Banner trang chủ
Thứ Năm, ngày 23/01/2025

Ðánh giá tác động của việc chuyển đổi rừng khộp sang trồng cao su tại Ðắc Lắc

20/07/2016

   Rừng khộp là một kiểu rừng đặc trưng với các cây họ dầu, lá rộng (Diptercarpaceae), chiếm ưu thế tại Việt Nam và một số nước Đông Nam Á như Lào, Campuchia, Thái Lan và Myanma. Tại Việt Nam, rừng khộp phân bố chủ yếu ở các tỉnh thuộc Tây Nguyên và Ninh Thuận, Bình Thuận, tập trung ở độ cao từ 300 - 400 m so với mực nước biển.

Rừng khộp ở VQG Yok Đôn

   Theo số liệu của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (2006), diện tích rừng khộp (rừng giàu, rừng trung bình, rừng nghèo và rừng phục hồi) của cả nước là 678.513 ha, trong đó, Gia Lai là 282.398 ha, Đắc Lắc (271.417 ha), Bình Thuận (54.637 ha), Đắc Nông (43.726 ha), Lâm Đồng (18.988 ha), Ninh Thuận (4.444 ha) và Kon Tum (2903 ha). Mặc dù, Đắc Lắc xếp thứ hai về diện tích rừng khộp nhưng xét về chất lượng rừng khộp thì Đắc Lắc hơn Gia Lai vì có tới 912 ha được xếp vào loại rừng giàu, trong khi Gia Lai chỉ có 576 ha.

   Hiện nay, Việt Nam có duy nhất Vườn quốc gia (VQG) Yok Đôn còn có rừng khộp, với diện tích 102.105 ha, chiếm 88% diện tích VQG. Đây cũng là nơi còn lưu giữ một số diện tích rừng khộp nguyên sinh.

   Theo Quy hoạch phát triển cao su đến năm 2015, tầm nhìn đến năm 2020, để ổn định diện tích cao su vào khoảng 280.000 ha, Tây Nguyên sẽ phải trồng mới từ 95.000 - 100.000 ha, trong đó riêng Đắc Lắc là 42.530 ha. Điều này dẫn đến việc phải chuyển đổi một số diện tích rừng tự nhiên, chủ yếu là rừng khộp sang trồng cao su. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là phải khẳng định giữa “được” và “mất” khi chuyển đổi từ rừng khộp sang trồng cao su. Câu trả lời chỉ có được khi sử dụng công cụ kinh tế môi trường.

   Giá trị của rừng khộp

   Để so sánh giữa “được” và “mất” khi chuyển đổi từ rừng khộp sang trồng cao su cần phải xác định giá trị của rừng khộp. Qua nghiên cứu cho thấy, rừng khộp có các giá trị:

   Giá trị về đa dạng sinh học (ĐDSH): Rừng khộp của VQG Yok Đôn có thể đại diện cho rừng khộp ở Tây Nguyên với các đặc trưng nổi bật. Về hệ thực vật, đã thống kê được 566 loài, 290 chi thuộc 108 họ của 5 ngành thực vật bậc cao có mạch, trong đó một số loài có tên trong Sách đỏ Việt Nam như giáng hương, tuế, gõ cà te, cẩm lai, trắc mật... Hệ thực vật Yok Đôn còn đa dạng về yếu tố địa lý, với 43 loài đặc hữu Yok Đôn và 27 loài đặc hữu Việt Nam. Về hệ động vật của Yok Đôn, chỉ tính riêng động vật có xương sống trên cạn và dưới nước đã thống kê được 489 loài, 115 họ thuộc 39 bộ của 5 lớp: Thú, chim, bò sát, ếch nhái và cá, trong đó 39 loài thú được ghi trong Sách đỏ Thế giới và Sách đỏ Việt Nam (2007), 17 loài chim đang bị đe dọa toàn cầu, 2 loài cá và 9 loài bò sát, ếch nhái có trong Sách đỏ Việt Nam (2007).

   Rừng khộp là một kiểu rừng đặc biệt, hàng năm phải trải qua thời gian dài hạn hán, khô kiệt. Về mặt môi trường, sự tồn tại của rừng khộp góp phần duy trì cân bằng sinh thái nhờ sự phục hồi rất nhanh vào mùa mưa. Những tác động làm suy thoái, hay mất rừng đồng nghĩa với việc thúc đẩy nhanh quá trình sa mạc hóa, hình thành đồng cỏ, là giai đoạn cuối cùng của chuỗi diễn thế thứ sinh rừng nhiệt đới. Hệ sinh thái khộp là nơi cư trú của nhiều loài thú lớn như voi, bò rừng, bò tót, nhiều loài chim quý như công, gà lôi.... Đồng thời, rừng khộp cũng có giá trị về mặt cảnh quan. Dòng sông Sêrêpôk bắt nguồn từ dãy núi Chư - Yang Sin chảy ngược lên phía Bắc với 60 km chảy qua VQG Yok Đôn, qua các bậc thềm đã hình thành thác ghềnh giữa bạt ngàn rừng khộp, tạo nên những cảnh đẹp đặc trưng cho Đắc Lắc.

   Hơn nữa, rừng khộp còn đem lại những lợi ích kinh tế - xã hội cho Yok Đôn do có những loài cây gỗ mang lại giá trị kinh tế cao như giáng hương, trắc, gụ, cẩm lai, cà te, sao đen, táu thơm... và nhiều cây thuốc quý khác. Ven các khu rừng khộp, gần nguồn nước là nơi sinh sống chủ yếu của đồng bào các dân tộc M'Nông, Êđê... Mất rừng đồng nghĩa với việc mất nguồn nước, ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống của người dân. Vì vậy, rừng khộp chính là một trong những yếu tố quan trọng góp phần đảm bảo cuộc sống của người dân, đồng thời, duy trì, bảo tồn văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên nói chung và Đắc Lắc nói riêng.

   Mặt khác, phần lớn diện tích rừng khộp ở Đắc Lắc nằm dọc biên giới Việt Nam - Campuchia. Với điều kiện địa hình tương đối bằng phẳng, rừng thưa là yếu tố thuận lợi cho việc phát hiện kịp thời sự xâm nhập, vượt biên trái phép góp phần đảm bảo an ninh biên giới.

   Với những giá trị của rừng khộp trên đây, để có được quyết định đúng đắn, cần thiết phải ứng dụng công cụ kinh tế môi trường để đánh giá tác động tổng hợp việc chuyển đổi đất rừng khộp sang trồng cao su.

   Đánh giá tác động của việc chuyển đổi đất rừng khộp sang trồng cao su tại Đắc Lắc

   Để đánh giá tác động môi trường của một dự án phát triển kinh tế - xã hội trên thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng thường ứng dụng công cụ phân tích chi phí - lợi ích (CBA). CBA là công cụ kỹ thuật cho phép đưa ra một tính toán định lượng, quy đổi tất cả các chi phí và lợi ích về một đơn vị đo lường thống nhất là giá trị tiền tệ giúp cho người đưa ra quyết định dễ dàng lựa chọn phương án trong quyết định chính sách công. Để có được kết quả phân tích chi phí - lợi ích đúng cần có dữ liệu chính xác về 2 nhóm đối tượng: Đối tượng bị tác động (rừng khộp và các yếu tố liên quan) và đối tượng thuộc dự án (trồng cao su). Lợi ích của dự án trồng cao su là doanh thu từ việc thu hoạch mủ cao su, tạo việc làm cho người dân còn những cái mất là mất về giá trị ĐDSH, môi trường, cảnh quan, xã hội...

VQG Yok Đôn có nhiều loài động vật quý hiếm được ghi trong Sách đỏ Thế giới và Sách đỏ Việt Nam

   Trong giai đoạn 2009 - 2011, khi giá mủ cao su đạt mức cao, trên địa bàn tỉnh Đắc Lắc đã xảy ra tình trạng phát triển cao su ồ ạt, vượt quy hoạch, thậm chí trồng cao su trên diện tích đất chuyển đổi từ rừng khộp. Do điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu và rừng khộp lại phân bố trên các loại đất xấu, nghèo dinh dưỡng, tầng mỏng, trong khi cao su là cây kén đất, tầng dày, giàu dinh dưỡng nên ảnh hưởng tiêu cực đến quá trình sinh trưởng và phát triển của cây cao su. Những năm đầu mới trồng, cao su phát triển tốt, nhưng sau 5 - 6 năm, cây kém phát triển, sản lượng mủ thấp. Hậu quả là việc chuyển đổi không đạt được mục tiêu kinh tế mà rừng thì bị mất.

   Ngoài ra, khác với hệ sinh thái rừng ôn đới, phần chính lượng dự trữ dinh dưỡng của hệ sinh thái rừng khộp ở Đắc Lắc nằm trong sinh vật (thực vật và động vật), chỉ một phần rất nhỏ nằm trong thành phần của đất. Lá cây, hoa, quả và các bộ phận khác của cây cùng với động vật, hàng ngày cung cấp cho mặt đất một lượng chất hữu cơ đáng kể. Những chất hữu cơ này bị phân hủy nhanh để giải phóng chất dinh dưỡng và chuyển vào cây rừng trong quá trình sinh trưởng. Nếu không có rừng thường xuyên bồi dưỡng cho đất thì đất sẽ nhanh chóng bị thoái hóa.

   Đặc biệt, rừng khộp ở Đắc Lắc phong phú về tài nguyên, đa dạng về sinh học, với nhiều nguồn gen quý hiếm. Việc chuyển đổi rừng khộp sang trồng cao su dẫn đến thay đổi hệ sinh thái tự nhiên đặc thù, suy giảm ĐDSH, làm biến mất nhiều loài thú đặc hữu quý hiếm như heo vòi, bò sám... đồng thời, làm giảm sinh kế và mai một tri thức bản địa.

ThS. Nguyễn Hữu Khuê

Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh

TS. Lê Trần Chấn

Trung tâm Đa dạng và An toàn sinh học

Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường số 6/2016

Ý kiến của bạn