Banner trang chủ
Thứ Tư, ngày 22/01/2025

Thực trạng rác thải rắn tại Thành phố Hồ Chí Minh và đề xuất một số giải pháp góp phần nâng cao hiệu quả công tác quản lý, xử lý theo hướng phát triển bền vững

20/11/2024

    1. Đặt vấn đề

    Lượng rác thải sinh hoạt tại Thành phố Hồ Chí Minh (TP.HCM) tăng nhanh, khoảng 10%/năm. Tuy nhiên cho đến nay, phần lớn lượng rác thải sinh hoạt của thành phố vẫn là chôn lấp. Theo thống kê của Sở TN&MT TP.HCM, lượng rác thải sinh hoạt phát sinh trên địa bàn thành phố đã đạt mức hơn 9.700 tấn/ngày. Đặc biệt, trong những ngày cao điểm lễ, Tết, lượng rác thải tăng lên hơn 11.000 tấn/ngày. Lượng rác thải sinh hoạt tăng nhanh, khoảng 10%/năm, nhưng việc xử lý rác vẫn theo cách cũ. Trong đó, 70% là chôn lấp, 30% được tái chế và đốt công nghệ cũ. Đáng chú ý, trong số 30% rác tái chế có tới 50% lượng rác không xử lý hết vẫn phải đem chôn lấp. Như vậy, sau hàng chục năm quy hoạch, tìm kiếm giải pháp xử lý rác, đến nay công nghệ xử lý rác không có nhiều thay đổi ở thành phố này. Rác vẫn chủ yếu là mang đi chôn lấp gây nguy cơ ô nhiễm thứ phát và không đảm bảo thực hiện mục tiêu giảm thiểu ô nhiễm đã đặt ra. Lượng rác thải sinh hoạt tại TP.HCM tăng nhanh, nhưng đến 70% là chôn lấp, còn 30% được tái chế và đốt công nghệ cũ. Giảm thiểu ô nhiễm môi trường là một trong những mục tiêu quan trọng của TP.HCM. Theo kế hoạch, đến cuối năm 2020, TP.HCM phải chuyển đổi ít nhất 50% lượng rác xử lý bằng biện pháp chôn lấp sang đốt phát điện. Để thực hiện mục tiêu giảm thiểu ô nhiễm môi trường, từ năm 2019 - 2020, TP.HCM đã phê duyệt hàng loạt dự án đầu tư hoặc chuyển đổi công nghệ xử lý rác từ chôn lấp sang đốt phát điện. Cuối năm 2019, thành phố đã đồng loạt khởi công 2 nhà máy đốt rác phát điện của Công ty Tâm Sinh Nghĩa (có công suất xử lý 2.000 tấn/ngày) và Tập đoàn Vietstar (có công suất xử lý 2.000 tấn/ngày). Theo tính toán của Sở TN&MT TP.HCM, nếu các dự án trên đi vào hoạt động thì đến năm 2021, lượng rác thải chôn lấp của TP.HCM sẽ giảm còn 50%, đúng như mục tiêu mà thành phố đã đề ra. Thế nhưng, cho đến nay vẫn chưa có nhà máy xử lý đốt rác phát điện nào đi vào hoạt động.

    2. Phân loại rác để làm gì?

    Các nước tiến bộ trên thế giới đều đã triển khai phân loại rác trước khi xử lý. Khi đã phân loại thì phải thực hiện những giải pháp sao cho hiệu quả, phát huy tác dụng đối với kinh tế - xã hội và môi trường. Phân loại được hiểu là để lựa chọn ra các loại rác có đặc tính giống nhau xếp vào cùng 1 nhóm để dễ xử lý theo đặc tính của từng loại rác.

Lượng rác thải sinh hoạt tại TP. HCM tăng nhanh, khoảng 10%/năm

    Các loại rác có thể tái sử dụng như: Nhựa, kim  loại, giấy; Loại nguy hiểm: pin, chai, lọ thủy tinh, kính; Loại chất trơ: gạch vụn, gạch vỡ…; Rác sinh hoạt hàng ngày, rác đường phố cũng không ít; Miếng xốp, mút, giẻ, vải vụn…; Cành, nhánh cây xanh…; Nước rỉ rác, nước thải rửa xe…; Thú nuôi chết. Đó là chưa kể khi người dân cần sửa chữa nhà, thay đổi nội thất cũng cần bỏ nhiều thứ, cần dịch vụ dọn dẹp.

    Như vậy, rác cũng nhiều loại và nhiều thành phần, chưa kể sau khi xử lý xong thì chất thải sau công đoạn xử lý ban đầu còn nhiều hay ít (đốt thì còn lại tro, xỉ),  tỷ lệ bao nhiêu %, rồi làm gì tiếp theo? nhất là nước rỉ rác - rất ô nhiễm.

    Do vậy, việc xử lý rác cho một đô thị không chỉ là lò đốt rác có công suất lớn là đủ, mà cần phải có nhiều phân xưởng khác nhau để xử lý từng phần, từng loại rác sau phân loại thì mới giải quyết ổn thỏa được rác trong đô thị theo cách bền vững, lâu dài. Dĩ nhiên là phải tốn kém chi phí.

    3. Cách thức để triển khai

    Cần có một tổ chức như hợp tác xã, công ty nhỏ (số lượng vừa phải) chuyên thu mua rác có thể tái chế, tất cả gom về một vài đầu mối có quy cụ, giấy phép hành nghề, có trách nhiệm. Kho, bãi tập kết rác xây dựng, tạm trữ rác có thể bán được, tái chế được, tận thu để làm vật liệu xây dựng như san lấp nền, trong đó có miểng chai, lọ, sành sứ, thủy tinh… có tổ chức kinh tế, sự nghiệp hẳn hoi và để tập trung quản lý vì ai ai cũng làm thì sẽ quản lý không nổi.

Cần phải có nhiều phân xưởng khác nhau để xử lý từng phần sau phân loại rác theo hướng bền vững

    Đối với thú nuôi chết, dọn nhà: cũng phải có công ty dịch vụ thực hiện việc này, liên kết để xử lý. Còn lại rác rác sinh hoạt, rác đường phố, cành, nhánh cây có thể đốt. Riêng cành cây phải có thiết bị xay nhỏ. Chúng ta đốt rác sinh hoạt có lãng phí không? Hay tách làm phân để phục vụ sản xuất nông nghiệp hữu cơ giúp nông dân và phục vụ lại chính đời sống của mình: đó là có thực phẩm hữu cơ. Cái còn lại sau tách lọc sẽ đốt cùng với rác đường phố, cành cây…. Nước rỉ rác, nước thải khác cần xử lý triệt để.

     4.  Đầu tư công nghệ xử lý môi trường

    Hiện nay, người dân rất lo ngại khi có ai đó đặt vấn đề mở ra khu xử lý rác, nước thải bởi, chúng ta đã gây ra bao ám ảnh khó chịu đến người dân từ việc để mùi, côn trùng, nước thải phát tán ra ngoài quá nhiều.

    Thứ đến là việc xử lý môi trường cái được thì ít, cái hại thì nhiều, đơn cử như nhà máy/lò đốt rác ở ĐBSCL: rác sinh hoạt bản chất ô nhiễm do mùi, côn trùng… nhưng không phải thứ nguy hại, trong khi xỉ trong lò đốt do cháy không triệt để, chất thải còn lại >  20% thì lại là loại rác nguy hại, nếu đem xử lý thì rất tốn kém, còn để lại trên bãi thì nước rỉ từ tro vô cùng nguy hại.

Cần có chính sách bảo trợ sản xuất phân hữu cơ vừa tiết kiệm tài nguyên và BVMT

    Nếu công suất nhà máy 500 tấn/ngày thì thải ra cả trăm tấn/ ngày, hằng năm, nhiều năm lượng tro xỉ này phải làm sao? Hậu quả vô cùng lớn.

    Do vậy, nếu đốt thì phải nghĩ đến tro xỉ này sẽ xử lý như thế nào cho triệt để, dù giá có cao nhưng ít để lại hậu quả, hoặc không để lại hệu quả.

    Hay như nhà máy xử lý nước thải, bùn thải phải có cách xử lý triệt để, không để gây mùi.

    Tóm lại, người làm môi trường phải có “TÂM”, có “TẦM” về chuyên môn ngành nghề, sự tranh giành thị phần, tìm cách giảm chi phí, giảm trách nhiệm, mưu cầu sinh lợi thì hỏng. Về người quản lý phải chỉ đạo sát sao, chi phí hợp lý, kịp thời thì mới hiệu quả.

    5. Cần có cơ chế xử lý rác làm sạch môi trường

    Cơ chế tuần hoàn: Nếu rác mà làm phân hữu cơ vì lợi ích con người, chúng ta cần sản xuất ra sản phẩm hữu cơ, vì người nông dân Việt Nam, vì lợi ích lâu dài, đồng ruộng cần phì nhiêu, sản xuất bền vững, cái gì không làm ra phân được nữa mới đốt vì làm ra phân hữu cơ cũng tốn kém lắm, giá thành cao hơn phân hữu cơ lấy từ bùn khoán. Nhưng cứ lấy từ các bùn khoán, than bùn làm phân hữu cơ thì lại khai thác tài nguyên, phá vỡ môi trường tự nhiên, đến ngày nào đó cũng hết, không bền vững.

    Nếu Chính phủ có chính sách bảo trợ cho việc sản xuất phân hữu cơ thì vừa tiết kiệm tài nguyên, vừa giúp bảo trợ ngành nông nghiệp hữu cơ và đồng ruộng sẽ màu mỡ, giúp ngành nông nghiệp bền vững, chúng ta được ăn những sản phẩm an toàn, giảm được bệnh tật.

    Rác hữu cơ: cơ bản tái chế ra phân compost, còn lại những thứ không tái chế ra phân được mới đem đốt. Quy trình làm phân hữu cơ rất kỹ, qua nhiều gia đoạn tách lọc đạt tiêu chuẩn, quy chuẩn của Bộ NN&PTNT nên cũng khá tốn kém và được đưa vào đồng ruộng phục vụ người nông dân.

    Lò đốt với chất lượng cao, tro xỉ dưới 11% và tất cả tro xỉ được sàng lọc tái chế thành vật liệu xây dựng xanh như bê tông đúc sẵn, bê tông toro, gạch tự chèn, gạch lót vỉa hè… Sau quy trình xử lý thì không còn gì để chôn lấp.

    Tất cả mùi phát sinh cơ bản được quản lý, thu, hút xử lý nên người dân sống xung quanh không có sự phàn nàn nào, rất thân thiện, thậm chí, ai có điều kiện thì làm kinh doanh, dịch vụ ăn uống…. tại khu vực mình sinh sống mà không bị mùi hôi, ruồi nhặng.

Nguyễn Văn Thiền

Chủ tịch HĐQT BIWASE

Ý kiến của bạn