Banner trang chủ
Thứ Năm, ngày 23/01/2025

Hội thảo Thực hiện Khung Đa dạng sinh học toàn cầu Côn Minh - Montreal và Chiến lược đa dạng sinh học quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 ở Việt Nam

22/05/2024

    Nhằm thúc đẩy các hành động triển khai Khung đa dạng sinh học toàn cầu, kỷ niệm Ngày Quốc tế về Đa dạng sinh học 22/5/2024 với chủ đề "Hãy là một phần của Kế hoạch đa dạng sinh học" do Liên hợp quốc phát động, Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp với UBND tỉnh Quảng Nam tổ chức Hội thảo “Thực hiện Khung đa dạng sinh học toàn cầu Côn Minh – Montreal (GBF) và chiến lược đa dạng sinh học quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 ở Việt Nam (NBSAP)”. Hội thảo là diễn đàn để các cơ quan Trung ương và địa phương, các tổ chức bảo tồn trong  nước và quốc tế, các chuyên gia, nhà khoa học cùng đánh giá tiến độ cũng như những cơ hội và thách thức đối với các mục tiêu rất cấp bách của GBF và NBSAP. Thứ trưởng Bộ TN&MT Lê Công Thành đã chủ trì Hội thảo.

Quang cảnh Hội thảo

    Phát biểu khai mạc Hội thảo, Thứ trưởng Bộ TN&MT Lê Công Thành cho biết, Hội nghị lần thứ 15 các bên tham gia Công ước Đa dạng sinh học (COP 15) được Liên hợp quốc tổ chức vào tháng 12/2022 tại thành phố Montreal, Canada đã thông qua Khung Đa dạng sinh học toàn cầu Côn Minh-Montreal (GBF), đặt ra các mục tiêu và biện pháp để khẩn trương đảo ngược lại quá trình suy giảm đa dạng sinh học đang diễn ra nhanh chóng trên toàn cầu trong các thập kỉ vừa qua. Các mục tiêu của Khung Đa dạng sinh học toàn cầu đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 hướng đến sự toàn vẹn, kết nối và phục hồi của các hệ sinh thái, dừng lại sự tuyệt chủng gây ra bởi con người đến các loài nguy cấp, duy trì sự đa dạng của các nguồn gen; giá trị đa dạng sinh học phải được sử dụng, quản lý và đảm bảo đóng góp của thiên nhiên cho con người không chỉ hiện tại mà trong cả tương lai; thúc đẩy các cơ chế tài chính, tăng cường năng lực thực thi, hợp tác khoa học kĩ thuật, chuyển giao công nghệ nhằm đảm bảo thực hiện thành công Khung đa dạng sinh học toàn cầu. Khung Đa dạng sinh học toàn cầu Côn Minh-Montreal (GBF) và các nỗ lực của Công ước Đa dạng sinh học (CBD) nhằm thúc đẩy quyết tâm của các quốc gia và đẩy nhanh các hành động khẩn cấp nhằm đảo ngược tình trạng suy thoái đa dạng sinh học trên toàn cầu.

    Việt Nam là một trong 12 trung tâm đa dạng sinh học, một trong 16 quốc gia sở hữu sự đa dạng sinh học cao nhất trên toàn cầu với các nguồn gen quý, hiếm. Tuy nhiên, Việt Nam đang phải đối mặt với tình trạng suy thoái nhanh về đa dạng sinh học cùng với những thách thức to lớn khác như ô nhiễm môi trường, suy thoái đất đai, rác thải nhựa đại dương và những ảnh hưởng cực đoan của biến đổi khí hậu. Thực trạng đó đòi hòi cơ quan quản lý và người dân phải nhận thức rõ hơn tầm quan trọng của việc bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học, bảo vệ môi trường, bảo đảm hài hòa mối quan hệ giữa con người và thiên nhiên.

    Tại Hội nghị COP 15, Bộ Tài nguyên và Môi trường đại diện cho Chính phủ đã thể hiện ủng hộ GBF và cam kết sẽ cùng với các quốc gia trên thế giới thực hiện hiện các mục tiêu GBF đã đề ra. Chiến lược quốc gia về đa dạng sinh học đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và được thực hiện trên phạm vi cả nước, thể hiện rõ trách nhiệm của quốc gia trước các vấn đề môi trường toàn cầu và sự quyết tâm của Chính phủ Việt Nam trong công tác bảo tồn đa dạng sinh học và phục hồi các giá trị tự nhiên. Hội nghị COP 16 dự kiến sẽ được tổ chức vào cuối năm nay yêu cầu các quốc gia cập nhật tiến độ triển khai Khung GBF tại quốc gia.

    Tại Hội thảo, các đại biểu đã cùng trao đổi, thảo luận về tiến trình thực hiện của Việt Nam đối với các mục tiêu của Khung GBF, tiến độ, khó khăn, hạn chế và nhu cầu hỗ trợ để Việt Nam có thể triển khai và đóng góp vào các mục tiêu chung của GBF; tiến độ thực hiện Chiến lược và chia sẻ những bài học kinh nghiệm của các Bộ ngành, địa phương, các tổ chức bảo tồn; và đề xuất các sáng kiến, giải pháp nhằm thúc đẩy thực hiệu Khung đa dạng sinh học toàn cầu và Chiến lược ĐDSH quốc gia tại Việt Nam; xác định các cơ hội hợp tác, các biện pháp huy động nguồn lực và sự tham gia của các bên liên quan để thực hiện các mục tiêu quốc gia và mục tiêu toàn cầu về đa dạng sinh học.

Nguyễn Hằng

 

 

Ý kiến của bạn