Banner trang chủ
Thứ Tư, ngày 22/01/2025

Kế hoạch quản lý chất lượng không khí Thành phố Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến 2035

07/11/2024

    Theo thông tin từ Sở TN&MT Hà Nội, hiện Thành phố đã xóa bỏ được hơn 99% số lượng bếp than tổ ong, giảm 80% hiện tượng đốt rơm rạ ở ngoại thành, xóa bỏ hàng trăm lò gạch thủ công, thu gom, vận chuyển rác thải hằng ngày đạt trên 90% ở tất cả khu vực trên địa bàn Thủ đô. Hà Nội cũng triển khai nhiều chương trình thí điểm đo kiểm khí thải xe mô tô, xe gắn máy cũ đang lưu hành trên địa bàn làm cơ sở nghiên cứu, đề xuất giải pháp cải thiện chất lượng không khí. Các cơ quan chức năng tăng cường kiểm tra, xử lý cơ sở sản xuất gây ô nhiễm môi trường, công trình xây dựng thi công không bảo đảm vệ sinh môi trường. Mặc dù vậy, tình trạng ô nhiễm không khí vẫn đang là vấn đề nan giải của Thành phố.

    TS. Hoàng Dương Tùng, Chủ tịch Mạng lưới không khí sạch Việt Nam cho rằng, trước tình trạng ô nhiễm không khí ở các thành phố, đô thị lớn hiện nay, nhất là tại Thành phố Hà Nội, Chính phủ, Bộ TN&MT, các Bộ, ngành liên quan cần tiếp tục hoàn thiện hệ thống chính sách, quy định pháp luật để quản lý chất lượng môi trường không khí; tập trung đầu tư, xây dựng, thiết lập mạng lưới các trạm quan trắc không khí tự động, liên tục đủ lớn, bảo đảm cho việc quan trắc, thu nhận, truyền dẫn số liệu giúp cơ quan quản lý có thể theo dõi, giám sát, cảnh báo, dự báo được chất lượng môi trường không khí, đặc biệt là tại các đô thị lớn; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức của người dân, nhất là các doanh nghiệp trong công tác BVMT nói chung, BVMT không khí nói riêng.

    Các lực lượng chức năng tập trung kiểm soát, kiểm tra, xử lý nghiêm các nguồn thải ô nhiễm, bụi phát sinh từ các hoạt động xây dựng mới và sửa chữa công trình nhà cửa, hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị; kiểm soát nguồn thải công nghiệp chặt chẽ, áp dụng các biện pháp kỹ thuật xử lý bụi phát sinh từ sản xuất công nghiệp, thủ công nghiệp ở bên trong cũng như chung quanh các khu vực đô thị; tăng cường thanh tra, kiểm tra, kiểm soát các nguồn phát thải gây ô nhiễm môi trường không khí trong lĩnh vực được giao quản lý, nhất là lĩnh vực giao thông, xây dựng, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật.

    Các chuyên gia môi trường khuyến nghị, UBND Thành phố Hà Nội chỉ đạo các cơ quan chuyên môn tập trung quan trắc, phân tích, đánh giá và kiểm soát nguồn ô nhiễm bụi mịn; bố trí ngay nguồn lực lắp đặt bổ sung các trạm quan trắc môi trường; tiến hành quan trắc thường xuyên, liên tục, định kỳ, tăng tần suất trong các thời điểm giao mùa để cung cấp các nguồn dữ liệu quan trắc chất lượng môi trường không khí chính thống cho cộng đồng, kịp thời khuyến cáo những ngày có chỉ số AQI cao, người dân hạn chế ra đường nếu không có việc thật sự cần thiết. Về lâu dài, cần tăng cường các phương tiện giao thông xanh như xe chạy bằng nhiên liệu sạch, ô tô điện, xe máy điện, đây cũng là một giải pháp lâu dài cho việc giảm thiểu ô nhiễm không khí; khuyến khích sử dụng các phương tiện công cộng như xe bus, xe điện trên cao; xây dựng kế hoạch và từng bước tiến tới thu hồi, loại bỏ phương tiện cơ giới lạc hậu, cũ nát không đủ tiêu chuẩn lưu hành gây ô nhiễm môi trường, phát triển hệ thống giao thông công cộng. Ngoài những giải pháp khắc phục ô nhiễm không khí nêu trên, cần đẩy mạnh hơn nữa việc trồng cây xanh tại công viên, hè phố để giảm tình trạng thải khí, khói bụi, góp phần làm hạ nhiệt độ và tăng sự trong lành không khí cho người dân.

Ô nhiễm không khí tại Hà Nội

    Về phía TP. Hà Nội, để tiếp tục xử lý bài toán ô nhiễm môi trường không khí, ngày 2/3/2024, UBND Thành phố đã ban hành Quyết định số 1142/QĐ-UBND về phê duyệt Kế hoạch quản lý chất lượng không khí TP. Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2035. Kế hoạch được xây dựng dựa trên những quy định tại Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, cùng các nghiên cứu khoa học, yêu cầu phát triển của thành phố và kinh nghiệm thực tiễn. Kế hoạch đã đánh giá khách quan thực trạng công tác quản lý, kiểm soát ô nhiễm không khí trong thời gian qua, từ các nghiên cứu khoa học đã chỉ ra các nguồn gây ô nhiễm chính, các giải pháp cụ thể và toàn diện, bắt đầu từ việc rà soát chính sách, đến các hành động cụ thể. Qua đó, nhằm đạt được mục tiêu giảm thiểu ô nhiễm không khí từ các nguồn phát thải chính là giao thông, xây dựng, công nghiệp.

    Kế hoạch đưa ra 5 mục tiêu cần đạt được: (i) Tăng cường công tác quản lý chất lượng môi trường không khí trên địa bàn Thành phố thông qua kiểm soát nguồn phát sinh khí thải, giám sát chất lượng không khí xung quanh, cảnh báo, dự báo nhằm cải thiện chất lượng môi trường không khí, giảm thiểu các tác động đến kinh tế, xã hội và sức khoẻ cộng đồng; xây dựng, hoàn thiện hệ thống quan trắc và cơ sở dữ liệu môi trường không khí, nhằm hỗ trợ thiết lập hệ thống tổ chức, quản lý, theo dõi, đánh giá; hỗ trợ và xây dựng hệ thống cảnh báo, dự báo về chất lượng không khí tại các khu đô thị tập trung đông dân cư và nhiều nguồn thải trên TP. Hà Nội. (ii) Kiểm soát được các nguồn phát thải từ hoạt động giao thông, công nghiệp, nông nghiệp, dân sinh và đốt mở trên địa bàn thông qua giải pháp về thể chế và kỹ thuật kiểm soát, ngăn ngừa và giảm thiểu ô nhiễm không khí từ nguồn phát thải. Xây dựng cơ chế phối hợp giữa các cấp, ngành, giữa các tỉnh, thành phố trong vùng Thủ đô nhằm thực hiện những sáng kiến cải thiện chất lượng không khí trên diện rộng. Huy động và đảm bảo các nguồn lực để thực thi hiệu quả các giải pháp cải thiện chất lượng không khí ngắn, trung và dài hạn. (iii) Phấn đấu từ 75 - 80% số ngày trong năm có chỉ số chất lượng không khí ở mức tốt và trung bình; giảm phát thải PM2.5 từ các nguồn thải chính, tổng phát thải bụi PM2.5 trên toàn thành phố giảm khoảng 20% so với năm cơ sở (năm 2019), tương đương tổng lượng phát thải giảm 6.200 tấn PM2.5. Đồng thời, duy trì và tiếp tục cải thiện các thông số SO2, NO2, CO, O3 trong môi trường không khí thành phố nằm trong giới hạn cho phép của QCVN 05:2023/BTNMT. (iv) Lộ trình thực hiện từ nay đến năm 2025 sẽ tập trung thực hiện các nhiệm vụ ưu tiên, bao gồm hoàn thiện thể chế chính sách, kiểm kê nguồn thải, giảm phát thải từ các nguồn thải chính (đặc biệt là nguồn phát thải từ giao thông, công nghiệp và nông nghiệp), ưu tiên các giải pháp ở khu vực nội đô nơi tập trung nhiều dân cư, giao thông và phát triển kinh tế; thiết lập cơ chế cảnh báo và ứng phó với ô nhiễm không khí nghiêm trọng. (v) Giai đoạn từ năm 2025 - 2030 sẽ tập trung hoàn thiện cơ sở dữ liệu, hệ thống quan trắc, thiết lập cơ chế phối hợp liên tỉnh, giảm phát thải đồng bộ từ các nguồn phát thải chính. Đồng thời, tiếp tục thực hiện hiệu quả, đồng bộ các nhiệm vụ ưu tiên theo lộ trình.

    Để thực hiện được những mục tiêu trên, kế hoạch đưa ra 7 nhiệm vụ và giải pháp cần phải triển khai: (i) Rà soát và hoàn thiện cơ chế, chính sách quản lý chất lượng không khí; (ii) Tăng cường kiểm soát phát thải từ phương tiện cơ giới tham gia giao thông; (iii) Đẩy mạnh kiểm soát phát thải từ các hoạt động sản xuất công nghiệp; (iv) Kiểm soát phát thải từ đốt phụ phẩm nông nghiệp, năng lượng, xây dựng và rác thải; (v) Thực hiện cảnh báo nguy cơ ô nhiễm không khí và hành động ứng phó với ô nhiễm không khí nghiêm trọng; (vi) Thúc đẩy hợp tác quốc tế, nghiên cứu khoa học, công nghệ và quản lý chất lượng môi trường không khí; (vii) Chú trọng công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao năng lực, nhận thức và kêu gọi sự tham gia của cộng đồng.

Vũ Hồng

Ý kiến của bạn