Banner trang chủ
Thứ Tư, ngày 22/01/2025

Chăm sóc, bảo vệ cây xanh, cây cổ thụ ở Việt Nam trong bối cảnh biến đổi khí hậu

30/09/2024

    Hiện nay, tình hình thời tiết cực đoan (hạn hán, lũ lụt, bão, siêu bão...) do biến đổi khí hậu ngày càng khốc liệt gây tổn thất nặng nề cho người và tài sản, ảnh hưởng đến phát triển kinh tế - xã hội trên toàn thế giới, trong đó có Việt Nam. Mới đây, cơn bão số 3 (Yagi) vừa đổ bộ vào Việt Nam là cơn bão mạnh nhất trong 30 năm qua trên biển Đông và trong 70 năm trên đất liền đã gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản. Tổng thiệt hại về tài sản do bão số 3 gây ra ước tính sơ bộ trên 50.000 tỉ đồng (hơn 2 tỉ USD), dự báo có thể làm tốc độ tăng trưởng GDP cả năm giảm khoảng 0,15% so với kịch bản tăng trưởng đạt 6,8-7% [1]. Bên cạnh những thiệt hại về người và tài tài sản, cơn bão số 3 còn tàn phá môi trường thiên nhiên một cách thảm khốc, nhiều địa phương bị ngập lụt, hàng nghìn cây xanh bị gẫy đổ, rác thải từ cây cối và đồ vật bị cuốn trôi gây nguy cơ ô nhiễm môi trường. Việc nghiên cứu tìm các giải pháp hữu hiệu chăm sóc, bảo vệ cây xanh, cây cổ thụ ở Việt Nam nói chung và các đô thị lớn ở Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh… nói riêng trong tình hình biến đổi khí hậu ngày một phức tạp là một việc làm vô cùng quan trọng, cần thiết, cấp bách nhằm góp phần vào việc BVMT tự nhiên, môi trường xã hội theo đúng đường lối chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước và các địa phương đã đề ra.

Hàng nghìn cây xanh bị gãy đổ sau cơn bão số 3 tại Hà Nội

1. Ý nghĩa tầm quan trọng của hoạt động chăm sóc, bảo vệ hệ thống cây xanh, cây cổ thụ

    Cây xanh có vai trò vô cùng to lớn trong đời sống con người. Từ xa xưa đến nay, cuộc sống của loài người luôn gắn bó và không thể tách rời khỏi thiên nhiên. Cây xanh bảo vệ môi trường và cải thiện không gian sống. Cây xanh có tác dụng cải thiện khí hậu vì chúng có khả năng ngăn chặn và lọc bức xạ mặt trời, ngăn chặn quá trình bốc hơi nước, giữ độ ẩm đất, không khí, kiểm soát gió và lưu thông gió; bảo vệ môi trường (hút khí CO2 và cung cấp khí O2), ngăn giữ các chất khí bụi độc hại từ nhà máy, rác thải và nhiệt từ chính con người tỏa ra từ đó giúp giảm bớt nhiệt. Cây xanh, cây rừng còn giúp tiết kiệm nước, giảm xói mòn đất, chống sạt lở, lũ ống, lũ quét, lượng nước do rễ cây giữ lại có thể được tái tạo trở thành mạch nước ngầm. Vì vậy, gìn giữ, chăm sóc bảo vệ hệ thống cây xanh ở Việt Nam nói chung và các đô thị nói riêng không những có ý nghĩa về mặt lịch sử, văn hóa mà còn là điểm đến cho khách thập phương, là phòng thí nghiệm sinh động cho hoạt động nghiên cứu khoa học, là nơi giáo dục lòng yêu thiên nhiên, yêu quê hương Tổ quốc Việt Nam.

    Nhận thức được tầm quan trọng của cây xanh trong bối cảnh biến đổi khí hậu diễn biến phức tạp, Thủ tướng Chính phủ ban hành Nghị quyết số 178/NQ-CP ngày 12/12/2020 và Chỉ thị số 45/CT-TTg ngày 31/12/2020 về tổ chức phong trào “Tết trồng cây” và tăng cường công tác bảo vệ, phát triển rừng ngay từ đầu năm 2021. Ngày 1/4/2021, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án số 524/QĐ-TTg trồng 1 tỉ cây xanh giai đoạn 2021 - 2025. Theo đó, Đề án đề ra mục tiêu trong giai đoạn 2021 – 2025, cả nước trồng được 1 tỷ cây xanh, trong đó 690 triệu cây trồng phân tán ở các khu đô thị và vùng nông thôn, 310 triệu cây trồng tập trung trong rừng phòng hộ, rừng đặc dụng và trồng mới rừng sản xuất, nhằm góp phần bảo vệ môi trường sinh thái, cải thiện cảnh quan và ứng phó với biến đổi khí hậu, phát triển kinh tế xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân và sự phát triển bền vững của đất nước. Đề án nêu rõ, phát triển cây xanh cần có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, cơ quan, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân. Phát huy truyền thống trồng cây do Bác Hồ khởi xướng, đưa việc trồng cây xanh thực sự trở thành phong trào thi đua thiết thực, hiệu quả của các cấp, các ngành, trong từng khu dân cư với sự tham gia tích cực của tất cả người dân, tránh thực hiện phô trương, hình thức, là hành động thiết thực học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

    Ngay sau khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án "Trồng 1 tỷ cây xanh giai đoạn 2021 - 2025", các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã ban hành kế hoạch, đề án hoặc văn bản chỉ đạo, tổ chức thực hiện Đề án. Kết quả sau 3 năm (2021 – 2023) thực hiện Đề án, cả nước đã trồng được gần 770 triệu cây xanh đạt trên 121% so với kế hoạch; trong đó có 344,5 triệu cây xanh phân tán, còn lại là cây xanh tập trung. Một số địa phương đạt kết quả cao như: Lào Cai (61,64 triệu cây); Phú Thọ (52 triệu cây); Long An (45,32 triệu cây); Gia Lai (37,28 triệu cây); Nghệ An (34,38 triệu cây); nhiều địa phương trồng trên 20 triệu cây như: Lai Châu, Lâm Đồng, Kon Tum, Lạng Sơn, Thanh Hóa, Yên Bái, Sơn La và Cà Mau. Các tỉnh trồng trên 15 triệu cây gồm có: Bắc Giang, Hà Giang, Quảng Nam, Quảng Trị, Phú Yên.

2. Các nguyên nhân làm cho cây xanh bị gãy, bị đổ trong bối cảnh biến đổi khí hậu

    Vào mỗi mùa mưa bão, nguy cơ cây xanh bị gãy, đổ xảy ra trên đường phố, làm ảnh hưởng đến an toàn giao thông, gây thiệt hại về tài sản, tính mạng con người là rất lớn. Cơn bão Yagi vừa qua cũng khiến cho hàng nghìn cây xanh gãy đổ ở những nơi nó đi qua. Theo Sở Xây dựng Hà Nội thì trên địa bàn thành phố có trên 40.000 cây đổ và gãy cành. Tuy nhiên, bên cạnh những yếu tố thiên nhiên, thời tiết, hệ thống cây xanh đường phố còn bị tổn hại ở nhiều mức độ khác nhau do các nguyên nhân chủ quan, cụ thể:

    Tình trạng đô thị hóa, trong đó có việc xây dựng các công trình ngầm như cáp viễn thông, cột trụ điện chiếu sáng, các công trình thoát nước, bê tông hóa các vỉa hè trên đường phố… đã xâm lấn không gian phát triển tán lá của cây xanh làm ảnh hưởng đến sức sống trường tồn của từng loại cây, bởi tán lá cây là cơ quan hấp thụ năng lượng mặt trời để chuyển hóa các chất dinh dưỡng nuôi cây. Một số cây có khả năng chịu tỉa tán, nhưng một số cây sau khi bị tỉa tán thường mắc sâu bệnh hoặc tổn thương kém phát triển. Vì vậy, khi cắt tỉa cây trong mùa mưa bão là phải nghiên cứu thận trọng không nên cắt tỉa hàng loạt cây xanh như đã từng xảy ra.

    Việc duy trì chăm sóc bảo vệ và phát huy hiệu quả các quần thể cây xanh chưa được quan tâm thường xuyên. Hiện chưa có một chương trình giám sát, kiểm tra tổng thể việc chăm sóc, bảo vệ, quy hoạch cây xanh trong quá trình kiến thiết, xây dựng phát triển đất nước, phát triển đô thị qua các thời kì nhất là trong bối cảnh biến đổi khí hậu diễn ra phức tạp. Bên cạnh đó, việc bổ sung chất dinh dưỡng cho cây xanh chưa thường xuyên.

    Hoạt động trồng cây chưa đúng biện pháp kỹ thuật trong việc đào hố theo kích cỡ của từng chủng loại cây, nên rễ cây không bám sâu vào lòng đất, rễ không đủ điều kiện về không gian để phát triển bám chặt vào lòng đất. Rễ của một số cây không tiếp cận được với nguồn nước ngầm dưới lòng đất, do điều kiện cực đoan của biến đổi khí hậu mực nước ngầm bị hạ thấp nên rễ cây không phát triển sâu rộng ra được làm suy yếu gốc, thân cây. Vì vậy, khi xảy ra mưa, gió mạnh rất dễ bị gãy hoặc làm bật cả gốc khiến cây nghiêng hoặc bị đổ gây mất an toàn, tai nạn đáng tiếc đã từng xảy ra ở các nơi. Hệ rễ của cây xanh là bộ phận cực kỳ quan trọng của cây có nhiệm vụ là hấp thụ chất dinh dưỡng trong đất để nuôi cây và đỡ cho thân cây, tán cây đứng thẳng không bị đổ, vì vậy bất cứ tác động nào làm tổn hại đến nhiệm vụ này đều có nguy cơ ảnh hưởng đến sự tồn tại của cây xanh.

    Nhận thức của người dân về bảo vệ và chăm sóc cây xanh còn hạn chế. Một số cá nhân không chỉ thiếu ý thức trong bảo vệ, chăm sóc cây xanh mà còn có hành vi gây hại đến sức khỏe của cây, nhất là các cây cổ thụ như: đổ vật liệu xây dựng, phóng uế bừa bãi dưới các gốc cây, đóng đinh treo biển quảng cáo một cách tự do hoặc đóng đinh căng dây làm trụ treo dẫn dây cáp điện, điện thoại, biển quảng cáo, làm nơi gửi xe hoặc thậm chí chặt phá, hủy diệt cây xanh. Đó là những hành vi thiếu văn hóa, sống thiếu thân thiện với môi trường nói chung và cây xanh nói riêng.

3. Đề xuất giải pháp bảo vệ cây xanh, cây cổ thụ

    Hệ thống cây xanh là một bộ phận hợp thành của cấu trúc hạ tầng đô thị hiện đại nhằm tạo ra cảnh quan thiên nhiên, làm đẹp mỹ quan đường phố, cải thiện khí hậu và môi trường sống của cư dân thành thị. Vì thế, vấn đề bảo tồn và phát triển mạng lưới cây xanh cũng cần được chú trọng và có giải pháp hiệu quả.

    Cần có chính sách, cơ chế phù hợp để chăm sóc, bảo vệ cây xanh trong bối cảnh biến đổi khí hậu ngày càng trầm trọng. Việc trồng, chăm sóc, bảo vệ, phát triển cây xanh, cây cổ thụ là một hoạt động văn hóa. Mối quan hệ tương tác giữa ba thành tố: Môi trường – Con người – Văn hóa phải gắn bó lẫn nhau để cùng tồn tại phát triển bền vững.

    Ứng dụng các giải pháp khoa học, công nghệ, đầu tư công cụ kỹ thuật hiện đại như công nghệ viễn thám và GIS cùng các máy camera có độ phân giải cao để giám sát quản lý cây xanh, tình trạng sức khỏe của cây; lập hồ sơ, xây dựng cơ sở dữ liệu để theo dõi, phòng chống ngăn chặn kịp thời sự gãy đổ của cây trên đường phố; thống kê, lập biển đánh số trên mỗi cây to; đồng thời có các biện pháp kỹ thuật khôi phục trạng thái, đánh giá độ an toàn của từng loài cây xanh, thiết kế các giá đỡ phù hợp theo kích cỡ của cây xanh để tránh đổ cây, giảm thiểu rủi ro khi mưa to, gió lớn, bão táp, đặc biệt phòng chống các loại côn trùng gây hại cho cây.

    Cần có chương trình nghiên cứu, đảm bảo tính khoa học, tính phù hợp về cách thiết kế, bố trí lựa chọn các loài cây xanh trồng phù hợp với từng không gian sinh thái, đặc điểm thổ nhưỡng nhằm phát huy tối đa các chức năng sinh thái của cây xanh, nhất là cây cổ thụ, cây di sản Việt Nam, góp phần cải thiện chất lượng cuộc sống của cộng đồng thông qua cải thiện môi trường đất, nước, không khí, giảm tiếng ồn, giảm các loại bụi bẩn, bụi mịn.

    Phải tính toán nhu cầu cần và đáp ứng việc chăm sóc định kỳ đảm bảo cho cây phát triển tốt như việc tưới nước cho cây sao cho tiết kiệm, không lãng phí nguồn nước; bón phân đúng quy cách, đúng liều lượng; phát hiện sớm khi cây bị xâm hại bởi côn trùng (xén tóc, sâu đục thân cây, rễ cây...); thường xuyên kiểm tra những cây bị mục quá nặng, các cây bị rỗng ruột để đảm bảo không gây mất an toàn cho con người.

    Tùy điều kiện cụ thể của nơi có cây xanh, cây cổ thụ, cần tạo và giữ vùng mặt đất xung quanh gốc cây một khoảng không gian thông thoáng rộng tối thiểu bằng độ rộng hình chiếu thẳng đứng trên mặt đất của tán lá. Làm được điều này sẽ tạo điều kiện cho hệ rễ cây dễ dàng trao đổi không khí và tiếp nhận nguồn nước (nước mưa, nước tưới). Khi tôn tạo, tu sửa di tích hay hè đường phố, địa điểm công cộng tránh tối đa việc mở rộng công trình về phía cây xanh. Không đào bới, xới xáo sâu chạm vào rễ cây ở vùng mặt đất xung quang gốc cây.

    Không để úng nước ở vùng đất xung quanh gốc cây xanh, cây cổ thụ. Điều kiện úng nước sẽ thuận lợi cho các loại nấm gây bệnh thối rễ, lở cổ rễ (nấm Pvthium Spp, phytophthora spp) phát triển mạnh gây hại sự khỏe mạnh của cây. Hình thành cấu trúc một đội ngũ cán bộ sẵn có chuyên môn sâu về chăm sóc, chữa bệnh cây xanh thông qua đầu tư, đào tạo bài bản.

    Phát huy vai trò của cộng đồng dân cư trong bảo vệ quản lý, chăm sóc cây xanh vì mỗi cộng đồng dân bản địa có bản sắc, phong tục, tập quán, tín ngưỡng riêng đối với cây xanh, cây cổ thụ.

4. Kết luận

    Vào mùa Xuân năm 1958, Bác Hồ đã dặn “Nông dân muốn làm nhà tốt, vững chắc phải ra sức trồng cây”. Bác dạy phải tích cực trồng cây, bảo vệ chăm sóc cây trồng chu đáo, đúng kỹ thuật. Bác nhắc nhở mọi người rằng trồng cây xanh đã quan trọng, nhưng việc chăm sóc bảo vệ cây đã trồng càng quan trọng hơn để cây xanh tươi. Vì vậy, việc trồng mới, trồng lại cây bị ngã đổ hoặc chặt bỏ thay thế cây, chăm sóc, bảo tồn cây cần được nghiên cứu cân nhắc, tính toán chu đáo. Đây không chỉ là trách nhiệm của những người làm công tác quản lý cây xanh, quản lý đô thị mà cần phải có sự quan tâm liên kết trao đổi với các nhà nghiên cứu thực vật, các nhà kiến trúc đô thị, các nhà văn hóa nghệ thuật kể cả các cộng đồng bản địa am hiểu và có kinh nghiệm trong việc trồng, chăm sóc cây xanh, cây cổ thụ.

Đặng Huy Huỳnh

Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường số 9/2024)

Ý kiến của bạn