Banner trang chủ
Thứ Ba, ngày 21/01/2025

Đề xuất áp dụng mô hình chuyển đổi sinh thái - xã hội nhằm thúc đẩy thực hiện các mục tiêu trong tầm nhìn chiến lược về phát triển bền vững ở Việt Nam

02/01/2025

    Biến đổi khí hậu (BĐKH) ngày nay đã trở thành thách thức đối với toàn cầu, chính vì vậy, cần phải có một giải pháp toàn cầu cùng với sự chung tay của tất cả các quốc gia. Tuy nhiên, để bắt đầu, mỗi quốc gia cần xây dựng cho riêng mình một chiến lược phát triển bền vững, đặc biệt cần có giải pháp tập trung nhằm giảm thiểu tác động tiêu cực của BĐKH tới hệ sinh thái xã hội. Bài viết phân tích, làm rõ mô hình chuyển đổi sinh thái - xã hội (Social - Ecological Transrormation) và khả năng ứng dụng vào điều kiện thực tế của Việt Nam nhằm thúc đẩy thực hiện các mục tiêu trong tầm nhìn chiến lược về phát triển bền vững. Mô hình này nhấn mạnh đến quá trình chuyển đổi và tác động qua lại tương hỗ đa ngành, đa chức năng trong hệ thống, từ đó gợi ý các nhà hoạch định chính sách có cách tiếp cận tổng thể trong xây dựng tầm nhìn chiến lược. Áp dụng mô hình này kết hợp với vai trò của các bên tham gia hy vọng sẽ thực hiện tốt chủ trương phát triển bền vững như đã được nêu trong Văn kiện Đại hội XIII của Đảng.

1. Mở đầu

    Thế giới ngày nay phải đối mặt với nhiều thách thức về các vấn đề xã hội như khủng hoảng liên quan đến BĐKH, già hóa dân số, quá trình số hóa nền kinh tế - xã hội diễn ra nhanh chóng và chiến tranh xảy ra nhiều nơi trên thế giới cho thấy một tương lai sẽ khác rất nhiều so với dự báo trước đây. Với những thách thức khó lường, các quốc gia kỳ vọng và cố gắng thực hiện một xã hội phát triển bền vững. Để thực hiện, các quốc gia cần lựa chọn mô hình phát triển mới có vai trò quan trọng nhằm đưa ra đường lối phù hợp, cụ thể: “Xác định tầm nhìn và khả năng thực hiện một quyết sách phát triển đúng đắn; có kế hoạch phát triển quốc gia mạnh; cam kết nâng cao năng lực con người [2]. Mô hình này sẽ giúp xây dựng nên Nhà nước kiến tạo nhằm “thay đổi tư duy về mối quan hệ giữa nhà nước với thị trường trong điều kiện của xã hội hiện đại” [5]. Chính vì vậy, Nhà nước kiến tạo không chỉ phát triển kinh tế, mà còn phải chú trọng các vấn đề chính trị, khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, xã hội, văn hóa và BVMT hướng tới một xã hội phát triển bền vững. 

    Nhà nước kiến tạo cần phải có giới lãnh đạo tinh hoa với tổ chức bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, phát huy thế mạnh trong việc tạo lập khuôn khổ pháp lý phù hợp để phát huy sáng tạo của người dân, khởi nghiệp doanh nghiệp; tạo ra chính sách thu hút các nguồn lực của xã hội để tập trung đầu tư cho các mục tiêu phát triển bền vững trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa [5]. Đồng thời, các nhà lãnh đạo dựa trên quan điểm về phát triển bền vững đưa ra mục tiêu và kế hoạch hành động quốc gia. Phát triển bền vững là "sự phát triển có thể đáp ứng được những nhu cầu ở hiện tại mà không ảnh hưởng, tổn hại đến những khả năng đáp ứng nhu cầu của các thế hệ tương lai..." [3]. Do đó, để thực hiện các mục tiêu về phát triển bền vững, việc phân tích một cách có hệ thống dựa trên nhìn nhận những vấn đề bất cập về môi trường thuộc về khía cạnh xã hội - sinh thái là cần thiết. Thông qua việc hiểu rõ những mối tương tác của các tác nhân trong hệ thống xã hội của nhiều bên đa chức năng, liên ngành với nhau và dưới quan điểm của hệ thống sinh thái có thể giúp ích cho các nhà hoạch định chính sách phân định rõ hơn những vấn đề đang có, những thay đổi diễn ra trong hệ thống và của hệ thống với yếu tố bên ngoài ở hệ thống lớn hơn sẽ giúp định hướng được những vấn đề cần giải quyết của chính sách. Góp phần vào đó, các nhà hoạch định chính sách luôn có nhu cầu được dự báo về những biến động, bất định trong tương lai, giúp cho thống nhất được những phương án lựa chọn ưu tiên để đưa ra được chính sách hợp lý nhằm thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững trên cơ sở thích ứng với các biến đổi trong xã hội ngày nay [1].

2. Hệ thống sinh thái - xã hội

    Trên thực tế ngày nay, không có hệ thống xã hội nào mà không có thiên nhiên và hầu như hệ sinh thái nào cũng có sự hiện diện của con người. Hiện nay, dân số trên thế giới khoảng 8 tỷ người và sẽ còn gia tăng nhanh chóng trong thời gian sắp tới, hiện diện gần như mọi nơi để sinh sống trừ một số nơi rất thưa do điều kiện tự nhiên quá khắc nghiệt hoặc vì lý do chính trị, quân sự. Hệ thống nơi mà xã hội, kinh tế, sinh thái, văn hóa, chính trị, công nghệ và các thành phần khác được liên kết chặt chẽ là hệ thống sinh thái xã hội, với quan điểm “con người'’ là trung tâm. Các hệ thống sinh thái - xã hội thực sự liên kết với nhau và cùng thay đổi, tiến hóa, nơi thành phần sinh thái cung cấp các dịch vụ thiết yếu cho xã hội như cung cấp thực phẩm, năng lượng và nước uống [6]. 

    Hệ thống sinh thái xã hội có những đặc điểm [6]:

(i) Phân cấp: Các thành phần của hệ thống được phân cấp tuân theo sự tương tác liên quan đến chức năng của thành phần đó trong hệ thống. Chức năng ở đây là được hiểu là những phân công ưu tiên tham gia vào hoạt động nào đó trong hệ thống, thường là kết quả của tác động chủ động hay bị động, là trực tiếp hay gián tiếp. Sự phân cấp theo chức năng này cũng thể hiện đặc tính đa ngành của cách tiếp cận.

(ii) Tương tác tương hỗ đa chiều: Các thành phần tương tác theo dạng đan xen, tương hỗ, nhân quả với nhau và không thể tách rời độc lập. Những tương tác này, đặc biệt là tương tác nhân quả cũng là yếu tố tạo ra sự ổn định tổ chức nội tại (các thành phần) của hệ thống, cũng như góp phần vào khả năng tự hồi phục của hệ thống khi có tác động ảnh hưởng của bên ngoài.

(iii) Nhiều trạng thái ổn định: Hệ thống không nhất thiết chỉ có một trạng thái ưu tiên cho ổn định trong một hoàn cảnh hay thời điểm nhất định. Bất kỳ một hệ thống sinh thái trong tự nhiên cũng có “năng lực tải” của hệ thống. Năng lực tải này có thể tự điều chỉnh và thay đổi trong một ngưỡng nhất định để hệ thống không bị phá vỡ. Về ý nghĩa xã hội, nó có thể hiểu như sức ỳ của thống trước những tác động của bên ngoài. Trạng thái cân bằng này được hình thành dựa trên đặc điểm cân bằng động của bất kỳ hệ thống sinh thái nào.

(iv) Phản ứng thay đổi đột biến: Hệ thống luôn chứa đựng tiềm ẩn phản ứng thay đổi đột biến do những tác động bất ngờ, mạnh mẽ vượt qua ngưỡng tới hạn (sức chịu đựng - năng lực tải) của hệ thống. Những tác động bất ngờ bên ngoài thường sẽ gây sự hỗn loạn bên trong hệ thống khi các thành phần không lường trước được những thay đổi bất ngờ này. Đây chính là những “bất định” không thể đoán trước được nếu như không có được phương thức để chủ động chuẩn bị trước. Sự hỗn loạn tăng lên tạo ra ảnh hưởng đến mối tương tác giữa các thành phần và có thể gây ra nhu cầu cần thay đổi vai trò, chức năng của các thành phần, thậm chí cần có và đón nhận những thành phần mới với chức năng mới cho hệ thống, có thể tạo ra một hệ thống sinh thái xã hội mới.

3. Chuyển đổi sinh thái - xã hội

3.1. Mô hình chuyển đổi sinh thái - xã hội

    Những vấn đề môi trường có thể được coi thuộc về cấu trúc xã hội. Do đó, những vấn đề bất ổn về môi trường một cách rất tự nhiên đã chuyển tải một thông điệp ngầm rằng chúng đại diện cho một vài khía cạnh xã hội cần cải thiện. Theo các tác giả Sievers-Glotzbach và Tschersich (2019), mô hình chuyển đổi sinh thái - xã hội (Socio-Ecological Transformation - SET) chính là cách tiếp cận đa ngành đối với những vấn đề về môi trường và xã hội. Những vấn đề bất cập này được xem xét bởi phân tích đa cấp bậc, dưới quan điểm sinh thái, bao gồm phân tích lý thuyết hệ thống về sự phụ thuộc lẫn nhau [8].

    Điểm khác biệt với hệ thống sinh thái xã hội là cách tiếp cận này nhấn mạnh đến sự chuyển đổi (transformation). Quá trình chuyển đổi mang tính sinh thái - xã hội được đề cập xảy ra thường gắn với những khủng hoảng bất ngờ và mạnh mẽ đủ để các hệ thống sinh thái xã hội bị rối loạn, các tương tác giữa các thành phần của hệ thống trở nên “mất nhịp”, làm cho các yếu tố cấu thành không hoàn thành chức năng, có thể gây ra những phản ứng bước đầu mang tính thụ động, tiêu cực với cả hệ thống.

    Khủng hoảng mang tính chất sinh thái - xã hội thường được gắn với những vấn đề môi trường. BĐKH toàn cầu có tác động mạnh mẽ nhiều nơi trên thế giới, ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy hải sản, đa dạng sinh học, sử dụng đất, sử dụng tài nguyên nước, chất lượng dân số, lực lượng lao động và phân công lực lượng sản xuất... Những thay đổi này đa phần là tiêu cực đối với hầu hết các thành phần trong hệ thống, nhưng cũng có trường hợp là tích cực đối với một thành phần cụ thể trong một không gian hay bối cảnh cụ thể mà chúng đều có thể ảnh hưởng đến mục tiêu phát triển bền vững [4]. Ví dụ, ô nhiễm môi trường ở một nơi có thể tích tụ lại sau thời gian, dần trở nên nghiêm trọng hơn, thậm chí trở thành một vấn đề của khủng hoảng mới. Những nỗ lực phản hổi trước kia của các thành phần trong hệ thống đã không đủ để tạo ra những thay đổi tích lũy được đủ để giải quyết vấn đề khủng hoảng (ô nhiễm môi trường nghiêm trọng trên diện rộng) ngày hôm nay. Như vậy, khái niệm “chuyển đổi” của mô hình này thể hiện rõ là tập hợp của những quá trình thay đổi, biến đổi nhỏ hơn về cách thức tương tác hay phản hồi của các thành phần trong hệ thống. Những thay đổi nhỏ này được tích tụ lại, cũng có thể được học hỏi và lặp lại, để trở thành những biến động lớn hơn dẫn đến những nhu cầu thay đổi căn bản về cấu trúc, thành phần, chức năng của hệ thống ở mức độ tổng thể.

    Mô hình chuyển đổi sinh thái - xã hội đưa ra cách tiếp cận đa ngành, đa lĩnh vực đối với các vấn đề sinh thái - xã hội, đồng thời lôi kéo các đối tượng khác nhau trong xã hội tham gia để thay đổi hiện trạng vì mục tiêu phát triển bền vững. Sự biến đổi về sinh thái - xã hội được thể hiện trong Hình 1 ở 3 cấp độ: vĩ mô (macro), trung gian (meso) và vi mô (micro) [8].

Hình 1. Khung phân tích mô hình Chuyển đổi sinh thái - xã hội (Nguồn [8])

    Mô hình chuyển đổi sinh thái - xã hội ở cấp độ vĩ mô đề cập sự chuyển đổi liên tục để bảo đảm sự tồn tại nguồn lực tự nhiên cùng với việc thúc đẩy thay đổi cấu trúc xã hội. Mô hình đề cập việc thay đổi hệ thống sinh thái - xã hội hiện tại, cụ thể: (i) Sự thiếu kết nối giữa con người và tự nhiên; (ii) Tác động tiêu cực của các kiến thức chỉ tập trung vào chuyên môn sâu hoặc từ một ngành khoa học đơn lẻ; (iii) Tập trung tăng trưởng kinh tế quá mức làm giảm sự phát triển khác trong xã hội. Từ những khía cạnh tiêu cực của hệ thống sinh thái - xã hội thời gian qua, mô hình chuyển đổi sinh thái - xã hội mong muốn sẽ đưa ra một cách tiếp cận mới toàn diện, khoa học hơn.

    Cấp độ vi mô, mô hình chuyển đổi sinh thái - xã hội mong muốn thay đổi từ các bên tham gia từ nhà quản lý Trung ương đến địa phương, doanh nghiệp, người dân, các tổ chức phi Chính phủ cùng nhau thay đối tư duy, lối sống, tạo nên một cuộc sống chất lượng về sức khỏe và phát triển bền vững.

    Cấp độ trung mô, mô hình sẽ kết nối cấp độ vĩ mô và vi mô thông qua các hoạt động tương tác cụ thể như đánh giá quá trình thực hiện, cùng góp phần đào tạo, chia sẻ kiến thức cho các nhóm tham gia và hệ thống xã hội.

3.2. Các yếu tố để vận hành mô hình chuyển đổi sinh thái - xã hội

    Để vận hành mô hình chuyển đổi sinh thái - xã hội cần có các yếu tố về giá trị (values), quy định (rules) và kiến thức (knowledge). Các giá trị chính là động lực để định hướng mục tiêu, hành động và ưu tiên của mô hình [7]. Trong hệ thống sinh thái - xã hội, các giá trị thiên nhiên kết hợp với giá trị quan hệ (con người với thiên nhiên) sẽ tạo ra động lực để chuyển đổi hệ thống sinh thái - xã hội. Các quy định thường là các quy định mang tính pháp lý để bảo vệ các bên liên quan và giúp trả lời câu hỏi “quá trình chuyển đổi có được phép hay không”. Kiến thức là kết quả mà các bên mong muốn đạt được. Mối quan hệ của các yếu tố này phản ánh phương hướng vận động của các yếu tố cụ thể. Nếu quá trình chuyển đổi theo hướng tích cực thì các giá trị sẽ tạo ra các xu hướng tích cực theo hướng phát triển bền vững được thể hiện như đồ thị a của Hình 2. Còn nếu quá trình chuyển đổi gặp phải các yếu tố tiêu cực thì sẽ đưa đến chiều hướng phát triển theo hướng kém bền vững hơn như đồ thị b của Hình 2. Trong quá trình chuyển động, các bên tham gia phải luôn đưa ra câu trả lời cho các câu hỏi, cụ thể: (i) Sự chuyển đổi có đưa ra kết quả như mong muốn; (ii) Sự chuyển động có được phép để dẫn đến kết quả hay không; (iii) Phương pháp thực hiện nào là phù hợp để đạt được kết quả mong đợi [7].

Hình 2. Khả năng chuyển đổi của hệ thống sinh thái - xã hội (Nguồn: [7])

4. Áp dụng mô hình chuyển đổi sinh thái - xã hội nhằm thúc đẩy thực hiện các mục tiêu trong tầm nhìn chiến lược về phát triển bền vững ở Việt Nam

    Quan điểm về phát triển bền vững của Việt Nam được thể hiện tại Văn kiện Đại hội XIII của Đảng “Chiến lược phát triển tổng thể của đất nước ta là đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc Đổi mới, phát triển nhanh và bền vững đất nước; bảo đảm gắn kết chặt chẽ và triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, trong đó: Phát triển kinh tế - xã hội là nhiệm vụ trung tâm; xây dựng Đảng là then chốt; phát triển văn hóa là nền tảng tinh thần; bảo đảm quốc phòng, an ninh là trọng yếu, thường xuyên” [1]. Việt Nam nhận thức và thể hiện rõ quan điểm về phát triển nhanh và bền vững vừa có sự kế thừa nhận thức và xu hướng phát triển chung của thế giới vừa có sự vận dụng, bổ sung, phát triển phù hợp với điều kiện cụ thể của Việt Nam:

(i) Trước tiên, phát triển bền vững là yêu cầu xuyên suốt quá trình phát triển đất nước; kết hợp chặt chẽ, hợp lý và hài hòa giữa phát triển kinh tế với phát triển xã hội và bảo vệ tài nguyên, môi trường, chủ động ứng phó với BĐKH, bảo đảm quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội và bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền quốc gia. Việc xây dựng, thực hiện các chiến lược, chính sách, kế hoạch, chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội phải bảo đảm yêu cầu phát triển bền vững.

(ii) Tiếp theo, phát triển bền vững là sự nghiệp của toàn Đảng, toàn dân, các cấp chính quyền, các Bộ, ngành và địa phương; cơ quan, doanh nghiệp, đoàn thể xã hội, cộng đồng dân cư và mỗi người dân. Huy động mọi nguồn lực xã hội; tăng cường sự phối hợp giữa các Bộ, ngành, địa phương, các cơ quan, tổ chức, đoàn thể, doanh nghiệp và bên liên quan nhằm bảo đảm thực hiện thành công các mục tiêu phát triển bền vững đến năm 2030.

(iii) Cần xác định rõ con người là trung tâm của phát triển bền vững. Phát huy tối đa nhân tố con người với vai trò là chủ thể, nguồn lực chủ yếu và là mục tiêu của phát triển bền vững. Đáp ứng ngày càng đầy đủ hơn nhu cầu vật chất và tinh thần của mọi tầng lớp nhân dân; xây dựng đất nước giàu mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh; xây dựng nền kinh tế độc lập tự chủ và chủ động hội nhập quốc tế để phát triển bền vững đất nước.

(iv) Để triển khai thực hiện, cần tạo điều kiện để tất cả người dân và cộng đồng trong xã hội có cơ hội bình đẳng để phát triển, được tiếp cận những nguồn lực chung và được tham gia, đóng góp và hưởng lợi, tạo ra những nền tảng vật chất, tri thức và văn hóa tốt đẹp cho những thế hệ mai sau. Không để ai bị bỏ lại phía sau, tiếp cận những đối tượng khó tiếp cận nhất trước, bao gồm trẻ em, phụ nữ, người cao tuổi, người nghèo, người khuyết tật, đồng bào vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, vùng biên giới, hải đảo và những đối tượng dễ bị tổn thương khác.

    Trong quá trình thực hiện, luôn lấy khoa học và công nghệ, đặc biệt là cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và chuyển đổi số quốc gia sẽ là nền tảng và động lực cho phát triển bền vững đất nước. Chính vì vậy, phát triển bền vững là cơ sở để phát triển nhanh, phát triển nhanh để tạo điều kiện, nguồn lực cho phát triển bền vững. Phát triển nhanh và bền vững phải luôn gắn chặt với nhau trong quy hoạch, kế hoạch và chính sách phát triển kinh tế - xã hội.

    Mô hình chuyển đổi sinh thái - xã hội là cách tiếp cận được nhiều quốc gia tìm hiểu, áp dụng trong quá trình thực hiện mục tiêu phát triển bền vững quốc gia. Các quốc gia đã nhận thức sự phát triển hài hóa giữa tăng trưởng kinh tế theo mô hình chuyển đổi sinh thái - xã hội gắn với BVMT là cơ sở để phát triển bền vững và tạo động lực để phát triển kinh tế tốt hơn. Đặc biệt, các quốc gia cũng nhận thức trong quá trình thực hiện cần sự chung tay của tất cả các thành viên trong xã hội, sự tham gia của các cộng đồng trong xã hội là động lực chính góp phần đưa nhanh các mục tiêu phát triển bền vững đi vào cuộc sống. Việt Nam đã nhận thức từ sớm và thể hiện nỗ lực qua nhiều hành động, từ quan điểm đã được xác định trong Văn kiện Đại hội Đảng đến các hành động thiết thực như ban hành Chiến lược quốc gia và Kế hoạch hành động về tăng trưởng xanh, Chiến lược quốc gia về BĐKH giai đoạn đến năm 2050 và các chính sách liên quan để tiếp tục thực hiện các mục tiêu tăng trưởng xanh, phát triển bền vững.

    Để góp phần thực hiện hiệu quả các mục tiêu phát triển bền vững của Việt Nam, mô hình chuyển đổi sinh thái - xã hội là một trong các cách tiếp cận phát triển mới, trong đó đề cập sự dịch chuyển của hệ thống xã hội, vốn có sự tách biệt tương đối với hệ thống tự nhiên, sang một hệ thống tích hợp hài hòa các yếu tố tự nhiên và xã hội. Với những phân tích về mô hình chuyển đổi sinh thái - xã hội ở phần trên, nhóm tác giả khuyến nghị về khả năng ứng dụng mô hình này nhằm thúc đẩy thực hiện mục tiêu phát triển bền vững ở Việt Nam với một số nội dung:

    Thứ nhất, mô hình này có thể mang đến thành công nhất định về BVMT, phát triển bền vững. Tuy nhiên, để áp dụng cần lưu ý các yếu tố khác nhau về kinh tế, xã hội, đặc điểm văn hóa và sinh thái, điều này có thể làm cho nhà hoạch định chính sách gặp khó khăn trong việc so sánh, lựa chọn chính sách.

    Thứ hai, để đạt được mục tiêu đến năm 2030 có thể đạt được các mục tiêu phát triển bền vững về tài nguyên, môi trường và ứng phó với BĐKH (giảm phát thải khí nhà kính 25% năm 2030 và tại Hội nghị COP26 của Liên hợp quốc năm 2021, Thủ tướng Chính phủ cam kết Việt Nam sẽ đạt mục tiêu Net Zero vào năm 2050), Việt Nam cần xác định tái cấu trúc nền kinh tế và hoàn thiện thể chế theo hướng khuyến khích các ngành kinh tế sử dụng hiệu quả tài nguyên thiên nhiên với giá trị gia tăng cao, hạn chế, tiến tới xóa bỏ các ngành sử dụng lãng phí tài nguyên và gây ô nhiễm môi trường. Đẩy mạnh nghiên cứu ứng dụng, cập nhật rộng rãi công nghệ hiện đại trong nước và trên thế giới để sử dụng có hiệu quả tài nguyên, thân thiện với môi trường. Đồng thời, tăng cường công tác tuyên truyền, khuyến khích vai trò của các thành phần kinh tế và người dân tham gia tích cực vào việc xây dựng nền kinh tế xanh.

    Thứ ba, hoàn thiện hệ thống chính sách và pháp luật để tích cực xây dựng bộ máy nhà nước phù hợp nhằm quản lý và vận hành nền kinh tế xanh trên tất cả các lĩnh vực. Để thúc đẩy mạnh mẽ triển khai chiến lược quản lý và BVMT một cách bền vững ở Việt Nam hiện nay, trước mắt, cần tập trung kiểm soát việc xả thải của các dự án phát sinh lượng nước lớn ra môi trường; các loại hình sản xuất ô nhiễm môi trường như luyện thép, khai thác khoáng sản, nhiệt điện, sản xuất giấy, dệt nhuộm…; cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, cơ sở sản xuất có công nghệ lạc hậu. Tuyên truyền, nâng cao ý thức cho người dân về vai trò và ý thức bảo vệ môi trường. Hoàn thiện hệ thống pháp luật về BVMT để bảo đảm phát triển một nền kinh tế - xã hội theo mô hình sinh thái - xã hội bền vững.

    Thứ tư, hoạch định chính sách phát triển bền vững dựa trên mô hình chuyển đổi sinh thái - xã hội được hiểu là tập hợp các yếu tố liên quan với nhau theo một cách có cấu trúc. Các yếu tố của mô hình này được nhìn nhận như một tổng thể với chức năng và vai trò khác nhau. Các yếu tố sẽ tương tác trong các giới hạn được xác định. Hành vi của một hệ thống không thể được dự đoán bằng cách phân tích các yếu tố riêng lẻ của nó. Các thuộc tính của một hệ thống xuất hiện từ sự tương tác của các yếu tố của nó và khác biệt với tính chất của chúng như những mảnh riêng biệt. Hành vi của hệ thống là kết quả của sự tương tác của các yếu tố và giữa hệ thống và môi trường của nó. Vì vậy, các nhà hoạch định chính sách phát triển bền vững cần phải nắm rõ cách thức áp dụng, từ nhận thức toàn diện, tư duy ra quyết định hệ thống và mô hình khả thi. Trong bối cảnh BĐKH thay đổi nhanh chóng, chính sách cần linh hoạt, dễ dàng thích nghi để cập nhật, cải tiến liên tục.

    Mục tiêu chính của mô hình chuyển đổi sinh thái - xã hội là phát triển để tạo ra tri thức kết nối xã hội và tự nhiên, từ đó làm cơ sở để con người có thể xây dựng khung lý thuyết cho sự phát triển hài hòa giữa tự nhiên và xã hội. Chuyển đổi sinh thái - xã hội là cách tiếp cận phát triển mới, trong đó có sự dịch chuyển của hệ thống xã hội, vốn có sự tách biệt tương đối với hệ thống tự nhiên, sang một hệ thống tích hợp hài hòa các yếu tố tự nhiên và xã hội. Chính sách thúc đẩy phát triển bền vững theo mô hình này được xem là khoa học về tính bền vững, về cách đo lường và khuyến nghị cách thức quản lý tài nguyên và môi trường. Từ việc phân tích về mô hình chuyển đổi sinh thái - xã hội với những ưu điểm, hạn chế cũng như thách thức phải đối mặt cho thấy, để đạt được các mục tiêu trong chiến lược phát triển bền vững của Việt Nam, gợi ý cần thực hiện kết hợp đồng bộ một số giải pháp:

    Một là, ở tầm vĩ mô, Chính phủ đã cam kết thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững và đã thể hiện trong Chiến lược phát triển bền vững. Để thực hiện, Chính phủ cần thúc đẩy sự hình thành các liên kết, hợp tác giữa các bên từ cơ quan quản lý, doanh nghiệp, người dân, cơ sở đào tạo cùng hướng đến mục tiêu phát triển bền vững. Cụ thể hơn, Chính phủ đưa ra các chính sách ưu đãi để doanh nghiệp sản xuất theo nguyên tắc giảm thiểu ô nhiễm, khuyến khích sử dụng và tái sử dụng sản phẩm tái chế. Đặc biệt, Chính phủ cần xây dựng một cơ chế phối hợp, đối thoại chia sẻ thông tin và cam kết hành động chung, đặc biệt là cần có cơ chế chỉ đạo, giám sát việc thực hiện, phối hợp giữa các Bộ, ngành, địa phương nhằm tránh tình trạng chồng chéo nhưng lại vẫn rời rạc, cục bộ.

    Hai là, mô hình chuyển đổi sinh thái - xã hội sẽ đạt được hiệu quả nhất khi ứng dụng ở tầm trung mô và vi mô. Ở cấp độ này, Chính phủ và chính quyền địa phương đưa ra các quy định cụ thể hóa các giá trị, đưa ra các chuẩn mực để quá trình chuyển đổi kiến thức đạt được kết quả như mong muốn. Để thực hiện, các thành phần trong xã hội cùng tham gia như các chuyên gia, nhà nghiên cứu, các doanh nghiệp, các tổ chức xã hội, người dân cùng hành động tích cức với chính quyền địa phương để giải quyết hiệu quả các vấn đề kinh tế, xã hội, môi trường, thúc đẩy thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững của Việt Nam.

    Ba là, để góp phần đạt hiệu quả hơn nữa thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững, rất cần sự tham gia trực tiếp của người dân, doanh nghiệp nhỏ và vừa, hộ nông dân. Đây chính là quy mô thực hiện ở tầm vi mô. Các đối tượng này chính là lực lượng trực tiếp chịu ảnh hưởng của sự chuyển đổi sinh thái - xã hội, nhưng cũng chính họ sẽ là các nhân tố tích cực để đẩy mạnh chuyển đổi sinh thái - xã hội này. Lựa chọn mô hình này, các đối tượng này cần phải tham gia và cam kết thực hiện theo các tiêu chuẩn để thay đổi dần mô hình truyền thống.

5. Kết luận

    Từ việc tìm hiểu và phân tích mô hình chuyển đổi sinh thái - xã hội, bài viết đề xuất những ưu điểm và thách thức khi ứng dụng cách tiếp cận này để có thể gợi ý cho các nhà quản lý quyết định xây dựng và lựa chọn trong xây chiến lược, chính sách phát triển lĩnh vực môi trường nói chung, đặc biệt ứng dụng trong việc thúc đẩy thực hiện các mục tiêu trong chiến lược phát triển bền vững của Việt Nam nói riêng. Tuy nhiên, cần có nhiều nghiên cứu cụ thể để có thể đưa ra những nội dung triển khai rõ ràng hơn. Nhóm tác giả đề xuất các nghiên cứu tiếp theo để đẩy mạnh nghiên cứu ứng dụng ở cả tầm vĩ mô, trung mô và vi mô giúp cho các thành phần khác nhau trong xã hội cùng tham gia để có những chuyển biến tích cực về tư duy nhằm đạt được mục tiêu phát triển bền vững như cam kết của Việt Nam.

ThS. Hoàng Thanh Hương, ThS. Doãn Ngọc Khanh, Phạm Thị Phương Thảo

Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường

ThS. Nguyễn Thị Hồng Minh

Vụ Khoa học và Công nghệ, Bộ Tài nguyên và Môi trường

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường số 12/2024)

Tài liệu tham khảo

1. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập I, Nxb Chính trị quốc gia - Sự thật, H.2021, tr.214, tr.206, tr.218-220.

2. UN ECA and AU, Economic Report on Africa, Governing Development in Africa - the Role of the State in Economic Tranformation, 2011,

3. Debra Lam (2014), Vietnam’s Sustainable Development Policies: Vision VS Implementation, World Scienctific Book.

4. Phạm Thị Thanh Bình (2016), Phát triển bền vững ở Việt Nam: Tiêu chí đánh giá và định hướng phát triển, Tạp chí Tài chính.

5. Lê Minh Quân (2016), Nhà nước kiến tạo, Tạp chí Lý luận chính trị, tháng 8/2016.

6. Philip Degenhardt (2016) Master thesis: “From sustainable development to socio-ecological transformation - An Overview”.

7. Colloff, M.J., Martin-López, B., Lavorel,S., Locatelli, B., Gorddard, R., Longaretti, P.-Y., Walters, G., van Kerkhoff, L., Wyborn, C., Coreau, A., Wise, R.M., Dunlop, M., Degeorges, P., Grantham, H., Overton, I.C., Williams, R.D., Doherty, M. D. Capton, T., Sanderson, T., & Murphy, H. T. (2017). An intergrative research framework for enabling transformative adaptation. Environmental Science & Policy, 68, 87-96. (http://doi.org/10.1016/j.envsci.2016.11.007).

8. Sievers-Glotzbach, S., & Tschersich, J (2019) Overcoming the process-structure divide in conceptions of Social - Ecological Transformation: Assessing the transformative character and impact of change processes. Ecological Economics, 164, 106361.

9. Đào Thanh Trường và Philip Degenhardt (2022), Sản xuất nông nghiệp ở Việt Nam từ cách tiếp cận chuyển đổi sinh thái - xã hội: Cơ hội, thách thức và hàm ý chính sách, NXB Lao động.

10. Phan Văn Phúc (2022), Tiếp cận chuyển đổi sinh thái - xã hội: Lý thuyết liên ngành cho phát triển bền vững đồng bằng sông Cửu Long. Tạp chí Khoa học, Trường Đại học Cần Thơ, tập 58, Số Chuyên đề SDMD (2022): 134-141.

Ý kiến của bạn