Banner trang chủ
Thứ Năm, ngày 23/01/2025

Bảo hiểm trách nhiệm pháp lý về môi trường tại châu Âu

12/01/2017

   Bảo hiểm trách nhiệm pháp lý về môi trường (BHTNPLMT) là một loại hình bảo hiểm về trách nhiệm bồi thường cho bên mua bảo hiểm để chi trả cho các hoạt động phục hồi thiệt hại môi trường do ô nhiễm môi trường đất, nước, không khí và thiệt hại về đa dang sinh học, nhằm bảo đảm các khoản chi trả cần thiết để bồi thường thiệt hại về môi trường. Tại một số nước trên thế giới, loại hình bảo hiểm này thường được biết đến với các tên gọi khác nhau như bảo hiểm trách nhiệm pháp lý ô nhiễm (PLL), bảo hiểm trách nhiệm pháp lý suy giảm môi trường (EIL), bảo hiểm trách nhiệm pháp lý ô nhiễm môi trường... và tại Việt Nam được gọi là bảo hiểm trách nhiệm bồi thường thiệt hại về môi trường.

   BHTNPLMT được hình thành từ những năm 1970 - 1980, với sự mở rộng của hệ thống trách nhiệm môi trường trong pháp luật quốc gia dẫn đến việc gia tăng nhu cầu thị trường bảo hiểm trong lĩnh vực ô nhiễm, rủi ro môi trường. Tuy nhiên khi đó, đối tượng hợp đồng bảo hiểm thường không bao gồm chi phí làm sạch của khu vực bị ô nhiễm và đến những năm 1980 ngành công nghiệp bảo hiểm bắt đầu mở rộng phạm vi chi trả cho trách nhiệm môi trường. Tháng 8/1980, Shand Morahan giới thiệu loại bảo hiểm mới: Bảo hiểm trách nhiệm pháp lý suy giảm môi trường - EIL. Nhiều công ty bảo hiểm nỗ lực tiếp thị bảo hiểm này với hy vọng, EIL sẽ thay thế loại hình bảo hiểm thương mại chung để đảm bảo thực hiện các cam kết môi trường. Trong thời gian đầu, một số doanh nghiệp đã mua EIL, tuy nhiên nhiều chính sách của EIL chỉ cung cấp bảo hiểm cho các khiếu nại của bên thứ ba, chứ không có quy định yêu cầu làm sạch, khôi phục môi trường. Do vậy, chính sách EIL đã không được ưa chuộng và dần biến mất vào năm 1990.

Chỉ thị 2013/30/EC đã bổ sung quy định về an toàn đối với hoạt động dầu khí ngoài khơi

   Sau bước đột phá không thành công của bảo hiểm EIL, PLL xuất hiện trong những năm 1990. Ngày nay, các hợp đồng bảo hiểm trách nhiệm ô nhiễm có thể được gọi với những tên gọi khác nhau như bảo hiểm môi trường của cơ sở kinh doanh, bảo hiểm trách nhiệm ô nhiễm, bảo hiểm trách nhiệm ô nhiễm cơ sở, bảo hiểm trách nhiệm ô nhiễm tại khu vực xảy ra sự cố… Hợp đồng bảo hiểm trách nhiệm pháp lý ô nhiễm đối với 3 loại tổn thất sau: Khiếu nại của bên thứ ba đối với thương tích cá nhân, thiệt hại về tài sản và chi phí làm sạch; chi phí làm sạch tại khu vực ô nhiễm của doanh nghiệp gây ô nhiễm; các khoản chi phí kiện tụng phát sinh do các khiếu kiện của bên thứ ba. Đến nay, chính sách bảo hiểm trách nhiệm pháp lý ô nhiễm đã phát triển ở nhiều quốc gia trên thế giới với các hãng bảo hiểm lớn cung cấp như: AIG, Chartis, XL Insurane…

   Tại châu Âu, Chỉ thị trách nhiệm môi trường 2004/35/EC (ELD) được thông qua vào năm 2004 đã thiết lập một khung trách nhiệm pháp lý về môi trường để ngăn ngừa và phục hồi các thiệt hại môi trường đối với ô nhiễm môi trường nước, đất và thiệt hại đối với hệ sinh thái. ELD quy định ràng buộc trách nhiệm chặt chẽ đối với các cơ sở/doanh nghiệp có hoạt động nguy hiểm tới môi trường tại Điều 14: “Các nước thành viên phải có biện pháp để khuyến khích sự phát triển của thị trường và các công cụ an ninh tài chính của các hoạt động kinh tế và tài chính phù hợp, bao gồm các cơ chế tài chính trong trường hợp phá sản, với mục đích tạo điều kiện cho nhà sản xuất sử dụng bảo lãnh tài chính để chi trả cho các nghĩa vụ của mình theo Chỉ thị”.

   Sau đó, Chỉ thị ELD 2004/35/EC được Cộng đồng chung châu Âu sửa đổi, thay thế năm 2006, 2009 và 2013 để mở rộng phạm vi trách nhiệm một cách nghiêm ngặt, gia hạn thời gian yêu cầu quốc gia thành viên đưa nội dung của Chỉ thị vào Luật quốc gia. Chỉ thị 2006/21/EC bổ sung quy định về quản lý chất thải từ các ngành công nghiệp khai khoáng, Chỉ thị 2009/31/EC bổ sung quy định về lưu trữ địa chất của các bon dioxide và sửa đổi một số điều khoản, Chỉ thị 2013/30/EC bổ sung quy định về an toàn đối với hoạt động dầu khí ngoài khơi.

   Theo quy định của ELD 2004/35/EC, các quốc gia thành viên phải ban hành nội dung Chỉ thị này trong luật quốc gia trước ngày 30/4/2007, tuy nhiên chỉ có 3 quốc gia thực hiện đúng thời hạn là Italy, Lithuania và Latvia. Theo đó, tùy thuộc vào lựa chọn cũng như hệ thống pháp luật về trách nhiệm môi trường đã được quy định tại mỗi quốc gia trước khi Chỉ thị ELD 2004/35/EC được ban hành, các quốc gia sẽ lựa chọn quy định về bảo hiểm trách nhiệm pháp lý bắt buộc, tự nguyện hoặc bảo hiểm kết hợp (bảo hiểm trách nhiệm pháp lý kết hợp với hệ thống bảo lãnh hay mô hình an ninh tài chính).

   Việc ban hành Chỉ thị ELD 2004/35/EC là cơ sở để thúc đẩy các quốc gia thành viên EU ban hành quy định về bảo hiểm môi trường. Bên cạnh đó, một số quốc gia như Đức, Thụy Điển, Phần Lan đã tồn tại hệ thống luật và các quy định pháp luật về bảo hiểm thiệt hại môi trường trước khi Chỉ thị ELD 2004/35/EC được ban hành. Đức đã lựa chọn bảo hiểm kết hợp từ năm 1965 nhưng chỉ bảo hiểm trách nhiệm bồi thường thiệt hại gây ra do ô nhiễm tích lũy trong môi trường nước và đến năm 1978 đã mở rộng phạm vi bảo hiểm cho trách nhiệm bồi thường thiệt hại do ô nhiễm nước, không khí bao gồm cả ô nhiễm phạm vi ngoài quốc gia, tiêu biểu là Đạo luật trách nhiệm pháp lý về môi trường và Đạo luật thiệt hại về môi trường năm 2007…

   Phần Lan cũng đã ban hành Đạo luật bảo hiểm thiệt hại môi trường năm 1998 và là bảo hiểm bắt buộc đối với các chủ sở hữu giấy phép môi trường. Bảo hiểm trách nhiệm suy thoái môi trường tại Phần Lan chi trả khoản bồi thường cho các thiệt hại môi trường trong trường hợp bên chịu trách nhiệm bồi thường bị phá sản hoặc không xác định. Tuy nhiên, khoản bồi thường thiệt hại môi trường do bảo hiểm chi trả theo quy định của Đạo luật này hạn chế, và không chi trả cho thiệt hại theo quy định của ELD. Bảo hiểm gồm khoản bồi thường cho tổn thương thân thể, thiệt hại tài sản và tổn thất kinh tế do thiệt hại môi trường.

   Từ năm 2008, Ác-hen-ti-na đã yêu cầu bất kỳ công ty nào khi hoạt động có khả năng gây ra các mối đe dọa tới môi trường phải duy trì bảo hiểm trách nhiệm suy thoái môi trường hoặc bảo đảm tài chính khác được dùng cho các chi phí làm sạch sự cố ô nhiễm. Nếu công ty không tuân thủ các yêu cầu duy trì thỏa thuận bảo hiểm thích hợp hoặc bảo lãnh tài chính sẽ không được gia hạn giấy phép hoạt động.

   5 năm sau khi Chỉ thị ELD có hiệu lực, Hy Lạp đề xuất bảo hiểm bắt buộc đối với các hoạt động nguy hiểm, và các hoạt động khác sẽ phải thực hiện theo các yêu cầu tương tự 4 năm sau khi chỉ thị có hiệu lực. Tuy nhiên, một số nước đã không ủng hộ ý tưởng về bảo hiểm bắt buộc, bao gồm Anh, Italia, Pháp và Ireland, và Ủy ban châu Âu. Đến năm 2011, loại hình bảo hiểm trách nhiệm pháp lý môi trường tại châu Âu vẫn đang phát triển ở giai đoạn đầu.

   Như vậy có thể thấy, thị trường bảo hiểm môi trường vẫn còn non trẻ, đặc biệt là ở châu Âu, nơi chỉ có một số lượng nhỏ các công ty bảo hiểm cung cấp sản phẩm bảo hiểm cho trách nhiệm môi trường. Năm 2011, ước tính tổng doanh thu phí bảo hiểm môi trường trên toàn EU từ 250 - 350 triệu Euro mỗi năm, và chiếm dưới 1% thị trường bảo hiểm trách nhiệm chung. Với mục đích tăng cường năng lực cho bảo hiểm, một số nước đã thành lập liên minh bảo hiểm để giải quyết các vấn đề do rủi ro về trách nhiệm môi trường gây ra như tại Pháp, Tây Ban Nha, Italia, Hà Lan.

   Trong quá trình hình thành và phát triển, một số rào cản và thách thức đối với thị trường BHTNPLMT tại châu Âu như thiếu số liệu thống kê về tần suất, mức độ thiệt hại về môi trường và việc chứng minh sử dụng các phương pháp phù hợp để đánh giá rủi ro (trước khi thực hiện dự án), đánh giá sau khi xảy ra sự cố; Ngành công nghiệp bảo hiểm không có kinh nghiệm về bồi thường cho việc phục hồi môi trường; Thiếu sự hiểu biết về ELD của nhiều nhà sản xuất/doanh nghiệp, cộng đồng, các cơ quan công quyền và tổ chức phi chính phủ về môi trường…

   Do đó, để thực hiện hiệu quả BHTNPLMT, các quốc gia cần lưu ý một số điểm sau: Quy định chặt chẽ trách nhiệm pháp lý về môi trường và BHTNPLMT trong luật pháp quốc gia; Quy định phạm vi bảo hiểm trách nhiệm bồi thường thiệt hại môi trường gồm thiệt hại môi trường đất, và thiệt hại đa dạng sinh học; Xây dựng và ban hành các hướng dẫn cụ thể về đánh giá rủi ro, kỹ thuật lượng giá thiệt hại, hoạt động phục hồi môi trường, bảo hiểm và bồi thường cho việc phục hồi môi trường; Xem xét thành lập liên minh bảo hiểm để tăng cường năng lực giải quyết các vụ việc bảo hiểm bồi thường thiệt hại về môi trường.

Mai Thị Thu Huệ

Viện Khoa học môi trường

Tổng cục Môi trường

Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường số 12/2016

Ý kiến của bạn