Banner trang chủ
Thứ Năm, ngày 23/01/2025

Gặp gỡ người tiên phong về thiết kế sản xuất các bộ pin Lithium và trạm sạc, hướng tới một Việt Nam xanh bền vững

24/07/2024

    Là một trong những quốc gia chịu tác động lớn nhất từ biến đổi khí hậu, Việt Nam đang phải đối mặt với những thách thức năng lượng đáng kể để duy trì phát triển kinh tế - xã hội. Tại Hội nghị Hội nghị Công ước khung Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu lần thứ 26 (COP26), Việt Nam đã cam kết đạt mục tiêu phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050. Để thực hiện được mục tiêu đầy tham vọng này, Việt Nam đã và đang triển khai nhiều chính sách chuyển dịch năng lượng, trong đó tập trung chủ yếu vào chuyển dịch sang các nguồn năng lượng tái tạo và nghiên cứu các công nghệ mới. Trong đó, pin Lithium là một phần không thể thiếu trong thời đại công nghệ kỹ thuật số, đồng thời là "chìa khóa" mở ra tương lai không sử dụng nhiên liệu hóa thạch, góp phần giảm thiểu những tác động của biến đổi khí hậu toàn cầu. Để tìm hiểu rõ hơn về công nghệ sản xuất pin Lithium, phóng viên Tạp chí Môi trường đã có cuộc trao đổi với ông Phạm Văn Kiên - Người sáng lập Công ty CP PKG Battery (PKG Battery), cũng là người tiên phong về thiết kế sản xuất bộ pin Lithium và trạm sạc dành cho các loại xe điện chuyên phục vụ cho các cơ sở sản xuất công nghiệp, du lịch tại Việt Nam, giúp giải quyết bài toán sử dụng năng lượng xanh trong sản xuất và kinh doanh còn mới mẻ hiện nay.

Gian hàng trưng bày của PKG Battery tại Hội chợ Triển lãm quốc tế Công nghệ Năng lượng - Môi trường Hà Nội năm 2024 (ENTECH HANOI 2024) ngày 26-28/6/2024, tại Hà Nội

    Dưới góc nhìn của doanh nghiệp, ông đánh giá như thế nào về việc chuyển dịch từ năng lượng nâu sang năng lượng xanh tại Việt Nam?

    Ông Phạm Văn Kiên: Năng lượng luôn là vấn đề được nhiều quốc gia quan tâm, coi là quá trình cấp thiết và mang tính chiến lược. Chúng ta cũng biết năng lượng nâu (dirty energy) thường đề cập đến việc sử dụng các nguồn năng lượng gây ô nhiễm môi trường như năng lượng từ than, dầu mỏ, khí đốt tự nhiên. Trong khi đó, năng lượng xanh (clean energy) là các nguồn năng lượng tái tạo và không gây hại cho môi trường như năng lượng mặt trời, năng lượng gió, năng lượng thủy điện.

    Với sự gia tăng nhu cầu năng lượng cùng với những tác động tiêu cực của việc sử dụng nhiên liệu hóa thạch đối với môi trường, Việt Nam đã nhận thức rõ ràng về sự cần thiết phải đẩy mạnh phát triển các nguồn năng lượng tái tạo như năng lượng mặt trời, năng lượng gió và năng lượng thủy điện. Chính phủ cũng đã ban hành các chính sách và chiến lược để tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình này như áp dụng các cơ chế khuyến khích đầu tư, cải thiện khung pháp lý và nâng cao nhận thức cộng đồng. Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu chuyển dịch toàn diện, Việt Nam sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức, bao gồm việc huy động nguồn vốn đầu tư đủ lớn, nâng cao năng lực của ngành công nghiệp năng lượng tái tạo và giải quyết các rào cản về hạ tầng lưới điện. Với sự nỗ lực và quyết tâm chính trị, Việt Nam có thể vượt qua những thách thức này, thúc đẩy quá trình chuyển dịch sang nền kinh tế năng lượng xanh, góp phần bảo vệ môi trường và thúc đẩy phát triển bền vững.

    Tại sao ông lại có ý tưởng nghiên cứu và thiết kế sản xuất pin Lithium tại Việt Nam?

    Ông Phạm Văn Kiên: Hiện nay, môi trường sống của chúng ta ngày càng bị ô nhiễm, không chỉ bởi lượng nguồn tài nguyên đang ngày càng bị khai thác quá mức, bên cạnh đó, vẫn còn tồn tại nhiều loại hình sản xuất gây ô nhiễm môi trường, thải hóa chất, các chất độc hại khó phân hủy ra môi trường mà còn bởi ý thức của con người chưa tốt trong việc bảo vệ môi trường. Do đó, ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường, tôi đã nảy sinh ý tưởng nghiên cứu và thiết kế sản xuất bộ pin Lithium, góp phần bảo vệ môi trường và thúc đẩy phát triển bền vững.

    Việc nghiên cứu và thiết kế sản xuất bộ pin Lithium và trạm sạc cho các loại xe điện chuyên dùng phục vụ trong các cơ sở sản xuất công nghiệp và du lịch tại Việt Nam là một ý tưởng đầy triển vọng. Trước hết, Việt Nam đang trên đà phát triển mạnh mẽ về công nghệ và ngành công nghiệp, với nguồn nhân lực dồi dào, năng động. Điều này tạo tiền đề thuận lợi để tôi đẩy mạnh nghiên cứu và ứng dụng các công nghệ mới như pin Lithium, đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng về năng lượng sạch, bền vững.

PKG Battery thiết kế các bộ pin Lithium cho mọi phương tiện và thiết bị dựa trên yêu cầu của khách hàng

    Quan trọng hơn, việc nghiên cứu và thiết kế sản xuất bộ pin Lithium và trạm sạc sẽ góp phần vào mục tiêu chung về chuyển đổi năng lượng sạch, giảm phát thải các-bon, đáp ứng các cam kết quốc tế về biến đổi khí hậu. Tất cả những yếu tố này tạo nên sự hợp lý và cần thiết của ý tưởng này, đồng thời mang lại nhiều cơ hội phát triển về pin Lithium tại Việt Nam trong tương lai.

    Xin ông cho biết những sản phẩm nhằm cải nhiện, nâng cao chất lượng môi trường của PKG Battery?

    Ông Phạm Văn Kiên: Sự phát triển nhanh chóng của công nghệ và nhu cầu ngày càng tăng về năng lượng sạch trong các nhà máy công nghiệp và dịch vụ du lịch, đặc biệt là các loại xe điện, robot, xe tự hành thì sự cần thiết pin Lithium là một điều kiện bắt buộc, vì vậy, việc thiết kế sản xuất bộ pin Lithium và trạm sạc dành cho các xe chuyên dùng này hứa hẹn sẽ góp phần trong giảm phát thải carbon từ các nhà máy sản xuất. Các bộ pin Lithium đã và đang trở thành một giải pháp hứa hẹn để cải thiện và nâng cao chất lượng môi trường.

    PKG Battery hiện đang tập trung phát triển các sản phẩm bình ắc quy Lithium cho các loại xe: Nâng điện, xe điện du lịch, xe golf, robot AGV; Bộ pin Lithium lưu trữ cho viễn thông, quân sự; Hệ thống trạm sạc nhanh cho các loại xe điện… Thời gian tới, PKG Battery cũng tiếp tục nghiên cứu và hướng tới thiết kế bộ pin Lithium cho xe bus công cộng, xe tải điện, các loại xe khai thác mỏ chạy điện, tàu điện, sà lan điện, cano điện…

    Với các đặc tính ưu việt như độ bền cao, mật độ năng lượng cao, tỷ lệ năng lượng trên khối lượng lớn và khả năng tái sử dụng, pin Lithium đóng vai trò quan trọng trong việc thay thế các nguồn năng lượng truyền thống dựa trên nhiên liệu hóa thạch, góp phần giảm thiểu đáng kể lượng khí thải và ô nhiễm môi trường. Hơn nữa, quá trình sản xuất và tái chế các sản phẩm pin Lithium cũng được nghiên cứu và phát triển nhằm tối ưu hóa hiệu quả sử dụng tài nguyên và giảm thiểu tác động xấu đến môi trường. Hiện nay, việc ứng dụng rộng rãi sản phẩm pin lithium không chỉ mang lại lợi ích về năng lượng sạch, mà còn đóng góp quan trọng vào nỗ lực toàn cầu nhằm bảo vệ và cải thiện chất lượng môi trường sống của chúng ta.

Các bộ pin Lithium từ PKG Battery với nền tảng công nghệ được thiết kế và sản xuất tại Việt Nam, an toàn, hiệu quả trong sản xuất, kinh doanh

    Để hướng tới xu thế hạ tầng năng lượng sạch bền vững, trong thời gian tới, PKG Battery có những định hướng cũng như giải pháp gì, thưa ông?

    Ông Phạm Văn Kiên: Trong bối cảnh của sự phát triển bền vững và nhu cầu ngày càng tăng về năng lượng sạch, việc định hướng giải pháp sử dụng các sản phẩm pin Lithium trong tương lai trở thành một vấn đề then chốt.

    Với nhu cầu sử dụng ngày càng tăng các sản phẩm từ pin Lithium, PKG Battery hướng đến mục tiêu phát triển: Làm chủ công nghệ từ hệ thống kiểm soát pin và trạm sạc, tối ưu các thiết kế để hiệu năng bộ pin Lithium lên đến 99% cùng tốc độ sạc nhanh; Cung cấp giải pháp lưu trữ thông minh cho quân sự, viễn thông, y tế, giao thông, phương tiện cơ giới hạng nặng, gia đình, du lịch; Luôn tìm kiếm các giải pháp về công nghệ pin mới để ứng dụng vào các sản phẩm tương lai.

    Để có thể giúp khách hàng sử dụng pin Lithium một cách bền vững và hiệu quả, PKG Battery đưa ra một định hướng chiến lược tổng thể, bao gồm các yếu tố như cải thiện hiệu suất, tối ưu hóa chu kỳ sống, phát triển công nghệ sạc và đảm bảo nguồn cung ổn định. Bên cạnh đó, việc nghiên cứu và phát triển các công nghệ pin mới, tái chế và tái sử dụng pin cũ, cũng là những hướng đi mà PKG Battery đang quan tâm để nâng cao tính bền vững của ngành công nghiệp pin Lithium trong tương lai.

    Trân trọng cảm ơn ông!

Vũ Nhung (Thực hiện)

Ý kiến của bạn