Banner trang chủ
Thứ Sáu, ngày 24/01/2025

Thành lập Tòa án môi trường để bảo vệ sức khỏe con người là cần thiết

15/09/2015

     Theo thống kê sơ bộ của Bộ Y tế, hàng năm Việt Nam có tới gần 5 triệu người mắc các bệnh về đường hô hấp, trong đó có khoảng 75% - 80% trường hợp ung thư liên quan đến thói quen sinh hoạt và môi trường sống. Viện trưởng Viện Nghiên cứu ung thư, PGS.TS Trần Văn Thuấn cho biết, chỉ tính riêng bệnh ung thư phổi, nếu như năm 2000 chỉ có khoảng 6.900 ca thì đến năm 2014 con số này đã tăng lên trên 18.000 ca và dự báo đến năm 2020 là trên 23.000 ca. Riêng Bệnh viện K trong khoảng 5 năm gần đây, trung bình mỗi năm có khoảng 150.000 bệnh nhân ung thư mới phát hiện và khoảng 70.000 người chết vì căn bệnh này. Nguyên nhân là do ô nhiễm môi trường nghiêm trọng từ hoạt động sản xuất của các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu chế xuất và nước thải sinh hoạt. Đa số các khu công nghiệp chưa đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung hoặc có xây dựng thì hầu hết đều không vận hành vì chi phí cho công tác này khá tốn kém.   Ô nhiễm môi trường tại huyện Nho Quan, tỉnh Ninh Bình. (Ảnh: TTXVN)        Tại Hội thảo quốc gia phòng chống ung thư do Bộ Y tế tổ chức gần đây, Cục trưởng Cục Quản lý chất thải và cải thiện môi trường (Tổng cục Môi trường) Nguyễn Thượng Hiền thừa nhận, hầu hết cộng đồng dân cư lân cận các khu công nghiệp đang phải đối mặt với thảm họa về môi trường. Nhiều khu công nghiệp không có hệ thống xử lý nước thải mà xả thải trực tiếp ra môi trường, qua kiểm tra có những khu vực, hàm lượng nồng độ ô nhiễm trong nước gấp 30 lần tiêu chuẩn cho phép. Đây là hồi chuông cảnh báo đối với Việt Nam hiện nay.      Bên cạnh những lợi ích góp phần phát triển kinh tế - xã hội chung, các khu công nghiệp đã để lại những hệ lụy đối với môi trường. Theo thống kê của Tòa án Nhân dân tối cao, trong khoảng 5 năm trở lại đây, có tới 84% đơn thư là tố cáo,khiếu nại, tranh chấp môi trường; 15% đơn thư khiếu nại và 1% kiến nghị, tiêu biểu là những vụ khiếu kiện, khiếu nại liên quan đến việc một số Công ty như Vedan, Miwon, San Miguel Pure Foods xả chất thải ra môi trường, gây tổn hại về kinh tế cho nông dân trồng lúa và nuôi trồng, đánh bắt thủy sản... Tuy nhiên, thời gian qua, các tranh chấp về môi trường được giải quyết bằng hành chính, dân sự, kinh tế, hình sự, các con đường này mới chỉ dừng lại ở mức xử lý hành chính nên các vi phạm về môi trường không được giải quyết triệt để và có chiều hướng gia tăng. Kết quả thống kê công tác xét xử đối với các tội phạm môi trường cho thấy, số vụ án về tội phạm môi trường được đưa ra xét xử tập trung vào 2 tội danh, đó là hủy hoại rừng và vi phạm các quy định về bảo vệ động vật hoang dã quý, hiếm. Do vậy, vi phạm về môi trường đang là vấn đề “nóng” nhưng khởi kiện ra tòa án để yêu cầu bồi thường thiệt hại về môi trường rất khó, do thiếu căn cứ pháp lý và cơ chế khiếu kiện trong lĩnh vực môi trường chưa rõ ràng, Phó cục trưởng Cục Kiểm soát hoạt động BVMT (Tổng cục Môi trường) Hoàng Văn Vy nhấn mạnh.      Trước thực trạng trên, các chuyên gia cho rằng, để giải quyết bồi thường thiệt hại liên quan đến ô nhiễm môi trường, bên cạnh sự tham gia của các nhà khoa học, cơ quan quản lý nhà nước và các đoàn thể xã hội, nghề nghiệp, cần tính đến việc khởi kiện ra tòa án. Ngay thời điểm này, việc thành lập Tòa án chuyên trách về môi trường là cần thiết, cấp bách, bởi tòa án môi trường là bước đi cụ thể nhằm triển khai có hiệu quả các chủ trương, quan điểm của Đảng và pháp luật của Nhà nước về BVMT, đồng thời, là cơ hội để Việt Nam thực hiện các cam kết quốc tế về BVMT.      Ở góc độ nhà quản lý, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường, Bộ TN&MT Hoàng Dương Tùng cho rằng, việc thành lập Tòa án môi trường không chỉ góp phần khắc phục những trở ngại trước mắt của công tác BVMT, xử lý nghiêm, dứt điểm các hành vi gây ô nhiễm môi trường mà còn phù hợp với mô hình tổ chức tòa án của nhiều nước trên thế giới.   Nhật Minh
Ý kiến của bạn