máu nhiễm mỡ, đột quỵ, nhồi máu cơ tim nên việc ăn trứng và thịt rùa để bồi bổ là không có căn cứ khoa học. Bên cạnh đó là những nguy cơ đe dọa đời sống rùa biển do con người gây ra như mất bãi đẻ do hoạt động khai thác tài nguyên, bị đánh bắt, hoặc vô tình dính lưới, ô nhiễm từ rác thải, túi ni lông…

   Rùa biển là một phần di sản quốc gia, là sứ giả của đại dương. Mỗi loài rùa biển có một vai trò quan trọng riêng trong hệ sinh thái. Hàng năm, Tổ chức Bảo tồn thiên nhiên Quốc tế đều phối hợp với VQG Côn Đảo tổ chức cho các đoàn tình nguyện viên tìm hiểu rùa biển. Tuy nhiên, làm thế nào để công tác bảo tồn rùa biển tránh khỏi nạn săn bắt trái phép thì cần sự chung tay của rất nhiều các cấp, ngành nhằm giữ gìn sự cân bằng sinh thái, không chỉ đối với Côn Đảo mà còn đối với thiên nhiên của Việt Nam và quốc tế.

Đỗ Minh Phượng

Trung tâm Giáo dục và Thiên nhiên

Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường số 10/2017

Ý kiến của bạn