Banner trang chủ
Thứ Năm, ngày 23/01/2025

Việt Nam và Pháp tăng cường hợp tác song phương về thực hiện giảm phát thải các bon và chuyển dịch năng lượng

09/09/2024

    Bên lề Hội nghị COP 27 tại Sharm el-Sheikh (Ai Cập), Bộ trưởng Bộ TN&MT cùng Tổng Giám đốc Cơ quan Phát triển Pháp (AFD) đã ký kết Bản ghi nhớ nhằm tăng cường hợp tác song phương về triển khai giảm phát thải các - bon và chuyển dịch năng lượng tại Việt Nam. Theo  đó, Bộ TN&MT và AFD đã cùng triển khai Dự án GEMMES Vietnam 2, với mục tiêu đề xuất cho Bộ TN&MT các bằng chứng khoa học để tiến hành đối thoại quốc gia về Chiến lược net-zero và Chiến lược thích ứng với BĐKH của Chính phủ Việt Nam. Tạp chí Môi trường đã có cuộc trao đổi với bà Hélène Djoufelkit, Giám đốc Vụ Phân tích kinh tế và Chính sách công của AFD về hoạt động của Dự án và các giải pháp cho Việt Nam để thực hiện giảm phát thải các - bon và chuyển dịch năng lượng trong những năm tới.

Bà Hélène Djoufelkit - Giám đốc Vụ Phân tích kinh tế và Chính sách công của AFD

PV: Tại Hội nghị thượng đỉnh COP 27, Việt Nam và Pháp đã ký Bản ghi nhớ nhằm tăng cường hợp tác song phương về triển khai giảm phát thải các - bon và chuyển dịch năng lượng tại Việt Nam, Bà có thể  giới thiệu về nội dung Chương trình hợp tác này?

Bà Hélène Djoufelkit: Theo Bản ghi nhớ được Việt Nam và Pháp ký kết tại Hội nghị thượng đỉnh COP 27, trong vòng 5 năm tới, Bộ TN&MT và AFD sẽ cùng phát triển một chương trình nghiên cứu, nhằm đóng góp cho các chính sách công trong những lĩnh vực ưu tiên của Chính phủ Việt Nam. Chương trình bao gồm 3 định hướng, cụ thể: Trước tiên, hai bên sẽ triển khai áp dụng mô hình kinh tế vĩ mô được xây dựng bởi dự án GEMMES Vietnam 2 và kết hợp mô hình này với một mô hình năng lượng nhằm phân tích những hệ quả kinh tế - xã hội (KT - XH) của quá trình chuyển dịch năng lượng hướng tới mục tiêu phát thải ròng bằng “0” ở Việt Nam. Chương trình cũng định hướng nâng cao kiến thức và dự báo về tác động của biến đổi khí hậu (BĐKH) ở Việt Nam, nhất là về những hiện tượng khí hậu cực đoan kết hợp với những sức ép từ các hoạt động của con người (ở cấp địa phương cũng như khu vực) lên môi trường. Cuối cùng là nâng cao kiến thức về các khía cạnh xã hội của chuyển đổi năng lượng công bằng.

     AFD cũng sẽ hỗ trợ Bộ TN&MT về điều phối thực hiện các chương trình giảm phát thải, hướng đến mục tiêu chuyển đổi năng lượng công bằng, góp phần vào mục tiêu phát thải ròng bằng “0” đến năm 2050. Hỗ trợ quản lý tổng hợp tài nguyên nước và phát triển một mô hình quản lý tổng hợp lưu vực phù hợp, trong bối cảnh tăng cường khả năng thích ứng, chống chịu và phục hồi với BĐKH ở Việt Nam. Hỗ trợ những hoạt động ưu tiên trong các lĩnh vực: Quản lý tài nguyên đất, quản lý và phát triển bên vững không gian biển và hải đảo, quản lý rác thải nhựa (bao gồm việc xây dựng và thực hiện các cơ chế chính sách). Bên cạnh những lĩnh vực ưu tiên trên, hai bên có thể xem xét mở rộng hợp tác sang các lĩnh vực khác được hai bên thống nhất và phù hợp với chức năng nhiệm vụ.

         Dự án GEMMES Vietnam được AFD tại Việt Nam triển khai từ năm 2018, (trước khi Việt Nam và Pháp ký kết Biên bản ghi nhớ), với mục tiêu tìm hiểu các tác động KT - XH của BĐKH cũng như các chiến lược thích ứng ở cấp quốc gia và địa phương, đặc biệt là khu vực đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL).

    Giai đoạn 2 của dự án GEMMES Vietnam (Dự án GEMMES Vietnam 2) được khởi động từ tháng 12/2023, dự kiến sẽ  đưa ra các kết quả nghiên cứu có chất lượng cao, với 25 tài liệu nghiên cứu; Cung cấp các khuyến nghị chính sách mang tính khoa học cho các bên liên quan, với hơn 30 bản tóm tắt chính sách và nhiều hội thảo, họp tư vấn; Tăng cường quan hệ hợp tác Pháp và Việt Nam thông qua các dự án nghiên cứu chung của hai nước.

PV: Được biết, Bộ TN&MT đã thống nhất với Cơ quan Phát triển Pháp (AFD) về sáng kiến GEMMES Việt Nam 2,  đây là Dự án hỗ trợ tích cực cho xây dựng chính sách khí hậu của Việt Nam, xin Bà cho biết về mục tiêu, bối cảnh và nội dung các hợp phần của Dự án?

Bà Hélène Djoufelkit: Dự án GEMMES Việt Nam 2 được  AFD tài trợ 1 triệu euro cho giai đoạn 1 và 1,2 triệu euro cho giai đoạn 2, nhằm triển khai các định hướng trong khuôn khổ Biên bản ghi nhớ đã ký kết tại COP27. Các mục tiêu của Dự án là: (1) Nâng cao kiến thức và dự báo về tác động của BĐKH ở Việt Nam, nhất là về những hiện tượng khí hậu cực đoan kết hợp với những áp lực lên môi trường do các hoạt động của con người (ở cấp địa phương cũng như khu vực); (2) Triển khai áp dụng mô hình kinh tế vĩ mô được dự án GEMMES Vietnam xây dựng, kết hợp mô hình này với mô hình năng lượng nhằm phân tích những hệ quả KT - XH của quá trình chuyển dịch năng lượng hướng tới mục tiêu phát thải ròng bằng “0” ở Việt Nam; (3) Nâng cao kiến thức về các khía cạnh xã hội của chuyển đổi năng lượng công bằng.

    Dự án GEMMES Việt Nam 2 gồm 3 hợp phần nghiên cứu sẽ được triển khai tới quý 3/2026, cụ thể: Hợp phần 1 về tác động của BĐKH và chính sách thích ứng. Theo Báo cáo Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC) của Việt Nam công bố năm 2022, hiện vẫn còn thiếu các nghiên cứu khoa học và cơ sở dữ liệu về  BĐKH để cung cấp thông tin cho các chính sách công liên quan đến thích ứng với BĐKH (gồm cả lập pháp). NDC cũng lưu ý rằng sự gia tăng cường độ và tần suất của các hiện tượng khí hậu cực đoan chính là một yếu tố rủi ro ngày càng tăng ở nhiều vùng khác nhau. Sóng nhiệt cũng gây ra các tác động xã hội (ví dụ mất khả năng lao động, ở cấp độ trường học; yếu tố gây căng thẳng và có thể gây ra cả bạo lực), gây ra các động với sức khỏe, sinh thái (cháy rừng, khô cằn và suy giảm chất lượng đất). Mưa lớn đang làm tăng nguy cơ lũ lụt và sạt lở đất, hiện đang tác động ngày càng nhiều tới các vùng miền núi phía Bắc và miền Trung, gây thiệt hại đáng kể cho người dân. Trước các nguy cơ ngày càng tăng và để triển khai các chiến lược thích ứng và giảm nhẹ phù hợp trên quy mô lớn, cần có khả năng đưa ra các chẩn đoán định lượng về khả năng phơi lộ trước các rủi ro, mà vẫn phải tính đến các tác động tương hỗ với sự thay đổi môi trường do hoạt động của con người gây ra ở cấp địa phương hoặc cấp vùng. Trong bối cảnh đó, Hợp phần 1 của Dự án sẽ tập trung vào tác động của BĐKH đối với nóng cực đoan và mưa lớn tại Việt Nam, để cung cấp thông tin đầu vào cho các chính sách thích ứng.

    Hợp phần 2 về chuyển dịch năng lượng. Theo cam kết mục tiêu trung hòa các - bon của Việt Nam vào năm 2050 là phát thải ròng bằng “0”, nên Việt Nam cần nhanh chóng chuyển đổi hệ thống năng lượng về cả cung và cầu. Hợp phần nghiên cứu này nhằm mục đích định lượng các tác động kinh tế vĩ mô và tài chính của các chiến lược năng lượng các-bon thấp tương phản, phù hợp với mục tiêu trung hòa các-bon. Để đạt được mục tiêu này, một khung mô hình hóa mới - GEMMES Việt Nam sẽ được xây dựng với mô hình tài chính vĩ mô, có liên hệ tới mô hình năng lượng (LEAP). Cách tiếp cận mô hình hóa này sẽ cho phép định lượng các tác động kinh tế vĩ mô của quá trình chuyển dịch năng lượng.

    Hợp phần 3 về  các tác động xã hội của BĐKH và chuyển dịch năng lượng. Hợp phần nghiên cứu này sẽ phân tích các khía cạnh xã hội của quá trình chuyển dịch năng lượng tại Việt Nam thông qua việc đánh giá khả năng phục hồi của các hộ gia đình và doanh nghiệp. Để có thể triển khai hiệu quả các chính sách có ảnh hưởng tới giá nguyên liệu hóa thạch và chuyển đổi sang năng lượng xanh, cần dự đoán được các tác động có thể xảy ra đối với khả năng phục hồi KT - XH của người sử dụng dễ bị tổn thương. Hợp phần này sẽ cung cấp một loạt các bằng chứng khoa học về 4 khía cạnh xã hội: đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ, về tạo công ăn việc làm và đào tạo, về mối quan hệ với hệ sinh thái và môi trường, cũng như các tác động xã hội tổng hợp của các hiện tượng khí hậu cực đoan và ô nhiễm.

PV: Nhằm hướng đến mục tiêu đạt phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050, Bà có khuyến nghị gì về chính sách cho Việt Nam để thực hiện giảm phát thải các bon và chuyển dịch năng lượng trong những năm tới?

Bà Hélène Djoufelkit: Việt Nam là một trong những quốc gia dễ bị tổn thương nhất trên thế giới. Việt Nam đã đưa ra những cam kết tại COP26 với mục tiêu phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050 và triển khai Chương trình JETP. Việt Nam đã xây dựng Chiến lược tăng trưởng xanh và yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương xây dựng Kế hoạch để giảm phát thải. Ngày nay, các vấn đề an ninh năng lượng rất phổ biến, vì vậy, Việt Nam phải xác định lộ trình chuyển dịch năng lượng hiệu quả nhất để cho phép xanh hóa đáng kể cơ cấu năng lượng từ năm 2030, điều đó bao hàm việc đầu tư vào lưới điện và lưu trữ năng lượng, nhiều cải cách để thúc đẩy sự tham gia rộng rãi của khu vực tư nhân vào sản xuất năng lượng xanh. Đồng thời, cũng bao hàm các chính sách công nghiệp tạo thuận lợi cho sự xuất hiện của các ngành tiêu thụ ít năng lượng thay vì các ngành tiêu hao nhiều năng lượng. Điều đó cũng bao hàm một chính sách bảo tồn năng lượng: Năng lượng không được tiêu thụ là năng lượng rẻ nhất. Mọi chuyển dịch năng lượng trên thế giới đòi hỏi phải có nhiều lựa chọn chắc chắn sẽ có tác động tích cực tới một số lĩnh vực và tác động tiêu cực đến một số lĩnh vực khác. Cần dự đoán trước các lựa chọn này để xác định các biện pháp đi kèm cần thiết. Hy vọng GEMMES Việt Nam 2 sẽ cung cấp cho các nhà hoạch định chính sách của Việt Nam một số yếu tố hỗ trợ ra quyết định để định hướng tốt hơn cho chính sách chuyển dịch năng lượng.

PV: Trân trọng cảm ơn bà!

Châu Loan 

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường số 8/2024)

Ý kiến của bạn