Banner trang chủ
Thứ Sáu, ngày 24/01/2025

Thực trạng các quy định về bảo vệ môi trường trong Dự thảo Luật Tổ chức đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt

12/03/2018

     Sau 30 năm đổi mới, mở cửa phát triển kinh tế chủ yếu dựa trên khai thác tài nguyên thiên nhiên và nhân công lao động giá rẻ… Trước tình hình đó, việc phát triển các đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt (HCKTĐB), với nhiều cơ chế ưu đãi đặc thù sẽ tạo ra động lực mới thúc đẩy kinh tế Việt Nam phát triển. Tuy nhiên, sự phát triển của các đơn vị hành chính kinh tế cũng có thể gây ra cạn kiệt tài nguyên, ô nhiễm môi trường. Do đó, việc xây dựng Luật Tổ chức đơn vị HCKTĐB nhằm tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho việc phát triển kinh tế là điều cần thiết. Tuy nhiên, trong quá trình nghiên cứu các quy định về BVMT trong Dự thảo Luật Tổ chức đơn vị HCKTĐB cho thấy vẫn còn hạn chế, bất cập cần được bổ sung, hoàn thiện.

     Để tạo cơ sở pháp lý cho việc ra đời các đơn vị HCKTĐB, Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều chính sách pháp luật như Nghị quyết trung ương 4 khóa VIII; Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) giai đoạn 2011-2020 được Đại hội XI Đảng Cộng sản Việt Nam thông qua tháng 1/2011; Văn kiện Đại hội XII của Đảng tháng 1/2016; khoản 9 Điều 70 và khoản 1 Điều 110 Hiến pháp năm 2013. Quốc hội cũng đã ban hành Nghị quyết số 142/2016/QH13 ngày 12/4/2016 về kế hoạch phát triển KT-XH 5 năm 2016-2020 trong đó có nhiệm vụ: “lựa chọn một số khu có lợi thế đặc biệt để xây dựng ĐKKT với cơ chế đặc thù, hiệu lực, hiệu quả, có sức lan tỏa lớn đến chuyển dịch cơ cấu sản xuất nông nghiệp, cơ cấu lao động và cả nền kinh tế”.

     Tại Thông báo kết luận số 21-TB/TW ngày 22/3/2017, Bộ Chính trị đã đồng ý chủ trương thành lập 3 đơn vị HCKTĐB là Vân Đồn, Bắc Vân Phong và Phú Quốc trực thuộc cấp tỉnh và xây dựng Luật Tổ chức đơn vị HCKTĐB áp dụng chung cho 3 đơn vị trên. Ngày 8/6/2017, Quốc hội tiếp tục ban hành Nghị quyết số 34/2017/QH14 về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2018 và điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2017, trong đó, Dự án Luật Tổ chức đơn vị HCKTĐB sẽ được Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 4 và thông qua tại Kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XIV.

     Trên cơ sở đó, Chính phủ đã xây dựng Dự thảo Luật Tổ chức đơn vị HCKTĐB. Dự thảo Luật đã đưa ra các nguyên tắc lập quy hoạch đơn vị HCKTĐB, trong đó nhấn mạnh đến vấn đề BVMT, bao gồm: Nguyên tắc bảo đảm yêu cầu hoạch định và phát triển trên toàn bộ không gian lãnh thổ gắn với mục tiêu phát triển bền vững, BVMTvà ứng phó với biến đổi khí hậu; phân bố, bảo vệ, khai thác và sử dụng hợp lý, hiệu quả nguồn tài nguyên thiên nhiên và bảo tồn các di tích lịch sử - văn hóa, di sản văn hóa, di sản thiên nhiên; việc phân bố phát triển không gian trong quá trình lập quy hoạch phải bảo đảm tính đồng bộ giữa kết cấu hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, phân bố đất đai và BVMT, dịch vụ hệ sinh thái; bảo đảm sự cân bằng giữa các yếu tố kinh tế, xã hội, môi trường trong quá trình lập quy hoạch… Đây là các nguyên tắc quan trọng góp phần định hướng cho bảo vệ TN&MT trong quá trình phát triển kinh tế tại các đơn vị HCKTĐB. Tuy nhiên, trong Dự thảo Luật vẫn còn những bất cập, hạn chế như: Dự thảo Luật chưa đặt vấn đề xây dựng Chiến lược phát triển KT-XH của đơn vị HCKTĐB; không quy định cụ thể về thời gian gian vật chất để thực hiện quy hoạch phát triển KT-XH của đơn vị HCKTĐB; chưa quy định rõ việc tích hợp các quy hoạch BVMT, đô thị, giao thông, bảo tồn đa dạng sinh học vào quy hoạch tổng thể phát triển KT - XH của đơn vị HCKTĐB …

     Dự thảo Luật quy định đối với chiến lược, quy hoạch phát triển KT-XH của ĐKKT phải lập Báo cáo đánh giá môi trường chiến lược (ĐMC), nhưng chưa quy định cụ thể ý kiến góp ý của chuyên gia, cộng đồng, tổ chức, cá nhân đối với Báo cáo ĐMC. Bên cạnh đó, Dự thảo Luật cũng chưa quy định rõ trách nhiệm của các chủ thể thực hiện các biện pháp BVMT trong ĐMC sau khi quy hoạch phát triển KT-XH được phê duyệt.

 

Phú Quốc là một trong 3 đơn vị HCKTĐB trực thuộc cấp tỉnh

 

     Về đánh giá tác động môi trường (ĐTM), kế hoạch BVMT (KBM), Dự thảo Luật quy định, Trưởng đơn vị HCKTĐB có quyền tổ chức thẩm định, phê duyệt Báo cáo ĐTM, đề án BVMT chi tiết của các dự án đầu tư tại đơn vị HCKTĐB thuộc Danh mục quy định tại Phụ lục 2 của Luật này; xác nhận kế hoạch BVMT, đề án BVMT đơn giản của các dự án đầu tư vào đơn vị HCKTĐB. Hồ sơ, trình tự, thủ tục thẩm định, phê duyệt báo cáo ĐTM, đề án BVMT chi tiết, xác nhận KBM, đề án BVMT đơn giản thực hiện theo quy định pháp luật về BVMT. Đối với các dự án thuộc đối tượng thực hiện ĐTM theo quy định, Báo cáo ĐTM phải được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt trước khi khởi công dự án đầu tư. Dự thảo Luật cũng chưa quy định cụ thể vai trò của cộng đồng, truyền thông báo chí và tổ chức xã hội dân sự, các cá nhân tham gia giám sát, phát hiện các hành vi vi phạm pháp luật môi trường.

     Mặt khác, 3 đơn vị HCKTĐB là Phú Quốc, Vân Đồn và Bắc Vân Phong đều là các đảo, bán đảo và nằm ở ven biển, là những khu vực chịu sự tác động của biến đổi khí hậu, đặc biệt là nước biển dâng. Tuy nhiên, Dự thảo Luật chưa quy định cụ thể về dự báo, phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn, xử lý những tác động của nước biển dâng, thời tiết bất thường đến cơ sở hạ tầng, các dự án đầu tư và người dân sống ở các đặc khu này, cũng như các biện pháp để kiểm soát ô nhiễm, suy thoái, sự cố môi trường do nước biển dâng hay các hiện tượng thời tiết cực đoan bất thường khác do biến đổi khí hậu gây ra.

     Ngoài ra, Dự thảo Luật quy định, Nhà nước dành một phần vốn đầu tư phát triển từ nguồn ngân sách nhà nước để xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật, xã hội và công trình BVMT quan trọng tại đơn vị HCKTĐB. Đồng thời, căn cứ yêu cầu phát triển của từng đơn vị HCKTĐB, ngân sách Trung ương hỗ trợ có mục tiêu để xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, công trình BVMT quan trọng của đơn vị HCKTĐB. Đây là quy định quan trọng nhằm tạo nguồn tài chính cho phát triển hạ tầng và BVMT tại các ĐKKT. Thực tế cho thấy, để thu hút kêu gọi đầu tư nước ngoài vào các đặc khu ngoài việc đưa ra những ưu đãi thì cần phải có sự đầu tư bài bản về hạ tầng cơ sở như giao thông, bến cảng, nhà ga, sân bay, hệ thống điện, thông tin liên lạc… Để xây dựng những cơ sở hạ tầng này tại các đặc khu cần tính đến nguồn vốn xã hội hóa trong quá trình này…

      Đồng thời, Dự thảo Luật quy định, Trưởng đơn vị HCKTĐB có quyền tổ chức thẩm định, phê duyệt báo cáo ĐTM, đề án BVMT chi tiết của các dự án đầu tư tại đơn vị HCKTĐB, nhằm tạo điều kiện cho hoạt động đầu tư diễn ra thuận lợi. Tuy nhiên, việc Trưởng đơn vị vừa có quyền tổ chức thẩm định, phê duyệt Báo cáo ĐTM, vừa có quyền phê duyệt dự án đầu tư sẽ dẫn đến vấn đề BVMT phụ thuộc vào ý chí chủ quan của Trưởng đặc khu. Không những thế, Trưởng đặc khu có quyền chỉ đạo thực hiện các biện pháp BVMT, phòng, chống cháy, nổ; giải quyết các công việc đột xuất, khẩn cấp trong phòng, chống thiên tai, dịch bệnh, an ninh, trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn theo quy định pháp luật; quyết định giải pháp, thực hiện các nhiệm vụ quản lý và sử dụng đất đai, rừng núi, sông hồ, nguồn nước, tài nguyên trong lòng đất, nguồn lợi ở vùng biển, nguồn tài nguyên thiên nhiên khác; bảo vệ, cải thiện môi trường, phòng, chống và khắc phục hậu quả thiên tai, bão, lụt trên địa bàn đơn vị HCKTĐB; thẩm định, phê duyệt phương án cải tạo, phục hồi môi trường... Để BVMT tại ĐKKT hiệu quả, Luật cần phân công rõ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn giữa Trưởng đặc khu và các cấp quản lý. Dự thảo cũng cần quy định cơ chế ủy quyền của Trưởng đặc khu để linh hoạt trong quyết định các vấn đề thuộc nội dung quản lý BVMT của mình, đồng thời, cũng cần quy định cơ chế giám sát thích hợp.

     Bên cạnh đó, Dự thảo Luật chưa đánh giá được vai trò của khoa học công nghệ trong quản lý đặc khu và bảo vệ TN&MT, đặc biệt là tác động của cuộc cách mạng khoa học công nghệ 4.0, ứng dụng 4.0 trong phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn, xử lý ô nhiễm môi trường. Đồng thời, Dự thảo Luật cũng chưa đề cập đến việc thúc đẩy hợp tác khu vực và quốc tế trong phát triển KT-XH, bảo vệ TN&MT tại các ĐKKT.

     Như vậy, để tạo động lực cho phát triển KT-XH thì việc thành lập các đơn vị HCKTĐB, với nhiều ưu đãi về thuế, thị trường, nguồn vốn, tài chính, giao thông… là cần thiết. Để BVMT hiệu quả, thúc đẩy phát triển bền vững tại các đơn vị HCKTĐB, Dự thảo Luật Tổ chức các đơn vị HCKTĐB đã có những quy định về BVMT. Tuy nhiên, có thể thấy quy định của Dự thảo Luật về vấn đề này vẫn còn nhiều bất cập, hạn chế cần được hoàn thiện.

 

TS. Bùi Đức Hiển

Viện Nhà nước và Pháp luật

Nguồn: Tạp chí Môi trường, số 2/2018

 

Ý kiến của bạn