Banner trang chủ
Thứ Sáu, ngày 24/01/2025

Thái Nguyên ứng dụng mô hình xử lý nước thải chăn nuôi sau biogas

15/09/2015

   Cùng với sự phát triển của các ngành kinh tế, những năm gần đây, ngành chăn nuôi của tỉnh Thái Nguyên đã và đang phát triển nhanh chóng về chất lượng và quy mô. Loại hình trang trại có xu hướng ngày càng phát triển, trong đó chăn nuôi lợn chiếm tỷ lệ lớn nhất.    Theo thống kê của Sở NN&PTNT tỉnh Thái Nguyên tính đến năm 2012, trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên có gần 300 trại chăn nuôi lợn quy mô từ nhỏ đến lớn với tổng quy mô đàn lợn trên toàn tỉnh khoảng gần 55.000 con, trong đó có gần 20 trang trại có quy mô trên 1.000 con tập trung ở các huyện Phổ Yên, Phú Bình, Đồng Hỷ, thị xã Sông Công, dự đoán số lượng các trang trại chăn nuôi sẽ tăng lên trong thời gian tới.    Qua các đợt kiểm tra về công tác BVMT trên địa bàn tỉnh cho thấy, phần lớn các trang trại chăn nuôi lợn trên địa bàn tỉnh đều chưa có hệ thống xử lý chất thải (XLCT) đảm bảo vệ sinh môi trường. Nước thải chăn nuôi của các trang trại, hộ chăn nuôi sau khi xử lý sơ bộ chủ yếu thải ra môi trường các ao, hồ và các khe tự nhiên không qua xử lý.    Hiện nay hầu hết các trang trại chăn nuôi trên địa bàn tỉnh đều áp dụng biện pháp XLCT chăn nuôi bằng bể biogas với khoảng 30% số cơ sở chăn nuôi đã xây dựng hệ thống XLCT bằng bể biogas, trong đó có 2 trang trại đã đầu tư hệ thống xử lý khí sinh học có phủ bạt. Việc xử lý qua bể biogas chỉ phù hợp với hộ chăn nuôi nhỏ lẻ; tại các trang trại chăn nuôi quy mô lớn, hầu hết dung tích hệ thống biogas chưa đáp ứng được lưu trình xử lý và lưu lượng xả thải dẫn đến nước thải sau xử lý còn hàm lượng các chất ô nhiễm hữu cơ và vi sinh cao. Do vậy, đối với các trang trại chăn nuôi lớn cần phải có phương pháp công nghệ XLCT tối ưu hơn.   Mô hình XLCT chăn nuôi sau biogas đầu tiên được ứng dụng trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên      Xuất phát từ  thực tế trên, để lựa chọn được công nghệ phù hợp và đạt hiệu quả cho việc XLCT chăn nuôi của các trang trại góp phần triển khai thực hiện công tác BVMT trên địa bàn tỉnh, Sở TN&MT Thái Nguyên đã thăm quan thực tế, xem xét một số mô hình ở một số tỉnh/thành phố và tổ chức hội thảo lấy ý kiến các ngành: NN&PTNT, Khoa học và Công nghệ, Tài chính... nhằm đánh giá, lựa chọn công nghệ XLCT chăn nuôi sau biogas.    Qua đó, tỉnh Thái Nguyên chọn công nghệ Saibon của Nhật Bản. Đây là công nghệ được cấp bằng sáng chế và ứng dụng rộng rãi tại nhiều trang trại chăn nuôi gia súc tại Nhật Bản. Công nghệ Saibon xử lý phân và nước thải sau chăn nuôi lợn đảm bảo tiêu chuẩn loại B, QCVN 01-79:2011/BNNPTNT. Trong thực tế, khi áp dụng công nghệ Saibon tại Nhật Bản đã mang lại hiệu quả rất cao, chi phí vận hành và sửa chữa thấp, phù hợp với điều kiện các quy mô trang trại tại tỉnh.    Thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Thái Nguyên năm 2013, Sở TN&MT được UBND tỉnh giao triển khai thực hiện nhiệm vụ xây dựng mô hình thí điểm ứng dụng XLCT chăn nuôi sau xử lý biogas.    Đồng thời, Sở TN&MT đã triển khai thực hiện lập báo cáo kinh tế kỹ thuật dự án và đã được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 453/QĐ-UBND ngày 10/3/2014. Đây là dự án thí điểm công nghệ phù hợp XLCT chăn nuôi lợn sau biogas quy mô trang trại nhằm xử lý nước thải đạt tiêu chuẩn loại B, QCVN 01-79:2011/BNNPTNT để nhân rộng áp dụng trên địa bàn tỉnh. Địa điểm triển khai dự án là trang trại chăn nuôi lợn sạch siêu nạc Phúc Thịnh (xã Hóa Trung, huyện Đồng Hỷ). Đây là trang trại có quy mô chăn nuôi lớn (gần 4.000 đầu lợn), đã áp dụng công nghệ xử lý khí sinh học có phủ bạt nhưng hiệu quả xử lý không cao và đang có nhu cầu ứng dụng mô hình XLCT chăn nuôi sau biogas.    Sau hơn một năm triển khai, đến nay công trình đã hoàn thành việc xây lắp và đang trong giai đoạn vận hành thử nghiệm. Khi hoàn thành giai đoạn lắp đặt các thiết bị,  Sở TN&MT đã mời chuyên gia Nhật Bản đến để kiểm tra, rà soát đánh giá việc thi công lắp đặt và các thiết bị sử dụng tại công trình, đồng thời trong quá trình triển khai dự án các chuyên gia Nhật Bản vẫn đang tiếp tục cung cấp hướng dẫn vận hành công trình và hỗ trợ kỹ thuật với chủ trang trại và đơn vị tư vấn thiết kế.    Đây là một trong những mô hình XLCT chăn nuôi sau biogas đầu tiên được ứng dụng trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên. Sau khi vận hành thử nghiệm mô hình thành công, Sở TN&MT sẽ tiếp tục đề xuất UBND tỉnh nhân rộng mô hình trên địa bàn, qua đó góp phần làm giảm thiểu ô nhiễm không khí và nguồn nước của các trang trại chăn nuôi, nâng cao chất lượng môi trường của tỉnh Thái Nguyên. Đồng thời, kiến nghị Bộ TN&MT xem xét hợp tác với Nhật Bản để ứng dụng rộng rãi công nghệ Saibon XLCT nhằm góp phần giải quyết bài toán xử lý ô nhiễm môi trường tại các trang trại chăn nuôi tại các địa phương hiện nay. Trần Thị Hương Chi cục BVMT tỉnh Thái Nguyên (Nguồn: Tạp chí Môi Trường số 5/2015)
Ý kiến của bạn