Banner trang chủ
Thứ Sáu, ngày 24/01/2025

Đánh giá diễn biến chất lượng không khí một số đô thị nước ta và đề xuất giải pháp cải thiện

03/03/2020

     Trong các thành phần của không khí có tới 20,94% ôxy (O2), là dưỡng khí, nuôi sống toàn bộ các tế bào của cơ thể con người.Không khí khô tuyệt đối, không có độ ẩm, trong sạch, chứa 3 chất khí chủ yếu: 78,08% khí nito (N2), 20,94% ôxy (O2), 0,93% Argon (Ar). Còn lại khoảng 0,043% thường là các chất khí CO2 (0,04%), Ne (0,0018%), He (0,0005%), CH4 (0,0002%), H2 (0,00005%). Ngoại trừ 3 chấtchủ yếutạo nên không khí khônêu trên, các chất khác có trong không khí ở nồng độ rất nhỏ, dưới chuẩn cho phép được coi là các tạp chất (impurity) có thể chấp nhận. Nếu chúng có nồng độ vượt trị số tiêu chuẩn cho phép thì được coi là các chất ô nhiễm (pollutants) và không khí ở trạng thái như vậy là không khí bị ô nhiễm.

     Những hoạt động sản xuất của con người (các ngành công nghiệp, nông nghiệp, xây dựng, giao thông vận tải…), đốt chất thải, đun nấu, sinh hoạt, đã phát thải vào không khí rất nhiều hợp chất khác nhau, tạo nên hai nhóm chính các chất ô nhiễm: Các khí ô nhiễm, như NOx, SOx, O3 (ôzon), CO, CO2, TVOC, Formadehyde… có kích thước phân tử vô cùng nhỏ, khoảng dưới 5 nanomet (1 mm = 1.000 µm = 1.000.000 nm);  Các hạt bụi, bao gồm bụi lơ lửng trong không khí, chúng có đường kính ≤100 µm, bụi mịn PM10 (có đường kính ≤10 µm), bụi mịn PM5 (có đường kính ≤5 µm), bụi siêu mịn PM2.5 (có đường kính ≤2.5 µm), và bụi siêu mịn PM1 (có đường kính ≤1 µm). Độ dầy của sợi tóc khoảng 100 µm. Do vậy, những hạt bụi mịn này mắt thường chúng ta không thể nhìn thấy được. Những hạt bụi kích cỡ nhỏ hơn PM10 tồn tại rất lâu trong không khí, gây ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe con người.

  1. Các căn cứ để đánh giá mức độ ô nhiễm không khí(ÔNKK) ở các đô thị nước ta 

     Căn cứ để đánh giá mức độ ÔNKK ở các đô thị cần phải so sánh số liệu Monitoring ÔNKK thực tế và trị số tiêu chuẩn môi trường cho phép theo Quy chuẩn Việt Nam QCVN 05:2013/BTNMT (Bảng 1).

     Bảng 1.Giá trị giới hạn các thông số cơ bản trong môi trường không khí xung quanh (µg/m3) theo QCVN 05:2013/BTNMT

TT

Thông số

Trung bình

 1 giờ

Trung bình       8 giờ

Trung bình        24 giờ

Trung bình năm

1

SO2

350

-

125

50

2

CO

30.000

10.000

-

-

3

NO2

200

-

100

40

4

O3

200

120

-

-

5

TSP

300

-

200

100

6

PM10

-

-

150

50

7

PM 2.5

-

-

50

25

8

Chì (Pb)

-

-

1,5

0,5

 

 

 

 

 

 

 

     Theo Bảng 1 cho thấy, QCVN 05:2013/BTNMT cho các giá trị cho phép trung bình 1 giờ, trung bình 8 giờ, trung bình 24 giờ (trung bình ngày) và trung bình năm. Vì vậy, phải so sánh các trị số trung bình giờ, trung bình ngày hay trung bình năm do hệ thống thiết bị Monitoring thu thập được với các trị số trung bình giờ, trung bình ngày hay trung bình nămcho trong Quy chuẩn. Nếu lấy trị số Monitoring từng lần đo tức thời so sánh với các trị số trung bình nêu trong Bảng 1 để đánh giá mức độ ÔNKK đô thị, như một số phương tiện truyền thông đưa ra trong thời gian qua là hoàn toàn không đúng.

     Tiếp theo là cần đánh giá mức độ ÔNKK đô thị bằng Chỉ số chất lượng không khí (AQIx) theo Thông tư Hướng dẫn số 1459/QĐ-TCMT, ngày 12/11/2019, của Tổng cục Môi trường:

     Giá trị AQIh của các thông số SO2, CO, NO2, O3 được tính toán theo công thức 1, giá trị AQIh của các thông số PM10, PM2.5 được tính toán theo công thức 2:

          Các mức AQI tốt, trung bình, kém, xấu, rất xấu, nguy hại và tương tác của chúng với sức khỏe con người được choở Bảng 2.

     Bảng 2.Các mức AQI và ảnh hưởng của chúng đến sức khỏe con người

Khoảng giá trị AQI

Chất lượng không khí

Ảnh hưởng đến sức khỏe

0 - 50

Tốt

Không ảnh hưởng đến sức khỏe

51 – 100

Trung bình

Nhóm nhạy cảm nên hạn chế thời gian ở ngoài trời

101 – 150

Kém

Nhóm nhạy cảm nên hạn chế thời gian ở ngoài trời

151-200

Xấu

Nhóm nhạy cảm phải hạn chế thời gian ở ngoài trời

201 - 300

Rất xấu

Nhóm nhạy cảm tránh ra ngoài trời, những người khác hạn chế ở bên ngoài

301 - 500

Nguy hại

Mọi người nên ở trong nhà

 

     Khi AQI = 101 ÷ 200  (tương ứng với chất lượng không khí (CLKK) ở mức kém và xấu). AQI = 201 ÷ 300 (CLKK ở mức rất xấu). AQI = 301 ÷ 500 (CLKK ở mức nguy hại).  Điển hình như tại thủ đô Hà Nội, số ngày trong năm 2014 có AQI ở mức kém chiếm tỷ lệ hơn 50% tổng số ngày quan trắc trong năm, thậm chí, có những ngày chất lượng không khí suy giảm đến ngưỡng rất xấu và nguy hại (AQI>300).

     2. Diễn biến mức độ ÔNKK ở một số đô thị ở nước ta trong các năm gần đây

     Cho đến nay, chưa có địa phương nào công bố chính thức kết quả Monitoring môi trường năm 2019. Căn cứ vào các thông tin của Trung tâm Quan trắc Môi trường của Tổng cục Môi trường 2019, có 3 biểu đồ điển hình về hiện trạngdiễn biếnô nhiễm các thành phầnmôi trường không khí trong 6 năm gần đây (2013 -2018):biểu đồ 1, biểu đồ 2 và biểu đồ 3 cho ở dưới đây.

 

Biểu đồ 1. Diễn biến nồng độ bụi mịn PM2.5 trung bình năm tại các trạm quan trắc tự động đặt tại Hà Nội, Phú Thọ, Quảng Ninh và Đà Nẵng giai đoạn 2013 -2018

Nguồn: Tổng cục Môi trường, 3/2019

 

Biểu đồ 2. Diễn biến nồng độ TSP tại một số đô thị Thừa Thiên-Huế, Đà Nẵng, TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai, giai đoạn 2016 - 2018

Nguồn: Tổng cục Môi trường, 3/2019

 

Biểu đồ 3. Diễn biến nồng độ NO2 trung bình năm ở một số khu dân cư 2011 - 2015

     Nguồn:TCMT, Viện TN&MT TP. HCM; một sốSở TN&MT  2015

 

     Xem xét các biểu đồ trên cho thấy, vấn đề ô nhiễm các thành phần không khí ở  một số đô thị nước ta những năm gần đây, cụ thể:

     Ô nhiễm bụi PM10, PM2.5: Căn cứ vào các số liệu quan trắc bụi mịn PM10 và PM2.5 của 6 trạm quan trắc không khí tự động ở các TP. Hà Nội, Hạ Long, Việt Trì, Huế, Đà Nẵng và Nha Trang cho thấy,ô nhiễm bụi vẫn tiếp tục là vấn đề nổi cộm.Tuy vậy, xét biểu đồ 1 cho thấy, ô nhiễm bụi mịn PM10 và PM2.5 trong không khí ở TP. Hà Nội và TP Việt Trì, Phú Thọ, có xu hướng giảm dần trong các năm gần đây. Ô nhiễm bụi mịn PM10 và PM2.5 trong không khí của TP. Hạ Long ít có sự thay đổi và ở mức độ xấp xỉ trị số cho phép. Nồng độ bụi mịn PM10 và PM2.5 trong không khí của TP. Đã Nẵng đều thấp hơn trị số tiêu chuẩn cho phép. Nhìn chung, theo số liệu quan trắc các trạm Monitoring tự động ở 6 TP (Hà Nội, Hạ Long, Việt Trì, Huế, Đà Nẵng và Nha Trang) cho thấy, biến thiên bụi mịn từ năm 2011 đến năm 2018 đã được cải thiện. Cụ thể như ở Hà Nội, tỷ lệ số ngày có nồng độ bụi PM10 vượt trị số tiêu chuẩn cho phép theo QCVN 05:2013/BTN&MT năm 2010 là 13,13%, năm 2015 là 6,87% và năm 2018 là 1,93%; đối với PM2.5trong các năm tương tự là 61,25%; 33,91% và 19,69%. CLKK của 3 tỉnh ven biển miền Trung (Huế, Đà Nẵng, Nha Trang) còn tương đối tốt (hầu như chưa bị ô nhiễm bụi). Cụ thể, tỷ lệ trên của năm 2015 đối với PM10 ở Huế là 3,67%), Đà Nẵng: 2,86%và Nha Trang 0,0%.

     Ô nhiễm bụi lơ lửng (TSP):Hoạt động xây dựng là nguồn chủ yếu gây ra ô nhiễm bụi TSP. Trong cùng một TP, TSP quan trắc ở các vị trí khác nhau sẽ có kết quả khác nhau và phụ thuộc vào hoạt động xây dựng phân bố trong TP. Trong mấy năm gần đây,tại TP. Hà Nội nồng độ TSP ở các trạm đo trên đường Phạm Văn Đồng, Trường Chinh, Vĩnh Tuy, Mai Động... vẫn ở mức ô nhiễm nặng và rất nặng. 

     Sự biến thiên nồng độ bụi trong năm ở các đô thị miền Bắc rất rõ rệt (từ tháng 10 đến tháng 4 năm sau, nồng độ bụi lớn hơn các tháng 5-9), ngược lại ở các TP duyên hải miền Trung thì nồng độ bụi biến thiên theo mùa là không rõ rệt. Nồng độ bụi biến thiên theo giờ trong ngày ở6 TP nêu trên là tương tự như nhau, cực đại vào các giờ cao điểm và nhỏ nhất vào buổi trưa (13-14 giờ). Tỷ lệ bụi PM2.5/bụi PM10  trung bình ở các TP trên là khoảng 0,57 - 0,72.

     Các đô thị ở vùng ven biển đều có CLMTKK tốt hơn so với các đô thị ở trong đất liền xa biển. Đối với các khu  đô thị ở phía Nam, khí hậu trong năm có sự phân hóa giữa mùa khô và mùa mưa. Nồng độ các loại bụi PM10, PM2,5 có sự khác biệt đáng kể giữa hai mùa, mùa mưa (tháng 5 đến tháng 11) và mùa khô (tháng 12 đến tháng 4 năm sau), nồng độ bụi đô thị thường cao trong mùa khô và thấp trong mùa mưa.

     Ô nhiễm các khí NO2, SO2, CO và VOC:Ở khu vực đô thị, nguồn gốc phát sinh các loại khí NO2, CO và VOC chủ yếu từ hoạt động giao thông, khí SO2 phát thải từ đốt than và dầu chứa lưu huỳnh (xe buýt, sản xuất công nghiệp (nếu có) và đun nấu bằng than tổ ong).

     Nồng độ khí NO2,trong không khí tại một số đô thị lớn, như là TP. Hồ Chí Minh (Biểu đồ 3) trong những năm gần đây cũng đã vượt ngưỡng giới hạn cho phép.  Còn lại, tại nhiều đô thịđều có nồng độ các khí NO2 thấphơn hoặc xấp xỉ trị số tiêu chuẩn cho phép. 

     Nồng độ khí VOC: Tại các đô thị, đặc biệt là các khu vực có hoạt động giao thông với tần suất cao, nguồn phát thải của hợp chất hữu cơ này có thể từ khí thải của hệ thống giao thông vận tải. Tại một số địa phương như Hà Nội, Đồng Nai, nồng độ VOC trong không khí quan trắc được ở một số vị trí trong giai đoạn 2011 - 2015 đã vượt trị số quy chuẩn cho phép.

     Nồng độ khí SO2, COởhầu hết các đô thị vẫn nằm trong giới hạn cho phép của quy chuẩn kỹ thuật quốc gia.

     Đánh giá chung về ÔNKK đô thị:Từ năm 2013 đến nay, ÔNKK tại các đô thị ở nước ta có xu hướng giảm, tuy nhiên, trong từng thời điểm có sự tăng/giảm khác nhau. Năm 2019, ÔNKK tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh có khác thường so với các năm trước, ô nhiễm cục bộ tăng lên. Đặc biệt, trong tháng 9/2019, ô nhiễm bụi mịn PM2.5 tăng cao do ít mưa nhất trong vòng 6 năm qua. Trong tháng 9/2019, xảy ra hiện tượng nghịch nhiệt, bụi lơ lửng, không thoát được lên cao. Bên cạnh đó, thời điểm này vào vụ thu hoạch lúa, tình trạng đốt rơm rạ ở ngoại thành đã ảnh hưởng đến không khí nội đô. 

 

Môi trường không khí ở TP. Hồ Chí Minh trong tháng 9/2019

 

     Ngoài ra, tùy theo vị trí đặt trạmđokhác nhau sẽ cho kết quả chỉ số không khí khác nhau. Điểm nào ùn tắc giao thông, mật độ xây dựng công trình cao thì có chỉ số ÔNKK cao hơn nơi khác. Do đó, CLKK trên địa bàn của TP còn phụ thuộc vào mật độ phân bố các trạm quan trắc đo lường.

     3. Các nguồn thải ÔNKK và đề xuất các giải pháp cải thiện

     Để đưa ra các biện pháp phòng chống ô nhiễm, cải thiện CLKK đô thị có hiệu quả thì trước tiên cần phải xác định chính xác các nguồn thải chủ yếu gây ô nhiễm môi trường đô thị. Theo nghiên cứu đô thị nước ta, đặc biệt là ở các đô thị lớn, có 8 nguồn ô nhiễm chủ yếu như:Các chất ô nhiễm thải ra từ các ống xả của các phương tiện giao thông cơ giới, đặc biệt từ các xe cũ không được bảo dưỡng thường xuyên và các xe chạy dầu; Phát thải từ các hoạt động xây dựng mới và sửa chữa các công trình nhà cửa, giao thông, hạ tầng kỹ thuật đô thị; Phát thải từ các cơ sở sản xuất công nghiệp, thủ công nghiệp ở bên trong và xung quanh TP; Vệ sinh đường phố kém là nguồn phát sinh bụi lơ lửng (TSP) và một phần bụi mịn (PM10, PM2.5);Phát thải từ các bếp đun than tổ ongchủ yếu là các chất ô nhiễmSO2, NO2, CO và bụi TSP; Rò rỉ và bốc hơi khí xăng dầu và các khí VOCtừ các trạm bán xăng dầu, từ các xe cộ cơ giới, từ các nơi sản xuất chế biến sơn, vecny và từ các nơi quét sơn, vec ny...;Mùi hôi bốc lên từ cống rãnh, ao hồ, sông ngòi bị ô nhiễm môi trường nước; Hoạt động đốt rơm rạ trong mùa thu hoạch lúa. Dưới đây là một số giải pháp để cải thiện CLKK đô thị:

     Thứ nhất, đẩy mạnhtuyên truyền, phổ biến, giáo dục và hướng dẫn thực hiện các quy định BVMT.Huy động sự tham gia tích cực của cộng đồng, mọi người dân, mọi cơ sở sản xuất, mọi tổ chức xã hội trong công tác BVMT không khí nói riêng và BVMT TP nói chung.

      Thứ hai, kiểm soát chặt chẽ các nguồn ô nhiễm GTVT. Giải pháp trước mắt, cần kiểm soát, kiểm tra nguồn thải từ các phương tiện giao thông cơ giới. Tiến hành định kỳ kiểm tra theo quy định của quy chuẩn môi trường về khí thải đối với tất cả các phương tiện giao thông cơ giới (các loại xe ô tô, đặc biệt là các loại xe buýt, xe tải, xe ô tô chạy dầu, và các loại mô tô, xe máy), cấm lưu hành đối với tất cả các xe không đáp ứng yêu cầu về BVMT (bao gồm cả về rò rỉ hơi xăng dầu); tiến hành phun nước rửa đường vào các ngày trời nắng hanh khô.Giải pháp lâu dài, hoàn thiện quy hoạch chung đô thị hợp lý, đặc biệt là quy hoạch giao thông đô thị thông minh; phát triển hệ thống giao thông đô thị công cộng, như là các dạng xe buýt, metro, đường xe điện trên cao...; khuyến khích hình thành các khu phố đi bộ, xe đạp; các loại xe cơ giới chạy bằng khí gas, khí hóa lỏng và xe chạy điện...

      Thứ ba, tập trung kiểm soát, kiểm tra và xử lý nghiêm ngặt các nguồn thải ô nhiễm bụi phát sinh từ các hoạt động xây dựng mới và sửa chữa các công trình nhà cửa, hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị (hệ thống giao thông, cấp nước, thoát nước, cấp điện, cấp gas, hệ thống cáp thông tin...); áp dụng các công nghệ xây dựng ít ô nhiễm, như không sản xuất bê tông tươi tại công trường mà sản xuất bê tông tươi tại các trạm sản xuất bê tông tươi rồi chở đến công trường bơm lên sàn, cột công trình.

      Thứ tư, tăng cường năng lực cơ quan quản lý môi trường không khí ở Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh và ở các TP lớn khác, như là thành lập phòng quản lý môi trường không khí ở Chi cục BVMT, bổ sung cán bộ chuyên môn được đào tạo đúng chuyên ngành môi trường không khí cho Chi cục BVMT, cũng như các phòng quản lý môi trường ở các quận/huyện; tổ chức các lớp bổ túc kiến thức nâng cao trình độ chuyên môn về quản lý môi trường không khí cho các cán bộ đương chức trong hệ thống quản lý môi trường các cấp của các đô thị lớn.

     Thứ năm, tăng cường kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ các nguồn thải bụi phát sinh từ vận chuyển nguyên vật liệu rời, đặc biệt là vận chuyển về ban đêm, các xe vận chuyển về ban đêm thường vi phạm quy định về BVMT.

     Thứ sáu, vệ sinh đường phố sạch sẽ, văn minh, hiện đại.Quét dọn đường xá, vỉa hè, thường xuyên bảo đảm đường xá được hút bụi hoặc rửa đường sạch sẽ; thực hiện thu gom, vận chuyển và xử lý đúng kỹ thuật vệ sinh 100% rác thải của đô thị. Giáo dục nhân dân giữ gìn vệ sinh đường phố, không vứt rác ra đường hoặc vứt rác ra cống rãnh, kênh mương thoát nước;

      Thứ bảy, kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ các chất hữu cơ bay hơi (VOC), nhất là hơi xăng dầu đối với các trạm mua bán xăng dầu, các cơ sở sản xuất, chế biến và sử dụng sơn, vec ny, xăng dầu nằm trong đô thị; xử lý triệt để các sông, hồ, ao, cống rãnh bị ô nhiễm nước; áp dụng các biện pháp kỹ thuật xử lý bụiphát sinh từ sản xuất công nghiệp và thủ công nghiệp ở bên trong và xung quanh TP.

      Thứ tám,áp dụng các chính sách khuyến khích ưu đãiđể đạt được mục tiêu đến năm 2030 không còn bếp đun than ở các đô thị; cần áp dụng các chính sách phát triển công nghệ cần thiết để nông dân ngoại thành chấm dứt việc đốt rơm rạ trong mùa thu hoạch nông nghiệp.

      Thứ chín,phát triển trồng, chăm sóc và bảo vệ cây xanh trong TP, bảo đảm chỉ tiêu diện tích cây xanh trên đầu người dân đạt trị số quy định theo quy chuẩn xây dựng Việt Nam.

Thứ mười, ưu tiên đầu tư hoàn thiện hệ thống quan trắc môi trường không khí, đặc biệt là hệ thống quan trắc không khí tự động cố định ở các đô thị. Ở TP. Hồ Chí Minh trước đây có 9-11 trạm quan trắc không khí tự động, nay đã bị hỏng 100%. Ở Hà Nội trước đây có 6 trạm quan trắc không khí tự động, nay đã bị hỏng 5 trạm tự động. Hiện đã bổ sung, thay thế bằng các trạm quan trắc cảm biến.

 

GS.TSKH. Phạm Ngọc Đăng - Phó Chủ tịch

Hội Bảo vệ thiên nhiên và Môi trường Việt Nam

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường, số 2/2020)

 

 

 

Ý kiến của bạn