Banner trang chủ
Thứ Tư, ngày 22/01/2025

Bình Định: Tăng cường công tác thu gom, xử lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn tỉnh

13/09/2024

    Theo các số liệu thống kê, tổng lượng chất thải rắn sinh hoạt (CTRSH) phát sinh trên địa bàn tỉnh Bình Định năm 2023 đạt khoảng 1.051,45 tấn/ngày, gồm chất thải rắn đô thị (581,33 tấn/ngày) và CTRSH khoảng 470,12 tấn/ngày. Tỷ lệ CTRSH trên địa bàn tỉnh được thu gom năm 2023 đạt 74,7%, trong đó, tỷ lệ chất thải rắn đô thị được thu gom đạt 85,8%; tỷ lệ chất thải rắn nông thôn được thu gom đạt 61%. Đến tháng 8/2024, tỷ lệ CTRSH trên địa bàn tỉnh được thu gom đạt 80,28% trong đó, tỷ lệ CTRSH đô thị được thu gom đạt 90,63% (đạt so với chỉ tiêu Hội đồng nhân dân tỉnh giao là 90% - 95%), tỷ lệ CTRSH nông thôn được thu gom đạt 67,76%.

    Toàn tỉnh hiện có 5 doanh nghiệp, 9 đơn vị sự nghiệp công ích, 17 hợp tác xã và các cá nhân tham gia hoạt động thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt. Về trang thiết bị, toàn tỉnh hiện có 60 xe ép rác chuyên dụng; 54 xe tải các loại và 494 xe đẩy tay. Tần suất thu gom tại đô thị, dao động trung bình khoảng 3 - 5 lần/tuần (trừ nội thành thành phố Quy Nhơn đạt 7 lần/tuần). Đối với khu vực nông thôn, tần suất thu gom vẫn còn thấp, chỉ từ 2- 3 lần/tuần.

    Thời gian qua, công tác phân loại CTRSH được các cơ quan, đoàn thể ở địa phương quan tâm thực hiện. Trên địa bàn tỉnh đã và đang triển khai một số mô hình phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn tại thị xã Hoài Nhơn (khu phố Trung Lương, phường Bồng Sơn) và huyện Tây Sơn (khối phố Thuận Nghĩa, thị trấn Phú Phong) với hình thức thu gom và xử lý chất thải rắn thực phẩm theo cụm; Ngoài ra, một số xã, phường trên địa bàn thành phố Quy Nhơn tham gia chương trình phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn từ nguồn hỗ trợ của Chương trình UNDP tại Việt Nam. Tuy nhiên, chưa có mô hình chuẩn về phân loại triệt để thành 03 loại (chất thải thực phẩm, chất thải tái chế, chất thải khác) và kết nối đồng bộ với việc xử lý chất thải sau phân loại theo định hướng của Luật Bảo vệ môi trường năm 2020. Đồng thời, tại các địa phương, các hội đoàn thể đã triển khai nhiều mô hình phân loại rác tại các xã nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao với hình thức chủ yếu xử lý chất thải rắn sinh hoạt thực phẩm tại nhà. Riêng tại xã Phước Hưng và Phước Quang, huyện Tuy Phước triển khai mô hình thu gom xử lý chất thải rắn sinh hoạt thực phẩm theo cụm dân cư.

    Mặc dù công tác quản lý CTRSH được tỉnh Bình Định quan tâm đẩy mạnh trong những năm gần đây và đã thu được nhiều kết quả tích cực, nhưng vẫn còn nhiều khó khăn, vướng mắc trong công tác thu gom, xử lý CTRSH, nhất là ở khu vực nông thôn và thực hiện đồng bộ công tác phân loại CTRSH tại nguồn trên địa bàn toàn tỉnh kể từ năm 2025. Tỷ lệ, tần suất thu gom CTRSH tại một số địa phương chưa đạt yêu cầu, mục tiêu đặt ra tại Quyết định số 491/QĐ-TTg ngày 7/5/2018 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều chỉnh Chiến lược quốc gia về quản lý tổng hợp chất thải rắn đến 2025, tầm nhìn đến 2050 và Quyết định số 450/QĐ-TTg ngày 13/4/2022 phê duyệt Chiến lược bảo vệ quốc gia đến 2030, tầm nhìn đến 2050, cũng như chỉ tiêu Hội đồng nhân dân tỉnh đặt ra năm 2024. Cụ thể, tỷ lệ chất thải rắn nông thôn được thu gom, xử lý hiện đạt 67,76%, chưa đạt theo chỉ tiêu Hội đồng nhân dân tỉnh giao là 70% - 75%.

    Bên cạnh đó, khi thực hiện phân loại/tái chế CTRSH tại nguồn, cơ sở hạ tầng, trang thiết bị thu gom, lưu giữ, xử lý riêng rác thải sau khi phân loại chưa đồng bộ, còn hạn chế; các địa phương khó khăn lựa chọn địa điểm tập kết, trung chuyển CTRSH. Hạ tầng trang thiết bị, dụng cụ và phương tiện vận chuyển CTRSH chưa đồng bộ, năng lực của các đơn vị thu gom, vận chuyển tại cấp xã hạn chế và manh mún nên các địa phương khó khăn trong việc mở rộng địa bàn và tăng tần suất thu gom. Tại khu vực nông thôn hiện nay, việc thu gom rác mới tập trung tại các tuyến chính, trung tâm xã. Ngoài ra, theo quy định tại Điều 30, Thông tư số 02/2022/TT-BTNMT ngày 10/1/2022 của Bộ TN&MT quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật BVMT có quy định 2 hình thức thu giá dịch vụ thu gom, vận chuyển, xử lý CTRSH (đối với các hộ gia đình, cơ quan, tổ chức) theo khối lượng hoặc thể tích chất thải. Việc thu giá theo thể tích được thực hiện thông qua giá bán bao bì đựng CTRSH, nhưng hiện nay người dân đang tận dụng bao bì nhựa đã qua sử dụng để đựng CTRSH, trường hợp yêu cầu người dân mua bao bì đựng sẽ dẫn đến phát sinh thêm bao bì thải. Còn đối với hình thức thu giá thông qua việc cân xác định khối lượng CTRSH sẽ khó triển khai vì không đủ nhân lực thực hiện.

    Trên cơ sở những kết quả đã đạt được, tỉnh Bình Định đặt mục tiêu đến năm 2025, 95% CTRSH đô thị và 80% CTRSH nông thôn được thu gom, xử lý đảm bảo theo quy định; sử dụng phương pháp chôn lấp trực tiếp cho tối đa 30% chất thải rắn sinh hoạt đô thị và 50% CTRSH nông thôn được thu gom; đầu tư xây dựng mới cơ sở xử lý CTRSH phải đảm bảo tỷ lệ chôn lấp sau xử lý không quá 20%.

    Để đạt được mục tiêu đề ra, tỉnh đã chủ động thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, cụ thể như: Ban hành Quyết định số 924/QĐ-UBND ngày 28/03/2023 về kế hoạch quản lý CTRSH tỉnh Bình Định giai đoạn 2023 – 2025, định hướng đến năm 2030 và Kế hoạch số 200/KH-UBND ngày 4/12/2023 về tổ chức thực hiện việc phân loại CTRSH tại nguồn trên địa bàn tỉnh. Ngoài ra, hàng năm UBND tỉnh đều giao chỉ tiêu cụ thể về tỷ lệ thu gom, xử lý CTRSH khu vực đô thị và nông thôn đối với từng địa phương, đi đôi với hỗ trợ kinh phí mua xe chuyên dụng vận chuyển rác và kinh phí thực hiện công tác thu gom, xử lý rác. Mỗi địa phương có trách nhiệm xây dựng, ban hành Phương án chi tiết về quản lý CTRSH trên địa bàn để triển khai đảm bảo công tác thu gom, xử lý CTRSH đạt chỉ tiêu đề ra, nhất là đối với khu vực nông thôn. Mặt khác, tỉnh đã tổ chức nhiều hội thảo với các chuyên gia từ Bộ TN&MT cùng các tỉnh, thành phố, nhà đầu tư để chia sẻ kinh nghiệm nhằm định hướng rõ nét hơn cho kế hoạch và lộ trình thực hiện công tác quản lý CTRSH trên địa bàn tỉnh theo quy định của Luật BVMT năm 2020 và góp phần cải thiện chất lượng môi trường tỉnh Bình Định theo hướng Xanh - Sạch - Đẹp, là điểm đến và là địa phương đáng sống ở Việt Nam.

Phạm Văn Ngọc

Ý kiến của bạn