Banner trang chủ
Thứ Ba, ngày 21/01/2025

Hà Nội: Đẩy mạnh các giải pháp nhằm thực hiện hiệu quả Kế hoạch quản lý chất lượng không khí đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2035

10/01/2025

    Theo thông tin từ Sở TN&MT Hà Nội, có 40% dân số đang sinh sống và làm việc tại Thủ đô (khoảng 3,5 triệu người) bị ảnh hưởng trực tiếp bởi nồng độ bụi trên 45 µg/m3, cao gấp 5 lần tiêu chuẩn của WHO. Khi tiếp xúc lâu với bụi mịn PM2.5, người dân sẽ dễ mắc bệnh tim do thiếu máu cục bộ (IHD), tai biến mạch máu não (đột qụy), phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD), ung thư phổi (LC), nhiễm khuẩn hô hấp cấp tính (ALRI), tiểu đường type 2 ở người trưởng thành.

    Để giải quyết bài toán ô nhiễm không khí, ngày 2/3/2024, UBND TP. Hà Nội đã ban hành Quyết định số 1142/QĐ-UBND về phê duyệt Kế hoạch quản lý chất lượng không khí trên địa bàn Thành phố đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2035. Kế hoạch xây dựng dựa trên những quy định tại Luật BVMT năm 2020, cùng các nghiên cứu khoa học, yêu cầu phát triển của Thành phố và kinh nghiệm thực tiễn. Kế hoạch đã đánh giá khách quan thực trạng công tác quản lý, kiểm soát ô nhiễm không khí trong thời gian qua, từ các nghiên cứu khoa học đã chỉ ra những nguồn gây ô nhiễm chính, đưa ra giải pháp cụ thể và toàn diện, bắt đầu từ việc rà soát chính sách, đến hành động cụ thể, nhằm đạt được mục tiêu giảm thiểu ô nhiễm không khí từ các nguồn phát thải chính là giao thông, xây dựng, công nghiệp.

    Phó Chi cục trưởng Chi cục BVMT Hà Nội Lưu Thị Thanh Chi cho biết, Thành phố đã xóa được hơn 99% số lượng bếp than tổ ong; giảm 80% hiện tượng đốt rơm rạ ở ngoại thành; xóa bỏ hàng trăm lò gạch thủ công; thu gom, vận chuyển rác thải hằng ngày đạt trên 90% ở tất cả khu vực trên địa bàn Thủ đô. Cùng với đó, triển khai thí điểm đo kiểm khí thải xe mô tô, xe gắn máy cũ đang lưu hành trên địa bàn làm cơ sở nghiên cứu; đề xuất giải pháp cải thiện chất lượng không khí; tăng cường kiểm tra, xử lý cơ sở sản xuất gây ô nhiễm môi trường, các công trình xây dựng thi công không bảo đảm vệ sinh môi trường... Hà Nội cũng đã ban hành nhiều chương trình phát triển theo hướng kinh tế xanh, đẩy mạnh các biện pháp giảm phát thải các-bon và nâng cao chất lượng sống, góp phần vào mục tiêu quốc gia về phát thải bằng “0” vào năm 2050. Với quyết tâm này, Hà Nội đã trình Quốc hội ban hành Luật Thủ đô (sửa đổi), trong đó có quy định tiêu chí và thủ tục xác định vùng phát thải thấp, nhằm hạn chế các phương tiện giao thông gây ô nhiễm và đã xây dựng Kế hoạch quản lý chất lượng không khí đến năm 2030, tầm nhìn 2035. Tuy nhiên, tình trạng ô nhiễm không khí vẫn đang là vấn đề cấp bách của Thành phố; các kết quả quan trắc gần đây cho thấy, số ngày chỉ số chất lượng không khí ở mức kém và xấu chiếm tỉ lệ hơn 30% tổng số ngày quan trắc trong năm. Nồng độ bụi PM2.5 trung bình năm tại Hà Nội vượt khoảng gần 2 lần quy chuẩn kỹ thuật quốc gia. Trong đó, giao thông - vận tải đang là nguồn phát thải PM2.5 lớn nhất (chiếm 50 - 70%), tiếp đến từ nguồn sản xuất công nghiệp (14 - 23%), còn lại là từ các nguồn sản xuất nông nghiệp và dân sinh.

    Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Trọng Đông cho rằng, cùng với quá trình đô thị hóa và mở rộng địa giới hành chính, Hà Nội hiện là một trong 17 đô thị lớn nhất thế giới. Thành phố đang phải đối mặt với các vấn đề nghiêm trọng về ô nhiễm môi trường và biến đổi khí hậu, ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng sống và sự phát triển bền vững. Hiện tại, Hà Nội có dân số hơn 9 triệu người, trong đó dân số đô thị chiếm hơn 40%. Thành phố có 10 khu công nghiệp, khoảng 1.300 làng nghề, hơn 7 triệu xe máy và hơn 600.000 ô tô. Mỗi ngày, Hà Nội tiêu thụ khoảng 80 triệu KWh điện và hàng triệu lít xăng, dầu, chưa kể đến tình trạng đốt phụ phẩm nông nghiệp và rác thải tự phát diễn ra thường xuyên - các nguồn phát thải lớn, gây ô nhiễm không khí nghiêm trọng. Theo thông tin từ ứng dụng theo dõi, dự báo chất lượng không khí IQAir, Hà Nội đang chịu tác động của ô nhiễm không khí và bụi mịn ở mức độ cao. Chỉ số AQI có lúc đã vượt quá 300 (cảnh báo đỏ đậm) và nhiều khu vực ở mức trên 200 (cảnh báo tím). Đáng nói, có những thời điểm, Hà Nội đứng ở nhóm đầu bảng xếp hạng các thành phố có ô nhiễm không khí nhất trên thế giới.

Ô nhiễm không khí tại Hà Nội thời gian gần đây luôn ở tình trạng báo động

    Kế hoạch quản lý chất lượng không khí TP. Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2035 đặt ra mục tiêu Hà Nội sẽ thành công giảm thiểu tối đa ô nhiễm không khí, bảo đảm chất lượng không khí ở mức tốt và trung bình theo chỉ số AQI ít nhất 75% số ngày trong năm; giảm phát thải PM2.5 từ các nguồn thải chính; tổng phát thải bụi PM2.5 trên toàn Thành phố giảm khoảng 20% so với năm cơ sở (năm 2019), tương đương tổng lượng phát thải giảm 6.200 tấn PM2.5. Cụ thể, Kế hoạch đưa ra 5 mục tiêu cần đạt được: (i) Tăng cường công tác quản lý chất lượng môi trường không khí trên địa bàn Thành phố thông qua kiểm soát nguồn phát sinh khí thải, giám sát chất lượng không khí xung quanh, cảnh báo, dự báo nhằm cải thiện chất lượng môi trường không khí, giảm thiểu các tác động đến kinh tế, xã hội và sức khoẻ cộng đồng; xây dựng, hoàn thiện hệ thống quan trắc và cơ sở dữ liệu môi trường không khí, nhằm hỗ trợ thiết lập hệ thống tổ chức, quản lý, theo dõi, đánh giá; hỗ trợ và xây dựng hệ thống cảnh báo, dự báo về chất lượng không khí tại các khu đô thị tập trung đông dân cư và nhiều nguồn thải trên TP. Hà Nội. (ii) Kiểm soát được các nguồn phát thải từ hoạt động giao thông, công nghiệp, nông nghiệp, dân sinh và đốt mở trên địa bàn thông qua giải pháp về thể chế và kỹ thuật kiểm soát, ngăn ngừa và giảm thiểu ô nhiễm không khí từ nguồn phát thải. Xây dựng cơ chế phối hợp giữa các cấp, ngành, giữa các tỉnh, thành phố trong vùng Thủ đô nhằm thực hiện những sáng kiến cải thiện chất lượng không khí trên diện rộng. Huy động và đảm bảo các nguồn lực để thực thi hiệu quả các giải pháp cải thiện chất lượng không khí ngắn, trung và dài hạn. (iii) Phấn đấu từ 75 - 80% số ngày trong năm có chỉ số chất lượng không khí ở mức tốt và trung bình; giảm phát thải PM2.5 từ các nguồn thải chính, tổng phát thải bụi PM2.5 trên toàn thành phố giảm khoảng 20% so với năm cơ sở (năm 2019), tương đương tổng lượng phát thải giảm 6.200 tấn PM2.5. Đồng thời, duy trì và tiếp tục cải thiện các thông số SO2, NO2, CO, O3 trong môi trường không khí thành phố nằm trong giới hạn cho phép của QCVN 05:2023/BTNMT. (iv) Lộ trình thực hiện từ nay đến năm 2025 sẽ tập trung thực hiện các nhiệm vụ ưu tiên, bao gồm hoàn thiện thể chế chính sách, kiểm kê nguồn thải, giảm phát thải từ các nguồn thải chính (đặc biệt là nguồn phát thải từ giao thông, công nghiệp và nông nghiệp), ưu tiên các giải pháp ở khu vực nội đô nơi tập trung nhiều dân cư, giao thông và phát triển kinh tế; thiết lập cơ chế cảnh báo và ứng phó với ô nhiễm không khí nghiêm trọng. (v) Giai đoạn từ năm 2025 - 2030 sẽ tập trung hoàn thiện cơ sở dữ liệu, hệ thống quan trắc, thiết lập cơ chế phối hợp liên tỉnh, giảm phát thải đồng bộ từ các nguồn phát thải chính. Đồng thời, tiếp tục thực hiện hiệu quả, đồng bộ các nhiệm vụ ưu tiên theo lộ trình.

    Để thực hiện được những mục tiêu trên, kế hoạch đưa ra 7 nhiệm vụ và giải pháp cần phải triển khai: (i) Rà soát và hoàn thiện cơ chế, chính sách quản lý chất lượng không khí; (ii) Tăng cường kiểm soát phát thải từ phương tiện cơ giới tham gia giao thông; (iii) Đẩy mạnh kiểm soát phát thải từ các hoạt động sản xuất công nghiệp; (iv) Kiểm soát phát thải từ đốt phụ phẩm nông nghiệp, năng lượng, xây dựng và rác thải; (v) Thực hiện cảnh báo nguy cơ ô nhiễm không khí và hành động ứng phó với ô nhiễm không khí nghiêm trọng; (vi) Thúc đẩy hợp tác quốc tế, nghiên cứu khoa học, công nghệ và quản lý chất lượng môi trường không khí; (vii) Chú trọng công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao năng lực, nhận thức và kêu gọi sự tham gia của cộng đồng.

    Tuy vậy, ô nhiễm không khí là vấn đề xuyên biên giới, do đó, Thành phố mong muốn sẽ tiếp tục nhận được sự hợp tác chặt chẽ từ các bên liên quan như: Chính quyền, doanh nghiệp, người dân, các tổ chức phi chính phủ trong nước, quốc tế... Hà Nội đề xuất Bộ TN&MT xây dựng cơ chế phối hợp giữa các Bộ, ngành, địa phương trong trao đổi dữ liệu về ô nhiễm không khí và xử lý ô nhiễm liên vùng, liên tỉnh. Đồng thời, đề nghị triển khai Quyết định số 224/QĐ-TTg ngày 7/3/2024 và Quyết định số 611/QĐ-TTg ngày 8/7/2024 của Thủ tướng Chính phủ về quy hoạch quan trắc, BVMT quốc gia, hướng dẫn các tỉnh xây dựng hệ thống cảnh báo, dự báo chất lượng không khí và các kịch bản ứng phó khi có ô nhiễm nghiêm trọng.

    Về phía Bộ Giao thông Vận tải, Hà Nội mong muốn sớm trình lộ trình áp dụng tiêu chuẩn khí thải quốc gia đối với phương tiện cơ giới, ban hành quy định nhận diện xe sử dụng năng lượng sạch và thân thiện với môi trường theo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ năm 2024. Đối với Bộ Công an, đề nghị tăng cường kinh phí, trang thiết bị và nhân lực cho việc thu thập, kiểm định khí thải để phục vụ công tác điều tra, xử lý các hành vi vi phạm về khí thải gây ô nhiễm không khí. Đồng thời, đề nghị Bộ Xây dựng chỉ đạo các Tổng Công ty thuộc Bộ đầu tư và chuyển đổi sang sản xuất, sử dụng vật liệu xây dựng không nung, thay thế các vật liệu nung truyền thống, góp phần giảm thiểu phát thải, BVMT không khí... Hà Nội cũng cam kết thực hiện mạnh mẽ các biện pháp trong Kế hoạch quản lý chất lượng không khí với mong muốn xây dựng thành phố xanh, sạch, lành mạnh...

Thu Hằng

Ý kiến của bạn