Banner trang chủ
Thứ Năm, ngày 23/01/2025

Lễ phát động Quốc gia Tuần lễ biển và hải đảo Việt Nam, Tháng hành động vì môi trường năm 2024

13/06/2024

    Ngày 10/6/2024, tại TP. Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa, Bộ TN&MT phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương, Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Hội Người cao tuổi Việt Nam, Hội Cựu chiến binh Việt Nam và Ủy ban nhân dân tỉnh Khánh Hòa tổ chức Lễ phát động Quốc gia Tuần lễ biển và hải đảo Việt Nam, Tháng hành động vì môi trường năm 2024 hưởng ứng Ngày Môi trường thế giới (5/6) với chủ đề “Phục hồi đất, chống hạn hán và sa mạc hóa” và Ngày Đại dương thế giới (8/6) với chủ đề “Hiểu biết sâu sắc hơn về đại dương”.

Ngành TN&MT chủ động tham mưu ban hành nhiều chủ trương, chính sách quan trọng về quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường

Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh phát biểu tại Lễ phát động

    Phát biểu tại Lễ phát động, Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh cho biết, ngày Môi trường thế giới năm 2024 được Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP) phát động với chủ đề "Phục hồi đất, chống hạn hán và sa mạc hóa", nhằm kêu gọi cộng đồng và mọi người dân cùng chung tay hướng tới những mục tiêu phục hồi đất đai, chống sa mạc hóa và khả năng chống hạn, thích ứng, hạn chế tác động tiêu cực của quá trình biến đổi khí hậu, bảo vệ sinh thái tự nhiên, tăng cường sinh kế và an ninh lương thực quốc gia.

    Gắn với chủ đề Ngày Đại dương thế giới năm 2024 là “Hiểu biết sâu sắc hơn về đại dương”, thực hiện Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Bộ TN&MT xác định chủ đề trọng tâm của Tuần lễ biển và hải đảo Việt Nam năm nay là “Quản lý, sử dụng bền vững không gian biển” nhằm phân bổ, quản lý hiệu quả, giảm thiểu các mâu thuẫn trong khai thác, sử dụng không gian biển để đạt được các mục tiêu phát triển bền vững về kinh tế biển; bảo vệ môi trường biển, phát triển khoa học và công nghệ, bảo đảm quốc phòng, an ninh và hợp tác quốc tế hiệu quả, đóng góp to lớn vào phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững của Việt Nam.

    Theo Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh, Ngày Môi trường thế giới và Ngày Đại dương thế giới năm nay là cơ hội để cùng nhau khẳng định quyết tâm hành động, chủ động khắc phục những khó khăn, thách thức đặt ra, ngăn chặn sự gia tăng về tốc độ suy thoái tài nguyên đất, hạn chế tình trạng hạn hán, sa mạc hóa, khai thác, sử dụng bền vững, hiệu quả tài nguyên đất, biển và hải đảo, bảo đảm cân bằng sinh thái, vì mục tiêu phát triển bền vững.

    Về phía ngành TN&MT, thời gian qua, ngành đã tích cực, chủ động tham mưu cho Đảng, Nhà nước ban hành nhiều chủ trương, chính sách quan trọng về quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu và phát triển bền vững như: tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW ngày 3/6/2013 của Ban Chấp hành Trung ương về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường; tổ chức triển khai Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Cùng với đó, các quan điểm, định hướng quan trọng đã được thể chế hóa tại Luật Bảo vệ môi trường năm 2020; Luật Tài nguyên nước năm 2023; Luật Đất đai năm 2024 và đang trình Quốc hội dự thảo Luật Địa chất và Khoáng sản. Bộ cũng đã hoàn thành xây dựng, tham mưu để trình Chính phủ phê duyệt các quy hoạch, chiến lược: Quy hoạch bảo vệ môi trường quốc gia; Quy hoạch tài nguyên nước quốc gia; Quy hoạch tổng thể khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên vùng bờ; Quy hoạch không gian biển quốc gia; Chiến lược khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên, bảo vệ môi trường biển và hải đảo; Chiến lược bảo vệ môi trường quốc gia; Quy hoạch các lưu vực sông và nhiều Đề án quan trọng khác. Ngoài ra, Bộ TN&MT cùng với các ban, Bộ, ngành, địa phương đã tích cực, chủ động, đẩy mạnh tuyên truyền, từng bước nâng cao nhận thức của nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp trong bảo vệ môi trường; triển khai nhiều giải pháp bảo vệ tài nguyên đất, phòng chống hạn hán, sa mạc hoá, ngăn chặn xu hướng gia tăng ô nhiễm môi trường biển. Theo đó, nhiều chương trình, chiến dịch trồng rừng, hồi sinh nguồn nước và phục hồi đất được triển khai mạnh mẽ, điển hình là thực hiện Đề án Trồng 1 tỷ cây xanh. Bộ đã ký kết Chương trình, Kế hoạch phối hợp với các tổ chức chính trị, xã hội như: Trung ương Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam; Trung ương Hội người cao tuổi Việt Nam; Trung ương Hội Cựu chiến binh Việt Nam… để huy động mọi tầng lớp nhân dân tham gia bảo vệ môi trường, quản lý, sử dụng hiệu quả, bền vững tài nguyên và thích ứng với biến đổi khí hậu… Việc hoàn thành xây dựng các quy hoạch quốc gia, quy hoạch ngành, quy hoạch vùng và quy hoạch tỉnh của các bộ, ngành, địa phương sẽ là cơ sở quan trọng cho việc định hướng, thực hiện các hoạt động khai thác, sử dụng tài nguyên biển, hải đảo theo hướng bền vững; có ý nghĩa quan trọng trong việc tạo ra một sự thống nhất hữu cơ trong hệ thống quy hoạch phát triển đất nước, đảm bảo vững chắc quốc phòng, an ninh, chủ quyền đất nước và công tác đối ngoại.

Bốn nhiệm vụ trọng tâm góp phần giải quyết vấn đề hạn hán, sa mạc hóa, bảo vệ môi trường biển

Quang cảnh Lễ phát động

    Tại buổi Lễ, Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh kêu gọi các ban, Bộ, ngành, cơ quan đoàn thể ở Trung ương, chính quyền các địa phương, các tổ chức, doanh nghiệp và toàn thể nhân dân hãy hành động thiết thực để giải quyết vấn đề hạn hán, sa mạc hóa, góp phần bảo vệ môi trường; khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên biển và hải đảo, thích ứng với biến đổi khí hậu. Trong đó, Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh đề nghị cần tập trung một số nhiệm vụ, giải pháp:

    Một là, triển khai hiệu quả các quan điểm, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về bảo vệ môi trường, quản lý tài nguyên biển, đảo; chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu; giảm phát thải khí nhà kính; quản lý chất lượng môi trường đất, quản lý tốt rác thải nhựa đại dương; nâng cao trữ lượng các-bon thông qua bảo tồn, quản lý bền vững tài nguyên rừng; tăng cường công tác quản lý tín chỉ các-bon. Đồng thời, kiểm soát chặt chẽ các nguồn thải từ hoạt động xây dựng, công nghiệp, nông nghiệp đảm bảo chất thải phát sinh phải được xử lý đáp ứng các yêu cầu về bảo vệ môi trường và quy chuẩn kỹ thuật môi trường quốc gia về chất thải tương ứng trước khi thải ra môi trường.

    Hai là, tăng cường công tác bảo vệ môi trường, đặc biệt là vùng biển ven bờ; cải thiện, nâng cao chất lượng môi trường biển, ngăn chặn sự suy thoái tài nguyên, phát triển bền vững đa dạng sinh học biển; xử lý tốt các nguồn gây ô nhiễm môi trường từ đất liền ra biển và đại dương, giảm thiểu rác thải nhựa. Ưu tiên đầu tư, đẩy mạnh công tác điều tra cơ bản, nghiên cứu khoa học, công nghệ, phát triển nguồn nhân lực biển chất lượng cao. Tận dụng tối đa lợi thế để phát triển các ngành du lịch và dịch vụ biển để Việt Nam trở thành điểm đến hấp dẫn của thế giới; khai thác đồng bộ, hiệu quả các cảng biển và dịch vụ vận tải biển.

    Ba là, tiếp tục mở rộng và tăng cường hợp tác với các quốc gia, các đối tác, tổ chức quốc tế, khu vực về biển và đại dương trên cơ sở tôn trọng chủ quyền, quyền, các lợi ích hợp pháp của các quốc gia ven biển, các quốc gia trên lưu vực sông, tuân thủ luật pháp quốc tế, bảo đảm an ninh và an toàn nguồn nước, an toàn hàng hải, góp phần xây dựng môi trường hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển.

    Bốn là, thực hiện tốt công tác tuyên truyền, giáo dục và nâng cao nhận thức về phục hồi đất, chống hạn hán và sa mạc hóa, ý thức bảo vệ tài nguyên và môi trường biển; biến nhận thức thành ý thức tự giác và hành động cụ thể, thiết thực ở mỗi cấp, mỗi ngành, mỗi doanh nghiệp và từng cá nhân.

    Cũng tại Lễ phát động, Bộ TN&MT đã trao tặng biểu trưng cho Trung ương Hội Người cao tuổi Việt Nam, Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam; Hội Cựu chiến binh Việt Nam, Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên tại Việt Nam, UBND tỉnh Khánh Hòa vì đã có nhiều hoạt động tích cực trong công tác bảo vệ môi trường.

Hương Đỗ

Ý kiến của bạn