Banner trang chủ
Thứ Năm, ngày 23/01/2025

Bài học từ việc mất rừng ở khu vực Tây Nguyên và giải pháp bảo vệ rừng tại Việt Nam

26/07/2016

     Ngày 20/6/2016, tại Hội nghị về các giải pháp khôi phục rừng bền vững vùng Tây Nguyên nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2016-2020 được tổ chức tại TP. Buôn Ma Thuật, tỉnh Đắc Lắc, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã tuyên bố đóng cửa rừng tự nhiên ở Tây Nguyên, không chuyển đổi hơn 2,25 triệu hécta rừng tự nhiên còn lại sang mục đích khác, kể cả dự án đã được phê duyệt, trừ các dự án liên quan an ninh quốc phòng; không có chủ trương chuyển rừng nghèo, rừng cạn kiệt sang trồng cây công nghiệp. Thủ tướng yêu cầu rà soát giấy phép các cơ sở chế biến gỗ tự nhiên, qua đó phát hiện những sai phạm để xử lý nghiêm; Ngừng cấp phép cho các thủy điện liên quan đến chiếm đất rừng và rừng; yêu cầu các dự án thủy điện thực hiện nghiêm trồng rừng thay thế; kiên quyết thu hồi giấy phép đối với những dự án không chấp hành trồng rừng thay thế.

     1. Thực trạng và nguyên nhân dẫn đến tình trạng mất rừng ở Tây Nguyên

     Trong thời gian qua, Đảng, Nhà nước đã có nhiều chủ trương chính sách để phát triển kinh tế - xã hội (KT - XH), quốc phòng - an ninh Tây Nguyên; trong đó có các mục tiêu phấn đấu nâng cao tỷ lệ che phủ rừng Tây Nguyên, song thực tế cho thấy, tài nguyên rừng đang ngày càng suy giảm nghiêm trọng.

     Theo Bộ NN&PTNT, tính đến ngày 31/12/2014, Tây Nguyên có hơn 2.567.118 ha đất có rừng, giảm 180.000 ha so với năm 2010. Trong đó, diện tích rừng giảm do chuyển đổi mục đích sử dụng 110.000 ha (trồng cao su, cây công nghiệp, cây ăn quả…); quy hoạch địa phương 37.800 ha (xây dựng thủy điện, công trình giao thông, công trình công cộng…); phá rừng và lấn chiếm đất rừng 122.900 ha (chiếm 45%)… Trong vòng 5 năm (từ năm 2010 - 2014), trữ lượng rừng Tây Nguyên cũng giảm hơn 57 triệu m³ (giảm từ 327 triệu m³ năm 2010 xuống 270 triệu m³ năm 2015); diện tích rừng giảm tới 6,1%, đưa độ che phủ của rừng từ 51,8 % xuống chỉ còn hơn 45%.  Đặc biệt, chất lượng rừng nhất là trữ lượng gỗ đã giảm tới 17,4% .

     Chỉ riêng 6 tháng đầu năm 2015, toàn vùng Tây Nguyên đã xảy ra 3.641 vụ vi phạm lâm luật, trong đó có 93 vụ lấn chiếm đất lâm nghiệp, phá rừng trái phép lấy đất sản xuất. Trọng điểm khai thác gỗ trái pháp luật ở Tây Nguyên tập trung chủ yếu tại các khu vực còn nhiều rừng tự nhiên, khu vực biên giới, khu vực giáp ranh, các khu bảo tồn thiên nhiên, rừng đặc dụng, Vườn quốc gia Yok Đôn, Chư Yang Sin (Đắc Lắc), Khu Bảo tồn thiên nhiên Đắc Uy (Gia Lai)…

 

 

     Có ba nguyên nhân chính dẫn tới tình trạng suy giảm tài nguyên rừng và đa dạng sinh học (ĐDSH) ở khu vực Tây Nguyên. Thứ nhất, do việc chuyển mục đích sử dụng rừng để xây dựng các công trình, cơ sở hạ tầng như thủy điện, thủy lợi, giao thông kể cả các công trình tái định canh, định cư và chuyển cho các dự án phát triển KT-XH của khu vực. Thứ hai, do hành vi phá rừng trái pháp luật để lấy đất sản xuất trước sự cạnh tranh của các cây nông sản hàng hóa khác, thậm chí là phá rừng để lấy đất sang nhượng trái pháp luật. Thứ ba là nạn khai thác trái phép các loài động vật, thực vật rừng. Tại các Vườn quốc gia và khu bảo tồn khu vực Tây Nguyên, hàng năm, Ban quản lý các cơ sở này đã thu giữ hàng trăm bẫy thú và xe máy, xe đạp thồ (tự chế) của các đối tượng sử dụng để săn bắt, vận chuyển lâm sản trái phép.

     2. Những hệ lụy từ việc mất rừng

     Sự xuất hiện các hiện tượng thời tiết cực đoan: Phá rừng là một trong những nguyên nhân làm xuất hiện các hiện tượng thời tiết cực đoan như mưa bão, lũ lụt với cường độ và tần suất mạnh lên. Theo nghiên cứu của Quỹ Châu Á, trong 20 năm qua, Việt Nam là một trong 5 nước có rủi ro thiên tai cao nhất thế giới, với mức thiệt hại ước tính chiếm 1,5% GDP hàng năm. Theo phương pháp chuyển đổi giá trị trung bình trong vòng 10 năm (từ năm 2005 đến năm 2014), trung bình hàng năm ở Việt Nam có đến khoảng 649 đợt thiên tai xảy ra như lũ lụt, mưa đá, bão, lũ quét, lốc xoáy, sạt lở; 469.526 ngôi nhà bị phá hủy, 174.653 ngôi nhà bị hư hỏng và khoảng 2.715 người bị mất do các thảm họa tự nhiên gây ra. Bên cạnh đó là các hiện tượng hạn hán, xâm nhập mặn, sạt lở đất… đã và đang gây trở ngại cho sự phát triển của đất nước.

     Làm suy giảm ĐDSH: Trên thực tế, rừng vẫn đang bị tàn phá, làm suy giảm về số lượng và chất lượng. Mất rừng là mất nơi trú ẩn, sinh cảnh của các loài động vật, mất đi các nguồn gen quý… Theo ước tính, Việt Nam đang mất đi 137 loài thực vật, động vật và côn trùng mỗi ngày do phá rừng nhiệt đới, con số này tương đương với 50.000 loài mỗi năm. Phá rừng đang đóng góp vào sự tuyệt diệt của các loài động thực vật.

     Cạn kiệt nguồn nước: Rừng có vai trò rất quan trọng cho việc giữ nước, ngăn lũ. Nước ngấm xuống đất làm tăng lượng nước ngầm, theo đó các mạch nước cung cấp cho các dòng sông. Theo thống kê của Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai, hạn hán và xâm nhập mặn làm cho 475.000 hộ dân thiếu nước sinh hoạt. Trong trồng trọt, thiệt hại về lúa là gần 248.000 ha; cây công nghiệp là 129.000 ha, thủy sản là hơn 5.000 ha, hoa màu là 19.000 ha và cây ăn quả là hơn 52.000 ha.

     Gia tăng biến đổi khí hậu: Các hệ sinh thái rừng nhiệt đới còn là nơi chủ yếu tích lũy trở lại nguồn khí CO2 phát thải ra, để tạo thành chất hữu cơ. Sự tàn phá rừng, không những làm mất cân bằng sinh thái mà còn làm giảm khả năng hấp thụ CO2 và gián tiếp làm tăng thêm lượng khí CO2 phát thải ra khí quyển, góp phần làm cho biến đổi khí hậu toàn cầu tăng nhanh. Như vậy, sự suy giảm diện tích rừng đã thúc đẩy sự gia tăng của biến đổi khí hậu, ngược lại sự nóng lên của Trái đất cũng tác động đến sự tồn tại và phát triển của các loài động thực vật.

 

Phá rừng không chỉ làm mất cân bằng sinh thái mà còn thúc đẩy sự gia tăng của biến đổi khí hậu

 

     3. Đề xuất một số giải pháp bảo vệ rừng tại Việt Nam

     Từ thực trạng rừng của Tây Nguyên, câu chuyện quản lý, bảo vệ "lá phổi xanh" đã, đang và sẽ có nhiều vấn đề phải suy ngẫm. Đã đến lúc cần nhìn nhận BVMT sinh thái, bảo vệ tài nguyên thiên nhiên ở mức độ cao nhất, nghiêm túc và quyết liệt nhất. Bên cạnh đó là các giải pháp thích ứng, ứng phó với biến đổi khí hậu.

     Tuyên bố đóng cửa rừng khu vực Tây Nguyên của Thủ tướng Chính phủ  là giải kịp thời và cần thiếtnhằm bảo vệ tài nguyên rừng hiện có. Tuy nhiên, cần phải làm rõ trách nhiệm của các cá nhân, tổ chức liên quan đến việc làm mất rừng và đưa ra các giải pháp toàn diện bảo vệ rừng.

     Tiến hành rà soát hiện trạng các dự án đã và đang thực hiện trên phạm vi cả nước. Quyết tâm đình chỉ, thu hồi những dự án kém hiệu quả, dừng những dự án gây ảnh hưởng đến rừng tự nhiên; không cấp phép cho các dự án chuyển đổi mục đích sử dụng là rừng tự nhiên. Bên cạnh đó cần đánh giá lại các chính sách liên quan đến việc chuyển đổi mục đích sử dụng rừng để sửa đổi và ban hành những chính sách có hiệu quả, đảm bảo bảo vệ tốt tài nguyên rừng, tài nguyên ĐDSH.

     Rà soát, kiện toàn Ban Chỉ đạo về bảo vệ và phát triển rừng các cấp, xây dựng quy chế hoạt động và giao nhiệm vụ cụ thể cho các thành viên ban chỉ đạo; Chỉ đạo các cơ quan chức năng tỉnh, tiến hành kiểm tra, truy quét  “đầu nậu”, xử lý nghiêm các tổ chức, các nhân có hành vi vi phạm pháp luật và những cơ quan, chủ rừng, đặc biệt là những người có thẩm quyền nhưng thiếu trách nhiệm, tiêu cực để xảy ra tình trạng phá rừng, lấn chiếm, tái lấn chiếm đất lâm nghiệp, khai thác trái phép tài nguyên rừng.

     Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, quản lý và giám sát các cơ sở chế biến gỗ, kiên quyết xử xử lý nghiêm các cơ sở chế biến hỗ bất hợp pháp hoặc cố tình không tuân thủ các quy định pháp luật. Bên cạnh đó tăng cường sự giám sát của nhân dân trong việc thực hiện nhiệm vụ của cán bộ, công chức. Tăng cường sự phối hợp liên ngành trong việc bảo vệ rừng và phát hiện những sai phạm, tội phạm và xử lý kịp thời.

     Triển khai các chiến dịch truyền thông nâng cao ý thức của cộng đồng, tăng cường năng lực cho cán bộ quản lý các cấp trong công tác bảo vệ rừng.

 

ThS. Mai Hồng Quân

Cục Bảo tồn ĐDSH - Tổng cục Môi trường

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường số 7/2016)

Ý kiến của bạn