Banner trang chủ
Thứ Hai, ngày 19/05/2025

Hội thảo tập huấn hướng dẫn kỹ thuật lập đề án chi trả dịch vụ hệ sinh thái tự nhiên cấp cơ sở cho hệ sinh thái biển và hệ sinh thái đất ngập nước tại Việt Nam

16/05/2025

    Ngày 16/5/2025, tại Hà Nội, Viện Chiến lược, Chính sách nông nghiệp và môi trường (ISPAE) phối hợp với Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tổ chức Hội thảo tập huấn Hướng dẫn kỹ thuật lập đề án chi trả dịch vụ hệ sinh thái (DVHST) tự nhiên cấp cơ sở cho hệ sinh thái biển và hệ sinh thái đất ngập nước tại Việt Nam (Hướng dẫn kỹ thuật).

Ông Nguyễn Đình Thọ, Phó Viện trưởng ISPAE phát biểu khai mạc Hội thảo

    Hội thảo là dịp quan trọng để giới thiệu Bộ tài liệu Hướng dẫn lập đề án chi trả DVHST tới các cán bộ chuyên trách tại địa phương, đồng thời là diễn đàn mở để chia sẻ kinh nghiệm, bài học và những thách thức trong quá trình xây dựng đề án tại các địa phương. Đây là bước đi thiết thực nhằm hỗ trợ triển khai hiệu quả chính sách chi trả DVHST theo quy định tại Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 và Nghị định số 08/2022/NĐ-CP, góp phần tạo ra nguồn lực bền vững cho công tác bảo tồn thiên nhiên. 

    Tới dự Hội thảo có ông Nguyễn Đình Thọ, Phó Viện trưởng ISPAE; ông Vũ Thái Trường, Trưởng phòng Biến đổi khí hậu và Môi trường, UNDP Việt Nam; đại diện các viện nghiên cứu, các cơ quan quản lý đến từ Sở Nông nghiệp và Môi trường các địa phương, đặc biệt là các cán bộ các khu bảo tồn biển và đất ngập nước trên 3 miền cả nước: Vườn Quốc gia Ba Bể, Vườn Quốc gia Xuân Thủy, Vườn Quốc gia Cát Bà, Khu Bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Vân Long, Khu Bảo tồn biển Cù Lao Chàm, Khu Bảo tồn biển Vịnh Nha Trang, Vườn Quốc gia Cát Tiên, Vườn Quốc gia Núi Chúa, Vườn Quốc gia U Minh Thượng, Khu Bảo tồn Đất ngập nước Láng Sen, Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau.

    Phát biểu khai mạc Hội thảo, ông Nguyễn Đình Thọ, Phó Viện trưởng ISPAE cho biết, chi trả dịch vụ môi trường rừng (DVMTR) là một chính sách có tính chiến lược và đột phá của Việt Nam trong việc tạo ra thay đổi về mặt tư duy, nhận thức về mối quan hệ giữa chủ rừng với vai trò là bên cung ứng DVMTR và các cá nhân, tổ chức sử dụng DVMTR như là đầu vào quan trọng cho các hoạt động sản xuất, kinh doanh, qua đó huy động được nguồn lực xã hội to lớn cho công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng. Từ những năm 2010, Chính sách Chi trả DVMTR đã được thể chế hoá trong nhiều văn bản pháp lý và triển khai rộng rãi trên toàn quốc. Tính đến hết năm 2023, tổng số tiền chi trả DVMTR thu được đã lên tới 26.402 tỷ đồng (trung bình 2.030 tỷ đồng/năm) và tổng diện tích rừng được chi trả lên tới 7,17 triệu ha (tương đương với 48% tổng diện tích rừng cả nước).

Ông Vũ Thái Trường, Trưởng phòng Biến đổi khí hậu và Môi trường, UNDP Việt Nam phát biểu tại Hội thảo

    Tiếp nối thành công của chính sách Chi trả DVMTR, Chính phủ Việt Nam đã ban hành chính sách về Chi trả DVHST tại Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 và Nghị định số 08/2022/NĐ-CP ngày 10/1/2022  nhằm tạo ra nguồn thu cho việc bảo tồn, phục hồi các hệ sinh thái (HST) tự nhiên, bảo tồn thiên nhiên hoang dã. Theo đó, các DVHST tự nhiên được chi trả bao gồm: DVMTR của hệ sinh thái rừng áp dụng theo quy định của pháp luật về lâm nghiệp; dịch vụ HST đất ngập nước (ĐNN) phục vụ mục đích kinh doanh du lịch, giải trí, nuôi trồng thuỷ sản (NTTS); dịch vụ HST biển phục vụ mục đích kinh doanh du lịch, giải trí, NTTS; dịch vụ HST núi đá, hang động và công viên địa chất phục vụ mục đích kinh doanh du lịch, giải trí; DVHST tự nhiên phục vụ mục đích hấp thụ và lưu trữ các-bon. Nghị định số 08/2022/NĐ-CP cũng quy định tổ chức, cá nhân cung ứng dịch vụ HST tự nhiên có trách nhiệm lập Đề án chi trả DVHST tự nhiên cấp cơ sở cho khu vực áp dụng chi trả DVHST tự nhiên. Ngoài ra, Nghị định này còn quy định nội dung chính của Đề án chi trả DVHST tự nhiên cấp cơ sở bao gồm: tên gọi, địa danh của HST tự nhiên; thông tin chung về khu vực cung ứng dịch vụ HST tự nhiên; các loại hình dịch vụ HST tự nhiên được cung ứng; danh sách tổ chức, cá nhân sử dụng DVHST tự nhiên; các biện pháp bảo tồn, duy trì và phát triển HST tự nhiên; dự kiến mức chi trả, hình thức chi trả và phương án sử dụng nguồn thu từ chi trả DVHST tự nhiên.

    Trong bối cảnh đó, việc xây dựng hướng dẫn kỹ thuật lập Đề án Chi trả DVHST tự nhiên là vô cùng cần thiết để triển khai thực hiện quy định của Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 và Nghị định số 08/2022/NĐ-CP. Theo đó, ISPAE được Bộ Nông nghiệp và Môi trường giao thực hiện nhiệm vụ “Xây dựng tài liệu kỹ thuật hướng dẫn lập Đề án chi trả DVHST tự nhiên cấp tỉnh và cấp cơ sở” với mục tiêu xây dựng tài liệu kỹ thuật hướng dẫn lập đề án chi trả DVHST tự nhiên cấp tỉnh và cấp cơ sở. Cũng trong thời gian này (2024 - 2025), UNDP và ISPAE đã đồng hành trong việc xây dựng Hướng dẫn kỹ thuật về lập đề án chi trả DVHST áp dụng cho hệ sinh thái biển và đất ngập nước tại cấp cơ sở. Một kết quả cụ thể là Đề án thí điểm tại Vườn quốc gia Tràm Chim - một mô hình thực tiễn có thể nhân rộng cho các khu bảo tồn biển và đất ngập nước trong tương lai.

Các đại biểu thảo luận nhóm

    Ông Vũ Thái Trường, Trưởng phòng Biến đổi khí hậu và Môi trường, UNDP Việt Nam cho biết thêm: “Trong bối cảnh ngân sách công còn hạn chế, biến đổi khí hậu, suy thoái môi trường và mất đa dạng sinh học diễn ra ngày càng nhanh, chi trả DVHST là một công cụ chính sách đột phá - giúp huy động nguồn lực xã hội cho bảo tồn, đồng thời gắn kết trách nhiệm giữa người cung ứng và người sử dụng DVHST. Hơn cả một công cụ chính sách, chi trả DVHST chính là cầu nối giữa bảo tồn môi trường và phát triển kinh tế. Cơ chế này giúp gắn kết lợi ích kinh tế với trách nhiệm bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, qua đó thúc đẩy sự tham gia tích cực của cộng đồng và các bên liên quan. Đây cũng là bước đi cụ thể nhằm hiện thực hóa Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 và các chính sách phát triển bền vững của quốc gia”.

Quang cảnh Hội thảo

    Tại Hội thảo, các đại biểu đã được nghe 4 báo cáo về mục tiêu, nguyên tắc và lưu ý chính Hướng dẫn kỹ thuật lập Đề án chi trả DVHST (DVHST) tự nhiên cấp tỉnh và cấp cơ sở; Hướng dẫn kỹ thuật lập đề án chi trả DVHST tự nhiên cấp cơ sở; Xây dựng thí điểm Đề án cấp cơ sở tại VQG Tràm Chim - huy động sự tham gia và phối hợp của các bên liên quan, các rào cản và giải pháp tại địa phương; Đề án chi trả DVHST đối với HST ĐNN tại VQG Tràm Chim. Sau đó, các đại biểu được chia nhóm thực hành việc áp dụng Hướng dẫn kỹ thuật lập đề án chi trả DVHST tự nhiên cấp cơ sở cho hệ sinh thái biển và hệ sinh thái đất ngập nước tại Việt Nam cho các khu bảo tồn tại địa phương. Đồng thời trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm, bài học và thách thức từ các địa phương trong việc xây dựng đề án chi trả DVHST. Qua đó, các đại biểu đã được trang bị kiến thức và kỹ năng cần thiết để nắm vững quy trình, cũng như cách áp dụng hướng dẫn vào thực tiễn. 

Nguyễn Hằng

Ý kiến của bạn