Banner trang chủ
Thứ Sáu, ngày 24/01/2025

Từ năm 2024, doanh nghiệp phải thực hiện trách nhiệm tái chế theo tỷ lệ, quy cách bắt buộc

04/04/2024

    Theo quy định của Luật BVMT năm 2024 và Nghị định số 08/2022/NĐ-CP của Chính phủ, từ ngày 1/1/2024, các doanh nghiệp sản xuất, nhập khẩu săm lốp, pin, ắc quy, dầu nhớt và bao bì thương phẩm của một số sản phẩm sẽ phải thực hiện trách nhiệm tái chế theo tỷ lệ, quy cách tái chế bắt buộc, nhằm hướng đến kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn bền vững.

    Cụ thể, tỷ lệ tái chế bắt buộc cho 3 năm đầu tiên đối với săm lốp là 5%; các loại pin sử dụng cho phương tiện giao thông (như Li, NiMH) và pin sử dụng cho các thiết bị điện-điện tử là 8%; tỷ lệ tái chế bắt buộc đối với ắcquy từ 8-12%, tùy từng loại (trong đó ắcquy chì 12%, ắcquy các loại khác 8%). Tỷ lệ tái chế bắt buộc đối với bao bì là từ 10 - 22%, tùy từng loại (như giấy carton là 20%, bao bì giấy hỗn hợp 15%, bao bì nhôm 22%, bao bì nhựa PET là 22%, bao bì sắt và kim loại khác 20%); chai, lọ, hộp thủy tinh 15%... Riêng các doanh nghiệp sản xuất, nhập khẩu có tổng doanh thu từ bán hàng, cung cấp dịch vụ của năm trước dưới 30 tỷ đồng hoặc có tổng giá trị nhập khẩu (tính theo trị giá hải quan) của năm trước dưới 20 tỷ đồng thì không phải thực hiện trách nhiệm tái chế bao bì.

    Đối tượng và lộ trình thực hiện trách nhiệm tái chế sản phẩm, bao bì 

    Theo quy định tại Điều 77, Nghị định số 08/2022/NĐ-CP:

    Tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu (sau đây gọi chung là nhà sản xuất, nhập khẩu) các sản phẩm, bao bì quy định tại Cột 3, Phụ lục XXII, ban hành kèm theo Nghị định 08/2022/NĐ-CP để đưa ra thị trường Việt Nam phải thực hiện trách nhiệm tái chế sản phẩm, bao bì đó theo tỷ lệ, quy cách tái chế bắt buộc.

    Bao bì phải tái chế là bao bì thương phẩm (gồm bao bì trực tiếp và bao bì ngoài) của sản phẩm, hàng hóa sau đây: Thực phẩm theo quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm; Mỹ phẩm theo quy định của pháp luật về điều kiện sản xuất mỹ phẩm; Thuốc theo quy định của pháp luật về dược; Phân bón, thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y theo quy định của pháp luật về phân bón, thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y; Chất tẩy rửa, chế phẩm dùng trong lĩnh vực gia dụng, nông nghiệp, y tế; Xi măng.

    Lộ trình

    Nhà sản xuất, nhập khẩu thực hiện trách nhiệm tái chế các sản phẩm, bao bì do mình sản xuất, nhập khẩu theo lộ trình sau: Bao bì và các sản phẩm ắc quy, pin; dầu nhớt; săm lốp: từ ngày 1/1/2024; Sản phẩm điện, điện tử: Từ ngày 1/1/2025; Phương tiện giao thông: từ ngày 1/1/2027.

    Các đối tượng không phải thực hiện trách nhiệm tái chế

    Tại khoản 3, Điều 77, Nghị định số 08/2022/NĐ-CP quy định về các đối tượng sau đây không phải thực hiện trách nhiệm tái chế bao gồm: Nhà sản xuất, nhập khẩu các sản phẩm, bao bì để xuất khẩu hoặc tạm nhập, tái xuất hoặc sản xuất, nhập khẩu cho mục đích nghiên cứu, học tập, thử nghiệm theo quy định tại khoản 1, Điều 54, Luật BVMT năm 2020;

    Tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu sản phẩm, bao bì có giá trị tái chế phải thực hiện tái chế theo tỷ lệ và quy cách tái chế bắt buộc, trừ các sản phẩm, bao bì xuất khẩu hoặc tạm nhập, tái xuất hoặc sản xuất, nhập khẩu cho mục đích nghiên cứu, học tập, thử nghiệm;

    Nhà sản xuất bao bì quy định tại khoản 1, Điều 77, Nghị định số 08/2022/NĐ-CP  có doanh thu từ bán hàng và cung cấp dịch vụ của năm trước dưới 30 tỷ đồng;

    Nhà nhập khẩu bao bì quy định tại khoản 1, Điều 77, Nghị định số 08/2022/NĐ-CP  có tổng giá trị nhập khẩu (tính theo trị giá hải quan) của năm trước dưới 20 tỷ đồng.

    Quy cách tái chế bắt buộc 

    Tại Điều 78, Nghị định số 08/2022/NĐ-CP hướng dẫn về tỷ lệ tái chế, quy cách tái chế bắt buộc như sau:

    - Tỷ lệ tái chế bắt buộc là tỷ lệ khối lượng sản phẩm, bao bì tối thiểu phải được tái chế theo quy cách tái chế bắt buộc trên tổng khối lượng sản phẩm, bao bì sản xuất được đưa ra thị trường và nhập khẩu trong năm thực hiện trách nhiệm.

Ảnh minh họa

    - Tỷ lệ tái chế bắt buộc của từng loại sản phẩm, bao bì được xác định trên cơ sở vòng đời, tỷ lệ thải bỏ, tỷ lệ thu gom của sản phẩm, bao bì; mục tiêu tái chế quốc gia, yêu cầu bảo vệ môi trường và điều kiện kinh tế - xã hội từng thời kỳ.

    - Tỷ lệ tái chế bắt buộc cho từng loại sản phẩm, bao bì trong 3 năm đầu tiên được quy định tại Cột 4 Phụ lục XXII ban hành kèm theo Nghị định 08/2022/NĐ-CP. Tỷ lệ tái chế bắt buộc được điều chỉnh 3 năm một lần tăng dần để thực hiện mục tiêu tái chế quốc gia và yêu cầu BVMT.

    - Nhà sản xuất, nhập khẩu được tái chế các sản phẩm, bao bì do mình sản xuất, nhập khẩu hoặc tái chế sản phẩm, bao bì cùng loại quy định tại Cột 3, Phụ lục XXII, ban hành kèm theo Nghị định 08/2022/NĐ-CP do nhà sản xuất, nhập khẩu khác sản xuất, nhập khẩu để đạt được tỷ lệ tái chế bắt buộc. Việc tái chế phế liệu nhập khẩu làm nguyên liệu sản xuất không được tính vào tỷ lệ tái chế bắt buộc của nhà sản xuất, nhập khẩu.

    - Trường hợp nhà sản xuất, nhập khẩu thực hiện tái chế cao hơn tỷ lệ tái chế bắt buộc quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 78 Nghị định 08/2022/NĐ-CP thì được bảo lưu phần tỷ lệ chênh lệch để tính vào tỷ lệ tái chế bắt buộc của các năm tiếp theo.

    - Tỷ lệ tái chế bắt buộc cho từng loại sản phẩm, bao bì sau 3 năm đầu tiên thực hiện quy định tại khoản 2, Điều 78, Nghị định 08/2022/NĐ-CP được Thủ tướng Chính phủ điều chỉnh và ban hành trước ngày 30/9 năm cuối cùng của chu kỳ 3 năm để áp dụng cho chu kỳ 3 năm tiếp theo.

    - Quy cách tái chế bắt buộc là các giải pháp tái chế được lựa chọn kèm theo yêu cầu tối thiểu về lượng vật liệu, nhiên liệu được thu hồi đối với tái chế sản phẩm, bao bì. Quy cách bắt buộc đối với từng sản phẩm, bao bì được quy định tại Cột 5, Phụ lục XXII, ban hành kèm theo Nghị định 08/2022/NĐ-CP. 

    Theo quy định hiện hành, các doanh nghiệp sản xuất, nhập khẩu có thể lựa chọn nhiều giải pháp tái chế. Đơn cử như đối với săm lốp, doanh nghiệp có thể áp dụng các giải pháp tái chế như làm lốp dán công nghệ cao hoặc cắt, thu hồi bột cao su làm cốt liệu hoặc chưng phân đoạn thành dầu. Đối với pin sạc, doanh nghiệp có thể áp dụng giải pháp tái chế như sản xuất kim loại dạng phôi hoặc hóa chất công nghiệp; sản xuất hạt nhựa tái sinh hoặc các sản phẩm phụ từ nhựa như hóa chất thương phẩm, dầu nặng, khí tổng hợp làm nguyên, nhiên liệu sản xuất cho các ngành công nghiệp…

    Đối với dầu nhớt, các doanh nghiệp sản xuất, nhập khẩu có thể áp dụng các giải pháp tái chế như chưng thu hồi dầu gốc hay loại dầu khác, hoặc chưng thu hồi dầu các phân đoạn. Với bao bì, doanh nghiệp có thể áp dụng các giải pháp tái chế khác nhau tùy thuộc loại bao bì (như bao bì giấy, giấy carton có pháp tái chế là sản xuất bột giấy thương phẩm hoặc các sản phẩm giấy như giấy vệ sinh, giấy bìa, hộp giấy).

    Với bao bì nhôm, các doanh nghiệp có thể áp dụng giải pháp tái chế là sản xuất phôi nhôm hoặc sản xuất các sản phẩm khác; bao bì nhựa có thể tái chế sản xuất hạt nhựa tái sinh, sản xuất sản phẩm khác như dầu, xơ sợi…

    Theo quy định, các doanh nghiệp sản xuất, nhập khẩu được lựa chọn một trong hai phương thức thực hiện trách nhiệm tái chế. Phương thức thứ nhất là tự tổ chức tái chế (tự mình tái chế hoặc thuê đơn vị tái chế hoặc ủy quyền cho một bên khác tổ chức tái chế ) và phương thức thứ hai là nộp tiền vào Quỹ BVMT Việt Nam để hỗ trợ tái chế.

    Riêng với các sản phẩm điện, điện tử, theo lộ trình, các doanh nghiệp sản xuất, nhập khẩu sẽ thực hiện trách nhiệm tái chế bắt buộc từ ngày 1/1/2025 và các doanh nghiệp sản xuất, nhập khẩu phương tiện giao thông (ôtô và xe máy) sẽ thực hiện trách nhiệm tái chế bắt buộc từ ngày 1/1/2027.

Bảo Bình

Ý kiến của bạn