Banner trang chủ
Thứ Sáu, ngày 24/01/2025

Tăng cường tái chế thủy tinh hiệu quả và bền vững tại Việt Nam

16/01/2024

    Ngày 15/1/2024, tại Hà Nội, Viện Kinh tế Môi trường Đông Nam Á tổ chức Hội thảo chuyên đề “Hoạt động tái chế thủy tinh tại Việt Nam” nhằm cải thiện công tác quản lý rác thủy tinh, đồng thời tìm ra các giải pháp thúc đẩy tái chế thủy tinh hiệu quả và bền vững tại Việt Nam.

Ông Mai Thanh Dung, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược, chính sách TN&MT phát biểu tại Hội thảo

    Phát biểu tại Hội thảo, ông Mai Thanh Dung, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược, chính sách TN&MT (Bộ TN&MT) cho rằng, thủy tinh là một dạng tài nguyên vĩnh cửu có thể tái chế nhiều lần mà không làm mất đi tính chất vốn có của nó. Tuy nhiên, thủy tinh hiện đang là loại chất thải được tái chế ở tỉ lệ thấp, rất hạn chế. Hội thảo “Hoạt động tái chế thủy tinh tại Việt Nam” được kì vọng là cầu nối giúp đưa các chính sách được đi vào thực tế tại các doanh nghiệp sản xuất, từ đó, đẩy mạnh công nghiệp tái chế thủy tinh, nâng cao nhận thức về BVMT nhằm xây dựng chuỗi tuần hoàn trong hoạt động sản xuất thủy tinh.

    Trình bày Báo cáo đánh giá hệ thống quản lý rác thải thủy tinh tại Việt Nam, ông Hồ Quốc Thông, Viện Kinh tế Môi trường Đông Nam Á cho biết, tại Việt Nam, khối lượng rác thải rắn tăng khoảng 10% đến 16% mỗi năm. Trong đó, rác từ thủy tinh chiếm 4% tổng trọng lượng rác thải rắn đô thị. So với các loại rác thải khác như chai nhựa, vỏ lon nhôm, bao bì giấy, các chai và lọ thủy tinh thường ít được phân loại tại nguồn và chủ yếu được thu gom bởi các công nhân của công ty thu gom rác tư nhân hoặc doanh nghiệp về công ích môi trường đô thị. Nguyên nhân là do trong quá trình vận chuyển, rác thải thủy tinh dễ rơi vỡ, gây nguy hiểm cho công nhân thu gom. Đồng thời, thu nhập từ việc thu gom và bán phế liệu thủy tinh còn tương đối thấp, do vậy không tạo được động lực cho quá trình thu gom và tái chế loại rác thải này.

Ông Hồ Quốc Thông, Viện Kinh tế Môi trường Đông Nam Á

    Trong phần trình bày của mình, đại diện Viện Kinh tế Môi trường Đông Nam Á đã chỉ ra những khó khăn, thách thức đối với hoạt động tái chế rác thải thủy tinh tại Việt Nam, hiện tại, các doanh nghiệp sản xuất thủy tinh có quy mô nhỏ lẻ, các hoạt động tái chế thủy tinh còn manh mún và thủ công. Mặt khác, chi phí bỏ ra cho việc thu gom rác thủy tinh trong nước khá cao, giá thành dao động trong khoảng từ 2.250 - 2.500 VNĐ/kg, chênh lệch so với việc nhập khẩu vụn thủy tinh từ nguồn nước ngoài có giá khoảng 1.800 - 2.100 VNĐ/kg. Ngoài ra, nguồn vụn thủy tinh nội địa chưa thực sự tạo được đầu vào ổn định, không tạo được động lực cho hoạt động tái chế trong nước. Vì vậy, các nhà sản xuất thủy tinh thường ưu tiên nhập khẩu vụn thủy tinh từ nước ngoài để bảo đảm lợi ích kinh tế.

    Bàn về các giải pháp cải thiện công tác quản lý rác thải thủy tinh tại Việt Nam, ông Thông khuyến nghị, cần cải thiện cơ sở hạ tầng tái chế và có các hỗ trợ thiết thực cho các nhóm đối tượng bị thiệt thòi trong hệ sinh thái quản lý chất thải thủy tinh. Ngoài ra, các công cụ về pháp lý, thị trường, giáo dục nhận thức, hành vi cần được áp dụng đồng thời nhằm đẩy mạnh quá trình thu gom và tái chế thủy tinh. Cụ thể, Chính phủ nên tích hợp các chỉ số bao bì thân thiện với môi trường trong việc điều chỉnh các quy định về EPR và các chương trình Trách nhiệm xã hội doanh nghiệp; Hỗ trợ tài chính cho các đơn vị tái chế thủy tinh và nhà sản xuất thủy tinh trong nước nhằm tạo động lực thu gom, tái chế rác thải thủy tinh; Nâng cao việc thực thi pháp luật liên quan đến các vi phạm về rác thải; Quy định phân loại chất thải tại nguồn; Tổ chức các chiến dịch giáo dục thúc đẩy ý thức của người tiêu dùng…

Phùng Quyên - Phương Tâm

Ý kiến của bạn