Banner trang chủ
Thứ Năm, ngày 23/01/2025

Việt Nam đạt ngưỡng giảm phát thải các-bon theo mục tiêu đóng góp quốc gia tự quyết định

27/05/2024

    Ngày 17/1/2024, PwC Việt Nam đã chính thức ra mắt Nghiên cứu chỉ số Net Zero năm 2023 - tổng hợp số liệu phát thải các-bon năm 2022 của toàn cầu và khu vực châu Á - Thái Bình Dương, trong đó có Việt Nam.

    Nghiên cứu Chỉ số Kinh tế Net Zero năm 2023 của PwC cho thấy các nền kinh tế Châu Á - Thái Bình Dương chịu trách nhiệm cho 48% lượng khí thải toàn cầu trong năm 2022. Mặc dù tốc độ giảm phát thải các-bon vào năm 2022 ở mức 2,8%, cao hơn so với tỉ lệ toàn cầu là 2,5%, nhưng khu vực này vẫn cần tăng tốc độ giảm phát thải nhanh hơn gấp 6 lần để đạt tỉ lệ 17,2%, nhằm hạn chế sự nóng lên toàn cầu ở mức 1,5°C so với mức ở thời kỳ tiền công nghiệp.

    Nghiên cứu cũng cho thấy, mặc dù không có nền kinh tế nào ở châu Á - Thái Bình Dương đạt gần đến tỷ lệ khử các-bon yêu cầu là 17,2% hàng năm để có thể đạt được mục tiêu 1,5°C, nhưng 5 nền kinh tế (bao gồm New Zealand, Pakistan, Hàn Quốc, Singapo và Việt Nam) đã vượt mốc giảm phát thải các-bon theo mục tiêu đóng góp quốc gia tự quyết định (NDC).

    Điểm chung giữa 5 nền kinh tế này là đều nằm trong nhóm những quốc gia nhập khẩu ròng năng lượng và hầu hết đều có mức giảm về hệ số phát thải các-bon từ nhiên liệu hóa thạch. Pakistan là ngoại lệ khi giảm phát thải 15% do tác động trực tiếp từ cuộc khủng hoảng giá dầu mỏ toàn cầu năm 2022, theo sau đó là Singapo (10,8%), New Zealand (8,5%), Việt Nam (6,5%) và Hàn Quốc (4,4%). Tuy nhiên, cường độ phát thải các-bon của nhóm này nhìn chung thấp hơn mức trung bình của các nước G7, nghĩa là việc giảm hệ số phát thải các-bon từ nhiên liệu hóa thạch có thể làm giảm cường độ phát thải các-bon đáng kể. Việt Nam được xếp trong nhóm các nền kinh tế có sự chuyển biến chậm, hoặc theo hướng tiêu cực trong quá trình giảm cường độ phát thải các-bon và vẫn phụ thuộc nhiều vào nhiên liệu hóa thạch để duy trì tăng trưởng kinh tế.

Việt Nam thuộc Top 5 quốc gia đạt ngưỡng giảm phát thải các-bon

    Nghiên cứu cũng nhận định, sự chuyển đổi sang nền kinh tế các-bon thấp không dễ dàng. Do cuộc khủng hoảng năng lượng toàn cầu đã làm thay đổi các ưu tiên chính trị - xã hội, gây áp lực lên công chúng và các chính phủ trong việc quay trở lại sử dụng các dạng năng lượng rẻ hơn, phát thải nhiều hơn như than. Bên cạnh đó, sự tăng trưởng đáng kể của các nền kinh tế châu Á - Thái Bình Dương làm tăng sự phụ thuộc vào nhập khẩu năng lượng, đặc biệt là dầu khí, để duy trì tăng trưởng kinh tế. Trong khi đó, đầu tư vào năng lượng tái tạo đang bị thiếu hụt, cản trở quá trình chuyển đổi sang các nguồn năng lượng sạch hơn.

    Theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), ngoại trừ Trung Quốc, các nước châu Á khác sẽ phải tăng mức đầu tư hàng năm lên gấp 6 - 8 lần so với mức năm 2022 trong giai đoạn 2031 - 2035.

    Ông Abhinav Goyal, Giám đốc Dịch vụ Tư vấn Dự án Vốn và Cơ sở hạ tầng, PwC Việt Nam cho biết, các mục tiêu NDC được Việt Nam cập nhật năm 2022 đã cho thấy những bước tiến đáng kể trong việc ưu tiên sự phát triển bền vững. Chính phủ đã nhấn mạnh việc sử dụng năng lượng tái tạo và đưa ra những mục tiêu giảm phát thải tham vọng hơn so với các mục tiêu trước đây, qua đó phản ánh cam kết mạnh mẽ đối với việc hành động vì khí hậu.

    Mặc dù các nội dung NDC dường như đã phù hợp với tham vọng Net Zero của Việt Nam vào năm 2050, vẫn cần có nhiều hành động thiết thực hơn nữa để tăng tốc đến một tương lai đạt phát thải ròng bằng không. Sự thay đổi này đòi hỏi có sự hợp tác hành động từ cả chính phủ, thông qua các chính sách mạnh mẽ và hướng dẫn chi tiết, bao gồm thúc đẩy hợp tác toàn cầu và các doanh nghiệp, thông qua các hoạt động kinh doanh có trách nhiệm và đầu tư xanh. Bên cạnh đó, việc nắm bắt chuyển đổi sử dụng năng lượng sạch không chỉ là một yêu cầu cấp thiết về môi trường mà còn mang lại vô số cơ hội chưa được khai thác.

    Ông Abhinav Goyal nhấn mạnh “Bằng việc thực hiện các mục tiêu về khí hậu, thông qua sự kết hợp hiệu quả của chính sách và các chiến lược giảm thiểu phát thải, Việt Nam có thể nhận được nhiều lợi ích tài chính từ việc thu hút đầu tư bền vững, tạo thêm việc làm và trở thành quốc gia tiên phong về công nghệ sạch, hướng tới một tương lai bền vững và phát thải các-bon thấp”.

Vũ Hồng

Ý kiến của bạn