Banner trang chủ
Thứ Ba, ngày 21/01/2025

Một số giải pháp nâng cao hiệu lực, hiệu quả tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật đất đai trong tổ chức, thi hành Luật Đất đai năm 2024

30/12/2024

    Luật Đất đai năm 2024 gồm 16 Chương, 260 Điều, trong đó sửa đổi, bổ sung 180/212 Điều của Luật Đất đai năm 2013 và bổ sung mới 78 Điều. Đây là đạo luật quan trọng, tác động đến mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, BVMT… của đất nước; giữ vai trò trung tâm trong hệ thống pháp luật về đất đai, có mối quan hệ với nhiều quy định khác của pháp luật. Do đó, việc đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật về đất đai là nhiệm vụ quan trọng trong tổ chức, thi hành Luật Đất đai năm 2024, đặc biệt là sau khi Luật được ban hành, đi vào đời sống. Thông qua hoạt động tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật giúp nhân dân nắm bắt và thực hiện tốt các chủ trương đường lối, chính sách, pháp luật của Nhà nước về đất đai và góp phần ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.

    1. Mở đầu

    Luật Đất đai năm 2024 là đạo luật lớn, rất phức tạp, có ý nghĩa và tầm quan trọng đặc biệt trong đời sống chính trị, kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, BVMT của đất nước và có tác động sâu rộng đến các tầng lớp nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp, các nhà đầu tư nước ngoài nên đã thu hút được sự quan tâm của nhân dân. Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Kế hoạch triển khai thi hành Luật Đất đai số 31/2024/QH15 (Quyết định số 222/QĐ-TTg ngày 5/3/2024) nhằm tạo điều kiện thuận lợi triển khai kịp thời, đồng bộ, thống nhất và hiệu lực, hiệu quả để sớm đưa Luật Đất đai năm 2024 đi vào cuộc sống với những chính sách đổi mới đột phá góp phần quản lý, sử dụng tiết kiệm, bền vững, hiệu quả tài nguyên đất đai đáp ứng yêu cầu đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, ổn định quốc phòng, an ninh, BVMT, thích ứng với biến đổi khí hậu, tạo động lực mới đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao. Một trong những nội dung quan trọng trong tổ chức, thi hành Luật Đất đai là công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật đất đai tới toàn xã hội. Trong những năm vừa qua công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật nói chung, pháp luật đất đai nói riêng đang ngày càng có nhiều chuyển biến tích cực, góp phần nâng cao nhận thức, ý thức pháp luật của các tầng lớp nhân dân. Tuy nhiên, trên thực tế, công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật vẫn còn những khó khăn nhất định liên quan đến cơ sở vật chất, khoa học công nghệ; hình thức, tổ chức tuyên truyền… Do đó, cần có những giải pháp nhằm nâng cao hơn nữa hiệu lực, hiệu quả tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật nói chung, pháp luật đất đai trong tổ chức, thi hành Luật Đất đai năm 2024 nói riêng.

    2. Thực trạng tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật đất đai trong tổ chức, thi hành Luật Đất đai năm 2024

    Trong những năm qua, công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật nói chung, tuyên truyền chính sách pháp luật đất đai đã có nhiều chuyển biến tích cực, ý thức của người dân ngày càng được nâng cao, việc quản lý, sử dụng đất đai từng bước đi vào nề nếp, góp phần đáng kể vào sự nghiệp xây dựng, phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm an ninh, quốc phòng. Thực hiện Luật Đất đai năm 2013, công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật đất đai đã được Bộ TN&MT, các địa phương triển khai rộng rãi đến mọi đối tượng sử dụng đất. Qua phổ biến, tuyên truyền pháp luật về đất đai đã góp phần nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật đất đai của các tổ chức, hộ gia đình và cá nhân sử dụng đất.

    Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật đất đai vẫn còn gặp những khó khăn nhất định đến từ nhận thức của một số cấp uỷ Đảng, bộ, ngành, địa phương về công tác phổ biến, giáo dục pháp luật chưa thực sự đầy đủ và chưa tương xứng với vị trí, vai trò, tầm quan trọng của công tác này; cơ sở vật chất, phương tiện làm việc dành cho công tác phổ biến, giáo dục pháp luật chưa đáp ứng được yêu cầu, nhất là ở vùng sâu, vùng xa hoặc những địa bàn khó khăn; hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật tuy có nhiều đổi mới song vẫn chưa theo kịp tình hình thực tiễn, nhất là cấp cơ sở. Một số nơi còn nặng về hình thức, chưa chú trọng tới hiệu quả. Một số địa phương còn thiếu linh hoạt trong lựa chọn hình thức, biện pháp phổ biến, giáo dục pháp luật phù hợp với trình độ của người được tuyên truyền và đặc thù của địa bàn.

    Để triển khai thi hành Luật Đất đai năm 2024 kịp thời, đồng bộ, thống nhất và hiệu quả, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Kế hoạch triển khai thi hành Luật Đất đai trong đó có nội dung về tổ chức tuyên truyền, phổ biến và tập huấn thi hành Luật Đất đai. Đối tượng tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật đất đai bao gồm: tổ chức trong nước, tổ chức tôn giáo, tổ chức tôn giáo trực thuộc, cá nhân trong nước, người Việt Nam định cư ở nước ngoài là công dân Việt Nam và cộng đồng dân cư, đồng bào dân tộc thiểu số.

    Ở cấp Trung ương: Thực hiện Kế hoạch triển khai thi hành Luật Đất đai của Thủ tướng Chính phủ, Bộ TN&MT đã tổ chức nhiều cuộc tuyên truyền, phổ biến, tập huấn Luật Đất đai năm 2024 và các văn bản quy định chi tiết thi hành Luật Đất đai. Ngày 6/3/2024, Bộ đã tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai thi hành Luật Đất đai năm 2024, kết nối trực tuyến đến 500 điểm cầu tại 63 tỉnh, thành phố và cấp huyện trên cả nước. Tại Hội nghị, các đại biểu tham dự đánh giá, Luật Đất đai năm 2024 đã bám sát tinh thần Nghị quyết số 18 NQ/TW ngày 16/6/2022 của Ban Chấp hành Trung; đã thể chế hóa đầy đủ chủ trương của Đảng và tháo gỡ cơ bản các vướng mắc, tồn tại khi thi hành Luật Đất đai năm 2013. Trên cơ sở đó, các đại biểu đề nghị Bộ TN&MT sớm ban hành các Nghị định hướng dẫn thi hành Luật một cách chi tiết, cụ thể, minh bạch, dễ hiểu, dễ thực hiện để các địa phương thực hiện, đảm bảo sự thống nhất, hiệu quả; điều chỉnh một số chỉ tiêu sử dụng đất đai phục vụ phát triển kinh tế - xã hội; bố trí kinh phí thực hiện đo đạc địa chính; tổ chức các đoàn công tác, tập huấn về những nội dung mới của Luật… Bên cạnh đó, Bộ còn chủ trì, phối hợp với các cơ quan Trung ương tổ chức Hội nghị tuyên truyền, phổ biến, giới thiệu điểm mới, nổi bật của Luật Đất đai năm 2024 như: Chủ trì, phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương tổ chức Hội nghị tuyên truyền, phổ biến Luật Đất đai cho gần 400 báo cáo viên các cấp; Tổ chức Hội thi trực tuyến tìm hiểu về chính sách pháp luật Đất đai năm 2024, kết quả thống kê có 825.962 số người thi, với 1.017.050 số lượt thi trong 3 tuần, đã có 48 cá nhân đạt giải (mỗi tuần có 16 người đạt giải); Chủ trì, phối hợp với Bộ Tư pháp tổ chức Hội nghị phổ biến Luật Đất đai cho cán bộ công chức ngành Tư pháp trong cả nước; Phối hợp với Viện Kiểm sát nhân dân tối cao phổ biến Luật Đất đai và các văn bản quy định chi tiết thi hành Luật thông qua hình thức trực tiếp tại điểm cầu Hà Nội với hơn 300 cán bộ, công chức của Viện Kiểm sát nhân dân tối cao và tại các điểm cầu trực tuyến tại các Viện Kiểm sát của 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Đồng thời, phối hợp với Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam phổ biến cho các đối tượng là các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân có liên quan; Phối hợp với Kiểm toán Nhà nước phổ biến Luật Đất đai cho cán bộ, công chức; Phối hợp với Bộ Ngoại giao tổ chức Hội nghị phổ biến cho các kiều bào trong và ngoài nước. Theo thông tin của Bộ Ngoại giao, Hội nghị đã thu hút 500 đại biểu tham dự trực tiếp và trực tuyến bao gồm đại diện các Bộ, ban, ngành và các Hội đoàn người Việt Nam ở nước ngoài, các tổ chức hiệp hội doanh nhân và doanh nghiệp kinh doanh bất động sản trong, ngoài nước, đông đảo kiều bào tham dự trực tiếp tại Hà Nội và 50 điểm cầu tại 30 quốc gia, vùng lãnh thổ ở 4 châu lục (Hoa Kỳ, Canada, Pháp, Đức, Ba Lan, Hà Lan, Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan, Lào, Campuchia, Úc, New Zealand, Tanzania, Ma-rốc…). Bên cạnh đó, Bộ TN&MT còn phối hợp với Hiệp hội Bất động sản Việt Nam tổ chức Hội nghị tuyên truyền, phổ biến, thực thi chính sách pháp luật về đất đai, nhà ở, kinh doanh bất động sản và một số nội dung hợp tác khác như sản xuất các ấn phẩm báo chí, tạp chí, sách hỏi đáp về chính sách pháp luật đất đai. Đồng thời, tổ chức Hội nghị toàn quốc giới thiệu, tập huấn các Nghị định quy định chi tiết thi hành Luật Đất đai trong hai ngày 5 và 6/9/2024 cho đại biểu của 63 Sở TN&MT của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tại tại Hà Nội với gần 450 đại biểu tham dự trực tiếp. Ngoài ra, Trường Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ tài nguyên và môi trường (Bộ TN&MT) cũng đã tổ chức 2 lớp tập huấn tại TP. Hồ Chí Minh (với hơn 300 học viên) và tại Hà Nội (với gần 150 học viên).

    Ở địa phương: Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã ban hành Kế hoạch tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật về đất đai trên địa bàn và tổ chức Hội nghị tuyên truyền, phổ biến, giới thiệu điểm mới, nổi bật của Luật Đất đai năm 2024 theo các hình thức trực tiếp và trực tuyến đến đại biểu các Sở, ban, ngành, tổ chức đoàn thể, chính trị - xã hội, cơ quan báo, đài, các tổ chức, doanh nghiệp đang hoạt động trên địa bàn tỉnh, đại biểu cấp huyện, xã, các tầng lớp nhân dân… Chẳng hạn, tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, thực hiện Kế hoạch số 86/KH-UBND ngày 4/4/2024 của UBND tỉnh tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật về đất đai trên địa bàn tỉnh năm 2024, ngày 28/8/2024, Sở TN&MT tỉnh đã tổ chức Hội nghị tuyên truyền, phổ biến Luật Đất đai năm 2024 và các văn bản hướng dẫn thi hành theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến tại các điểm cầu ở UBND các huyện, thị xã, thành phố. Hay tại tỉnh Lai Châu, nhằm phổ biến, tuyên truyền sâu rộng, kịp thời và triển khai thi hành chính sách về đất đai trên địa bàn tỉnh theo Luật Đất đai mới; giảm tình trạng vi phạm luật, khiếu nại, tố cáo về đất đai tại địa bàn tỉnh, ngày 25/10/2024, UBND tỉnh đã tổ chức Hội nghị phổ biến những điểm mới của Luật Đất đai năm 2024 theo hình thức trực tiếp và trực tuyến đến điểm cầu xã, phường, thị trấn. Ngoài ra, nhiều địa phương cũng đã tổ chức tuyên truyền Luật Đất đai năm 2024 như TP. Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Thái Bình, Thanh Hóa, Hải Dương, Thừa Thiên - Huế, Đắk Nông, Đồng Nai…

    Có thể khẳng định, công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật đất đai đã được Bộ TN&MT và các địa phương triển khai rộng rãi đến mọi đối tượng trên cả nước với những nội dung thiết thực và hình thức phù hợp. Bộ TN&MT và các Bộ, ngành, cơ quan Trung ương đã xây dựng kế hoạch triển khai công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, nâng cao nhận thức chính sách, pháp luật về đất đai; xây dựng và triển khai Đề án giáo dục, phổ biến pháp luật về đất đai; biên tập tài liệu phổ biến về những nội dung đổi mới của Luật Đất đai và các Nghị định quy định chi tiết thi hành để sử dụng thống nhất trên cả nước; tổ chức Hội nghị phổ biến, bồi dưỡng, đào tạo đội ngũ báo cáo viên về pháp luật đất đai, phổ biến trên các phương tiện thông tin đại chúng; giới thiệu và trao đổi nhu cầu hợp tác trong triển khai thi hành Luật với các cơ quan ngoại giao, nhà tài trợ quốc tế. Tại địa phương, 63/63 tỉnh, thành phố trên cả nước đã triển khai công tác phổ biến Luật Đất đai và các văn bản quy định chi tiết thi hành Luật đến cán bộ các cấp, đến các tổ chức, cá nhân bằng nhiều hình thức khác nhau; Đã tổ chức hội nghị, hội thảo chuyên đề, toạ đàm, đối thoại với doanh nghiệp, các tổ chức, cá nhân. Một số nơi còn kết hợp tập huấn Luật Đất đai năm 2024 và các văn bản hướng dẫn thi hành với việc chấn chỉnh các sai phạm, yếu kém đã phát hiện trong quản lý, sử dụng đất. Đồng thời, tổ chức xây dựng và phát hành bản tin, tờ rơi; mở các chuyên mục “hỏi đáp”, "luật sư của bạn", "trợ giúp pháp lý"; tổ chức cuộc thi tìm hiểu pháp luật về đất đai với nhiều hình thức phong phú như thi viết, thi sân khấu hóa; tổ chức giao lưu trực tuyến; giải đáp, tư vấn pháp luật; tổ chức tiếp công dân và giải đáp chính sách pháp luật về đất đai cho người dân. Thông qua các hội nghị tuyên truyền, phổ biến pháp luật, người dân được truyền tải những quy định pháp luật về đất đai một cách có chọn lọc, tập trung vào những điểm mới cơ bản của Luật Đất đai năm 2024, có liên quan mật thiết đến quyền và trách nhiệm của người dân tại cơ sở. Cụ thể, như quy định mới về việc bồi thường, thu hồi đất, hỗ trợ tái định cư; quyền và trách nhiệm của người sử dụng đất là cá nhân; quy định mới cho phép cá nhân không trực tiếp sản xuất nông nghiệp vẫn được nhận chuyển nhượng đất trồng lúa; mở rộng hạn mức nhận chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp của cá nhân; quy định phải hoàn thành bố trí tái định cư trước khi thu hồi đất; quy định 32 trường hợp Nhà nước thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội; quy định bồi thường theo hướng đa dạng các hình thức bồi thường (như: bồi thường bằng đất có cùng mục đích với đất bị thu hồi hoặc bằng tiền, bằng đất khác hoặc bằng nhà ở)…

    3. Một số giải pháp nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật đất đai trong tổ chức, thi hành Luật Đất đai năm 2024

    Công tác tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật đất đai trong tổ chức, thi hành Luật Đất đai năm 2024 đã được triển khai tuy nhiên chưa được thường xuyên và sâu rộng trong quần chúng nhân dân, đặc biệt là ở vùng sâu, vùng xa. Cùng với đó, công việc phổ biến, giáo dục pháp luật là công việc khó, đòi hỏi năng lực, trình độ chuyên môn cao nhưng chế độ đãi ngộ đối với đội ngũ cán bộ, công chức này chưa được quan tâm thỏa đáng nên chưa thu hút được đội ngũ cán bộ, công chức có trình độ chuyên môn tập trung thực hiện công tác này. Các buổi tập huấn, hội thảo, hội nghị... để tuyên truyền phổ biến việc thực hiện các văn bản pháp luật mới trong các lĩnh vực đất đai chưa tổ chức được nhiều... Nguyên nhân là do đất đai là lĩnh vực rộng, phức tạp, liên quan đến nhiều cấp, nhiều ngành, trực tiếp người dân và tổ chức, khối lượng công việc nhiều, do đó trong quá trình triển khai thực hiện còn có những khó khăn nhất định. Chính quyền một số địa phương chưa quan tâm đúng mức về tầm quan trọng và sự cấp thiết của việc tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật trong lĩnh vực đất đai, đặc biệt vùng sâu, vùng xa, nơi có trình độ dân trí còn thấp. Kinh phí hoạt động cho công tác tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật về đất đai còn nhiều hạn chế… Để nâng cao hơn nữa hiệu lực, hiệu quả công tác tuyền truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật đất đai trong tổ chức, thi hành Luật Đất đai năm 2024 cần thực hiện các giải pháp sau:

    Thứ nhất, tiếp tục tăng cường cơ sở vật chất, khoa học công nghệ đáp ứng yêu cầu tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật đất đai. Đẩy mạnh đầu tư, nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị số để hỗ trợ, ưu đãi cung cấp sản phẩm công nghệ thông tin cơ bản đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật đất đai của các cấp chính quyền; phát triển, hiện đại hóa hệ thống đài truyền thanh xã, cụm loa đến các thôn, bản và hiện đại hóa thiết bị kỹ thuật, số hóa đáp ứng yêu cầu sản xuất sản phẩm truyền thông đa phương tiện phục vụ tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật đất đai trên địa bàn ở chính quyền cấp cơ sở; Tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ, thúc đẩy mạnh mẽ chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ AI (trí tuệ nhân tạo) phục vụ tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về đất đai đáp ứng yêu cầu thực tiễn.

    Thứ hai, tiếp tục đổi mới nội dung, hình thức tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật đất đai phù hợp với từng khu vực, đối tượng. Đổi mới nội dung tuyên truyền phổ biến pháp luật đất đai phù hợp với đối tượng, nhu cầu thực tế theo từng địa bàn, khu vực; Đổi mới hình thức tuyên truyền phổ biến pháp luật đất đai phù hợp với đối tượng, nhu cầu thực tế theo từng địa bàn, khu vực; Nâng cao nhận thức, năng lực, trách nhiệm, vai trò của các tổ chức, cá nhân làm công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật đất đai; Tăng cường chỉ đạo, tổ chức, thực hiện tuyên truyền phổ biến pháp luật đối với các cơ quan trung ương và chính quyền địa phương các cấp bảo đảm chất lượng, hiệu quả.

    Thứ ba, đẩy mạnh, nâng cao vai trò của các tổ chức chính trị - xã hội, Hội Luật gia và cơ chế phối hợp trong tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật đất đai. Tăng cường hoạt động của các tổ chức chính trị - xã hội về thực hiện tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật đất đai tạo hiệu ứng lan tỏa, tích cực trong xã hội; Nâng cao năng lực cho đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật thực hiện tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật đất đai.

    Công tác phổ biến, giáo dục pháp luật về đất đai phải được tiến hành thường xuyên, liên tục với nội dung thiết thực và hình thức phù hợp đối với từng đối tượng. Việc tuyên truyền, phổ biến được thực hiện thông qua nhiều hình thức đa dạng, phong phú như hội nghị trực tiếp, trực tuyến, hội thảo, thi tìm hiểu pháp luật, phóng sự, tin bài... qua đó, từng bước nâng cao hiểu biết, nhận thức về Luật Đất đai và các văn bản hướng dẫn thi hành, tạo sự thống nhất trong tổ chức thực hiện tại các cơ quan quản lý nhà nước, cũng như người dân, doanh nghiệp, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý, sử dụng đất đai mà Luật Đất đai năm 2024 đã đề ra.

Phạm Thị Minh Thủy, Đinh Ngọc Hà, Nguyễn Thị Lý, Đinh Thu Trang,
Tô Ngọc Vũ, Lưu Lê Hường

Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường, số Chuyên đề Tiếng Việt IV/2024)

    Tài liệu tham khảo

    1. Luật Đất đai năm 2013.

    2. Luật Đất đai năm 2024.     

    3. Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật năm 2012.

    4. Đề án “Nâng cao năng lực cho đội ngũ báo cáo viên pháp luật, tuyên truyền viên pháp luật thực hiện phổ biến, giáo dục pháp luật tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2024 - 2030” theo Quyết định số 279/QĐ-TTg ngày 4/4/2024 của Thủ tướng Chính phủ.

    5. Quyết định số 222/QĐ-TTg ngày 5/3/2024 của Thủ tướng Chính phủ Ban hành Kế hoạch triển khai thi hành Luật Đất đai số 31/2024/QH15.

    6. Quyết định số 678/QĐ-BTNMT ngày 19/3/2024 của Bộ TN&MT ban hành ban hành kế hoạch thực hiện Quyết định số 222/QĐ-TTg ngày 5/3/2024 của Thủ tướng Chính phủ.

Ý kiến của bạn