Banner trang chủ
Thứ Sáu, ngày 24/01/2025

Những điểm mới trong Dự án Luật Địa chất và Khoáng sản

23/04/2024

    Ngày 17/4/2024, tại Hà Nội, Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường tổ chức Phiên họp mở rộng thẩm tra dự án Luật Địa chất và Khoáng sản do ông Lê Quang Huy, Ủy viên Trung ương Đảng, chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc Hội và ông Nguyễn Tuấn Anh, Phó chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường chủ trì.

Quang cảnh Phiên họp

    Sau 13 năm thi hành, Luật Địa chất và Khoáng sản năm 2010 đã bộc lộ một số hạn chế như: chưa quy định quản lý nhà nước về địa chất theo tiêu chuẩn, quy chuẩn chuyên ngành; chưa thống nhất quản lý thông tin, dữ liệu địa chất; thủ tục hành chính cấp phép về khoáng sản làm vật liệu san lấp khá phức tạp, chưa phân loại đối tượng rõ ràng để áp dụng đúng thủ tục hành chính tương ứng; việc thu tiền cấp quyền khai thác theo trữ lượng khoáng sản còn nhiều bất cập…

    Do đó, Dự án Luật Địa chất và Khoáng sản cần được xây dựng trên cơ sở đáp ứng yêu cầu thể chế hóa đầy đủ các quan điểm, đường lối, chủ trương của Đảng; kế thừa những chính sách giá trị và  hoàn thiện hành lang pháp lý cho các hoạt động địa chất, khoáng sản. Đồng thời, bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất với hệ thống pháp luật, phù hợp với các điều ước và cam kết quốc tế mà Việt Nam là thành viên; khắc phục những tồn tại, hạn chế, bất cập của Luật Khoáng sản hiện hành; góp phần bảo đảm quản lý, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả khoáng sản, hướng tới mục tiêu phát triển bền vững.

    Phát biểu tại Phiên họp, ông Lê Quang Huy, Ủy viên Trung ương Đảng, chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc Hội cho biết, thực hiện nhiệm vụ chủ trì thẩm tra dự án Luật theo phân công của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường đã xây dựng Kế hoạch cụ thể; tổ chức khảo sát tại một số địa phương; tổ chức hội thảo quốc tế, tọa đàm chuyên gia và nghiên cứu về dự án Luật.

    Theo Thứ trưởng Bộ TN&MT Trần Quý Kiên, Dự thảo Luật Địa chất và Khoáng sản được xây dựng dự kiến có 12 chương bao gồm 117 điều bám sát vào 5 chính sách đã được Chính phủ trình Quốc hội.

    Trong đó bao gồm một số nội dung mới như sau: Quy định về điều tra cơ bản địa chất (Chương III); Phân nhóm khoáng sản (Điều 7 và Chương VI); Tăng cường phân công, phân cấp cho chính quyền địa phương (chi tiết thể hiện tại mục V); Bổ sung và làm rõ các hoạt động thu hồi khoáng sản, đăng ký khai thác khoáng sản nhóm IV không phải cấp giấy phép thăm dò, khai thác khoáng sản; Bổ sung các trường hợp đặc thù cho phép khai thác khoáng sản không phải có Quy hoạch khoáng sản (khai thác khoáng sản phân tán, nhỏ lẻ; thu hồi khoáng sản; khai thác tận thu khoáng sản); Khai thác nước khoáng, nước nóng thiên nhiên, khai thác khoáng sản lòng sông, lòng hồ, ở khu vực biển không phải lập Đề án đóng cửa mỏ khoáng sản nhưng phải thực hiện Phương án đóng cửa mỏ khoáng sản; Công nhận kết quả thăm dò khoáng sản thay vì phê duyệt trữ lượng (Điều 53); Sử dụng vốn ngân sách từ nguồn sự nghiệp kinh tế để tổ chức thực hiện thăm dò khoáng sản chiến lược, quan trọng; khoáng sản có giá trị kinh tế và nhu cầu sử dụng lớn (Điều 52); Tiền cấp quyền khai thác khoáng sản được xác định trên cơ sở trữ lượng khoáng sản được quy định trong giấy phép khai thác khoáng sản hoặc khối lượng khoáng sản được phép khai thác, thu hồi; tiền cấp quyền khai thác khoáng sản được thu theo năm và quyết toán theo sản lượng khai thác thực tế (Điều 103); Tăng cường quản lý cát, sỏi lòng sông, lòng hồ, khu vực biển (Chương VIII); Cho phép tổ chức, cá nhân thế chấp, góp vốn quyền khai thác khoáng sản (Điều 62); Ưu tiên tổ chức, cá nhân đang khai thác hợp pháp được thăm dò xuống sâu, mở rộng để đánh giá đầy đủ, khống chế hết thân khoáng sản đối với loại khoáng sản được cấp phép mà không phải đấu giá quyền khai thác khoáng sản (Điều 5).

    Tại Phiên họp, các đại biểu đã tập trung thảo luận về các nội dung: những vấn đề chính sách lớn, quan điểm, mục tiêu xây dựng dự án luật; thủ tục cấp phép thăm dò khoáng sản tại các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, sự cần thiết quy định như dự thảo luật, bảo đảm tổ chức các nhân sử dụng ngân sách nhà nước trong khai thác khoáng sản; sử dụng đất, nước, khu vực biển và hạ tầng, ký thuật trong hoạt dộng khoáng sản; BVMT trong khai thác khoáng sản; thu hồi, chế biến khoáng sản; quản lý cát sỏi lòng sông, lòng hồ và khu vực biển; tài chính về địa chất và khoáng sản; đấu giá quyền khai thác khoáng sản; giấy phép khai thác khoáng sản, quyền khai thác khoáng sản…

    Thứ trưởng Trần Quý Kiên đã tiếp thu toàn bộ ý kiến của các đại biểu để Bộ TN&MT sớm hoàn thiện dự thảo Luật trong thời gian tới.

Hương Mai

Ý kiến của bạn