Banner trang chủ
Thứ Năm, ngày 23/01/2025

Phát triển kinh tế xanh và bền vững - Giảm phát thải nhà kính hướng đến mục tiêu Net-Zero

06/06/2024

    Ngày 5/6/2024, tại Hà Nội, Tạp chí Kinh tế Môi trường phối hợp cùng Tạp chí Việt Đức, NatureWorld tổ chức chương trình tổ chức Hội thảo “Phát triển kinh tế xanh và bền vững - Giảm phát thải nhà kính hướng đến mục tiêu Net-Zero”. Tham dự Hội thảo có đại diện các Bộ, ngành, cơ quan quản lý nhà nước; đại diện các tổ chức quốc tế; đại diện một số Hiệp hội doanh nghiệp, doanh nghiệp trong nước (Hiệp hội bất động sản, Hiệp hội Công Nghiệp và các Hội ngành nghề liên quan, Ban quản lý các khu công nghiệp, doanh nghiệp sản xuất công nghiệp, doanh nghiệp công nghiệp FDI, các công ty năng lượng)…

Toàn cảnh Hội thảo

    Mục đích của Hội thảo nhằm hỗ trợ các Bộ, ngành, doanh nghiệp có nhận thức tốt hơn về xu hướng quốc tế trong quá trình chuyển đổi xanh, các quy định pháp luật về giảm phát thải khí nhà kính và công nghệ, quy trình quản lý liên quan đến chuyển đổi xanh, giảm phát thải khí nhà kính và ứng phó với biến đổi khí hậu; đưa ra góc nhìn chuyên sâu nhằm phân tích, nhận định đa chiều, đánh giá khách quan về tầm quan trọng, ý nghĩa của kiểm kê khí nhà kính; cung cấp kiến thức cho doanh nghiệp về phương pháp, tiêu chuẩn kiểm kê phổ biến; tổng hợp những giải pháp đột phá từ các nhà quản lý, chuyên gia, đại diện doanh nghiệp… về sử dụng dữ liệu phát thải, phương pháp giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và xây dựng lộ trình chuyển đổi xanh cho doanh nghiệp. Bên cạnh đó, Hội thảo sẽ tập trung trao đổi kinh nghiệm thực tế trong huy động tín dụng/tài trợ xanh để hỗ trợ nỗ lực trung hòa các-bon.

    Phát biểu khai mạc Hội thảo, PGS.TS. Trương Mạnh Tiến, Tổng Biên tập Tạp chí Kinh tế môi trường, Trưởng ban Tổ chức chia sẻ, hiện nay, biến đổi khí hậu đã tác động đến mọi mặt như kinh tế, chính trị, ngoại giao, an ninh toàn cầu và trở thành thách thức lớn nhất đối với toàn nhân loại. Để ứng phó với cuộc khủng hoảng khí hậu toàn cầu, các nước thế giới đang nỗ lực thực hiện chuyển đổi xanh một cách toàn diện. Quá trình chuyển đổi xanh hướng tới sự phát triển bền vững được xem là mục tiêu sống còn, xu thế tất yếu không thể đảo ngược trong tiến trình phát triển của thế giới. Đặc biệt, việc tiến tới mục tiêu rác thải bằng “0” vào năm 2050 là nhiệm vụ, bài toán quan trọng, trong đó câu chuyện chuyển đổi xanh và phát triển bền vững là vấn đề về cần được quan tâm nhất.

    Đối với Việt Nam, tại Hội nghị lần thứ 26 Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26), Chính phủ Việt Nam đã nêu rõ tham vọng sẽ đạt mức phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050. Cam kết này sẽ được thực hiện thông qua việc xây dựng và triển khai các biện pháp giảm phát thải khí nhà kính mạnh mẽ bằng nguồn lực của chính mình, cùng với sự hợp tác và hỗ trợ của cộng đồng quốc tế, nhất là các nước phát triển, cả về tài chính và chuyển giao công nghệ. Bên cạnh đó, Việt Nam đã lựa chọn cùng với nhiều quốc gia trên thế giới chuyển đổi mạnh mẽ từ nền kinh tế “nâu” sang nền kinh tế “xanh” với trọng tâm chuyển đổi tuần hoàn, chuyển đổi năng lượng, phát thải các-bon thấp, đảm bảo tăng trưởng xanh, phát triển bền vững.

    Theo PGS.TS. Nguyễn Đình Thọ - Viện trưởng Viện Chiến lược, Chính sách TN&MT, Bộ TN&MT, trong bối cảnh hiện nay, thúc đẩy thực hiện mô hình kinh tế tuần hoàn là công cụ để thế giới hướng tới việc không có rác thải, do vậy, chuyển đổi xanh và lối sống xanh là quy định gần như bắt buộc trong giai đoạn mới. Tại các quốc gia phát triển, vấn đề này đã được đưa vào luật và có những điều khoản rõ ràng. Vì vậy, các doanh nghiệp tại Việt Nam cần thích nghi với việc chuyển đổi xanh và các quy định về bảo vệ môi trường.

Tập đoàn NatureWord ký kết và cam kết đồng hành cùng hướng tới mục tiêu Net-Zero

    Hội thảo đã lắng nghe một số tham luận về: Giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi xanh, phát triển bền vững; tổng quan về kiểm kê khí nhà kính, hướng dẫn áp dụng cho doanh nnghiệp; xu hướng chuyển đổi công nghệ xanh (Sử dụng biến tần trung thế, chuyển đổi nhiên liệu xanh Hydrogen, thu hồi nhiệt cho phát điện, sản xuất lạnh bằng máy lạnh hấp thụ); thực hiện ESG hướng đến phát triển bền vững; phương pháp truyền thông về khí hậu, môi trường và xã hội của Al Gore; những nỗ lực của lĩnh vực tài chính ngân hàng nhằm xanh hóa danh mục đầu tư (Tài chính xanh)…

    Trong phần thảo luận về giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi xanh và các biện pháp khuyến khích tài chính nhằm hỗ trợ những doanh nghiệp thực hiện chuyển đổi xanh, khách mời là đại diện các cơ quan nhà nước, nhà hoạch định chính sách, đại diện tổ chức tín dụng, chuyên gia, nhà khoa học, doanh nghiệp… đã đưa ra nhiều ý kiến, mô hình, cùng thảo luận và tìm giải pháp tốt nhất cho doanh nghiệp trong quá trình chuyển đổi xanh; đồng thời, tập trung  thảo luận xoay quang 3 chủ đề chính: Chuyển đổi xanh - Năng lượng xanh - Tín dụng xanh. Trong đó, ông Trần Minh Hoàng, chuyên gia tài chính bền vững - Phòng định chế tài chính, Ngân hàng VP Bank cho hay, ngân hàng có những nguồn vốn, có những hỗ trợ, sẵn sàng đồng hành cùng doanh nghiệp để góp phần chuyển đổi xanh và phát triển bền vững. Tuy nhiên việc hỗ trợ này phải được thẩm định và đánh giá một cách cụ thể và có quy định rõ ràng, các doanh nghiệp trong diện được hỗ trợ sẽ phải đáp ứng những yêu cầu được đặt ra… Việc phát triển bền vững vừa đảm bảo kinh tế, vừa đảm bảo môi trường là vấn đề Việt Nam đã cam kết và bắt buộc phải thực hiện.

    Bên cạnh hình thức tổ chức trực tiếp tại Hà Nội, Hội thảo còn được phát trực tuyến qua các ứng dụng công nghệ 4.0. Các ý kiến đóng góp của dại biểu tại Hội thảo sẽ được Ban Tổ chức tập hợp và gửi đến các cơ quan hữu quan trong thời gian sớm nhất.

Gia Linh

Ý kiến của bạn