Banner trang chủ
Thứ Năm, ngày 23/01/2025

Ứng dụng các công cụ và chỉ số đo lường thực hiện kinh tế tuần hoàn

11/07/2024

    Nhằm trao đổi, xác định các công cụ, chỉ số đo lường thực hiện kinh tế tuần hoàn chuẩn bị cho việc triển khai Kế hoạch hành động Quốc gia thực hiện kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam trong thời gian tới, ngày 10/7/2024, tại Hà Nội, Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường phối hợp với Quỹ Hanns Seidel tại Việt Nam tổ chức Hội thảo “Ứng dụng các công cụ và chỉ số đo lường thực hiện kinh tế tuần hoàn”.

Viện trưởng Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường Nguyễn Đình Thọ phát biểu khai mạc Hội thảo

    Phát biểu khai mạc Hội thảo, Viện trưởng Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường Nguyễn Đình Thọ cho biết, việc áp dụng các công cụ, chỉ tiêu đo lường, đánh giá thực hiện kinh tế tuần hoàn đã được triển khai ở nhiều quốc gia trên thế giới, đặc biệt là các quốc gia tiên phong thúc đẩy phát triển kinh tế tuần hoàn như Đức, Liên minh châu Âu, Nhật Bản, Trung Quốc… Tại Việt Nam, khái niệm kinh tế tuần hoàn đã được Chính phủ Việt Nam quy định cụ thể trong Luật BVMT năm 2020 (Điều 142) và trong Nghị định số 08/2022/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật BVMT năm 2020. Đồng thời, Nghị định số 08/2022/NĐ-CP giao Bộ TN&MT xây dựng, ban hành khung hướng dẫn áp dụng, đánh giá việc thực hiện kinh tế tuần hoàn. Theo đó, việc xây dựng khung giám sát, các chỉ số đo lường có ý nghĩa rất quan trọng đối với việc triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp thực hiện kinh tế tuần hoàn trên phạm vi cả nước; là cơ sở để các Bộ, ngành và địa phương xây dựng, tổ chức thực hiện kinh tế tuần hoàn phù hợp chức năng, nhiệm vụ, phạm vi và địa bàn quản lý được giao. Vì vậy, theo Viện trưởng Nguyễn Đình Thọ, Hội thảo là cơ hội quý báu để các đại biểu cùng nhau thảo luận, trao đổi ý kiến, chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm trong nước và quốc tế về vai trò, tầm quan trọng của việc thiết lập, áp dụng các công cụ, chỉ số đo lường thực hiện kinh tế tuần hoàn phù hợp với từng ngành, lĩnh vực, vùng, miền và ở từng cấp độ theo quy định pháp luật của Việt Nam, đóng góp hiệu quả cho quá trình triển khai theo dõi, đánh giá việc thực hiện kinh tế tuần hoàn tại nước ta trong thời gian tới.

    Đồng tình với ý kiến của Viện trưởng Nguyễn Đình Thọ, Giám đốc Viện Hợp tác quốc tế, Quỹ Hanns Seidel Susanne Luther cho biết thêm, một số quốc gia trên thế giới đã ứng dụng các công cụ và chỉ số đo lường thực hiện kinh tế tuần hoàn, bước đầu đem lại hiệu quả. Chẳng hạn tại Trung Quốc, hệ thống Chỉ số Đánh giá về phát triển kinh tế tuần hoàn được ban hành lần đầu tiên vào năm 2007, sửa đổi năm 2017, bao gồm các chỉ tiêu toàn diện như năng suất tài nguyên chính, tỷ lệ tái chế tài nguyên thứ cấp tương ứng với một loạt các chỉ tiêu cụ thể. Hay Nhật Bản đã phát triển bộ chỉ số kinh tế tuần hoàn gồm 4 chỉ số chính cùng với hơn 40 chỉ số phụ và các chỉ số bổ trợ được nêu trong Kế hoạch lần thứ tư về thiết lập xã hội tuần hoàn vật chất, nhằm theo dõi tiến trình triển khai kinh tế tuần hoàn cấp quốc gia. Các chỉ số này được xây dựng dựa trên mô hình dòng vật chất để đánh giá tiến trình tuần hoàn dòng vật chất của nền kinh tế theo các phạm vi, cấp độ khác nhau… Ngoài ra, còn có các bộ công cụ, chỉ số hỗ trợ các doanh nghiệp đánh giá mức độ sẵn sàng, thưc hiện các hành động cụ thể, kiểm tra mức độ tuần hoàn mà sản phẩm/dịch vụ đạt được trong quá trình chuyển đổi sang mô hình kinh tế tuần hoàn như sáng kiến về công cụ Circular Transition Indicators của Hội đồng Doanh nghiệp thế giới vì sự phát triển bền vững (WBCSD). Như vậy, từ căn cứ pháp lý và yêu cầu thực tiễn cho thấy cần thiết phải nghiên cứu, xây dựng và triển khai các công cụ, chỉ số nhằm theo dõi, đánh giá quá trình, tiến độ và hiệu quả của các hoạt động áp dụng kinh tế tuần hoàn đáp ứng các mục tiêu về giảm khai thác, sử dụng các nguồn tài nguyên không tái tạo, tài nguyên nước; tăng hiệu quả sử dụng tài nguyên, nguyên liệu, vật liệu; tiết kiệm năng lượng; đồng thời kéo dài thời gian sử dụng vật liệu, thiết bị, sản phẩm và giảm thiểu tác động xấu đến môi trường.

Quang cảnh Hội thảo

    Tại Hội thảo, các đại biểu đã được cung cấp thêm thông tin về yêu cầu thiết lập các chỉ số kinh tế tuần hoàn theo quy định của Việt Nam; Mức độ sẵn sàng cho thực hiện kinh tế tuần hoàn ở cấp quốc gia và cấp tỉnh; Phương pháp xây dựng lộ trình thực hiện kinh tế tuần hoàn trên cơ sở nghiên cứu dòng chuyển hóa vật chất… đồng thời thảo luận về tính vòng đời của công trình xây dựng.

Đỗ Hương

Ý kiến của bạn