Banner trang chủ
Thứ Năm, ngày 23/01/2025

An toàn khi tháo dỡ vật liệu và xử lý chất thải rắn có chứa amiăng

10/09/2020

Tác hại của sợi amiăng

     Amiăng là tên được đặt cho sáu khoáng chất xuất hiện tự nhiên trong môi trường dưới dạng các bó sợi có thể được tách thành sợi mỏng, bền để sử dụng trong ứng dụng thương mại và công nghiệp. Những sợi này có khả năng chịu nhiệt, lửa và hóa chất và không dẫn điện. Vì những lý do này, amiăng đã được sử dụng rộng rãi trong nhiều ngành công nghiệp. Về mặt hóa học, khoáng chất amiăng là các hợp chất silicat, có chứa các nguyên tử silic và oxy trong cấu trúc phân tử của chúng.

    Phơi nhiễm với amiăng xảy ra với việc hít vào, ở mức độ thấp hơn, ăn uống trong sản xuất và sử dụng các sản phẩm có chứa amiăng. Phơi nhiễm khi tháo dỡ các vật liệu có chứa amiăng trong quá trình xây dựng, bảo dưỡng và phá hủy công trình nhà cửa. Amiăng thường được sử dụng hoặc đã được sử dụng là hỗn hợp sợi, kết dính với các nguyên vật liệu khác (xi măng, chất dẻo, nhựa) hoặc dệt thành vải may mặc. Tuy nhiên, khi tháo dỡ và xử lý, các sợi amiăng do rất nhỏ (đường kính trung bình của nó chỉ khoảng 20 - 25 nm) thoát ra dưới dạng bụi gây ô nhiễm môi trường và ảnh hưởng tới sức khỏe cộng đồng. Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), đến nay đã có hơn 100.000 người chết do các bệnh liên quan đến amiăng. Chính vì thế việc sử dụng amiăng đã bị cấm hoàn toàn ở châu Âu từ năm 2005, và đến nay đã có 66 nước cấm sử dụng.

    Nhiều thập kỷ qua, các sản phẩm amiăng đã được sử dụng và chất thải amiăng tạo ra với số lượng lớn, trong khi các vấn đề về rủi ro môi trường và rủi ro cho con người không được quan tâm đúng mức. Ước tính trong 13 nước châu Á từ 2013 đến năm 2020 đã có tới 78,8 triệu tấn chất thải có chứa amiăng chưa được xử lý hoặc tái chế một cách an toàn, hiệu quả.

    Từ những năm 70 của thế kỷ trước, Việt Nam đã sử dụng rất nhiều amiăng trong xây dựng và công nghiệp; đồng thời, Việt Nam nằm trong tốp 7 nước sử dụng nhiều amiăng nhất thế giới. Theo Báo cáo của Bộ Xây dựng năm 2019, những năm gần đây lượng amiăng nhập vào nước ta khoảng trên dưới 60.000 tấn/năm. Amiăng trắng được sử dụng tại Việt Nam vào các lĩnh vực như sản xuất tấm lợp amiăng xi măng, vật liệu cách nhiệt, gioăng phớt chịu nhiệt, má phanh phương tiện giao thông và một số lĩnh vực khác. Riêng trong lĩnh vực tấm lợp, sản lượng sản xuất và tiêu thụ trung bình khoảng 75 - 80 triệu m2/năm, khi những tấm lợp này hư hỏng hay bị thay thế thì việc xử lý nó để đảm bảo an toàn không hề đơn giản.

    Nhằm nâng cao nhận thức về việc đảm bảo an toàn cho người lao động (NLĐ), xin giới thiệu một số biện pháp giúp cho NLĐ hạn chế tới mới tối đa việc tiếp xúc với bụi amiăng phát tán khi tháo dỡ và xử lý chất thải có chứa amiăng. Đồng thời, giới thiệu một số biện pháp xử lý chất thải vừa đảm bảo xử lý triệt để sợi amiăng, vừa tái sử dụng sản phẩm sau xử lý.

Các biện pháp an toàn cho NLĐ và môi trường trước khi tháo dỡ và xử lý chất thải có amiăng

    Trước khi bắt đầu công việc tháo, dỡ, vận chuyển và xử lý chất thải có chứa amiăng, người phụ trách cần lên kế hoạch và chuẩn bị các quy trình nghiêm ngặt để tránh cho NLĐ gặp rủi ro trong quá trình làm việc. Đồng thời, cung cấp các điều kiện cần thiết để hoàn thành công việc một cách an toàn. Khi tháo dỡ vật liệu có amiăng, các đơn vị thi công phải tính đến tình trạng vật lý của sản phẩm (thời gian đã sử dụng, khả năng bục, vỡ, mức độ hư hỏng,…bởi vì mức độ hư hỏng, cũ nát càng lớn thì khả năng phát tán bụi amiăng sẽ càng cao).

    Ngoài ra, huấn luyện là một phần không thể thiếu trước khi tiến hành công việc xử lý chất thải có chứa amiăng. Cần chỉ ra những rủi ro cho NLĐ để họ nhận thức đầy đủ mối nguy hiểm của amiăng và hướng dẫn cho họ các biện pháp bảo vệ cần thiết.

    Việc tiếp xúc bất cẩn và không đúng cách đối với chất thải có chứa amiăng trong quá trình tháo dỡ, giải phóng mặt bằng hoặc xử lý có thể dẫn đến việc phát sinh bụi và không kiểm soát được bụi có chứa sợi amiăng. Để giảm thiểu rủi ro, các yêu cầu nghiêm ngặt được áp dụng cho các nhóm NLĐ, yêu cầu họ phải có kiến thức đầy đủ về an toàn vệ sinh lao động (ATVSLĐ) khi tiếp xúc và làm việc với vật liệu có amiăng.

    Theo điều 36 của NĐ số 39/2016/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số Điều của Luật An toàn, vệ sinh lao động, việc tháo dỡ xử lý CTR có chứa amiăng sử dụng dưới 50 NLĐ phải bố trí ít nhất 1 người làm công tác ATVSLĐ theo chế độ bán chuyên trách; còn nếu sử dụng trên 50 NLĐ phải bố trí ít nhất 1 người làm công tác ATVSLĐ theo chế độ chuyên trách để theo dõi, tổ chức các biện pháp kỹ thuật cần thiết nhằm đảm bảo an toàn cho NLĐ làm việc tiếp xúc với vật liệu có chứa amiăng.

    Nhiệm vụ của cán bộ chuyên trách về ATVSLĐ là chuẩn bị các biện pháp theo các quy tắc và quy định an toàn trong quá trình lập kế hoạch và thực hiện công việc, cụ thể: Thông báo kế hoạch ATVSLĐ cho bộ phận phụ trách của Công ty; Thực hiện đánh giá rủi ro và kế hoạch phòng ngừa; Hướng dẫn NLĐ các biện pháp đảm bảo ATVSLĐ khi làm việc; Sắp xếp việc thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải có chứa amiăng; Cung cấp các thiết bị, phương tiện an toàn và kiểm soát việc sử dụng khi làm việc của NLĐ; Quản lý công tác ATVSLĐ trong quá trình thi công.

    Khi sửa chữa, tháo dỡ các tấm lợp hay vật liệu có chứa amiăng, NLĐ cần phải tuân theo quy định: Những người không có trách nhiệm phải tránh xa khu vực làm việc tháo dỡ vật liệu có chứa amiăng. Phun ẩm bề mặt vật liệu và luôn giữ cho bề mặt của vật liệu đang tháo dỡ luôn ẩm ướt; Cố gắng tháo dỡ nguyên vẹn vật liệu có chứa amiăng, tránh làm vỡ…; Mặc quần áo bảo hộ lao động và đeo khẩu trang, mặt nạ đúng cách, đồng thời thận trọng khi giặt chúng sau khi làm việc.

    CTA khi tháo ra phải được đặt một cách cẩn thận vào túi chất dẻo lớn (Hình 1) đã được trải sẵn trên trên sàn (tránh để vật liệu cào sước tấm chất dẻo). Bọc lại cẩn thận và vứt bỏ vào đúng nơi quy định đối với chất thải nguy hại. Những mảnh nhỏ hơn nên được đặt trong túi hoặc bao polyether.

    Sau đó, làm sạch tất cả các bề mặt xung quanh khu vực làm việc bằng một miếng vải ẩm hoặc bằng cách quét và lau… loại bỏ quần áo bảo hộ lao động sau khi hoàn thành công việc.

    Phương tiện bảo vệ cá nhân (PTBVCN) là trang bị không thể thiếu của những NLĐ làm việc với CTA, bởi vì cho dù có áp dụng biện pháp kỹ thuật nào thì vẫn có sợi amiăng siêu nhỏ thoát ra và NLĐ vẫn sẽ tiếp xúc với nó. WHO đã cảnh báo, không có một giới hạn an toàn nào cho người tiếp xúc với sợi amiăng. NLĐ phải được cung cấp đầy đủ các PTBVCN cần thiết, bao gồm: Khẩu trang hoặc bán mặt nạ chống bụi, kính bảo vệ mắt, mũ bảo hộ lao động, găng tay chống bám dính, quần áo bảo hộ lao động, ủng hoặc giày bảo hộ lao động và phải sử dụng nó. Không sử dụng có thể được coi là hành vi vi phạm nghiêm trọng trách nhiệm và hành động của NLĐ theo hợp đồng lao động và luật ATVSLĐ.

 

Hình 1. Túi chất dẻo đựng chất thải có chứa  amiăng đi xử lý

 

    Nên cung cấp cho NLĐ ủng khi làm việc với amiăng, vì giầy buộc giây khó làm sạch khỏi bụi amiăng, gây các nguy cơ tiềm ẩn cho NLĐ. Đối với các công trường tháo dỡ hay xử lý vật liệu amiăng có quy mô lớn, lượng bụi phát sinh nhiều, NLĐ phải được cung cấp quần áo bảo hộ lao động có mũ trùm đầu, cổ bảo vệ đầy đủ toàn thân với phần cổ tay và cổ chân bó chun lại nhằm chống lại sự xâm nhập của các hạt bụi amiăng nhỏ vào trong cơ thể. Tuy nhiên, để cho NLĐ thoải mái, quần áo bảo hộ phải là loại vải thấm khí và chống tĩnh điện.

Xử lý chất thải có chứa amiăng

     Trong (Hình 2) giới thiệu tam giác hiệu quả của việc ngăn ngừa ảnh hưởng của chất thải nguy hại, trong đó có amiăng, đến môi trường và sức khỏe cộng đồng. Qua hình vẽ chúng ta thấy, hiệu quả nhất là ngăn ngừa hoàn toàn ảnh hưởng của bụi amiăng đến sức khỏe là dừng sản xuất các vật liệu có chứa amiăng. Nhưng riêng đối với amiăng, cho dù chúng ta dừng sản xuất hôm nay thì hệ lụy do sự hiện diện của nó và do nó gây ra vẫn còn tới nhiều năm sau. Vì thế, xử lý triệt để chất thải có chưa amiăng là một việc làm rất cần thiết.

     Trước đây chôn lấp chất thải là kỹ thuật được sử dụng khá rộng, mặc dù đối với chất thải nguy hại, nhất là CTA, không phải là một giải pháp tốt, vì đưa CTA vào đất sẽ gây ô nhiễm không khí khi có các biến động thời tiết và nước rỉ có chứa sợi amiăng đi vào nước ngầm. Chính vì thế, hiện nay ở các nước châu Âu, Mỹ và Ôxtrâylia người ta ưu tiên cho việc lựa chọn các nhà máy xử lý chất thải có chứa amiăng bằng phương pháp loại bỏ chúng khỏi môi trường.

     Các phương pháp xử lý này có thể được chia thành hai loại dựa trên hiệu quả của vật liệu: (1) Ổn định sợi amiăng (nghĩa là các phương pháp xử lý nhằm giảm sự giải phóng sợi ra môi trường). Người ta còn gọi là biện pháp “đổ bê tông”, sử dụng xi măng hoặc chất kết dính cao bao bọc bên ngoài các CTA, tạo ra một cấu trúc ngăn cách vật liệu có chứa amiăng khỏi môi trường; (2) Vô hiệu hóa: Các phương pháp xử lý làm biến đổi tính chất, thành phần hóa lý của các sợi amiăng. Đây là biện pháp được sử dụng nhiều nhất ở các nước phát triển, tuy nhiên khi xử lý sẽ tạo ra các chất thải có hại thứ cấp, dẫn đến chi phí phụ cao.

 

Hình 2. Hiệu quả của các phương pháp xử lý của chất thải nguy hại

 

     Liên quan đến phương pháp thứ nhất, có sự giảm thiểu mức độ nguy hiểm của vật liệu, không có sự thay đổi cấu trúc tinh thể. Phương pháp xử lý này bao gồm việc đóng gói ổn định hoặc hóa rắn trong một màng hữu cơ hoặc vô cơ, ổn định và không tiếp xúc để phản ứng với môi trường bên ngoài. Phương pháp này chỉ giúp cho các sợi amiăng, nguyên nhân gây nguy hiểm, không bị bay ra bên ngoài, nhưng về lâu dài chúng vẫn có thể bị lọt ra và phân tán ra môi trường. Do đó, cuối cùng các sợi amiăng bị đóng gói này vẫn phải chôn vào đất có xử lý cùng với các loại chất thải nguy hại khác.

    Các phương pháp xử lý thuộc loại thứ hai nhằm mục đích thay đổi hoàn toàn cấu trúc tinh thể của amiăng, làm giảm hẳn nguy hiểm đối với con người và môi trường. Thông qua loại xử lý này, amiăng trong CTA mất đi cấu trúc hoạt tính, trở nên ít gây hại hơn và có thể trở thành vật liệu thô thứ cấp. Sản phẩm thu được sau khi xử lý trên thực tế có thể được coi là một nguyên liệu mới và do đó chúng được dành cho tái chế, sau khi tuân thủ các yêu cầu nghiêm ngặt. Các giai đoạn xử lý được thực hiện trong điều kiện chân không hoặc trong điều kiện ẩm ướt để ngăn chặn sự phân tán của các sợi amiăng ra ngoài và chú ý tới việc phát thải ra môi trường khói bụi hoặc nước thải trong quá trình xử lý.

     Hiện nay tại các nước phát triển, amiăng là một chất thải đặc biệt nguy hại, nên các phương pháp xử lý đều tiến đến làm trơ hóa các sợi amiăng để chúng không còn tác hại và có thể tái sử dụng vật liệu sau xử lý. Hiện có 3 nhóm phương pháp chủ yếu để xử lý: Nhóm phương pháp xử lý nhiệt, hóa học và cơ học. Xử lý nhiệt là dùng nhiệt năng để biến đổi amiăng thành một vật liệu trơ, sử dụng một giá trị nhiệt độ nhất định để cho các sợi amiăng bị phá vỡ cấu trúc và không còn ổn định nữa; phương pháp xử lý hóa học là sử dụng các phản ứng hóa học để ghép amiăng với hóa chất khác thành các hợp chất vô hại; còn trong xử lý cơ học, các sợ amiăng sẽ bị các lực cơ học (nghiền cơ học) làm cho nhỏ tới mức siêu mịn, qua đó bị suy giảm tính năng hoạt động.

     Nhiệt độ nung tối đa, mức tiêu thụ năng lượng và sản phẩm thu được sau xử lý (sản phẩm phụ) được tóm tắt trong Bảng 1. Tùy thuộc vào quy trình lựa chọn, vật liệu thu được có thể là một khối thủy tinh trơ không nguy hại, đồ gốm hoặc vật liệu có thể tái sử dụng với các tính chất cơ học tốt, ví dụ như sử dụng trong ngành xây dựng hoặc công nghiệp.

 

Bảng 1. Các phương pháp xử lý chất thải có chứa amiăng

Nhóm quy trình

Nhiệt độ tối đa

(° C)

Tiêu thụ năng lượng (kWh / kg)

Sản phẩm phụ cuối cùng

Thủy tinh hóa đơn giản

1200-1600

0,12-0,25

Vật liệu trơ có thể sử dụng làm nền đường, làm bê tông phục vụ xây dựng

Xử lý nhiệt kết hợp với tái kết tinh có kiểm soát

1200-1300

0,095-0,18

Phụ gia cho sản xuất bê tông; gốm thủy tinh. Chất thải có chứa amiăng được cho vào bao buộc chặt

Xử lý nhiệt cùng các vật liệu vô cơ khác

650-1200

0,035-0,085

Nguyên liệu cho clinkers

Lò vi sóng

1090

0,075-0,18

Chất phụ gia nền đường

Xử lý hóa học

25-600 (tùy thuộc vào loại phản ửng sử dụng)

Không đáng kể

Chất keo tụ, phụ gia phân lân, vật liệu cách điện và vật liệu chống cháy

Xử lý cơ học (nghiền năng lượng cao)

Nhiệt độ bình thường

0,02-0,05

Bột phụ gia sản xuất vật liệu xây dựng

 

    Trong Hình 3, 4, giới thiệu sơ đồ nguyên lý phương pháp xử lý nhiệt kết hợp với tái kết tinh có kiểm soát chất thải có chứa amiăng, có thể áp dụng ngay ở nước ta khi kết hợp thực hiện trong lò nung gạch tunel. Chất thải có chứa amiăng trước khi đưa vào lò được bọc trong 2 lớp bao buộc chặt để trước khi phân hủy sợi amiăng không bị phát tán ra không gian lò.

 

Hình 3. Sơ đồ sử dụng lò nung gạch tunel để xử lý nhiệt tái kết tinh có kiểm soát

 

Hình 4. Một kiểu lò tunel ở Việt Nam có thể sử dụng xử lý chất thải có chứa amiăng

 

Kết luận

    Về mặt y học, dựa theo các công trình nghiên cứu độc lập khác nhau của các nhà khoa học tại: Anh, Mỹ, Canađa, Nhật Bản, Đức, Thụy Điển, Đan Mạch, Ôxtrâylia, Cơ quan nghiên cứu quốc tế về bệnh ung thư quốc tế (IARC) và Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã kết luận: Amiăng là nguyên nhân duy nhất dẫn tới ung thư trung biểu mô (cho tới nay chưa xác định được nguyên nhân khác). Chính vì thế, việc tháo dỡ và xử lý CTR có chứa amiăng phải được tiến hành một cách thận trọng và an toàn nhằm bảo vệ sức khỏe cho người lao động và đảm bảo an toàn cho môi trường sống.

 

ThS. Trương Thị Yến Nhi

Khoa Bảo hộ lao động, Đại học Công đoàn

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường số 8/2020)

 

Tài liệu tham khảo

  1. Nghị định số 39/2016/NĐ-CP Quy định chi tiết thi hành một số Điều của Luật An toàn, vệ sinh lao động, 2016
  2. Butz, M. (July 2005) Occupational cancer. A description of the occupational diseases recognized in the period 1978 to 2005. HVBG, Sankt Augustin, 8th edition, ISBN 3 - 88383 - 682 – 6
  3. Drexel-Schlund, C. Butz, M. Haupt, B. et al. (August 2006) Asbestos-induced occupational diseases in Germany - emergence and prognosis. HVBG, Sankt Augustin, ISBN 3 - 88383 - 646 - X
  4. Eurogip, March (2006) Asbestos-related occupational diseases in Europe, Réf Eurogip - 24 / E
  5. Yvon Y, Sharrock P (2011) Characterization of thermochemical inactivation of asbestos containing wastes and recycling the mineral residues in cement products. Waste Biomass Valor 2:169–181
  6. Kusiorowski R, Zaremba T, Piotrowski J, Podworny J (2015) Utilisation of cement-asbestos wastes by thermal treatment and the potential possibility use of obtained product for the clinker bricks manufacture. J Mater Sci 50:6757–6767
Ý kiến của bạn