Banner trang chủ
Thứ Sáu, ngày 24/01/2025

Tọa đàm chia sẻ kinh nghiệm truyền thông về PCB

15/09/2015

     Nhằm nâng cao kiến thức, bổ sung thông tin, chia sẻ kinh nghiệm, góp phần nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền về các hợp chất hữu cơ khó phân hủy (POP/PCB, hóa chất độc hại); Giới thiệu các kết quả/sản phẩm của Dự án Quản lý PCB tại Việt Nam cũng như một số hoạt động liên quan khác của Bộ TN&MT và Bộ Công Thương... Ngày 12/6/2015, tại TP. Đà Nẵng, Ban Quản lý Dự án  Quản lý PCB tại Việt Nam đã tổ chức Tọa đàm Chia sẻ kinh nghiệm truyền thông về hóa chất độc hại/PCB cho các nhà báo.   Toàn cảnh buổi Tọa đàm        Phát biểu khai mạc Tọa đàm, ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó Giám đốc Ban Quản lý Dự án Quản lý PCB tại Việt Nam cho biết, PCB/POP là hợp chất có đặc tính độc hại cao, bền vững, tích tụ trong mô mỡ của sinh vật sống, có khả năng phát tán trên diện rộng, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khoẻ con người và môi trường. Theo thống kê, trên thế giới đã sản xuất khoảng 1,3 triệu tấn PCB nhưng chỉ có 4% bị phân hủy, 31% tồn tại trong môi trường. Việt Nam không trực tiếp sản xuất PCB nhưng lại nhập khẩu và sử dụng hợp chất này trong dầu cách điện của máy biến áp, tụ điện trong dầu công nghiệp và phụ gia cho chất dẻo. Ước tính hiện Việt Nam còn khoảng hàng chục nghìn tấn dầu nghi nhiễm PCB.     Thực hiện kế hoạch Hành động quốc gia do Thủ tưởng Chính phủ phê duyệt, Dự án “Quản lý PCB tại Việt Nam” do Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường (Tổng cục Môi trường), Cục Kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp (Bộ Công Thương) và Tập đoàn Điện lực Việt Nam chủ trì, phối hợp với các tổ chức, cá nhân liên quan thực hiện đã chính thức được triển khai từ tháng 3/2010 với sự hỗ trợ của Quỹ Môi trường toàn cầu thông qua Ngân hàng Thế giới. Mục tiêu của Dự án nhằm giảm thiểu phát thải PCB vào môi trường, loại bỏ việc sử dụng PCB trong các thiết bị, máy móc từ nay đến năm 2020 và tiêu huỷ an toàn PCB đến năm 2028.      Sau gần 5 năm thực hiện, Dự án đã đạt được những kết quả khả quan về hoàn thiện khung pháp lý quản lý PCB và Kế hoạch hành động quốc gia về quản lý PCB; Trình diễn quản lý PCB an toàn tại các địa điểm được lựa chọn; Tăng cường năng lực cho các bên liên quan trong việc thực hiện quản lý PCB cũng như nâng cao nhận thức của cộng đồng, mở rộng hệ thống thông tin quản lý PCB.       Tại buổi Tọa đàm, các đại biểu đã tập trung thảo luận về nhu cầu thông tin; Những thuận lợi, khó khăn và giải pháp nhằm đẩy mạnh, nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền về PCB/POP, hóa chất độc hại... Đa số các đại biểu cho rằng, để nâng cao hiệu quả công tác truyền thông trong thời gian tới, Ban quản lý Dự án cần tạo điều kiện cho phóng viên thường xuyên được tham dự các hội nghị, hội thảo về các loại hóa chất độc hại, từ đó có những bài viết phản ảnh đúng và kịp thời về sự nguy hại của PCB đến toàn thể cộng đồng; Đưa các nội dung liên quan đến PCB vào các chương trình lồng ghép... Về phía Ban Quản lý Dự án, theo các chuyên gia, các nhà báo cần có kiến thức cơ bản để thông tin trong bài viết mang tính chất hai chiều, được kiểm duyệt chặt chẽ, làm thế nào để công tác tuyên truyền vừa mang lại hiệu quả, vừa không gây sốc cho cộng đồng...   Các đại biểu tham quan kho lưu trữ 3 MBA có chứa PCB tại Công ty Điện lực Đà Nẵng        Chiều cùng ngày, các đại biểu đã tham quan kho lưu trữ PCB của Công ty Điện lực Đà Nẵng. Được biết, từ năm 2007, Công ty đã tham gia Dự án Quản lý và thải loại PCB trong các hệ thống điện theo cách thân thiện với môi trường - Dự án thí điểm tại Việt Nam do Viện Tài nguyên Môi trường thực hiện. Qua kiểm tra 105 máy biến áp (MBA), 18 máy cắt điện tại Công ty đã phát hiện 3 MBA có chứa PCB và dán nhãn cảnh báo nhiễm PCB. Từ đó, Công ty đã xây dựng nhà kho riêng biệt đảm bảo điều kiện để lưu trữ 3 MBA này.   Thu Hằng  
Ý kiến của bạn