Banner trang chủ
Thứ Tư, ngày 22/01/2025

Việt Nam hướng tới tăng trưởng toàn diện và bền vững

15/09/2015

     Ngày 5/12/2013, tại Hà Nội, Diễn đàn đối tác phát triển Việt Nam đã diễn ra với chủ đề “Thiết lập quan hệ đối tác mới: Hướng tới cạnh tranh, tăng trưởng toàn diện và bền vững”. Phát biểu tại Diễn đàn, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng khẳng định, trong 20 năm qua, từ một “Quốc gia nhận tài trợ”, Việt Nam đã trở thành “Quốc gia đối tác phát triển”.      Trao đổi về vấn đề kinh tế - xã hội của Việt Nam trong 3 năm qua (2011 - 2013), Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho biết, kinh tế Việt Nam đang phục hồi với tốc độ tăng trưởng cao hơn. Năm 2013, GDP đạt 5,4%, bình quân 3 năm 2011 - 2013 tăng 5,6%, đưa quy mô nền kinh tế đạt gần 176 tỷ USD, thu nhập bình quân đầu người khoảng 1.960 GDP. Dự kiến, GDP năm 2014 tăng khoảng 5,8% và năm 2015 tăng 6%. Từ năm 2011 - 2013, Việt Nam đã thực hiện tốt mục tiêu kiềm chế lạm phát, giảm từ mức 18,13% xuống còn khoảng 6% (năm 2013), thấp nhất trong 10 năm qua.            Tăng cường quản lý tài nguyên, BVMT và chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu (BĐKH) là một trong những nội dung trọng tâm được Thủ tướng đề cập. Theo đó, trong giai đoạn 2011 - 2013, Việt Nam đã triển khai các chương trình mục tiêu quốc gia về quản lý tài nguyên, khắc phục ô nhiễm và cải thiện môi trường, ứng phó với BĐKH. Từ năm 2014 - 2015, Việt Nam sẽ thực hiện Luật Đất đai (sửa đổi) và các văn bản pháp luật liên quan; Quản lý, khai thác và sử dụng tài nguyên khoáng sản hiệu quả, tiết kiệm; Thúc đẩy phát triển, sử dụng năng lượng mới, năng lượng tái tại; Nâng cao chất lượng dự báo, chủ động ứng phó, giảm thiểu thiệt hại của thiên tai và tác động của BĐKH, nước biển dâng; Thực hiện một số vấn đề cấp bách trong lĩnh vực BVMT, bảo vệ, phát triển rừng; Cải thiện chất lượng môi trường và điều kiện sống của người dân; Đồng thời, tăng cường hợp tác với các tổ chức quốc tế và các nước trong khu vực để sử dụng hiệu quả, bền vững nguồn nước sông Mê Kông.      Trình bày Tuyên bố chung “Hệ thống quản lý môi trường hiệu quả nhằm hướng tới phát triển bền vững và năng lực cạnh tranh quốc tế cho Việt Nam”, Thứ  trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà cho biết, hiện nay, Bộ TN&MT đang chủ trì việc sửa đổi Luật BVMT, dự kiến sẽ được thông qua trong năm 2014. Với những nỗ lực đáng ghi nhận của Bộ TN&MT, nhiều nội dung sửa đổi đã được đưa vào bản Dự thảo cuối cùng, như phạm vi tác động của Luật đã được mở rộng ra ngoài thềm lục địa của Việt Nam và các khu vực đặc quyền về kinh tế ở ngoài biển. Luật sửa đổi cũng nhấn mạnh vào phương pháp tiếp cận phòng ngừa hơn là hướng khắc phục các vấn đề về môi trường. Ngoài ra, những điểm mới về tăng cường trách nhiệm giải trình của các cơ quan quản lý nhà nước về môi trường cũng như sự tham gia của các bên liên quan ở cấp cơ sở cũng được phản ánh vào Dự thảo Luật sửa đổi.      Trong bối cảnh Việt Nam đang hướng tới hội nhập kinh tế và tăng tính cạnh tranh trong khu vực cũng như quốc tế (như tham gia Hiệp định Đối tác Vùng Thái Bình Dương (TPP) vào năm 2015 và trở thành nước công nghiệp vào năm 2020), việc tăng cường năng lực thực thi Luật và thể chế cho một hệ thống quản lý môi trường hợp lý là vô cùng quan trọng.  Để thực hiện được điều này, Bộ TN&MT nhận thấy có hai vấn đề then chốt cần được giải quyết, đó là việc tăng cường năng lực và sự phối hợp giữa cơ quan quản lý cả cấp Trung ương lẫn địa phương và việc đẩy mạnh sự tham gia của cộng đồng trong hoạt động quản lý và BVMT. “Bộ TN&MT và các đối tác phát triển cam kết cùng hợp tác giải quyết hai vấn đề này cũng như các ưu tiên khác của phái Việt Nam được xác định thông qua việc tiếp tục thực hiện đối thoại chính sách tại diễn đàn Nhóm hỗ trợ quốc tế về TN&MT (ISGE) do Bộ TN&MT chủ trì và điều phối. Chính phủ Việt Nam cùng các Bộ, ngành cam kết vượt qua những thách thức này để thực hiện phát triển bền vững cho Việt Nam”,  Thứ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà khẳng định.      Trao đổi về lĩnh vực TN&MT, bà Victoria Kwakwa, Giám đốc Quốc gia của Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam đánh giá cao việc sửa đổi Luật BVMT. Theo bà, việc cần làm hiện nay là phối hợp hành động tốt hơn nữa trong công tác nâng cao hiệu suất sử dụng năng lượng và đặt ra mục tiêu giảm nhẹ phát thải khí nhà kính. Chính phủ Việt Nam cần tiếp tục thực hiện chương trình cải cách, nhằm hỗ trợ các mục tiêu quốc gia ưu tiên về khí hậu và tăng trưởng xanh; Đồng thời gấp rút hành động hướng tới mục tiêu giảm hàm lượng các bon, xây dựng chiến lược lồng ghép tại các vùng dễ bị ảnh hưởng.   Theo Monre    
Ý kiến của bạn