Banner trang chủ
Thứ Tư, ngày 22/01/2025

Nghị định số 05/2025/NĐ-CP: Tăng cường phân cấp, phân quyền cho địa phương chủ động kiểm soát các vấn đề môi trường

21/01/2025

    Phân cấp, phân quyền kiểm soát các vấn đề môi trường được hiểu là cơ chế quản lý nhằm phân chia quyền lực và trách nhiệm từ cấp trên xuống cấp dưới, từ trung ương xuống địa phương. Việc thực hiện cơ chế này sẽ tăng cường hiệu quả quản lý nhà nước, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội; đồng thời, giảm tải công việc ở trung ương để tập trung vào hoạch định chính sách và xây dựng thể chế, hoàn thiện pháp luật và phát huy tính chủ động, sáng tạo của chính quyền địa phương trong kiểm soát các vấn đề môi trường trên địa bàn quản lý.

    Trên cơ sở đường lối, chủ trương của Đảng “Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, xác định rõ trách nhiệm giữa Chính phủ với các bộ, ngành; giữa Chính phủ, các bộ, ngành với chính quyền địa phương”, “bảo đảm quản lý nhà nước thống nhất, đồng thời phát huy vai trò chủ động, sáng tạo, tinh thần trách nhiệm của từng cấp, từng ngành”, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo đẩy mạnh phân cấp, phân quyền trong quản lý nhà nước, trong đó có lĩnh vực môi trường. Thực hiện các chỉ đạo trên, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã phối hợp với các cơ quan hữu quan xây dựng và trình Chính phủ ban hành Nghị định số 05/2025/NĐ-CP ngày 06/01/2025 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 08/2022/NĐ-CP ngày 10 tháng 01 năm 2022 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường (sau đây viết tắt là Nghị định số 05/2025/NĐ-CP.) Theo đó, Nghị định số 05/2025/NĐ-CP quy định việc phân cấp, phân quyền cho địa phương về kiểm soát môi trường ở một số nội dung sau:

Thứ nhất, phân cấp, phân quyền về trách nhiệm về quản lý và bảo vệ môi trường di sản thiên nhiên

    Nghị định số 05/2025/NĐ-CP quy định: Đối với các di sản là vườn quốc gia, khu dự trữ thiên nhiên, khu bảo tồn loài - sinh cảnh, khu bảo vệ cảnh quan được xác lập theo quy định của pháp luật về đa dạng sinh học, lâm nghiệp và thủy sản; danh lam thắng cảnh được công nhận là di sản văn hóa được xác lập theo quy định của pháp luật về di sản văn hóa đã có quy chế, kế hoạch, phương án quản lý trước khi Nghị định này có hiệu lực thi hành thì Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm chỉ đạo việc điều chỉnh để lồng ghép, cập nhật các nội dung theo quy định tại Nghị định này vào quy chế, kế hoạch, phương án theo quy định của pháp luật về đa dạng sinh học, lâm nghiệp, thủy sản, di sản văn hóa trong thời hạn 06 tháng kể từ ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành.

    Quy định này đã phân cấp thẩm quyền cho Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chỉ đạo việc điều chỉnh để lồng ghép, cập nhật các nội dung theo quy định tại Nghị định này vào quy chế, kế hoạch, phương án quản lý và bảo vệ môi trường di sản thiên nhiên.

Thứ hai, phân cấp Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường, cấp giấy phép môi trường thuộc thẩm quyền của Bộ Tài nguyên và Môi trường

    Nghị định số 05/2025/NĐ-CP bổ sung quy định: Phân cấp Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường, cấp giấy phép môi trường (nếu thuộc đối tượng cấp giấy phép môi trường) đối với dự án đầu tư thuộc thẩm quyền thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường của Bộ Tài nguyên và Môi trường (trừ dự án thuộc một trong các trường hợp: Nằm trên địa bàn từ 02 đơn vị hành chính cấp tỉnh trở lên; nằm trên vùng biển chưa xác định trách nhiệm quản lý hành chính của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh; có nguồn tiếp nhận nước thải là nguồn nước mặt liên tỉnh đã được Bộ Tài nguyên và Môi trường công bố theo quy định của pháp luật về tài nguyên nước) đối với các trường hợp sau: (i) Dự án đầu tư công không thuộc thẩm quyền quyết định, chấp thuận chủ trương đầu tư của Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ, trừ dự án thực hiện dịch vụ tái chế, xử lý chất thải; (ii) Dự án chăn nuôi gia súc; (iii) Dự án đầu tư kinh doanh cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm; (iv) Dự án được phân loại chỉ theo tiêu chí có yêu cầu chuyển đổi mục đích sử dụng đất trồng lúa nước từ 02 vụ trở lên; (v) Dự án được phân loại chỉ theo tiêu chí có yêu cầu chuyển đổi mục đích sử dụng đất, đất có mặt nước của khu bảo tồn thiên nhiên, di sản thiên nhiên, khu dự trữ sinh quyển, vùng đất ngập nước quan trọng, rừng đặc dụng, rừng phòng hộ, đất có rừng tự nhiên và không thuộc thẩm quyền quyết định, chấp thuận chủ trương đầu tư của Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ; (vi) Dự án đầu tư trong khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung, cụm công nghiệp, không bao gồm: Dự án thực hiện dịch vụ xử lý chất thải nguy hại; dự án có nhập khẩu phế liệu từ nước ngoài làm nguyên liệu sản xuất; dự án khác thuộc loại hình sản xuất, kinh doanh, dịch vụ có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường với công suất lớn quy định tại cột (3) Phụ lục II Nghị định này; dự án đầu tư mở rộng của cơ sở đang hoạt động được miễn trừ đấu nối theo quy định của pháp luật có lưu lượng nước thải thuộc đối tượng phải thực hiện quan trắc định kỳ trở lên; (vii) Dự án thủy điện không thuộc thẩm quyền quyết định, chấp thuận chủ trương đầu tư của Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ.

    Đồng thời với phân cấp nội dung trên, Nghị định số 05/2025/NĐ-CP còn quy định Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm:

    Một là, rà soát, chuẩn bị, hoàn thiện các điều kiện về tài chính, nguồn nhân lực và điều kiện cần thiết khác để bảo đảm việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được phân cấp. Việc giải quyết thủ tục hành chính đối với các trường hợp được phân cấp phải bảo đảm công khai, minh bạch, thuận lợi cho tổ chức, cá nhân có liên quan trong quá trình thực hiện.

    Hai là, chịu trách nhiệm trước Bộ Tài nguyên và Môi trường về kết quả thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường, cấp giấy phép môi trường đối với các dự án đầu tư, cơ sở đã được phân cấp.

    Ba là, tổ chức kiểm tra, thanh tra việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường đối với dự án đã được phân cấp phê duyệt kết quả thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường, cấp giấy phép môi trường theo chỉ đạo của Bộ Tài nguyên và Môi trường, trừ trường hợp kiểm tra, thanh tra đột xuất theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường;

    Bốn là, báo cáo định kỳ 06 tháng/lần (trước ngày 15 tháng 01 và ngày 15 tháng 7 hàng năm) hoặc đột xuất về kết quả thực hiện nhiệm vụ được phân cấp gửi Bộ Tài nguyên và Môi trường để theo dõi;

    Năm là, chỉ đạo xây dựng, vận hành, cập nhật, tích hợp cơ sở dữ liệu về đánh giá tác động môi trường, giấy phép môi trường của đối tượng được phân cấp vào cơ sở dữ liệu môi trường cấp tỉnh, đảm bảo liên thông với cơ sở dữ liệu môi trường quốc gia.

Thứ ba, phân cấp, phân quyền về quản lý, giám sát việc quản lý và sử dụng tiền ký quỹ và cải tạo phục hồi môi trường

    Nếu như Nghị định số 08/2022/NĐ-CP không quy định về quản lý, giám sát việc quản lý và sử dụng tiền ký quỹ và cải tạo phục hồi môi trường thì Nghị định số 05/2025/NĐ-CP quy định rõ việc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có thẩm quyền quản lý, giám sát việc quản lý và sử dụng tiền ký quỹ và cải tạo phục hồi môi trường trong hoạt động khai thác khoáng sản và bãi chôn lấp chất thải tại quỹ bảo vệ môi trường cấp tỉnh.

Thứ tư, phân cấp, phân quyền về quản lý chất thải rắn sinh hoạt

    Nghị định số 08/2022/NĐ-CP quy định: Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy định giá cụ thể đối với dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt tại khoản 3 Điều này; chi phí xử lý và hình thức thu đối với các trường hợp quy định tại khoản 4 và khoản 5 Điều này trên nguyên tắc chi phí xử lý chất thải rắn sinh hoạt được tính đúng, tính đủ cho một đơn vị khối lượng chất thải rắn sinh hoạt để thực hiện xử lý.

    Đến Nghị định số 05/2025/NĐ-CP quy định: Ủy ban nhân dân cấp tỉnh định giá dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt tại khoản 3 Điều này theo quy định của pháp luật về giá; chi phí xử lý và hình thức thu đối với các trường hợp quy định tại khoản 4 và khoản 5 Điều này trên nguyên tắc chi phí xử lý chất thải rắn sinh hoạt được tính đúng, tính đủ cho một đơn vị khối lượng chất thải rắn sinh hoạt để thực hiện xử lý.

    Như vậy, Nghị định số 08/2022/NĐ-CP quy định Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy định giá cụ thể đối với dịch vụ thì Nghị định số 05/2025/NĐ-CP đã quy định Ủy ban nhân dân cấp tỉnh định giá dịch vụ.

    Ngoài việc phân cấp, phân quyền cho Ủy ban nhân dân cấp tỉnh kiểm soát các vấn đề môi trường, Nghị định số 05/2025/NĐ-CP còn quy định thẩm quyền của Ủy ban nhân dân cấp huyện về lựa chọn cơ sở thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt thông qua hình thức đấu thầu, hình thức đặt hàng hoặc giao nhiệm vụ theo quy định của pháp luật; Ủy ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm phối hợp, tạo điều kiện để chủ dự án tổ chức các hoạt động tham vấn cộng đồng dân cư trên địa bàn đối với việc tham vấn nội dung báo cáo đánh giá tác động môi trường theo quy định.

    Như vậy, với các quy định của Nghị định số 05/2025/NĐ-CP, việc phân cấp, phân quyền cho địa phương để chủ động kiểm soát các vấn đề môi trường sẽ giúp địa phương đưa ra các giải pháp phù hợp và kịp thời, linh hoạt điều chỉnh các biện pháp ứng phó, có trách nhiệm hơn trong việc bảo vệ môi trường và chịu trách nhiệm trước người dân địa phương; phát huy tính sáng tạo và đổi mới, phù hợp với điều kiện địa phương. Từ đó, góp phần nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về môi trường ở địa phương nói riêng và cả nước nói chung.

Hoàng Nhất Thống

Vụ Pháp chế, Bộ Tài nguyên và Môi trường

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường số 1/2025)

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Đảng Cộng sản Việt Nam (2021), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập I, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội.

2. Luật Bảo vệ môi trường năm 2020.

3. Nghị định số 08/2022/NĐ-CP ngày 10 tháng 01 năm 2022 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường.

4. Nghị định số 05/2025/NĐ-CP ngày 06/01/2025 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 08/2022/NĐ-CP ngày 10 tháng 01 năm 2022 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường.

5. Nghị quyết số 04/NQ-CP ngày 10/01/2022 của Chính phủ về đẩy mạnh phân cấp, phân quyền trong quản lý nhà nước.

Ý kiến của bạn