Banner trang chủ
Thứ Tư, ngày 22/01/2025

Hội nghị COP 16: Các quốc gia cam kết cùng hành động hướng tới mục tiêu phục hồi đất đai toàn cầu, ngăn chặn sa mạc hóa

10/12/2024

    Hội nghị các bên tham gia thực hiện Công ước chống sa mạc hóa của Liên hợp quốc lần thứ 16 (COP 16) diễn ra tại Riyadh, Ả Rập Xê Út, từ ngày 2-13/12/2024, nhằm kêu gọi các nỗ lực toàn cầu tăng cường khả năng phục hồi sau hạn hán. Đoàn đại biểu của Việt Nam do Cục trưởng Cục Lâm nghiệp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trần Quang Bảo làm trưởng đoàn tham dự Hội nghị.

Đoàn Việt Nam làm việc với Thứ trưởng Lâm nghiệp Hàn Quốc Mira Lee tại COP 16

    Sự kiện này đánh dấu kỷ niệm 30 năm của Công ước Liên hợp quốc về chống sa mạc hóa (UNCCD), cũng là Hội nghị tập trung vào đất đai lớn nhất của Liên hợp quốc cho đến nay.

    COP 16 với chủ đề “Đất đai của chúng ta. Tương lai của chúng ta” (Our land. Our future) được kỳ vọng trở thành một cột mốc quan trọng và khoảnh khắc đột phá để nâng cao tham vọng toàn cầu, đẩy nhanh hành động về khả năng phục hồi đất đai và hạn hán thông qua cách tiếp cận lấy con người làm trung tâm.

    Trong bối cảnh bùng nổ dân số, đô thị hóa mạnh mẽ, quỹ đất sản xuất suy giảm, ô nhiễm môi trường ngày càng trở nên nghiêm trọng chính là thời khắc quan trọng để chúng ta nhìn nhận lại một số vấn đề về tài nguyên và sử dụng bền vững tài nguyên, đặc biệt là tài nguyên đất. Đất là tư liệu sản xuất quan trọng bậc nhất, là tài nguyên và xét ở một góc độ nào đó, có thể ví đất như một “di sản” ngàn đời mà tạo hóa ban tặng và cần đặc biệt gìn giữ và bảo vệ. Một cách khái quát nhất thì đất như ngày nay ta thấy chính là kết quả của một quá trình sinh địa hóa kéo dài hàng triệu năm, trong đó các vật liệu cơ bản gồm có khoáng vật (từ đá) và chất hữu cơ (từ sinh vật). Đất biến đổi theo thời gian và chịu tác động bởi rất nhiều yếu tố, trong đó có cả các tác động của con người. Khai thác và sử dụng không hợp lý sẽ dẫn đến suy thoái đất, suy giảm sức sản xuất của đất và gia tăng rủi ro về an ninh lương thực và an toàn thực phẩm. Vì vậy, rất cần những hành động thiết thực, ngay lập tức để bảo vệ đất - bảo vệ di sản ngàn đời của tự nhiên.

    Tại Hội nghị, Ban thư ký Công ước đã nhấn mạnh “Tương lai của đất đai đang bị đe dọa. Chúng ta đang làm suy thoái 100 triệu ha đất lành sản xuất và màu mỡ mỗi năm. Đất đai của chúng ta đang dần bị suy thoái. Hạn hán diễn ra ngày càng nghiêm trọng và thường xuyên hơn, tác động đầu tiên và nặng nề nhất tới phụ nữ và trẻ em gái. Ba trong số bốn người trên thế giới được dự đoán sẽ phải đối mặt với tình trạng thiếu nước vào năm 2050”.

    Không có khu vực nào miễn nhiễm với hạn hán, nhưng tất cả các quốc gia đều có thể chuẩn bị để nâng cao khả năng chống chịu trước các tác động của hạn hán. Trong bối cảnh đó, các quốc gia đang trao đổi để cùng nhau đạt được một thỏa thuận chung để giải quyết tình trạng hạn hán ngày càng trầm trọng một cách toàn diện, để các cộng đồng bị ảnh hưởng nặng nề nhất có thể đóng góp một cách sáng tạo và thúc đẩy các khoản đầu tư mới vào khả năng ứng phó và phục hồi sau hạn hán.

    Phó Tổng Thư ký Liên hợp quốc Amina J. Mohammed nhấn mạnh, 40% diện tích đất trên thế giới đang bị suy thoái và kêu gọi COP 16 ưu tiên tăng cường hợp tác quốc tế để đảo ngược tình trạng suy thoái đất và thúc đẩy phục hồi các vùng đất bị thoái hóa; đẩy mạnh nỗ lực phục hồi, qua đó thúc đẩy phát triển bền vững; và ưu tiên đầu tư tài chính vào việc chống hạn hán và sa mạc hóa.

    Các bên đều thống nhất cho rằng, suy thoái đất, hạn hán không chỉ là vấn đề môi trường mà nó còn làm tăng nguy cơ suy giảm sức khỏe con người và sự lây lan của các bệnh mới. Các quốc gia sẽ cùng nhau đẩy nhanh các nỗ lực nhằm quản lý và phục hồi đất đai một cách bền vững như một động lực chính của tăng trưởng kinh tế, thịnh vượng và phúc lợi, và thúc đẩy các Mục tiêu Phát triển Bền vững.

    Để giải quyết vấn đề này, COP 16 nhấn mạnh biện pháp tiếp cận lấy con người làm trung tâm; đồng thời, cần có sự công bằng hơn và đảm bảo quyền đất đai an toàn để bảo vệ và phục hồi đất đai đang bị suy thoái nhanh chóng. Các quốc gia đồng thuận việc sẽ cùng nhau hợp nhất các cam kết và hành động để bảo đảm quyền đối với đất đai, thúc đẩy công bằng xã hội và liên thế hệ và đảm bảo rằng những người phụ thuộc nhiều nhất vào đất đai là một phần không thể thiếu của quá trình ra quyết định của Công ước.

    Trong khuôn khổ COP 16, Trưởng đoàn Việt Nam đã có buổi làm việc với Thứ trưởng Lâm nghiệp Hàn Quốc Mira Lee, để trao đổi và thúc đẩy hợp tác, ủng hộ lẫn nhau trong lĩnh vực trổng rừng, bảo tồn đa dạng sinh học và các hoạt động liên quan đến lâm nghiệp. Đoàn Việt Nam cũng có các hoạt động trao đổi kinh nghiệm với các nước và các đối tác liên quan về các giải pháp thúc đẩy sử dụng đất nông lâm nghiệp bền vững nhằm chống sa mạc hóa, suy thoái đất và hạn hán.

COP 16 với chủ đề “Đất đai của chúng ta. Tương lai của chúng ta - Our land. Our future”

    Việt Nam tham gia và chính thức là nước thành viên Công ước UNCCD vào ngày 25/8/1998. Tham dự COP16, Việt Nam cũng đã bày tỏ mong đợi một quyết định có ý nghĩa về các hành động chính sách về đất đai trong tương lai của UNCCD, đặc biệt là vấn đề suy thoái đất ở các nước có nền nông nghiệp phát triển như các nước Đông Nam Á trong đó có Việt Nam. Đã đến lúc chúng ta cần quan tâm đến sức khỏe của đất, bảo về diện tích đất có thổ nhưỡng tốt khỏi bị suy thoái trước việc canh tác quá mức của con người và sự hà khắc của khí hậu dẫn đến nguy cơ sa mạc hóa.

    Công ước của Liên hợp quốc về chống sa mạc hóa (UNCCD) là tiếng nói toàn cầu về đất đai. UNCCD là một trong ba hiệp ước chính của Liên hợp quốc được gọi là Công ước Rio, bên cạnh Công ước chống biến đổi khí hậu và Công ước đa dạng sinh học. Với tiêu chí “Chúng ta không thể ngăn chặn cuộc khủng hoảng khí hậu hôm nay, mất đa dạng sinh học vào ngày mai và suy thoái đất vào ngày hôm sau”. Chúng ta cần giải quyết tất cả những vấn đề này cùng nhau và đất đai lành mạnh là trọng tâm để đạt được các mục tiêu phát triển bền vững, thiên nhiên và khí hậu toàn cầu.

   Công ước kêu gọi sự chung tay của các Chính phủ, các nhà khoa học, nhà hoạch định chính sách, khu vực tư nhân và cộng đồng một tầm nhìn chung nhằm khôi phục và quản lý đất đai của thế giới. Công việc này rất quan trọng để đảm bảo tính bền vững của hành tinh và sự thịnh vượng cho các thế hệ tương lai.

  Châu Loan

Ý kiến của bạn