Banner trang chủ
Thứ Sáu, ngày 24/01/2025

Đào tạo xây dựng hệ thống quản lý rủi ro môi trường, khí hậu và xã hội trong hoạt động cấp tín dụng của tổ chức tín dụng

12/04/2024

    Ngày 12/4/2024, tại Hà Nội, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam phối hợp với Tập đoàn Tài chính Quốc tế (IFC) tổ chức Khóa đào tạo về xây dựng hệ thống quản lý rủi ro môi trường, khí hậu và xã hội trong hoạt động cấp tín dụng của tổ chức tín dụng (TCTD) cho đội ngũ cán bộ phụ trách xây dựng chính sách, quy trình quản lý rủi ro môi trường xã hội (một phần của quy trình quản lý rủi ro tín dụng) của các TCTD. Mục đích của Khóa đào tạo nhằm giới thiệu thông lệ tốt trong nước và quốc tế vè xây dựng hệ thống quản lý rủi ro môi trường, khí hậu và xã hội trong hoạt động cấp tín dụng của TCTD, nhằm góp phần triển khai hiệu quả Thông tư số 17/2022/TT-NHNN ngày 23/12/2022 của NHNN Việt Nam về việc hướng dẫn thực hiện quản lý rủi ro về môi trường trong hoạt động cấp tín dụng của TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam và Quyết định số 1408/QĐ-NHNN ngày 26/7/2023 ban hành kế hoạch hành động của ngành Ngân hàng thực hiện Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 - 2030 và Đề án về những nhiệm vụ, giải pháp triển khai kết quả Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu.

    Quản lý rủi ro môi trường trong hoạt động cấp tín dụng là vấn đề mới ở Việt Nam. Theo quy định hiện hành, trước khi ra quyết định cấp tín dụng, TCTD phải yêu cầu khách hàng cung cấp tài liệu chứng minh phương án sử dụng vốn khả thi; khả năng tài chính; mục đích sử dụng vốn hợp pháp, biện pháp bảo đảm tiền vay trước khi quyết định cấp tín dụng cũng như quyền yêu cầu khách hàng vay báo cáo việc sử dụng vốn vay và chứng minh vốn vay được sử dụng đúng mục đích vay vốn. Tuy nhiên, cách tiếp cận của Luật Các TCTD mới chỉ dừng lại ở mục tiêu bảo đảm thu hồi vốn của TCTD, vì vậy, yêu cầu sử dụng vốn không gây hại cho môi trường cần được quan tâm thích đáng, nghĩa là quản lý rủi ro môi trường trong hoạt động cấp tín dụng cần phải trở thành yêu cầu bắt buộc. Quản lý rủi ro môi trường trong hoạt động cấp tín dụng đề cập đến việc phân loại, nhận dạng, đo lường rủi ro môi trường trong các đề nghị cấp tín dụng để tạo cơ sở cho việc ra quyết định cấp tín dụng cũng như theo dõi, kiểm soát, đề xuất giải pháp khắc phục, hạn chế rủi ro phát sinh. Về bản chất, quản lý rủi ro môi trường là đo lường mức độ rủi ro môi trường, khí hậu và xã hội của dự án đầu tư; phương án sản xuất - kinh doanh được đề xuất cho vay và các khoản cho vay đối với dự án đầu tư; phương án sản xuất - kinh doanh của khách hàng, nhằm phân tích hậu quả và khả năng xảy ra của một nguy cơ để có biện pháp ứng phó phù hợp.

Các đại biểu tham dự Khóa đào tạo

    Ngày 23/12/2023, NHNN Việt Nam đã ban hành Thông tư số 17/2022/TT-NHNN về việc hướng dẫn thực hiện quản lý rủi ro về môi trường trong hoạt động cấp tín dụng của TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam. Thông tư có hiệu lực thi hành từ ngày 1/6/2023, trong đó, những dự án đầu tư phải thực hiện quản lý rủi ro về môi trường trong hoạt động cấp tín dụng là các dự án đầu tư quy định tại Phụ lục III, IV, V ban hành kèm theo Nghị định số 08/2022/NĐ-CP ngày 10/1/2022 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật BVMT năm 2020. Đối tượng áp dụng là các TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam được thành lập và hoạt động theo quy định của Luật Các TCTD, loại trừ tổ chức tài chính vi mô, quỹ tín dụng nhân dân, Ngân hàng Chính sách xã hội; các tổ chức, cá nhân là khách hàng của TCTD.

    Theo đó, các dự án đầu tư phải thực hiện quản lý rủi ro về môi trường trong hoạt động cấp tín dụng là các dự án đầu tư nhóm I có nguy cơ tác động xấu đến môi trường ở mức độ cao quy định tại khoản 3, Điều 28, Luật BVMT năm 2020; các dự án đầu tư nhóm II có nguy cơ tác động xấu đến môi trường quy định tại khoản 4, Điều 28, Luật BVMT năm 2020, trừ dự án quy định tại mục (1); các dự án đầu tư nhóm III ít có nguy cơ tác động xấu đến môi trường quy định tại khoản 5, Điều 28, Luật BVMT năm 2020, trừ dự án quy định tại mục (1), (2). Bên cạnh đó, Thông tư cũng giải thích cụ thể rủi ro về môi trường của dự án đầu tư là khả năng xảy ra những tác động xấu tới môi trường trong quá trình thực hiện dự án đầu tư dẫn đến làm phát sinh thêm chi phí, giảm thu nhập hoặc gây tổn thất về vốn, tài sản của khách hàng là chủ dự án đầu tư

    Khóa đào tạo được chia làm 3 phần: Phần 1: Quy định chính sách tài chính bền vững và quản lý rủi ro môi trường của Việt Nam đối với ngành Ngân hàng. Trong phần này, đại diện Vụ Tín dụng các ngành kinh tế Ngân hàng Nhà  nước Việt Nam đã trình bày yêu cầu về quản lý rủi ro môi trường của NHNN; giải đáp, trả lời các câu hỏi của TCTD liên quan đến việc triển khai Thông tư số 17/2022/TT-NHNN. Tiếp đó, chuyên gia Viện Chiến lược Chính sách TN&MT, Bộ TN&MT chia sẻ về các quy định chính sách về BVMT của Việt Nam có liên quan đến hoạt động ngân hàng. Phần 2: Xây dựng hệ thống quản lý rủi ro môi trường và xã hội dưới sự điều phối của ông Nguyễn Linh Vũ - Tiến sĩ Kỹ thuật môi trường, Đại học California, chuyên gia môi trường xã hội IFC. Trong phần này, các đại biểu tham dự Khóa đào tạo tập trung trao đổi, thảo luận xoay quanh nội dung về các chính sách về môi trường; quy trình đánh giá rủi ro môi trường xã hội (sàng lọc và phân loại, thẩm định, quản lý và giám sát); xây dựng năng lực và nguồn lực; làm bài tập tình huống về xây dựng chính sách và quy trình quản lý rủi ro môi trường xã hội. Phần 3: Tích hợp hệ thống quản lý rủi ro môi trường và xã hội vào hệ thống quản lý rủi ro tín dụng với việc thực hiện các bài tập tình huống về thẩm định rủi ro môi trường xã hội.

    Như vậy, có thể thấy, quản lý rủi ro môi trường trong hoạt động cấp tín dụng là nội dung quan trọng, là nhân tố trung tâm bảo đảm triển khai tín dụng xanh (TDX). Điều này được lý giải ở chỗ, hoạt động cho vay của TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam đối với dự án đầu tư phải phù hợp với quy định về quản lý rủi ro môi trường, khí hậu và xã hội trong hoạt động cho vay. Tuy nhiên, các quy định hiện hành cho thấy, TDX và quản lý rủi ro môi trường, khí hậu và xã hội trong hoạt động cấp tín dụng mới chỉ được quy định trong Luật BVMT năm 2020 mà chưa được quy định trong Luật Các TCTD. Do đó, nội dung này cần được cụ thể hóa trong các nghiệp vụ cấp tín dụng để hoạt động cấp tín dụng của các TCTD đạt được yêu cầu xanh trong Chiến lược tăng trưởng xanh và xanh hóa ngành Ngân hàng.

Gia Linh

Ý kiến của bạn