Banner trang chủ
Thứ Năm, ngày 23/01/2025

Việt Nam cần thúc đẩy hợp tác với các nước trong khu vực về quan trắc thủy ngân

15/09/2015

  Ông David Gay - chuyên gia của NADP        Theo Báo cáo của Chương trình Môi trường Liên hợp quốc, các hoạt động của con người đã làm tăng hàm lượng thủy ngân trong khí quyển lên 3 lần so với thời kỳ tiền công nghiệp (khoảng năm 1750) và nhận định rằng sự phát thải thủy ngân toàn cầu có thể tăng đến 25% vào năm 2020 nếu như chúng ta không có biện pháp kiểm soát chặt chẽ. Trong khuôn khổ Hội thảo Mạng lưới quan trắc thủy ngân châu Á - Thái Bình Dương được tổ chức tại Hà Nội, Tạp chí Môi trường đã có cuộc trao đổi với ông David Gay, chuyên gia của Chương trình Giám sát Khí quyển quốc gia Mỹ (NADP) về thực trạng ô nhiễm thủy ngân ở châu Á và quan hệ hợp tác trong lĩnh vực quan trắc thủy ngân tại khu vực châu Á- Thái Bình Dương.      Xin ông cho biết, thực trạng ô nhiễm thủy ngân ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương hiện nay?      Ông David Gay: Thủy ngân được thải ra môi trường làm ô nhiễm không khí, đất và xâm nhập vào nguồn nước. Trong môi trường nước, đặc biệt là nước biển, thủy ngân từ dạng vô cơ ít độc hơn sẽ bị chuyển hóa thành dạng thủy ngân hữu cơ (methyl thủy ngân) rất độc hại. Cũng như các chất ô nhiễm hữu cơ khó phân hủy (POP), thủy ngân cũng có tính chất lan truyền rộng và tích lũy sinh học theo chuỗi thức ăn, do đó rất nguy hiểm ngay cả khi phát thải ở nồng độ thấp. Con người bị phơi nhiễm thủy ngân do việc ăn cá có nhiễm độc thủy ngân ở các con sông, suối và biển. Sự nhiễm độc thủy ngân có thể gây nên những thương tổn cho trung tâm thần kinh với các triệu chứng như run rẩy, giảm sút trí nhớ, tê liệt, nói lắp, tổn thương não, gan… và thậm chí có thể dẫn đến tử vong. Thủy ngân dễ bay hơi nên luôn có mặt trong không khí. Các đồng vị nhẹ của thủy ngân thường tập trung nhiều hơn trong khí quyển vùng núi lửa và suối nước nóng với nồng độ đến 0,02 mg/m³. Thủy ngân đi vào môi trường như một chất gây ô nhiễm không khí từ các ngành công nghiệp khác nhau: Trong các nhà máy sử dụng than làm nhiên liệu để sản xuất điện; Sản xuất clo, thép, phốt-phát, vàng; Luyện kim; Sản xuất và sửa chữa các thiết bị điện tử…      Thống kê cho thấy, hàng năm có khoảng 7.000 tấn thủy ngân phát thải ra môi trường, trong đó có khoảng 30 - 55% lượng thủy ngân phát thải vào khí quyển. Các nhà máy nhiệt điện phát thải khoảng 150 tấn thủy ngân mỗi năm, khoảng 1/3 lượng thủy ngân này có nguồn gốc từ các nhà máy than nhiệt điện của Mỹ, Trung Quốc và các nước châu Á. Các hoạt động khác như: đốt rác thải nguy hại, rác thải bệnh viện, các cơ sở luyện kim và luyện thép… cũng phát thải một lượng lớn thủy ngân vào không khí. Hiện nay, châu Á là khu vực phát thải thủy ngân vào khí quyển nhiều nhất. Nếu các nước châu Á không sớm thực hiện các biện pháp hạn chế sử dụng thủy ngân thì lượng thủy ngân trong khí quyển sẽ còn tăng trong vài năm tới. Vì vậy, để giảm thiểu ô nhiễm thủy ngân trong môi trường và bảo vệ sức khỏe con người, việc tăng cường hợp tác hoạt động quan trắc thủy ngân là rất quan trọng đối với các nước trong khu vực này.   Các nhà máy than nhiệt điện phát thải khoảng 150 tấn thủy ngân hàng năm, trong đó có 1/3 lượng thủy ngân phát thải từ Mỹ, Trung Quốc và châu Á        Ông có thể giới thiệu đôi nét về NADP và ý nghĩa của việc thành lập Mạng lưới quan trắc thủy ngân khu vực châu Á - Thái Bình Dương?      Ông David Gay: Năm 1977, Trạm thí nghiệm nông nghiệp Mỹ (SAES) đã triển khai dự án mang tên NADP, để đo lường không khí tích tụ và nghiên cứu ảnh hưởng của nó đối với môi trường.      Đến năm 1978, các trạm quan trắc hóa chất trong mưa của NADP đã đi vào hoạt động, với mục đích cung cấp các thông tin, cơ sở dữ liệu về số lượng, xu hướng và phân bố địa lý của các axít, các chất dinh dưỡng và lượng mưa. Đến nay, NADP đã trở thành một mạng lưới giám sát khí quyển lớn, có phạm vi trên khắp Bắc Mỹ, với khoảng 200 thành viên (bao gồm các trạm thí nghiệm nông nghiệp Mỹ, Bộ Nông nghiệp Mỹ, 7 cơ quan liên bang, 30 tiểu bang, nhiều doanh nghiệp, tổ chức xã hội và cộng đồng). Hiện NADP đang tập trung chủ yếu vào việc đo mức ô nhiễm của 12 chất trong không khí, trong đó có thủy ngân. Chương trình tiến hành nhiều phương pháp đo với khoảng 350 địa điểm trên khắp Bắc Mỹ, một điểm tại Đài Loan và một điểm ở Nam Mỹ. Các nhà khoa học sẽ sử dụng mẫu đo được để phân tích về lượng thủy ngân trong mưa và mức độ độc hại của chúng để đưa ra các khuyến cáo cho cộng đồng.      Trước yêu cầu về kiểm soát ô nhiễm thủy ngân trên toàn cầu, năm 2013, các nước trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương đã họp với nhau và quyết định thành lập Mạng lưới thử nghiệm quan trắc thủy ngân. Mới đầu, Mạng lưới được thiết kế để quan trắc thủy ngân trong mưa, trong đó tập trung chủ yếu vào khu vực Đông Nam Á (Thái Lan, Inđônêxia và Việt Nam), với sự hỗ trợ của một số quốc gia như Đài Loan, Nhật Bản, Hàn Quốc và Cục BVMT Mỹ. Mục đích thành lập Mạng lưới là để giám sát sự lắng đọng của thủy ngân trong mưa, trên cơ sở đó đánh giá và kiểm soát sự phát tán, vận chuyển của thủy ngân lỏng. Việc quan trắc bắt đầu được tiến hành từ tháng 9/2014. Các thành viên trong Mạng lưới được NADP hướng dẫn các phương pháp, kỹ thuật quan trắc thủy ngân, lấy mẫu đất, nước và sinh vật theo tiêu chuẩn quốc tế, phân tích và đánh giá mức độ ô nhiễm môi trường của thủy ngân… Hiện nay, NADP đang thúc đẩy hợp tác với các nước châu Á về quan trắc hơi thủy ngân trong môi trường không khí, trong đó có Việt Nam. Thời gian tới, Mạng lưới sẽ tiếp tục mở rộng hợp tác với nhiều nước khác trong khu vực để nâng cao hiệu quả công tác quan trắc thủy ngân.      Việt Nam đã tham gia Công ước Minamata về thủy ngân vào tháng 10/2013. Để thúc đẩy năng lực quan trắc thủy ngân, Việt Nam cần triển khai các biện pháp gì, thưa ông? Thời gian tới, NADP có kế hoạch gì để hỗ trợ Việt Nam trong công tác kiểm soát ô nhiễm thủy ngân?      Ông David Gay: Việt Nam là một trong những thành viên sáng lập của Mạng lưới quan trắc thủy ngân khu vực châu Á - Thái Bình Dương và đã thử nghiệm quan trắc thủy ngân. Mới đây, NADP đã cung cấp và chuyển giao cho Việt Nam một thiết bị quan trắc để đo mức thủy ngân trong mưa, đồng thời, chia sẻ kinh nghiệp cho Trung tâm Quan trắc Môi trường về các phương pháp, cách thức, kỹ thuật quan trắc thủy ngân, các nghiên cứu về thủy ngân trong mưa. Được biết, hiện nay, Việt Nam đang tiếp tục thực hiện các hoạt động quan trắc, giám sát môi trường với quy mô rộng lớn. Với diện tích tương đối lớn, nên mức lắng đọng thủy ngân trong mưa tại Việt Nam là khác nhau trên toàn quốc. Do đó, cần phải có nhiều điểm quan trắc hơn để đo được lượng thủy ngân phát tán trong môi trường như thế nào. Ngoài ra, Việt Nam cũng cần nâng cao năng lực quan trắc thủy ngân trong không khí để đáp ứng yêu cầu của Mạng lưới quan trắc thủy ngân khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Để làm được điều này, Việt Nam cần trang bị thêm một số thiết bị quan trắc thủy ngân hiện đại hơn.      Việc tham gia vào Mạng lưới quan trắc thủy ngân giúp Việt Nam có thêm các công cụ pháp lý để thực hiện việc kiểm soát ô nhiễm thủy ngân trong không khí cũng như thúc đẩy sự hợp tác với các nước trong khu vực về quan trắc thủy ngân. Mạng lưới sẽ hỗ trợ Việt Nam thực hiện các phương pháp đo, tuy nhiên, cần huy động kinh phí để mua các trang thiết bị mới phục vụ công tác quan trắc thủy ngân. Đặc biệt, Việt Nam cần xây dựng các tiêu chuẩn, quy chuẩn môi trường và tăng cường các biện pháp kiểm tra, giám sát thực hiện quan trắc. Đồng thời, thường xuyên trao đổi và hợp tác với các thành viên trong Mạng lưới để thúc đẩy năng lực giám sát, ngăn chặn sự phát tán thủy ngân trên toàn khu vực châu Á.      Trong thời gian tới, Chương trình sẽ tiếp tục cung cấp thông tin cho Việt Nam trên tất cả các khía cạnh liên quan đến hoạt động giám sát, phân tích, xác định nguồn, các mô hình quan trắc thủy ngân và các biện pháp để giảm thiểu thủy ngân, cũng như sự phối hợp trong công tác kiểm soát ô nhiễm thủy ngân giữa các quốc gia. Bên cạnh đó, chúng tôi sẽ giới thiệu và giúp Bộ TN&MT Việt Nam liên lạc với các chuyên gia về kiểm soát ô nhiễm thủy ngân từ các ngành công nghiệp cũng như những ngành khác. Mục tiêu của chúng tôi là giúp các nước trong Mạng lưới hiểu được thực trạng ô nhiễm thủy ngân ở khu vực châu Á, trong đó có Việt Nam, để có thể kiểm soát chặt chẽ thủy ngân trong phạm vi đất nước và hỗ trợ cho việc thực thi đầy đủ và hiệu quả Công ước Minamata.      Xin cảm ơn ông!               P. Tâm (Thực hiện) Nguồn: Tạp chí Môi trường, số 10/2014    
Ý kiến của bạn