Banner trang chủ
Thứ Tư, ngày 22/01/2025

Tham vấn kết quả nghiên cứu phân tích dòng vật chất đối với ngành bao bì ở Việt Nam

01/11/2024

    Ngày 31/10/2024, Viện Chiến lược Chính sách tài nguyên và môi trường (ISPONRE) tổ chức Tọa đàm “Tham vấn kết quả nghiên cứu phân tích dòng vật chất đối với ngành bao bì ở Việt Nam”. Đây là kết quả bước đầu của Dự án nghiên cứu “Áp dụng phân tích dòng vật chất trong một số ngành lĩnh vực tại Việt Nam” do ISPONRE phối hợp với Chương trình nghiên cứu Tăng trưởng thích ứng với khí hậu (Climate Compatible Growth) thông qua Trường Đại học Loughborough University, Vương quốc Anh thực hiện, với mục tiêu nhằm hỗ trợ xây dựng các chính sách phù hợp thúc đẩy áp dụng kinh tế tuần hoàn (KTTH) cho các ngành ưu tiên. Tham dự buổi Tọa đàm có Viện trưởng ISPONRE PGS.TS Nguyễn Đình Thọ và các đại diện đến từ Đại học Cambridge, Vương Quốc Anh; Trường Đại học Kinh tế quốc dân; Hiệp hội Kính và Thủy tinh Việt Nam; Hiệp hội Giấy và bột giấy…

PGS.TS Nguyễn Đình Thọ, Viện trưởng ISPONRE phát biểu khai mạc Tọa đàm

    Phát biểu khai mạc Tọa đàm, Viện trưởng ISPONRE PGS.TS Nguyễn Đình Thọ cho biết: “Việt Nam đã cam kết mạnh mẽ trên trường quốc tế về BVMT và phát triển bền vững. Tại COP26, Việt Nam đã công bố mục tiêu đạt mức phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050 và giảm 8% lượng phát thải vào năm 2030. Để đạt được mục tiêu này, Việt Nam đã xây dựng định hướng, quy định pháp luật để phát triển kinh tế KTTH. Để cụ thể hóa lộ trình thực hiện KTTH, Bộ TN & MT đang xây dựng trình Thủ tướng Chính phủ xem xét ban hành Kế hoạch Hành động Quốc gia về KTTH (NAPCE). Việc xác định các các lĩnh vực ưu tiên, lộ trình và giải pháp thực hiện KTTH là cần thiết theo quy định tại Điều 139 Nghị định số 08/2022/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật BVMT.

    Trong quá trình triển khai nghiên cứu và đề xuất chính sách, pháp luật về KTTH ở Việt Nam, nhóm nghiên cứu nhận thấy phương pháp phân tích dòng vật chất (Material Flow Analysis - MFA) là một công cụ đắc lực giúp cho quá trình ra quyết định của các nhà hoạch định chính sách trở nên khoa học và chính xác hơn. MFA cho phép hiểu rõ hơn về luồng tài nguyên, phát hiện những vấn đề môi trường tiềm ẩn, và cung cấp dữ liệu kỹ thuật quan trọng để ra quyết định và lập kế hoạch. Tuy nhiên, thực tế triển khai tại Việt Nam cho thấy, một trong những thách thức lớn nhất trong việc áp dụng MFA chính là vấn đề về thu thập dữ liệu. Đặc biệt, ở những quốc gia như Việt Nam, tính sẵn có và chất lượng của dữ liệu vẫn còn nhiều hạn chế. Đây là một yếu tố mà nhóm nghiên cứu mong muốn sẽ được cải thiện thông qua sự hợp tác đa chiều và chia sẻ kinh nghiệm từ các bên liên quan trong và ngoài nước. Thông qua các góp ý tại tọa đàm này, nhóm nghiên cứu sẽ phát triển được một công cụ hữu ích để đo lường, giám sát thực hiện KTTH mà còn góp phần đưa ra được những giải pháp mang tính thực tiễn, giúp giảm thiểu lượng chất thải và tác động tiêu cực tới môi trường hướng tới một ngành bao bì bền vững ở Việt Nam”.

    Giới thiệu về một số kết quả nghiên cứu dòng vật chất ngành bao bì tại Việt Nam, chuyên gia ISPONRE Nguyễn Thế Thông cho biết, mục tiêu chính của nghiên cứu là phân tích dòng vật chất đối với ngành bao bì tại Việt Nam, tập trung vào các ngành bao bì: Nhựa, nhôm, thủy tinh, giấy. Kết quả khảo sát, thu thập dữ liệu cho thấy, năm 2023 khối lượng sản xuất bao bì giấy đạt 5,7 triệu tấn/năm tăng khoảng 3% so với năm 2022. Lượng nhập khẩu bao bì giấy (đặc biệt tráng phủ) trong năm 2023 là khoảng 1,8 triệu tấn, tăng 10% so với năm 2022. Ngược lại, lượng xuất khẩu bao bì giấy (chủ yếu là bao bì carton) trong năm 2023 là 1,9 triệu tấn/năm giảm 5,5% so với năm 2022.

    Về bao bì thủy tinh, tổng công suất thiết kế cả nước ước khoảng 550 tấn đến 650 tấn/ngày (một số lò thủy tinh nhỏ tồn tại, nhưng không hoạt động). Hầu hết, các công ty sản xuất bia và nước giải khát sử dụng bao bì thủy tinh đều thu hồi và tái sử dụng vỏ chai. Tại Công ty Heineken, 98% chai bia được đổi trả và tái sử dụng hơn 30 lần (Heineken, 2022). Khối lượng nhập khẩu bao bì thủy tinh năm 2023 là khoảng 20 nghìn tấn/năm, lượng xuất khẩu đạt khoảng 30 nghìn tấn/năm (tra cứu mã HS - Code 7010).

Các đại biểu tham dự Tọa đàm

    Đối với bao bì lon nhôm, năm 2023, khối lượng nhập khẩu là 1.107 tấn/năm; khối lượng xuất khẩu đạt 4.873 tấn/năm (tra cứu tại HS-Code 7612). Còn bao bì nhựa, theo Báo cáo hiện trạng chất thải nhựa năm 2022 (WWF, 2022), tỷ lệ thu gom bao bì nhựa được tính toán dựa trên kết quả thu gom chất thải nhựa tại 63 tỉnh, thành phố trên cả nước ở khu vực chính thức và phi chính thức là 79% và 16%, trong đó có 3% tỷ lệ thất thoát ra môi trường (không thể thu gom).

    Từ kết quả trên, nghiên cứu đã đưa ra tính toán về các chỉ số  KTTH như: Đối với chỉ số sử dụng hiệu quả nguyên vật liệu (RMC), bao bì lon nhôm được đánh giá có chỉ số sử dụng nguyên liệu thô thấp nhất, trong khi bao bì giấy được đánh giá là tiêu tốn nhiều lượng nguyên liệu thô nhất. Về chỉ số tải trọng môi trường (L), trong năm 2023 bao bì nhựa phát sinh khối lượng chất thải đến bãi chôn lấp (khoảng 6,8%) cao hơn so với bao bì giấy, thủy tinh, nhôm. Đối với chỉ số KTTH (C), ngành bao bì nhôm được đánh gia vượt trội do có tỷ lệ tái chế lớn, lượng chất thải phát sinh thấp…

    Khuyến nghị chính sách phát triển KTTH đối với ngành bao bì ở Việt Nam, PGS.TS. Nguyễn Công Thành, Đại học Kinh tế quốc dân cho biết, kết quả nghiên cứu dòng vật liệu bao bì (giấy, thủy tinh, nhựa) cho thấy, nguồn nguyên liệu phế liệu được khai thác trong quá trình sản xuất bao bì. Việc sử dụng nguồn nguyên liệu phế liệu giúp tiết kiệm chi phí nguyên liệu đầu vào, giảm tiêu hao năng lượng cho các doanh nghiệp. Tuy nhiên, nguồn nguyên liệu phế liệu thu gom trong nước không đáp ứng đủ nhu cầu, vì vậy thực tế thời gian qua, các doanh nghiệp sản xuất bao bì giấy, thủy tinh và nhựa đều phải nhập khẩu phế liệu, điển hình hoạt động sản xuất giấy phải nhập khẩu gần 50% lượng nguyên liệu phế liệu. Vì vây, việc thu gom và phân loại rác thải tại nguồn để phục vụ cho hoạt động tái chế là rất cần thiết.

    Ngoài ra, trong các loại bao bì thủy tinh, lon nhôm, giấy nhựa thì tỷ lệ tái chế thực tế với bao bì thủy tinh ở Việt Nam đang ở mức khá thấp do vật liệu này thường không được thu gom do không có đủ sức hấp dẫn với những người nhặt rác. Như vậy, nên áp dụng cơ chế đặt cọc - hoàn trả đối với bao bì thủy tinh sẽ giúp tăng tỷ lệ thu gom thành công, nhờ đó giảm chi phí thu gom nhờ đạt hiệu quả quy mô.

    Góp ý tại buổi Tọa đàm, các đại biểu đánh giá cao kết quả ban đầu của nghiên cứu đã mở ra những góc nhìn mới về việc tối ưu hóa tài nguyên, giảm thiểu chất thải và BVMT. Theo đó, thiết kế bao bì xanh hướng tới giảm thiểu nguyên liệu, giúp giảm chi phí đầu vào là mục tiêu thực hiện KTTH của các doanh nghiệp sản xuất bao bì. Để khuyến khích thúc đẩy hoạt động thiết kế sinh thái, Nhà nước cần có hỗ trợ cho các nghiên cứu sáng chế về nguyên vật liệu mới ứng dụng trong quá trình sản xuất bao bì xanh.

Châu Loan

Ý kiến của bạn