Banner trang chủ
Thứ Năm, ngày 23/01/2025

Thập kỷ Phục hồi hệ sinh thái và cam kết của Việt Nam

11/06/2024

Thập kỷ Phục hồi hệ sinh thái

    Thiên nhiên bao gồm đa dạng sinh học, hệ sinh thái, Mẹ Trái đất và các hệ thống của sự sống... đảm bảo cho sự tồn tại và chất lượng cuộc sống của con người. Thiên nhiên cung cấp cho con người thức ăn, thuốc, năng lượng, không khí, nước sạch, an ninh trước thiên tai tự nhiên cũng như giải trí, văn hóa... Thiên nhiên lành mạnh là cơ sở hạ tầng quan trọng để hỗ trợ toàn bộ các sự sống trên Trái đất, bao gồm cả đời sống con người.  

    Theo thống kê trên thế giới hiện nay có 295.530 khu bảo tồn tại 244 quốc gia và vùng lãnh thổ, 872 khu vực áp dụng biện pháp bảo tồn hiệu quả tại khu vực ngoài khu bảo tồn thiên nhiên (OECM) [7], 227 di sản thiên nhiên thế giới [5], 2523 khu Ramsar [8] và 748 khu dự trữ sinh quyển thế giới [4] với nhiều kiểu loại hệ sinh thái khác nhau. Tuy nhiên, các kết quả nghiên cứu cho thấy, tốc độ suy giảm đa dạng sinh học trên thế giới trong 50 năm qua là rất nhanh. 14 trong 18 dịch vụ quan trọng của hệ sinh thái có xu hướng suy giảm trên toàn cầu [2]. 75% diện tích mặt đất đã bị biến đổi đáng kể, 66% diện tích đại dương đang chịu tác động tích lũy ngày càng tăng và hơn 85% diện tích đất ngập nước đã bị mất đi [2]. Tỷ lệ độ che phủ rừng toàn cầu giảm từ 31,6% xuống còn 30,6% trong giai đoạn 1990 - 2015. Hệ sinh thái rạn san hô được đánh giá là có sự suy giảm về chỉ số sống sót cao nhất, hiện đã giảm 35% trong thời gian từ 1970 - 2015. 25% số loài được nghiên cứu bị đe dọa tuyệt chủng; nhiều nhóm loài được đánh giá là bị đe dọa tuyệt chủng cao, trong đó nhóm loài có tỷ lệ % số loài có nguy cơ tuyệt chủng cao nhất là lưỡng cư, thú, chim, bò sát và cá. [3,9]

    Trước thực trạng nêu trên, ngày 6/3/2019, Đại hội đồng Liên hợp quốc đã ra quyết định tuyên bố Thập kỷ 2021 - 2030 là Thập kỷ Liên hợp quốc về Phục hồi hệ sinh thái và chính thức được khởi động vào Ngày Môi trường thế giới 5/6/2021. Thập kỷ Phục hồi hệ sinh thái của Liên hợp quốc là một lời kêu gọi bảo vệ các hệ sinh thái vì lợi ích của con người và thiên nhiên; ngăn chặn và đảo ngược quá trình suy thoái của các hệ sinh thái trên khắp thế giới, đồng thời giải quyết vấn đề mục tiêu loại bỏ nghèo đói, biến đổi khí hậu và tuyệt chủng hàng loạt.

    Hội nghị lần thứ 15 các bên tham gia Công ước Đa dạng sinh học (COP15) đã thông qua Khung Đa dạng sinh học toàn cầu Côn Minh - Montreal với 4 mục tiêu tổng quát và 23 mục tiêu cụ thể đến năm 2030. Khung Đa dạng sinh học toàn cầu nhấn mạnh: “Đến năm 2050, đa dạng sinh học được thừa nhận, bảo tồn, phục hồi và sử dụng khôn khéo, thúc đẩy các dịch vụ hệ sinh thái, duy trì một hành tinh khỏe mạnh và mang lại lợi ích thiết yếu cho tất cả mọi người”. Mục tiêu tổng quát của Khung Đa dạng sinh học toàn cầu hướng đến sự toàn vẹn, kết nối và phục hồi của các hệ sinh thái, dừng lại sự tuyệt chủng gây ra bởi con người đến các loài nguy cấp, duy trì sự đa dạng của các nguồn gen; đồng thời đa dạng sinh học phải được sử dụng, quản lý và đảm bảo đóng góp của thiên nhiên cho con người không chỉ hiện tại mà trong cả tương lai. Các mục tiêu cụ thể đến năm 2030 tập trung vào việc giảm thiểu các mối đe dọa đến đa dạng sinh học ở 3 cấp độ hệ sinh thái, loài, nguồn gen; đáp ứng nhu cầu của con người thông qua sử dụng bền vững và chia sẻ lợi ích liên quan đến việc sử dụng các giá trị của đa dạng sinh học; và đảm bảo các công cụ và giải pháp cho việc thực hiện và lồng ghép Khung đa dạng sinh học toàn cầu.

    Một trong những điểm mới tham vọng trong quá trình đám phán Khung Đa dạng sinh học toàn cầu là mục tiêu bảo tồn "30x30". Khung đa dạng sinh học toàn cầu kêu gọi 30% diện tích đất và biển của Trái đất được bảo tồn thông qua việc thành lập các khu bảo tồn và các biện pháp bảo tồn khác ngoài khu bảo tồn. Đồng thời, Khung Đa dạng sinh học toàn cầu cũng đặt ra mục tiêu phục hồi hiệu quả ít nhất 30% diện tích các hệ sinh thái bị suy thoái. Để đạt được các mục tiêu này, các hành động cần được thực hiện một cách nhất quán và hài hòa với Công ước về đa dạng sinh học và các Nghị định thư cũng như các nghĩa vụ quốc tế có liên quan khác, có tính đến hoàn cảnh, các ưu tiên và điều kiện kinh tế - xã hội của quốc gia.

Cam kết của Việt Nam trong bảo vệ và phục hồi hệ sinh thái

    Việt Nam nằm trong điểm nóng đa dạng sinh học Ấn - Miến (Indo - Burma) - một trong 30 khu vực có đa dạng sinh học không thể thay thế trên thế giới, 104 vùng đa dạng sinh học quan trọng (KBA) và 6 vùng sinh thái ưu tiên toàn cầu. Đến nay, Việt Nam được quốc tế công nhận 11 khu Dự trữ sinh quyển thế giới, 9 Khu Ramsar, 10 Vườn Di sản ASEAN; 1 vùng chim nước di cư quan trọng [1]. Với 3 nhóm hệ sinh thái cơ bản là nhóm hệ sinh thái trên cạn; nhóm hệ sinh thái đất ngập nước (gồm đất ngập nước nội địa và đất ngập nước ven biển) và nhóm hệ sinh thái biển, Việt Nam được ghi nhận là một trong những nước có đa dạng sinh học cao, với sự đa dạng các hệ sinh thái tự nhiên, các loài sinh vật, nguồn gen phong phú và đặc hữu, là một trong các Trung tâm có nguồn gen cây trồng và vật nuôi địa phương đa dạng của thế giới.

    Tuy nhiên, Việt Nam cũng đang trong quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa. Ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu, sự nóng lên của Trái đất và mực nước biển dâng là một trong những thách thức môi trường lớn đối với nhân loại trong thế kỷ 21 mà một trong những nguyên nhân chính là do các hoạt động phát triển kinh tế, xã hội của con người, trong đó có các hoạt động chuyển mục đích sử dụng đất, rừng, mặt nước, phương thức canh tác, khai thác kém bền vững. Các hoạt động này đã góp phần làm biến đổi, chia cắt, phân mảnh gây nhiễu động các cảnh quan thiên nhiên quan trọng, làm thay đổi các điều kiện tự nhiên các hệ sinh thái. Thực tế cho thấy, suy thoái và ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu ngày càng gia tăng, trong khi đa dạng sinh học bị suy giảm; khai thác và sử dụng tài nguyên chưa đạt hiệu quả như mong muốn, nguy cơ mất cân bằng sinh thái, không đảm bảo an ninh năng lượng, an ninh lương thực, an ninh nguồn nước có thể xảy ra, ảnh hưởng đến sự ổn định và phát triển bền vững của đất nước.

    Tại Khóa họp lần thứ 75 của Đại hội đồng Liên hợp quốc được tổ chức vào tháng 11/2020, Việt Nam là một trong 93 quốc gia chính thức ủng hộ Bản Cam kết các Lãnh đạo vì thiên nhiên. Việc ủng hộ thông qua Bản cam kết này thể hiện trách nhiệm, quyết tâm và nỗ lực của Việt Nam đối với các vấn đề và thách thức về môi trường vừa mang tính toàn cầu, vừa mang tính quốc gia này; đồng thời góp phần nâng cao vị thế của Việt Nam, thu hút và tăng cường hoạt động hợp tác quốc tế, đặc biệt là việc vận động nguồn lực từ quốc tế (các chính phủ, tổ chức phi chính phủ và tổ chức quốc tế) hỗ trợ cho các hoạt động liên quan đến bảo tồn đa dạng sinh học của Việt Nam thời gian tới.

    Trong thời gian qua, công tác quản lý, bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học nhận được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước. Sự ủng hộ của các cấp lãnh đạo, đặc biệt Lãnh đạo cấp cao được thể hiện thông qua các nội dung về bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học được ghi nhận trong nhiều văn kiện quan trọng của Đảng; chính sách, pháp luật của nhà nước như: Nghị quyết số 39-NQ/TW ngày 15/1/2019 của Bộ Chính trị về nâng cao hiệu quả quản lý, khai thác, sử dụng và phát huy các nguồn lực của nền kinh tế. Nghị quyết của Đại hội Đảng lần thứ XIII khẳng định mục tiêu "lấy bảo vệ môi trường sống và sức khỏe nhân dân làm mục tiêu hàng đầu; kiên quyết loại bỏ những dự án gây ô nhiễm môi trường, bảo đảm chất lượng môi trường sống, bảo vệ đa dạng sinh học và hệ sinh thái; xây dựng nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, thân thiện với môi trường" trong chiến lược phát triển đất nước giai đoạn 2021 - 2030. Nghị quyết số 24-NQ/TW của Ban chấp hành Trung ương Đảng về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và đã xác định bảo vệ, phát triển rừng, bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học được xác định là một nhiệm vụ trọng tâm trong phát triển bền vững của đất nước. Gần đây, Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đã xác định mục tiêu xanh hóa các ngành kinh tế, áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn thông qua khai thác và sử dụng tiết kiệm, hiệu quả tài nguyên thiên nhiên và năng lượng; xây dựng lối sống xanh kết hợp với nếp sống đẹp truyền thống để tạo nên đời sống chất lượng cao hòa hợp với thiên nhiên.

    Các chủ trương, cam kết chính trị đã và đang tiếp tục được thể chế hóa. Đặc biệt, Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 đã chính thức được thực hiện từ ngày 1/1/2022 với nhiều chính sách, giải pháp đột phá, đánh dấu giai đoạn chuyển đổi mạnh mẽ trong công tác bảo vệ môi trường, hướng tới mục tiêu cao nhất cải thiện chất lượng môi trường, bảo vệ sức khỏe người dân, cân bằng sinh thái, bảo tồn đa dạng sinh học và phát triển kinh tế bền vững.  Đây là cơ hội để Việt Nam cùng nhau khẳng định quyết tâm, thay đổi nhận thức, thống nhất hành động, chủ động khắc phục những khó khăn, thách thức đặt ra nhằm ngăn chặn và đẩy lùi sự suy giảm đa dạng sinh học, hướng tới xây dựng một tương lai “Sống hài hòa với thiên nhiên” vào năm 2050. Một số định hướng ưu tiên cần thực hiện trong thời gian tới:

    Thứ nhất, tiếp tục hoàn thiện cơ chế chính sách, quy định pháp luật về bảo vệ cảnh quan, bảo tồn thiên nhiên, đa dạng sinh học và phục hồi hệ sinh thái. Gia tăng diện tích các hệ sinh thái tự nhiên được bảo vệ; áp dụng biện pháp bảo tồn hiệu quả tại khu vực ngoài khu bảo tồn thiên nhiên (OECM); phục hồi và bảo đảm tính toàn vẹn, kết nối các cảnh quan, đa dạng sinh học, hệ sinh thái góp phần phát triển kinh tế - xã hội theo định hướng nền kinh tế xanh, chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu. Đẩy mạnh thu hút các nguồn lực đầu tư phục hồi hệ sinh thái, bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học, trong đó có các công cụ kinh tế trong bảo tồn với việc thực hiện có hiệu quả chi trả dịch vụ hệ sinh thái tự nhiên, lượng giá giá trị kinh tế cảnh quan thiên nhiên, đa dạng sinh học.

Các hoạt động trồng cây có ý nghĩa quan trọng trong việc phục hồi hệ sinh thái

    Thứ hai, tiếp tục tăng cường năng lực, nâng cao nhận thức của các cơ quan, tổ chức, cá nhân và cộng đồng địa phương về ý nghĩa, vai trò của đa dạng sinh học, cảnh quan thiên nhiên, từ đó có các hành động thiết thực hướng tới bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học, cảnh quan thiên nhiên và phục hồi hệ sinh thái. Đặc biệt thúc đẩy, tăng cường sự tham gia của cộng đồng, người dân trong các hoạt động, các mô hình phục hồi tại các địa phương. Thực tế cho thấy, các sáng kiến địa phương về quản lý hệ sinh thái có sự tham gia của cộng đồng, người dân địa phương là công cụ hiệu quả nhất, nền tảng chính để đạt được mục tiêu bảo tồn đa dạng sinh học và hệ sinh thái. Đồng thời, tiếp tục bảo tồn, phục hồi và phát triển các không gian xanh, các hệ sinh thái tự nhiên, cảnh quan thiên nhiên trong đô thị; bảo đảm diện tích cây xanh, mặt nước trong đô thị. Phát triển các công trình xanh, đô thị xanh, đô thị thông minh, thích ứng với biến đổi khí hậu. Thực hiện các chương trình phục hồi rừng ngập mặn, rạn san hô, thảm cỏ biển, ưu tiên tập trung ở các khu bảo tồn biển; khoanh vi bảo vệ để phục hồi tự nhiên các khu vực có rạn san hô, thảm cỏ biển đang bị suy thoái nhằm góp phần phục hồi các hệ sinh thái, bảo vệ cảnh quan thiên nhiên, bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học.

    Thứ ba, kiểm soát chặt chẽ các hoạt động gây tác động tiêu cực gây suy giảm đa dạng sinh học, cảnh quan thiên nhiên. Thúc đẩy kiểm soát chặt chẽ chuyển mục đích sử dụng rừng, thực hiện nghiêm Chỉ thị số 13-CT/TW ngày 12/01/2017 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng. Kiểm soát chặt chẽ hoạt động chuyển mục đích sử dụng đất, rừng, mặt nước, phương thức canh tác, khai thác kém bền vững và các hoạt động gây ô nhiễm môi trường, suy thoái đa dạng sinh học. Hạn chế tối đa và kiểm soát chặt chẽ việc chuyển mục đích sử dụng rừng đặc dụng, rừng phòng hộ, rừng sản xuất là rừng tự nhiên, vùng đất ngập nước quan trọng, đặc biệt các khu vực bảo tồn trọng điểm, các lưu vực sông và vùng ven biển trọng yếu; ngăn chặn các hoạt động khai thác có tính hủy diệt nguồn lợi thủy sản, chuyển đổi các nghề tác động lớn đến nguồn lợi, tốn nhiều nhiên liệu sang các nghề khai thác thân thiện với môi trường và nguồn lợi thủy sản. Trong đó ưu tiên hoàn thiện chính sách, pháp luật cũng như tổ chức thực hiện nghiêm đánh giá tác động đa dạng sinh học trong đánh giá tác động môi trường, đồng thời có phương án thực hiện bồi hoàn đa dạng sinh học đối với các dự án tác động, ảnh hưởng.

    Thứ tư, thúc đẩy các mô hình sản xuất và tiêu dùng bền vững, tiêu tốn ít nhiên liệu, năng lượng; phát triển và nhân rộng các mô hình kinh tế chia sẻ, kinh tế tuần hoàn, các bon thấp, sinh thái, thân thiện với môi trường. Tuyên truyền hướng dẫn người dân sử dụng các sản phẩm thân thiện với môi trường để góp phần bảo vệ đa dạng sinh học gắn với sự tham gia tích cực của người cộng đồng, người dân địa phương. Thực hiện có hiệu quả các giải pháp kiềm chế tốc độ gia tăng ô nhiễm môi trường tác động tiêu cực đến đa dạng sinh học; tăng cường kiểm soát chất thải, đặc biệt là rác thải nhựa, các nguồn gây ô nhiễm, duy trì và cải thiện chất lượng môi trường xung quanh các khu di sản thiên nhiên, khu bảo tồn thiên nhiên, khu vực đa dạng sinh học cao./.

TS. Nguyễn Xuân Dũng

ThS. Đàm Thị Quỳnh Nga

Phòng Sinh thái và Cảnh quan thiên nhiên

Cục Bảo tồn thiên nhiên và Đa dạng sinh học

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường số 5/2024)

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Bộ Tài nguyên và Môi trường (2022) Báo cáo đa dạng sinh học quốc gia năm 2022, Nhà xuất bản Hồng Đức, Hà Nội,

2. IPBES (2019), Bản dịch tiếng Việt của báo cáo Tóm tắt dành cho các nhà hoạch định chính sách của IPBES về Báo cáo đánh gái toàn cầu về đa dạng sinh học và các dịch vụ hệ sinh thái, ISBN No. 978-3-947851-13-3, Cục Bảo tồn thiên nhiên và Đa dạng sinh học, Tổng cục Môi trường, Bộ Tài nguyên & Môi trường Việt Nam biện dịch,  Pages: 13

3. Trần Huyền Trang (2021), "Thập kỷ Liên hợp quốc về phục hồi hệ sinh thái 2021 - 2030", Tạp chí Môi trường, số 4/2021

4. https://en.unesco.org/biosphere/wnbr

5. https://whc.unesco.org/en/list/?search=&type=natural&components=0&order=country

6. https://www.cbd.int/gbf/introduction

7. https://www.protectedplanet.net/en/resources/march-2024-update-of-the-wdpa-and-wd-oecm

8. https://www.ramsar.org/

9. UNEP (2021), Ecosystem restoration playbook. Developed for World Environment Day 2021. To kick off the United Nations Decade on Ecosystem Restoration (2021-2030).

 

 

Ý kiến của bạn