Banner trang chủ
Thứ Năm, ngày 23/01/2025

Quy định việc kiểm tra chấp hành pháp luật và thẩm định, nghiệm thu kết quả hoạt động điều tra cơ bản tài nguyên nước

03/06/2024

    Ngày 16/5/2024, Bộ TN&MT đã ban hành Thông tư số 04/2024/TT-BTNMT quy định việc kiểm tra chấp hành pháp luật về tài nguyên nước (TNN) và thẩm định, nghiệm thu kết quả hoạt động điều tra cơ bản TNN. Thông tư gồm 4 Chương, 28 Điều (Chương I: Quy định chung (từ Điều 1 - Điều 4); Chương II: Kiểm tra việc chấp hành pháp luật về TNN (từ Điều 5 - Điều 18); Chương III: Thẩm định, nghiệm thu kết quả hoạt động điều tra cơ bản TNN (từ Điều 19 - Điều 26 ; Chương IV: Điều khoản thi hành (từ Điêu 27 – Điều 28) và chính thức có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/7/2024. Đối tượng áp dụng là các tổ chức, cá nhân có hoạt động liên quan đến quy định tại Điều 1 của Thông tư trên lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

    Nguyên tắc, hình thức, nội dung kiểm tra

    Điều 5 của Thông tư quy định, nguyên tắc kiểm tra phải tuân thủ theo pháp luật, đảm bảo tính dân chủ, công khai, minh bạch, khách quan; đúng thẩm quyền, trình tự, thủ tục; kịp thời, chính xác; thực hiện theo kế hoạch kiểm tra; theo chỉ đạo của cấp có thẩm quyền hoặc khi phát hiện dấu hiệu vi phạm; có trọng tâm, trọng điểm, tránh chồng chéo, trùng lặp về phạm vi, thời gian và đối tượng với hoạt động thanh tra, kiểm tra cùng lĩnh vực; không làm cản trở hoạt động bình thường của đối tượng được kiểm tra. 

    Về hình thức và nội dung, Thông tư quy định, kiểm tra theo kế hoạch được tiến hành theo kế hoạch đã được phê duyệt (kế hoạch của các Bộ: TN&MT, NN&PTNT, Công Thương, Xây dựng, Y tế; UBND cấp tỉnh). Trường hợp kiểm tra đột xuất được tiến hành khi có một trong các căn cứ sau: (1) Theo chỉ đạo của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền. (2) Khi phát hiện tổ chức, cá nhân có dấu hiệu vi phạm pháp luật về TNN qua thông tin, số liệu quan trắc, giám sát, báo cáo của tổ chức, cá nhân, gồm: Thông tin, dữ liệu quan trắc, giám sát từ Hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu TNN quốc gia; hệ thống theo dõi, vận hành hồ chứa của cơ quan quản lý; báo cáo định kỳ hoạt động khai thác, sử dụng TNN của tổ chức, cá nhân; thông tin số liệu thu được trong quá trình thẩm định hồ sơ đề nghị cấp, gia hạn, điều chỉnh, cấp lại giấy phép khai thác TNN, hành nghề khoan nước dưới đất, thăm dò nước dưới đất và hồ sơ kê khai, điều chỉnh tiền cấp quyền khai thác TNN hoặc trong quá trình tiếp nhận kê khai, đăng ký khai thác, sử dụng TNN và các nguồn thông tin khác của cơ quan quản lý có liên quan. (3) Khi phát hiện dấu hiệu vi phạm gây suy thoái, cạn kiệt, ô nhiễm nguồn nước; sụt, lún đất; gây lũ nhân tạo đột ngột, bất thường ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động sản xuất và sinh hoạt của nhân dân; (4) Phản ánh, kiến nghị của các cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan, các phương tiện truyền thông, thông tin và các nguồn thông tin khác.

    Trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của đơn vị, các Bộ, UBND cấp tỉnh quy định tại khoản 1, Điều 9 xác định nội dung kiểm tra trong kế hoạch kiểm tra hàng năm phù hợp với quy định của Luật TNN.

    Xây dựng kế hoạch, tổ chức thực hiện kiểm tra

    Thanh tra Bộ TN&MT chủ trì, phối hợp với Cục Quản lý TNN xây dựng kế hoạch kiểm tra trong lĩnh vực TNN, tổng hợp vào kế hoạch kiểm tra hàng năm của Bộ TN&MT, trình Bộ trưởng Bộ TN&MT phê duyệt.

    Trên cơ sở kế hoạch kiểm tra đã được phê duyệt theo quy định tại khoản 1, Điều 9, Thanh tra Bộ, Cục Quản lý TNN thực hiện kiểm tra việc chấp hành pháp luật về TNN; kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý kết quả kiểm tra. Khi có căn cứ theo quy định tại khoản 2, Điều 6, việc tiến hành kiểm tra đột xuất được thực hiện như sau: Đối với trường hợp quy định tại điểm a, điểm c, khoản 2, Điều 6, căn cứ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, phân công của Bộ trưởng Bộ TN&MT, Thanh tra Bộ hoặc Cục Quản lý TNN báo cáo Bộ TN&MT xem xét, quyết định việc thành lập đoàn kiểm tra đột xuất. Đối với trường hợp quy định tại điểm b, điểm d, khoản 2, Điều 6, Cục Quản lý TNN xem xét, quyết định việc thành lập đoàn kiểm tra đột xuất và báo cáo Bộ TN&MT. Tùy thuộc vào mức độ của dấu hiệu vi phạm, để đảm bảo ngăn chặn kịp thời, giảm thiểu tác hại, hậu quả do hành vi vi phạm gây ra, Cục Quản lý TNN gửi văn bản đề nghị Sở TN&MT nơi có đối tượng cần kiểm tra đột xuất, tổ chức thực hiện kiểm tra và báo cáo kết quả kiểm tra về Cục Quản lý TNN.

    Các Bộ: NN&PTNT, Công Thương, Xây dựng, Y tế căn cứ yêu cầu thực tế và nhu cầu quản lý, quyết định xây dựng nội dung kiểm tra về TNN trong kế hoạch kiểm tra hàng năm của Bộ, gửi Bộ TN&MT tổng hợp; chỉ đạo đơn vị trực thuộc tổ chức kiểm tra việc chấp hành pháp luật về TNN trên cơ sở kế hoạch kiểm tra đã được phê duyệt theo quy định; phối hợp với Bộ TN&MT kiểm tra việc chấp hành pháp luật về TNN trong phạm vi quản lý. UBND cấp tỉnh chịu trách nhiệm tổ chức xây dựng, ban hành kế hoạch kiểm tra trên địa bàn tỉnh hoặc phân cấp, ủy quyền ban hành kế hoạch kiểm tra của đơn vị trực thuộc theo quy định của Luật Tổ chức chính quyền địa phương; chỉ đạo thực hiện kiểm tra trên cơ sở kế hoạch kiểm tra đã được phê duyệt theo quy định và thực hiện kiểm tra đột xuất. Sở TN&MT thực hiện kiểm tra theo kế hoạch được ban hành hoặc kiểm tra đột xuất; thực hiện kiểm tra đột xuất theo đề nghị của Cục Quản lý TNN và báo cáo kết quả về Cục.

    Rà soát, đảm bảo tránh chồng chéo, trùng lặp trong kiểm tra

    Hàng năm, khi tiến hành hoạt động kiểm tra theo quy định của Thông tư, nếu phát hiện tình trạng chồng chéo, trùng lặp, các cơ quan được giao kiểm tra phối hợp để xử lý theo quy định, bảo đảm một nội dung hoạt động của tổ chức, cá nhân chỉ là đối tượng của một cơ quan thanh tra hoặc cơ quan kiểm tra. Vấn đề chồng chéo, trùng lặp được xử lý theo nguyên tắc: (1) Nếu chồng chéo, trùng lặp giữa hoạt động kiểm tra với hoạt động thanh tra thì cơ quan thanh tra tiến hành thanh tra. (2) Chồng chéo, trùng lặp giữa hoạt động kiểm tra của Bộ TN&MT với hoạt động kiểm tra của các Bộ: NN&PTNT, Công Thương, Xây dựng, Y tế và UBND cấp tỉnh thì Bộ TN&MT tổ chức kiểm tra. (3) Chồng chéo, trùng lặp giữa hoạt động kiểm tra của các Bộ: NN&PTNT, Công Thương, Xây dựng, Y tế với hoạt động kiểm tra của địa phương thì các Bộ tổ chức kiểm tra. Ngoài ra, Thông tư cũng quy định cụ thể việc tổ chức thực hiện một cuộc kiểm tra và xử lý kết quả kiểm tra; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong kiểm tra việc chấp hành pháp luật về TNN; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân thực hiện kiểm tra, thẩm định và nghiệm thu kết quả hoạt động điều tra cơ bản TNN...

    Nguyên tắc thẩm định, nghiệm thu kết quả hoạt động điều tra cơ bản TNN
     Điều 19 của Thông tư cũng nêu, kết quả thẩm định, nghiệm thu kết quả thực hiện dự án điều tra cơ bản TNN là căn cứ để thẩm định, phê duyệt kết quả và quyết toán dự án hoàn thành. Kết quả hoạt động điều tra cơ bản TNN sau khi thẩm định, nghiệm thu phải được cập nhật vào Hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu TNN quốc gia, nộp lưu trữ theo quy định.

    Thực hiện thẩm định, nghiệm thu kết quả thực hiện dự án điều tra cơ bản TNN dựa trên đề cương dự án đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt, phê duyệt điều chỉnh và căn cứ vào quy trình, tiêu chuẩn, quy chuẩn, định mức kinh tế kỹ thuật, yêu cầu kỹ thuật của dự án, kế hoạch, tiến độ thực hiện; đảm bảo khách quan, trung thực các quy định về bảo vệ bí mật Nhà nước đối với những tài liệu, số liệu mật, bí mật Nhà nước và pháp luật có liên quan. Thời gian thẩm định, nghiệm thu phải phù hợp với kế hoạch dự toán và tiến độ nghiệm thu quyết toán dự án theo quy định. Những dự án có hoạt động điều tra cơ bản TNN không sử dụng nguồn ngân sách nhà nước, khuyến khích áp dụng việc thẩm định, nghiệm thu theo quy định tại Thông tư này.

    Hình thức thẩm định, nghiệm thu kết quả hoạt động điều tra cơ bản TNN

    Điều 22 của Thông tư quy định, cơ quan tổ chức thẩm định, nghiệm thu quyết định lựa chọn một trong các hình thức thẩm định, nghiệm thu sau đây: (1) Hội đồng thẩm định, nghiệm thu; (2) Giao nhiệm vụ thẩm định cho cơ quan trực thuộc hoặc thuê đơn vị tư vấn thẩm định theo quy định của pháp luật. (2) Lấy ý kiến thẩm định các cơ quan, đơn vị chuyên môn, chuyên gia có liên quan và nghiệm thu kết quả thực hiện.

    Thông tư số 04/2024/TT-BTNMT cũng quy định trình tự, thời gian thẩm định, nghiệm thu; nội dung, phương pháp thẩm định, nghiệm thu; hồ sơ đề nghị thẩm định, nghiệm thu; nộp lưu trữ, cập nhật thông tin, kết quả thực hiện dự án vào Hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu TNN quốc gia… Về quy định chuyển tiếp, Thông tư nêu rõ, các kế hoạch kiểm tra việc chấp hành pháp luật về TNN; kế hoạch kiểm tra có nội dung kiểm tra việc chấp hành pháp luật về TNN; đoàn kiểm tra việc chấp hành pháp luật về TNN đã ban hành được thành lập trước ngày Thông tư có hiệu lực thì tiếp tục thực hiện kiểm tra, xử lý kết quả kiểm tra đến khi kết thúc. Những dự án, hạng mục công việc, sản phẩm hoạt động điều tra cơ bản TNN đã được phê duyệt đề cương dự án trước thời điểm Thông tư có hiệu lực thì tiếp tục thực hiện theo các quy định tại thời điểm phê duyệt. Những quy định về thẩm định, nghiệm thu kết quả thực hiện dự án điều tra cơ bản TNN tại các văn bản khác do Bộ trưởng Bộ TN&MT hoặc UBND cấp tỉnh ban hành có quy định khác với quy định tại Thông tư này thì áp dụng thực hiện theo Thông tư này.

Châu Loan

Ý kiến của bạn