Banner trang chủ
Thứ Năm, ngày 23/01/2025

Vai trò của giám sát xã hội đối với hoạt động bảo vệ môi trường

15/09/2015

     Giám sát xã hội      Trong hệ thống chính trị nước ta hiện nay có hai loại giám sát là giám sát mang tính quyền lực nhà nước (Quốc hội, Hội đồng nhân dân) và giám sát xã hội mang tính quyền lực nhân dân (Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, tổ chức kinh tế, phương tiện thông tin đại chúng và các cá nhân, cộng đồng…). Trong đó, giám sát xã hội mang tính quyền lực nhân dân với tư cách là chủ thể của quyền lực nhà nước đối với tổ chức và thực hiện quyền lực nhà nước là một trong những điều kiện quan trọng, nhằm bảo đảm quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân.      Trong công tác BVMT, công tác giám sát xã hội về BVMT của cộng đồng có vai trò quan trọng trong quản lý môi trường các cấp, có tính quyết định đối với sự nghiệp BVMT. Đến nay, chưa có một khái niệm chính thức về giám sát xã hội trên lĩnh vực BVMT, tuy nhiên trên khía cạnh giám sát xã hội của cộng đồng có thể hiểu giám sát xã hội về BVMT là việc xem xét, đánh giá hiệu quả và năng lực thực hiện công tác BVMT của chính quyền các cấp cũng như của tổ chức, cá nhân tại địa phương trong cả nước từ đó có những khuyến nghị và triển khai biện pháp can thiệp kịp thời để tăng cường hiệu quả BVMT.      Vai trò của giám sát xã hội đối với hoạt động BVMT      Ở Việt Nam, cộng đồng dân cư đều nằm trong các tổ chức, đoàn thể chính trị xã hội hoặc xã hội nghề nghiệp như: Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Hội Phụ nữ, Hội Nông dân, Hội Cựu chiến binh, Đoàn Thanh niên Cộng sản HCM, Trung tâm Con người và Thiên nhiên (PANNATURE), Viện Tư vấn phát triển (CODE), Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên (EVN), Trung tâm nghiên cứu Môi trường và Cộng đồng (CECR)... Các tổ chức này đã tham gia giám sát vào BVMT và có vai trò tích cực trong việc giám sát BVMT, trong đó phải kể đến các vai trò sau đây:      Vai trò phát hiện, tố giác      Vai trò của cộng đồng trong phát hiện, tố giác hành vi vi phạm pháp luật về môi trường được quy định trong hệ thống pháp luật quốc gia. Những cộng đồng tự quản ở địa phương mà các thành viên đều là lực lượng nhân dân, họ đóng vai trò quan trọng trong việc bảo vệ và giám sát môi trường, phát hiện những sai phạm của việc thực thi pháp luật về BVMT. Họ có quyền tố giác những vi phạm về BVMT mà các tổ chức sản xuất, kinh doanh gây ra. Do đó, vai trò phát hiện, tố giác của cộng đồng dân cư sống xung quanh các cơ sở sản rất quan trọng. Cộng đồng dân cư sẽ phản ánh rõ nét, kịp thời, chính xác các hành vi vi phạm về BVMT của các tổ chức sản xuất, kinh doanh... Họ có vai trò như một công cụ răn đe cho các doanh nghiệp, tổ chức sản xuất thực hiện công tác BVMT.   Liên hiệp các Hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam tích cực thực hiện nhiệm vụ tư vấn, phản biện và giám sát xã hội về BVMT        Cùng với vai trò tố giác của cộng đồng là vai trò hành động tập thể để cải thiện tình hình, chẳng hạn việc đệ đơn kiện tập thể, thay mặt cho một nhóm xã hội (chẳng hạn như phụ nữ, trẻ em, người già) hay một cộng đồng, dân cư, lên chính quyền địa phương hay tòa án về những vi phạm nghiêm trọng đối với môi trường. Các tổ chức cộng đồng ở địa phương đã và đang làm tốt vai trò này thông qua mạng lưới các tình nguyện viên, chẳng hạn qua vụ Tung-Kuang và Ve-dan... Sự tham gia của cộng đồng đã mang lại những kết quả tích cực cho BVMT.      Vai trò vận động và tư vấn chính sách      Vai trò tư vấn, khuyến nghị của các tổ chức xã hội (TCXH) được xác lập trong các quy định tại Mục d, Điều 150 của Luật BVMT 2014. Theo đó các tổ chức, cá nhân đều được khuyến khích thúc đẩy phát triển dịch vụ BVMT với chức năng bao gồm tư vấn, đào tạo, cung cấp thông tin về môi trường. Với vai trò là một kênh thông tin quan trọng của cơ chế dân chủ trong (BVMT), các TCXH không chỉ phản ánh đơn thuần về những vi phạm đối với pháp luật BVMT mà còn đưa ra những kiến nghị, đề xuất cho việc xử lý và giải quyết các vấn đề về BVMT. Thông qua các TCXH, người dân có thể bày tỏ ý kiến của mình vào việc đưa ra những quyết định chính trị, chính sách, chương trình và kế hoạch về BVMT ở địa phương và cấp quốc gia.      Rõ ràng, việc vận động và tư vấn các chính sách phù hợp, điều chỉnh những bất cập, bổ sung quy định còn thiếu, nhằm đảm bảo công tác giám sát, công tác BVMT được thực thi một cách minh bạch, trung thực... góp phần hoàn thiện quy định, chính sách, công cụ quản lý môi trường.      Vai trò giáo dục, phổ biến, tuyên truyền      Các TCXH có vai trò quan trọng trong việc tham gia giáo dục, phổ biến, tuyên truyền pháp luật BVMT. Luật BVMT tạo hành lang pháp lý cho các tổ chức và cá nhân tham gia vào BVMT nói chung và giáo dục, phổ biến, tuyên truyền về BVMT nói riêng được quy định tại Khoản 2, Điều 5 và 155, Luật BVMT 2014. Luật này cũng quy định Nhà nước cần phải ưu tiên đào tạo nguồn nhân lực cho BVMT, đồng thời khuyến khích tổ chức, cá nhân tham gia đào tạo nguồn nhân lực BVMT... Tuy nhiên, việc phổ biến, tuyên truyền và giáo dục lâu dài và phổ thông cho mọi tầng lớp xã hội nói chung và các tổ chức sản xuất, kinh doanh và dịch vụ nói riêng không thể thiếu vai trò của các TCXH. Vai trò và nhiệm vụ của các TCXH trong lĩnh vực BVMT còn được tái khẳng định trong những điều lệ về hội của các TCXH này. Chẳng hạn, Điều 4 của Điều lệ Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam đã khẳng định Hội có nhiệm vụ “tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức và phổ biến kiến thức về bảo vệ thiên nhiên và môi trường trong nhân dân, góp phần đưa nội dung bảo vệ tài nguyên môi trường vào chương trình giảng dạy trong các trường học”… Đây cũng là một trong những nhiệm vụ cơ bản của hầu hết các TCXH liên quan đến BVMT. Trong đó, phải kể đến vai trò của Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên của Việt Nam (EVN), là một trong những TCXH đã thể hiện tốt vai trò phát hiện, tố giác những sai phạm về môi trường cũng như giáo dục, tuyên truyền nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi BVMT.      Bên cạnh những kết quả đạt được, hạn chế lớn nhất của các TCXH hiện nay là nguồn lực và năng lực thực hiện các hoạt động, chương trình.      Về tổng thể, tiếng nói của các TCXH chưa thực sự có trọng lượng, sự ảnh hưởng còn hạn chế. Đôi khi do không có nguồn kinh phí tự chủ, hay nguồn lực hạn chế nên tiếng nói và sự tác động đến quá trình chính sách và giám sát BVMT của các TCXH còn hạn chế, không có vị thế trong việc tham gia vào những vấn đề, dự án lớn liên quan đến môi trường. Cùng với việc chưa có một tổ chức hay liên minh thống nhất của các TCXH, kể cả trong lĩnh vực giám sát BVMT, do đó các TCXH chưa tạo ra một tiếng nói thống nhất và có ảnh hưởng đối với các vấn đề lớn liên quan đến môi trường và phát triển bền vững (PTBV).      Các TCXH chưa thực sự được tham gia sâu rộng vào toàn bộ quá trình hoạch định và thực thi chính sách, cũng như giám sát việc thực thi ấy. Sự tham gia của họ vào quá trình chính sách chưa trở thành cơ chế rõ rệt và chưa mang tính chế tài và thực thi cao.      Khung pháp luật, chính sách chưa đồng bộ và hoàn thiện về tổ chức và hoạt động của các TCXH nói chung, cũng như liên quan đến các TCXH trong giám sát BVMT nói riêng, đã ảnh hưởng đến sức mạnh của TCXH. Chẳng hạn, chưa có luật tiếp cận thông tin, luật về hội... Vai trò của cộng đồng, bảo đảm quyền tham gia của người dân trong giám sát BVMT chưa được huy động đầy đủ.      Một số giải pháp nhằm nâng cao vai trò của giám sát xã hội đối với hoạt động BVMT      Để giải quyết những vấn đề hạn chế còn tồn tại trên, cần thực hiện hàng loạt các biện pháp, nhất là các biện pháp cụ thể, trực tiếp liên quan đến cộng đồng với những đặc trưng cần được xác định rõ ràng hơn cho lĩnh vực BVMT. Cụ thể:      Hoàn thiện khung pháp luật và chính sách về tổ chức và hoạt động của các TCXH nói chung, cũng như liên quan đến các TCXH trong giám sát BVMT nói riêng, nhằm đảm bảo sức mạnh của các TCXH trong phát huy vai trò giám sát xã hội về BVMT;      Cần khuyến khích, hỗ trợ và tạo điều kiện thuận lợi cho việc thành lập và hoạt động của các TCXH ở cấp cơ sở, đặc biệt trong lĩnh vực BVMT, xóa đói giảm nghèo và phát triển cộng đồng. Bên cạnh đó, các TCXH nên tập trung vào tính chuyên nghiệp và chuyên môn hóa lĩnh vực ưu tiên, quan tâm như: khoáng sản (CODE), thiên nhiên (PanNature), nước (WARECOD), sông ngòi (VNR), ao hồ (CECR), động vật hoang dã (ENV)... Đây chính là nền tảng để tạo lập được vị trí và vai trò trong giám sát BVMT.      Đồng thời, các TCXH muốn hoạt động hiệu quả trong lĩnh vực vận động và tư vấn chính sách cần xây dựng được mối quan hệ tin tưởng, xây dựng và hợp tác chặt chẽ với những chủ thể hoạch định và thực thi chính sách, bao gồm các tổ chức và cá nhân đại diện cho nhà nước; bên cạnh đó cần đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu độc lập để cung cấp luận cứ khoa học vững chắc, thuyết phục cho hoạt động tư vấn chính sách liên quan đến môi trường.   Trần Thị Giang, Tạ Thùy Linh Viện Khoa học Môi trường Nguồn: Tạp chí Môi trường, số 1+2/2015
Ý kiến của bạn