Banner trang chủ
Thứ Sáu, ngày 24/01/2025

Ra mắt Mạng lưới đối tác khí nhà kính Việt Nam

15/04/2024

    Ngày 12/4/2024, tại Hà Nội, Mạng lưới đối tác khí nhà kính Việt Nam (GHG Việt Nam) được ra mắt với sứ mệnh hỗ trợ khối doanh nghiệp trong việc kiểm kê khí nhà kính (KNK), phát triển kinh doanh theo định hướng kinh tế xanh.

    Mạng lưới có 5 thành viên nòng cốt bao gồm, Trung tâm nghiên cứu, tư vấn và đào tạo về phát triển địa phương (STG), Trung tâm Phát triển cộng đồng sinh thái (ECODE), Viện Phát triển công nghệ (ITD), Công ty Cổ phần Thương mại và Dịch vụ giải pháp giáo dục Việt Nam, Công ty TNHH Thuận Phước.

Ông Nguyễn Đức Vinh, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu, tư vấn và đào tạo về phát triển địa phương (STG), Trưởng Ban lâm thời Mạng lưới GHGVIETNAM phát biểu khai mạc

    Phát biểu tại Lễ ra mắt, ông Nguyễn Đức Vinh, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu, tư vấn và đào tạo về phát triển địa phương (STG), Trưởng Ban lâm thời Mạng lưới GHGVIETNAM cho biết, dựa trên nguyên tắc cùng đồng hành và phát triển, sự ra đời của GHGVIETNAM nhằm thúc đẩy hợp tác, chia sẻ thông tin, kinh nghiệm, nguồn lực giữa các đối tác để hỗ trợ khối doanh nghiệp và các tổ chức kinh doanh Việt Nam trong việc kiểm kê KNK, hướng tới mục tiêu Net Zero của Chính phủ vào năm 2050.

    Trước mắt, đến năm 2030, GHGVIETNAM xác định sẽ trở thành Hiệp hội quy tụ các đối tác hàng đầu để hỗ trợ, thúc đẩy khối doanh nghiệp hành động giảm phát thải KNK, hướng đến mục tiêu chuyển đổi xanh. Chiến lược hàng đầu của Mạng lưới nhắm tới việc đào tạo các lĩnh vực liên quan đến kiểm kê KNK, tiêu chuẩn phát triển bền vững ESG, các chuẩn mực xanh, tư vấn kiểm kê KNK, thẩm định phát thải, phát triển việc ứng dụng khoá học công nghệ, chia sẻ và chuyển giao kỹ thuật… trong đó, không ngừng tuyên truyền, vận động chính sách và kêu gọi hợp tác quốc tế, ông Vinh chia sẻ thêm.

Toàn cảnh Lễ ra mắt Mạng lưới đối tác khí nhà kính Việt Nam

    Tại Lễ ra mắt, GHGVIETNAM đã kí kết hợp tác cùng là các doanh nghiệp tư vấn, quỹ đầu tư, viện nghiên cứu, hiệp hội và các trường đại học… Bên cạnh đó, Toạ đàm “Con đường tiếp cận tài chính xanh - kê KNK, báo cáo ESG và Phát triển nguồn nhân lực xanh” được diễn ra sôi nổi với sự tham dự của các chuyên gia, nhà khoa học đầu ngành xoay quanh chủ đề tài chính xanh; thực trạng chính sách kiểm kê KNK tại Việt Nam và những hướng dẫn kỹ thuật; cơ hội của doanh nghiệp trong xu thế chuyển đổi xanh và giải pháp phát triển nguồn nhân lực xanh phục vụ kiểm kê KNK…

    Bàn về xu hướng tài chính xanh toàn cầu cho phát thải dòng bằng “0” tại Việt Nam, TS. Nguyễn Đình Đáp, Bộ TN&MT cho biết, kinh tế xanh không còn phụ thuộc và lựa chọn của doanh nghiệp mà là xu hướng tất yếu của cả nền kinh tế thế giới. Tuy nhiên, chi phí đầu tư chuyển đổi sang kinh tế xanh đòi hỏi nguồn vốn khổng lồ. Để tham gia vào “cuộc chơi lớn” này, kiểm kê KNK là một trong những trình tự bắt buộc của các doanh nghiệp trong việc tuân thủ pháp luật, đồng thời, nâng cao uy tín và hình ảnh của công ty trong mắt công chúng.

TS. Nguyễn Đình Đáp, Bộ TN&MT cho rằng kiểm kê KNK là phục vụ lợi ích của doanh nghiệp

    Theo ông Đáp, mặc dù chi phí đầu tư lớn nhưng kiểm kê KNK đem lại nhiều lợi ích thiết thực cho doanh nghiệp, cụ thể như: tăng hiệu quả hoạt động và sự phát triển bền vững của doanh nghiệp, đáp ứng yêu cầu thương mại quốc tế và chuỗi cung ứng, đáp ứng yêu cầu tiêu dùng xanh của khách hàng và các bên liên quan, thu hút nguồn tài chính xanh, thực hiện hóa cam kết Net Zero quốc gia…

    Bên cạnh các giải pháp về kêu gọi vốn từ các nguồn tài chính xanh, các quỹ hỗ trợ quốc tế… Đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu chuyển đổi xanh là một trong những vấn đề được các đại biểu tham dự Toạ đàm quan tâm. Theo ông Nguyễn Thạc Nghĩa, Phó Hiệu trưởng trường Cao đẳng Xây dựng số 1, hiện nay, cơ hội dành cho các “công việc xanh” là rất lớn. Cụ thể, ông Nghĩa cho biết, có tới 39 nghề xanh và 88 nghề khác có tiềm năng trở thành nghề xanh (chiếm khoảng 41% tổng số việc làm). Do ảnh hưởng từ qua trình chuyển đổi xanh, các vị trí việc làm mới có điều kiện thuận lợi để phát triển. Để nắm bắt được cơ hội chuyển đổi xanh một cách nhanh chóng, tiết kiệm và hiệu quả, đầu tư đào tạo các nghề xanh là một chiến lược được các doanh nghiệp chú trọng trong quá trình xây dựng doanh nghiệp phát triển theo hướng bền vững.

    Nhằm tăng cường công tác đào tạo, bắt kịp với nhu cầu thực tiễn từ nhà tuyển dụng, ông Nguyễn Thạc Nghĩa đề xuất một số giải pháp phát triển nguồn nhân lực xanh như: tăng cường công tác truyền thông nhằm thay đổi nhận thức, tư duy về phát triển bền vững; lồng ghép các tiêu chuẩn xanh trong đầu ra, tổ chức đào tạo các nhóm nghề xanh, kỹ năng xanh cho sinh viên…

    Đối với người lao động, doanh nghiệp cần phối hợp với các cơ sở giáo dục mở ra các khoá đào tạo ngắn hạn, trực tuyến nhằm bổ sung kiến thức, nâng cao năng lực và trình độ cho người lao động. Mặt khác, đại diện trường Cao đẳng Xây dựng số 1 nhấn mạnh sự phối hợp hiệu quả giữa Nhà nước, nhà tuyển dụng và nhà trường. Từ đó, đưa ra những kế hoạch đồng bộ, hiệu quả nhằm xây dựng và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, phục vụ cho mục tiêu phát triển xanh của đất nước.

Duy Bạch

Ý kiến của bạn